Dương Minh
Trung Quốc thông báo sẽ tập trận hơn 10 ngày ở Biển Đông, tại khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam, yêu cầu mọi tàu bè phải tránh khu vực này.
Hôm 4/3, Trung Quốc thông báo quân đội nước này đang mở các cuộc tập trận kéo dài hơn một tuần trên Biển Đông, tại một khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam, theo hãng tin Reuters.
Cuộc tập trận diễn ra từ 18 giờ ngày 4/3 đến 18 giờ ngày 15/3 trong khu vực được giới hạn bởi 5 địa điểm. Kết quả đối chiếu những tọa độ trên Google Maps cho thấy một số địa điểm trong số đó dường như nằm gần bờ biển thành phố Huế hơn là bờ biển thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc. Thông báo không nêu rõ quy mô của cuộc tập trận, chỉ nói rằng cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan.
Những thông báo về tập trận thường được Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đăng trên website trước khi cuộc tập trận diễn ra từ 1-2 ngày.
Các tọa độ do họ cung cấp cho thấy khu vực tập trận nằm gần ngay chính giữa thành phố Tam Á của đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam. Tam Á là nơi đặt căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc.
Một phần của khu vực trên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và Việt Nam trước đây đã lên án về hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Vị trí của một trong năm địa điểm giới hạn khu vực tập trận của Trung Quốc từ ngày 4-15/3 được đối chiếu lên Google Maps.
Trung Quốc liên tục tập trận trên Biển Đông
Trước đó, hôm 1/3, MSA đăng thông báo nói rằng một cuộc tập trận diễn ra ở Biển Đông từ 23 giờ ngày 1/3 đến 12 giờ ngày 2/3.
Trong tháng 2, Trung Quốc cũng đã tiến hành ít nhất 2 cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, theo thông báo trên website của MSA và thông tin từ tờ South China Morning Post (SCMP).
Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc có thể đã tiến hành ít nhất 6 cuộc tập trận ở Biển Đông. Trong đó, ít nhất 1 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, theo các thông báo được đăng lên website của MSA.
Năm 2021, Trung Quốc được cho là đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận ở Biển Đông, theo các thông báo được đăng trên website của MSA. Trong đó có ít nhất 20 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hồi tháng 8/2021, Trung Quốc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép trên gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có các tuyến vận tải hàng hải chính. Quân đội Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo và sân bay trên một số bãi đá ngầm và đảo nhỏ mà họ đang kiểm soát, gây lo ngại cho các nước trong khu vực và cho Hoa Kỳ.
Trung Quốc biến chiến hạm thành tàu Hải cảnh?
Hồi tháng 2/2022, một tờ tuần báo chuyên về hàng hải của Trung Quốc đưa tin nước này sẽ cho hoán cải các hộ tống hạm lớp Giang Đảo (Jiangdao class – Type 056 Corvette) thành các tàu Hải cảnh.
Trung Quốc đã đóng hơn 70 chiến hạm nhỏ lớp Giang Đảo với trọng tải từ 1,500 tấn đến 1,800 tấn hơn chục năm trước. Nhưng nay họ không sản xuất nữa mà chú trọng vào sản xuất các lớp tàu lớn hơn, tối tân hơn. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã hoán cải một số chiến hạm cũ thành tàu Hải cảnh.
Báo hàng hải Trung Quốc nói nhà máy đóng tàu Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong-Zhonghua) đang hoán cải các chiến hạm trên. Nhà máy này từng đóng các tàu này từ gần giữa thập niên 2010 trở đi. Cuối năm 2021, Bắc Kinh ra luật mới cho phép tàu Hải cảnh của họ bắn tàu các nước khác khi chủ quyền lãnh thổ của họ bị “xâm phạm”.