Anders Corr
Các phóng viên phương Tây lặp lại tuyên truyền của ĐCSTQ, vốn trái ngược hẳn với cuộc xâm lược lãnh thổ của Nga.
Thay vì đưa những tin tức hay ho về phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin, thì các phóng viên phương Tây lại không ngừng hùa theo những thông tin nguy hiểm trong lời tuyên truyền của Bắc Kinh, giả dụ như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ủng hộ hòa bình, chủ quyền nhà nước, và toàn vẹn lãnh thổ, và rằng những thứ được gọi là các chính sách của Bắc Kinh này không hiểu vì sao lại trái ngược hẳn với cuộc xâm lược của Moscow.
Nhưng sự thật hoàn toàn không như vậy, nếu người ta xem xét lịch sử trường kỳ về những cuộc xâm chiếm lãnh thổ được quân phiệt hóa của ĐCSTQ, bước khởi đầu của họ là từ Xô Viết Giang Tây 1931-1934, đến Diên An bắt đầu năm 1935, Bắc Kinh năm 1949, Đông Turkestan (nay là Tân Cương) năm 1950, và Tây Tạng năm 1951.
Từ năm 1964 đến năm 1969, lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã cố gắng chiếm lãnh thổ của Liên Xô, nhưng bị quân đội đẩy lui. Năm 1974, Trung Quốc đã giao tranh ở phía Nam Việt Nam (khi đó là đồng minh với Hoa Kỳ) và chiếm quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông (South China Sea). Khi đó hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cũng ở gần đó, nhưng thật không may họ đã không hỗ trợ. Nếu chúng ta ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc từ trong trứng nước, thì chúng ta chắc chắn sẽ mở ra những trang sử thuận hòa hơn.
Năm 1988, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sát hại những người lính Hải quân Việt Nam trên Bãi Gạc Ma ở Biển Đông, rồi sau đó xây dựng một hòn đảo nhân tạo để thiết lập một căn cứ quân sự. Năm 1995, Trung Quốc đã chiếm Đá Vành Khăn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và xây dựng một căn cứ quân sự lớn, ngang nhiên vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Năm 2009, trong một công hàm gửi tới tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh tuyên bố toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình. Năm 2012, Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay ngư dân Philippines.
Tôi đã đến thăm bãi cạn này vào năm 2016 và tận mắt chứng kiến Hải cảnh Trung Quốc (CCG) đang đe dọa mạng sống của các nhà hoạt động người Philippines khi họ cố gắng bơi đến một tảng đá trên bãi cạn này để cắm một lá cờ. CCG đã lùi những chiếc xuồng máy về phía những người đang bơi này, họ phải bơi ra hướng khác để tránh những chiếc xuồng này. CCG đã tìm cách ngăn chặn và đe dọa buộc họ phải trở về chiếc thuyền đánh cá mà chúng tôi đã đến. Những chiếc xuồng có khung thép lớn này của CCG cũng tiến đến cách chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ nhỏ hơn của chúng tôi vài thước, cố tình lắc lư dữ dội để đuổi chúng tôi. Tôi đã quay lại toàn bộ cảnh tượng đó bằng máy ảnh.
Gần đây hơn, PLA đã chiếm đóng lãnh thổ Himalaya bên trong hai khu vực biên giới của Ấn Độ và Bhutan. Bhutan là một quốc gia nhỏ bé dựa vào Ấn Độ để phòng thủ, và Ấn Độ đã cố gắng giảm leo thang các cuộc xâm lược của PLA bằng cách đánh trả mà không sử dụng vũ khí trong các trận hỗn chiến trên sườn núi. Cuối cùng, Trung Quốc duy trì liên hệ mật thiết với Taliban, và các nhóm khủng bố kiểm soát lãnh thổ ở Miến Điện (Myanmar).
Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979
Năm 1979, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã mở một cuộc chiến tấn công Việt Nam vì cuộc xâm lược của Campuchia và liên minh mới chớm nở với Liên Xô. Việt Nam đã đẩy lùi quân đội Trung Quốc, nhưng trong quá trình [giao tranh] này Bắc Kinh đã cố gắng dịch chuyển đường biên giới một chút về phía nam, chiếm một số địa điểm chiến lược, bao gồm cả những đỉnh núi mà hai bên đã từng giao tranh.
Theo những nguồn tin mà tôi biết ở Việt Nam, lấy ví dụ, Trung Quốc đã chiếm hai phần ba thác Bản Giốc, cộng với ngọn đồi phía bắc giáp với thác nước này, và một số khu đất tại cửa khẩu Hữu Nghị. Cột mốc biên giới nằm ở phía nam của thác, như tôi đã tận mắt kiểm chứng trong một chuyến đi đến đó vào năm 2015.
Giáo sư Carlyle Thayer của trường Đại học New South Wales xác nhận trong một email, “Có những mảnh đất nhỏ được Trung Quốc giữ lại vì lý do chiến thuật” sau cuộc chiến năm 1979.
Tuy nhiên, ông Thayer lại hoài nghi về những lời tuyên bố từ một số nguồn tin của tôi rằng Trung Quốc có một thuộc địa bên trong Việt Nam từ năm 1975 đến 1977 với khoảng 3,000 người, và đã thành lập một chính phủ khác tồn tại song song ở trung tâm chiến lược huyện Bảo Lạc. Ngày nay, Trung Quốc cũng làm điều tương tự này ở Miến Điện, vì vậy các tuyên bố trên nên được điều tra kỹ càng hơn nữa.
Giảng viên Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu-Thái Bình Dương đã viết trong một email: “Sau cuộc chiến đó, người Trung Quốc rút về phía bắc của đường biên giới trước năm 1979 ở hầu hết các khu vực. Nhưng họ đã giành được một số khu đất. Đây là một số địa điểm chiến lược dọc theo đường biên giới hai nước, hầu hết đã được hợp pháp hóa thành lãnh thổ của Trung Quốc trong Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1999.”
Ông Vuving viết rằng [thác] Bản Giốc và cửa khẩu Hữu Nghị “là một trong những địa điểm tranh chấp mà Việt Nam nhượng cho Trung Quốc trong hiệp ước biên giới năm 1999. Tôi không thấy bằng chứng về việc Trung Quốc chiếm đóng những nơi này về mặt quân sự nhưng dường như họ đã kiểm soát các khu vực đó sau chiến tranh biên giới. Hai địa danh này mang tính biểu tượng hơn là chiến lược. Có một số cao độ chiến lược dọc theo biên giới nơi hai bên tranh giành quyền kiểm soát trong suốt những năm 1980. Hầu hết các khu vực đó cũng đã được nhượng cho Trung Quốc trong hiệp ước biên giới trên đất liền.”
Nơi nào sẽ bị xâm lược kế tiếp?
Có vẻ như tham vọng lãnh thổ của ĐCSTQ, từ việc đánh chiếm tỉnh Giang Tây năm 1931 cho đến lần chiếm lãnh thổ gần đây nhất trên dãy Himalaya, là không có giới hạn. Mục tiêu tiếp theo nào sẽ nằm trên thớt của Trung Quốc đây? Quần đảo Senkaku của Nhật Bản ư? Toàn bộ Đài Loan ư? Hay là toàn bộ Bhutan?
Bây giờ quân đội của Nga đang dồn toàn lực vào cuộc chiến ở Ukraine, liệu Trung Quốc có thể chiếm được vùng viễn đông bị lơ là phòng vệ của Nga không? Năm 1964, ông Mao được cho là đã phàn nàn về việc Nga chiếm đất ở phía đông Hồ Baikal, một dải lãnh thổ rộng bằng khoảng một phần ba nước Nga ngày nay. Liệu một tuyên bố như vậy có thể được sử dụng làm cơ sở cho một cuộc xâm lược của Trung Quốc trong tương lai hay không?
Vậy còn bán đảo Triều Tiên thì sao? Vào năm 2017, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng đã thuyết phục Tổng thống đương thời Donald Trump rằng cả hai miền Triều Tiên từng thuộc về Trung Quốc. Liệu ông ta có phải là đang thử xem phản ứng của [ông Trump] trước một tuyên bố lịch sử mà một ngày nào đó có thể dẫn đến một cuộc xâm lược hay không?
Không ai biết được Trung Quốc hay Nga sẽ làm gì tiếp theo, bởi vì hai nhà độc tài ấy thay đổi câu chuyện một cách rất cơ hội tùy thuộc vào những gì họ nghĩ rằng họ có thể thực hiện vào lúc này. Điều chắc chắn là Liên Xô trong quá khứ, và Trung Quốc ngày nay, đều có tham vọng bá chủ toàn cầu.
Các phóng viên phương Tây sa lưới tuyên truyền của ĐCSTQ
Sau khi tự mình nghiên cứu và tận mắt chứng kiến chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc, thật không may khi đọc được [các bản tin] của các phóng viên [truyền thông] chính thống phương Tây, được coi là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, lặp đi lặp lại mà không có bất kỳ sự cẩn trọng, quan điểm phê phán, hay bối cảnh nào, ĐCSTQ tuyên bố rằng Bắc Kinh ủng hộ “toàn vẹn lãnh thổ”.
Các ví dụ gần đây, dường như gây ra bởi sự đứt kết nối thấy rõ giữa tuyên truyền ủng hộ “toàn vẹn lãnh thổ” của Bắc Kinh với sự ủng hộ âm thầm của họ đối với cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin bắt đầu từ Crimea vào năm 2014, và tiếp tục theo cách thức bạo lực và kéo dài hơn ngày nay, có thể được tìm thấy trong một bài báo xuất sắc của New York Times và Financial Times.
Hôm 26/02, một phóng viên của New York Times đã gọi Bắc Kinh là “một người ủng hộ kiên định về độc lập chủ quyền,” điều mà cô ấy nói đối lập với cuộc xâm lược của Nga. Các phóng viên khác đã tiếp tục chủ đề tương tự này vào ngày hôm sau.
Hôm 27/02, trên tờ New York Times, một phóng viên thứ hai đã tuyên bố rằng “chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ [là] một nguyên lý lâu đời trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.”
Cùng ngày hôm đó, tờ Financial Times cũng đề cập đến “chính sách ủng hộ hòa bình và ổn định toàn cầu của Bắc Kinh.”
Không có điều nào trong số này gần với sự thật, như lịch sử trước đó đã ghi nhận rõ ràng, hoặc gần đây nhất là thái độ ủng hộ của ông Tập đối với cuộc xâm lược của Nga. Không có sự tương phản giữa ông Tập và ông Putin về điểm này. Cả hai người họ đều muốn cướp đoạt lãnh thổ, và cả hai đều phủ nhận điều đó. Trung Quốc đã liên tục xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và hòa bình toàn cầu của các nước láng giềng của mình nói riêng và toàn bộ Á Châu nói chung, đồng thời tuyên bố rằng họ có quyền làm như vậy. Ông Putin cũng đang đi theo chiến lược tương tự ở Ukraine.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt, đó là ông Tập có quyền lực và khôn khéo hơn ông Putin một chút. ĐCSTQ phát triển mạnh mẽ bằng cách tạo ra hoặc lợi dụng xung đột giữa những nước khác, rồi tranh thủ bước vào khoảng trống quyền lực [mà xung đột đó tạo ra].
Điều này đã đúng kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949 sau khi chính phủ Quốc Dân Đảng của Trung Quốc kiệt quệ trong cuộc chiến chống Đế quốc Nhật Bản. ĐCSTQ phần lớn là nghỉ tay gác kiếm, ngồi nhìn họ giao tranh ở Diên An, và sau đó chiếm Bắc Kinh khi thời cơ chín muồi.
Ông Tập cũng có thể làm điều tương tự với Nga, sau khi khuyến khích nước này tự hủy diệt mình ở Ukraine.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Thiện Lan biên dịch