Tổng thống Ukraine Zelensky chỉ trích quyết định không thiết lập vùng cấm bay của NATO, trong khi Mỹ cảnh báo vùng cấm bay ở Ukraine sẽ khiến xung đột lan rộng ở châu Âu.
NATO từ chối đề xuất lập vùng cấm bay ở Ukraine
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 4/3 cho biết liên minh quân sự này sẽ không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, không có máy bay nào hoạt động trong không phận Ukraine, và cũng sẽ không điều động binh sĩ tới nước này giữa căng thẳng với Nga.
Mặc dù vậy, ông Stoltenberg nói rằng NATO cam kết sẽ trợ giúp Ukraine bằng cách khác.
“Chúng tôi kêu gọi Tổng thống [Nga Vladimir] Putin dừng cuộc chiến, rút lực lượng vũ trang vô điều kiện và cam kết giải pháp ngoại giao”, Tổng thư ký NATO phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/3, sau cuộc họp của các ngoại trưởng thành viên NATO.
“Với tư cách là các đồng minh NATO, chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn cuộc chiến này leo thang vượt khỏi lãnh thổ Ukraine bởi điều đó sẽ còn nguy hiểm và tàn khốc hơn”, ông Stoltenberg tuyên bố. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo sau cuộc họp song phương tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, vào ngày 10/12/2021. (John Thys / AFP qua Getty Images)
Trước đó, khi quân Nga tiến công vào nhiều thành phố của Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Mỹ và đồng minh thiết lập vùng cấm bay tại quốc gia này. Tuy nhiên Mỹ đã khước từ đề xuất này do họ không thể mạo hiểm đưa quân vào một cuộc xung đột với Nga.
Ukraine chê NATO ‘yếu đuối, lúng túng’
“Hôm nay có một hội nghị NATO, một hội nghị yếu đuối, một hội nghị lúng túng, một hội nghị mà rõ ràng không phải ai cũng coi cuộc chiến giành tự do cho châu Âu là mục tiêu số một”, Tổng thống Zelensky phát biểu trên truyền hình sau cuộc họp của các ngoại trưởng NATO.
“Hôm nay, lãnh đạo của NATO đã bật đèn xanh cho việc ném bom thêm vào các thành phố và làng mạc của Ukraine, vì họ đã từ chối thiết lập vùng cấm bay”, nhà lãnh đạo Ukraine chỉ trích.
“Chúng tôi tin rằng các nước NATO đã tự tạo ra một câu chuyện rằng việc đóng cửa không phận Ukraine sẽ kích động sự tấn công trực tiếp của Nga vào NATO. Đây là sự tự thôi miên của những người yếu đuối, bất an trong lòng và bất chấp thực tế rằng họ sở hữu vũ khí mạnh hơn Ukraine gấp nhiều lần”, hãng tin CNN trích lời Tổng thống Zelensky. Ảnh chụp trong một video Tổng thống Ukraine phát biểu trước quốc gia ngay sau nửa đêm được đăng tải trên Twitter ngày 25/2/2022.
Vì sao NATO không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine?
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã tham dự cuộc họp của NATO, cảnh báo việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine sẽ khiến xung đột lan rộng ở châu Âu.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, để thực thi vùng cấm bay, NATO sẽ phải triển khai máy bay chiến đấu đến Ukraine và phải sẵn sàng bắn hạ những máy bay của Nga xâm phạm. Điều đó sẽ châm ngòi cho xung đột “toàn diện” ở châu Âu.
Ukraine, một nước từng thuộc Liên Xô (cũ), đã tìm kiếm tư cách thành viên NATO – điều mà phía Nga cho là đặt ra sự đe dọa đến an ninh nước này vì sẽ mở đường cho vũ khí NATO áp sát biên giới Nga.
Hiện nay, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine chủ yếu là viện trợ vũ khí phòng thủ và hàng hóa nhân đạo, gây sức ép kinh tế lên Nga.
Úc sẽ không đưa quân đến Ukraine
Cũng trong ngày 4/3, Úc, một đồng minh khác của Mỹ, cũng đã lên tiếng bác bỏ khả năng tham chiến ở Ukraine.
Cụ thể, Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã khẳng định nước này “không có ý định tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.” Thay vào đó, Úc sẽ tập trung “hỗ trợ Ukraine thông qua viện trợ quân sự và trừng phạt Nga.”
Sputnik dẫn lời bà Payne cho biết, Úc đã điều một máy bay quân sự C-17 chở viện trợ đến cho Ukraine, và sẽ phân bổ 35 triệu AUD (25,7 triệu USD) hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và các quốc gia láng giềng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine.
Úc cũng ủng hộ làn sóng trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga khi tiến hành phong tỏa tài khoản ngân hàng sở hữu 45 triệu AUD của một pháp nhân Nga trong danh sách trừng phạt, theo Ngoại trưởng Payne.