Chuyên gia: Các biện pháp trừng phạt khó có thể buộc Nga sớm đổi ý xâm lược

Daniel Y. Teng

Một binh sĩ Ukraine vào vị trí ngắm bắn trên khẩu pháo phòng không ZU-23-2 tại chiến tuyến, phía đông bắc Kyiv, Ukraine, hôm 03/03/2022. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images)

Bắc Kinh “lo lắng” về cuộc xâm lược Ukraine.

Hai chuyên gia về chính sách ngoại giao từ Đại học Curtin, Úc, tin rằng các biện pháp trừng phạt phối hợp và những hành động tẩy chay đối với Nga sẽ không giúp ích được gì nhiều trong việc dập tắt cuộc xâm lược Ukraine hiện thời hay là thúc đẩy vòng trong của Vladimir Putin loại bỏ ông ta.

Trong tuần qua, các quốc gia dân chủ đã cùng nhau hành động, tung ra một làn sóng trừng phạt nhằm gia tăng sức ép đối với giới tinh hoa Nga với mục đích chấm dứt cuộc xâm lược vào nước láng giềng.

Một số biện pháp bao gồm loại bỏ các tổ chức tài chính của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT — không thể thiếu cho việc chuyển tiền giữa các quốc gia; phong tỏa tài sản của những nhà tài phiệt Nga; hạn chế phi cơ Nga tiếp cận không phận Âu Châu, Mỹ, và Canada; và ngăn không cho Ngân hàng Trung ương của Moscow tiếp cận nguồn dự trữ tiền tệ ở ngoại quốc.

Các công ty, quỹ hưu trí, và các tổ chức bất vụ lợi cũng đã đóng góp thông qua các hoạt động tẩy chay thị trường Nga dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo ông Joseph Siracusa, giảng viên bán thời gian về ngoại giao quốc tế, mặc dù các biện pháp này là chưa từng có tiền lệ, nhưng kết quả thực tế có thể đến chậm.

Ông nói với The Epoch Times: “Các biện pháp đó có tỷ lệ thành công là 1/3. Chúng sẽ không hiệu quả trong ngắn hạn, các biện pháp trừng phạt chỉ có xu hướng khởi tác dụng trong dài hạn.”

Vị giảng viên này tin rằng các biện pháp trên được thiết lập để buộc ông Putin từ chức hoặc thay đổi chế độ nhưng cho rằng đây cũng là một kịch bản khó xảy ra.

Ông dẫn chứng về tình huống ở Nam Phi trong thời kỳ [áp dụng chính sách] phân biệt chủng tộc (apartheid), vốn phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều năm.

“Thường dân mới chính là người phải gánh chịu,” ông nói. “Mọi người vẫn lái chiếc Mercedes của họ và đi vào những ngôi nhà xinh đẹp, nhà máy, và tất cả những nơi khác. Các biện pháp trừng phạt thường đánh vào một bộ phận không chuẩn xác trong xã hội.”

“Tôi nghĩ rằng các lệnh trừng phạt trong nhiều trường hợp là một biện pháp thay thế kém hiệu quả đối với việc hỗ trợ trực tiếp những người dân mà quý vị muốn hỗ trợ.”

Ông Alexey Muraviev, người đứng đầu Khoa Khoa học Xã hội và Nghiên cứu An ninh của Curtin, cảnh báo các biện pháp trừng phạt có thể làm cho vị thế của Tổng thống Nga trở nên vững chắc hơn nữa.

“Ngay sau khi ông Putin công nhận (hai) khu vực ly khai ở Ukraine. Sự mến mộ của ông đã tăng 10% từ khoảng 60 lên 71%,” ông nói với The Epoch Times. “Thật khó để diễn tả cảm nhận hiện tại của người Nga trước cuộc chiến và sự tàn phá này.”

Ông nói: “Nhà nước Nga đang thắt chặt quyền tự do ngôn luận và hai hãng truyền thông đối lập lớn đã bị cho đóng cửa.”

Ông nói thêm: “Xu hướng đưa tin hiện nay trong không gian truyền thông của Nga là ‘Đổ lỗi cho phương Tây, đổ lỗi cho người Mỹ’”.

Ông Muraviev cũng lo ngại việc chia cắt Moscow khỏi thế giới phát triển có thể khiến Moscow xích lại gần Bắc Kinh.

Phản ứng của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin đã trở nên câm lặng và luân phiên thay đổi giữa việc ngầm chấp thuận hoặc không chấp nhận các hành động của Nga.

Ông Siracusa cho biết Bắc Kinh “lo lắng” về diễn biến này, lưu ý rằng quan hệ Nga-Trung luôn được thúc đẩy bởi “chủ nghĩa thực dụng” chứ không phải lòng trung thành.

“Người Trung Quốc muốn đối đầu với người Mỹ trong trận Super Bowl về kinh tế, AI, và tương lai, còn ông Putin thì lại muốn đốt cháy sân vận động và tất cả mọi người trong đó — điều đó không phù hợp với người Trung Quốc chút nào,” ông nói. “Đây không phải là cách người Trung Quốc cai trị; họ sẽ không tham gia vào hoạt động xâm lược công khai này.”

Năm ngoái, liên kết thương mại giữa Trung Quốc và Ukraine đạt 19 tỷ USD và nước này cũng là đối tác quan trọng đối với chính sách cơ sở hạ tầng theo chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

“Ukraine là bước đệm cho Sáng kiến Vành đai và Con đường trong khu vực đó, và người Trung Quốc cũng không định tự làm hại mình vì ông Putin đã quyết định đi trên con đường chiến tranh.”

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Hồng Ân biên dịch

Related posts