2-3-2022
Vào sáng ngày 28 tháng 2, tên lửa Grad của Nga đã được dội vào trung tâm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế-ICC, Karim Khan, cho biết ông đang mở cuộc điều tra về các sự kiện ở Ukraine vì “có cơ sở hợp lý để tin rằng cả hai tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đã được thực hiện [ở đó]. ” Một câu hỏi lớn được đặt ra, liệu có cơ hội đưa Vladimir Putin hoặc các sĩ quan quân đội của ông ta ra trước công lý quốc tế không?
Các chuyên gia công pháp quốc tế đều cho rằng Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế ở Ukraine. ICC có hiệu lực vào năm 2002 để truy tố 4 tội phạm chính: diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác xâm lược. Theo quy chế của ICC, tội phạm chiến tranh bao gồm cố ý giết người, cố ý gây ra đau khổ lớn và hủy hoại và chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là những “vi phạm nghiêm trọng” đối với Công ước Geneva mà Nga đã ký kết.
Các quy tắc của ICC quy định rằng cả hai bên tranh chấp – kẻ xâm lược cũng như nạn nhân – phải chấp nhận quyền tài phán của tòa án. Ukraine thì có. Còn Nga thì sao?
Năm 2000, Nga đã ký Công ước Rome thành lập ICC, nhưng nước này đã rút lại chữ ký vào năm 2016 sau khi tòa án phân loại việc sáp nhập Crimea là một hành động chiếm đóng lãnh thổ có chủ quyền. Vì vậy Nga đã chính thức không còn “công nhận” tòa án nữa. Điều đó không loại trừ việc công tố viên sẽ không thể khởi kiện hoặc phát lệnh bắt giữ, nếu có được yêu cầu từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc buộc Nga phải đối diện với tòa án. Trớ trêu thay, hiện Nga có quyền phủ quyết ở đó vì vẫn giữ vị trí là một trong năm thành viên thường trực của hội đồng.
Vậy là, Ukraine và các nước phương Tây đang kêu gào trục xuất Nga ra khỏi UN Security Council.
Điều này thì không dễ. Tuy nhiên, kể cả chưa bứng được Nga khỏi UN thì cũng không phải là kết thúc của vấn đề về mặt pháp lý. Ngay cả khi công tố viên của ICC có thể không khởi kiện, cuộc điều tra tội phạm chiến tranh — giả sử nó được tiến hành — có thể làm sâu sắc thêm sự cô lập ngoại giao với Nga. Nó cũng có thể mở ra các con đường pháp lý khác chống lại Putin.
Một số quốc gia châu Âu có cái gọi là “quyền tài phán phổ quát/universal jurisdiction” cho phép họ khởi kiện một người nào đó bất kể quốc tịch của thủ phạm hay nơi xảy ra tội ác. Ví dụ, Đức đã đưa hiệp ước ICC vào luật trong nước và đã kết tội ít nhất ba người (không phải công dân Đức) vì liên quan đến tội ác diệt chủng ở Rwanda và Bosnia. So với sự khủng khiếp của chiến trường, các cuộc tranh giành trong tòa án có vẻ gần như tầm thường, nhưng vẫn là một cách tốt để bảo vệ các nước bị xâm lăng. Viễn cảnh đối mặt với các cáo buộc pháp lý có thể ngăn cản một số lính lác của Putin không dám tuân lệnh như đánh bom khu vực thường dân/trường học chẳng hạn.
Và nếu, cuộc xâm lược Ukraine thất bại và dẫn đến việc lật đổ ông Putin, thì toà án hình sự quốc tế sẽ sẵn sàng chờ đón tên độc tài điên khùng này. Ready to serve!
P/S: Ở Việt Nam hiện đang có một nguồn bằng chứng giả (link google drive được đám phò Putin tung khắp mạng) rêu rao Ukraine phạm tội diệt chủng với người Nga ở vùng Donbass. Chuyện này không được cả Toà án Hình sự Quốc tế lẫn Toà Án Công lý Quốc tế xác nhận.