Chuyên gia: nguy hiểm tiềm tàng khi Nga chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân

An Liên

Nhà máy điện hạt nhân (Ảnh: pixabay)

Việc Nga tấn công quân sự vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về những hậu quả mà nó mang lại.

Vào ngày 4/3, một tòa nhà trong khu vực của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine đã bốc cháy dưới làn đạn pháo của Nga. Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, cộng đồng quốc tế đã lên án vụ tấn công của Nga và bày tỏ lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn.

CNN hôm 4/3 dẫn lời ban điều hành và quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho biết tình hình hiện tại ở đó là “rất căng thẳng và đầy thách thức”.

Trước những hậu quả nguy hiểm, hiện có quan điểm cho rằng mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tốt hơn trước vụ nổ xảy ra tại nhà máy Chernobyl năm 1986.

Tuy nhiên, một phân tích khác cho rằng, mặc dù các lò phản ứng hạt nhân hiện đại mạnh hơn nhưng chúng không được thiết kế để đối phó với các cuộc tấn công quân sự và chưa có cuộc thử nghiệm liên quan nào được thực hiện. Điều đáng lo ngại là Nga đã mở rộng hành vi gây hấn bằng bạo lực đối với các cơ sở hạt nhân, đây là điều đáng sợ, một điều hiếm thấy trong những năm gần đây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài đăng trên Facebook: “Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới đã nổ súng vào một nhà máy điện hạt nhân, điều chưa từng có tiền lệ”.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị quân Nga chiếm đóng

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã tweet vào thứ Sáu (4/3): “Quân đội Nga đang bắn từ mọi hướng vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu”.

Ông Rafael Mariano Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, một số lượng lớn xe tăng và binh sĩ Nga đã xông vào khu vực Enerhodar, cách nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vài km và một tòa nhà ở khu vực nhà máy đã bị tấn công và bốc cháy một phần, nhưng không có lò phản ứng hạt nhân nào gần tòa nhà bị cháy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài đăng trên Facebook: “Các xe tăng Nga được trang bị camera nhiệt đang bắn vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Họ làm việc đó có chủ đích và chuẩn bị”.

Sau đó, Cơ quan Thanh tra Quy định Hạt nhân Ukraine (SNRI) ra thông báo cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị quân Nga chiếm đóng, nhưng cơ quan này vẫn liên hệ với các nhà quản lý nhà máy điện hạt nhân.

Energoatom, công ty điện hạt nhân của Ukraine, cho biết tòa nhà hành chính và các trạm kiểm soát của nhà máy nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga và các nhân viên đang làm việc để đảm bảo nhà máy hoạt động ổn định.

Hậu quả nguy hiểm của việc quân đội Nga đối chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho biết nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phát nổ, nó sẽ có sức công phá lớn hơn Chernobyl gấp mười lần. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng đó sẽ là sự kết thúc của châu Âu.

Một số chuyên gia ngay lập tức nhận định rằng sẽ không có vụ nổ hạt nhân, vì nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia về cơ bản khác với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nhà máy phát nổ ở Chernobyl sử dụng lò phản ứng nước sôi điều chế bằng than chì dạng ống áp lực của Liên Xô cũ, trong khi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sử dụng lò phản ứng nước điều áp (VVER).

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết các thông báo chính thức của Ukraine cho thấy mức độ bức xạ nền bình thường và cuộc tấn công của Nga không ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi lò phản ứng không có khả năng phát nổ, một cuộc tấn công quân sự ở đó có thể dẫn đến những hậu quả khác.

Joseph Cirincione, một nhà khoa học tại Trung tâm Quincy Institute for Responsible Statecraft, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, cho biết “mối quan tâm thực sự là điện và hệ thống ống nước”.

Ông Cirincione lấy sự cố hạt nhân năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản làm ví dụ, lúc đó bản thân lò phản ứng hạt nhân còn nguyên vẹn nhưng bị mất điện, máy bơm nước không thể bơm nước làm mát.

Thông tin công khai cho thấy sau sự cố mất điện của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, các máy bơm không thể hoạt động và không thể bơm nước làm mát vào lõi và bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng, nó không thể lấy đi nhiệt từ nhiên liệu hạt nhân; bởi vì nhiên liệu hạt nhân vẫn tạo ra nhiệt phân hủy rất lớn sau khi tắt máy. Nếu quá trình phun nước không được tiếp tục, lõi sẽ bắt đầu cháy rỗng, và cuối cùng nhiên liệu hạt nhân sẽ tan chảy do nhiệt của chính nó

Ông Cirincione nói: “Tôi chưa nghĩ chúng ta đã thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, chúng ta phải đảm bảo quân đội Nga biết họ đang làm gì”.

Robin Grimes, giáo sư vật lý vật liệu tại Đại học Hoàng gia London, cho biết các lò phản ứng hạt nhân hiện đại đủ mạnh để chịu được những cú sốc nghiêm trọng như động đất, nhưng không được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công bằng vũ khí.

Ông tin rằng mặc dù một vụ tai nạn hạt nhân tương tự như Chernobyl là khó xảy ra, nhưng các cuộc thử nghiệm liên quan (về một cuộc tấn công quân sự) đã không được thực hiện trước đó, vì vậy nó không phải là hoàn toàn bất khả thi.

“Một cuộc tấn công quân sự gần nhà máy hạt nhân là rất sốc và liều lĩnh. Ngay cả khi quân đội Nga không nhắm vào nhà máy hạt nhân, chúng ta đều biết rằng đạn pháo trong chiến tranh là ‘không có mắt’”, ông Grimes nói.

Ngoài ra, Ukraine phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, tổng cộng có 4 nhà máy điện hạt nhân, 15 lò phản ứng hạt nhân.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng hạt nhân và cung cấp trung bình 1/5 lượng điện hàng năm của Ukraine. Nếu nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp năng lượng cho hàng triệu người dân Ukraine.

Hơn nữa, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã không tồn tại từ lâu nằm ở khu vực phía bắc của Ukraine và đã bị quân đội Nga chiếm đóng vào ngày đầu tiên của cuộc xâm lược (24/2).

Oksana Markarova, Đại sứ Ukraine tại Mỹ cho biết, hơn 90 công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bị bắt làm con tin sau khi quân đội Nga chiếm đóng.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động sau vụ nổ Tổ máy số 4 gây ra sự cố hạt nhân vào năm 1986. Nhưng công việc xây dựng và khôi phục vẫn đang được tiến hành ở đó để giảm nguy cơ rò rỉ hạt nhân trong tương lai.

Theo Epoch Times

Related posts