Eric Louw
Ông Putin là một chính trị gia thông minh. Trong phần lớn các sự kiện dẫn đến cuộc chiến Ukraine, có vẻ như ông Putin đã vận dụng sự chia rẽ của phương Tây để phá vỡ phương Tây và vượt trội hơn Tổng thống Joe Biden.
Nhưng phải chăng vận may đã thay đổi, nên bây giờ chính ông Putin, chứ không phải ông Biden, mới là người phải lo lắng?
Để hiểu điều gì đã xảy ra, chúng ta cần bắt đầu bằng cách tìm hiểu về những lo ngại của ông Putin vốn đã dẫn đến chiến tranh.
Điều khiến ông Putin lo lắng nhất đó là về mặt địa lý, Ukraine như một mũi dao găm chĩa vào tim của Nga. Điều này có nghĩa là nếu Ukraine gia nhập NATO, thì sẽ rất khó để bảo vệ Nga.
Như ông Putin tiếp tục chỉ ra, các hỏa tiễn phóng từ Ukraine sẽ mất chưa đầy 10 phút để đánh trúng Moscow. Đối với Nga, đây là một kịch bản khủng khiếp mà không có giải pháp quân sự nào. Thật vậy, với ông Putin, giải pháp duy nhất là Ukraine (và NATO) tuyên bố Ukraine là một quốc gia trung lập.
Mối lo ngại thứ hai là (do đế chế Liên Xô sụp đổ) Nga không còn một nền tảng tài nguyên hoặc có nền kinh tế đủ mạnh để cho phép người Nga theo kịp Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc trong một cuộc chạy đua vũ trang.
Nga vẫn sở hữu một kho vũ khí khổng lồ (bao gồm cả hỏa tiễn hạt nhân) được chế tạo từ thời Liên Xô. Nhưng đây là một khối tài sản đang suy giảm khi cuộc chạy đua vũ trang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chứng kiến Nga dần dần tụt lại phía sau.
Vì vậy, ngày nay Nga có thể mạnh mẽ, nhưng trong một thập niên tới, quốc gia này sẽ tụt dốc hơn nữa. Do đó, Nga có động lực để hành động ngay bây giờ hơn là sau này.
Thứ ba, Nga cần chuẩn bị cho sự kết thúc của kỷ nguyên Putin. Việc chuyển từ ông Putin sang một hình thức quản trị mới nhất thiết sẽ làm suy yếu nước Nga trong quá trình chuyển đổi.
Do đó, giới tinh hoa Nga nhận ra giá trị của việc sửa chữa bất kỳ nhược điểm nào có thể nhận thức được (chẳng hạn như con dao găm Ukraine) càng sớm càng tốt. Đơn giản là việc khắc phục những điểm yếu lúc này, trong khi Moscow vẫn có thể dựa vào kho vũ khí do Liên Xô chế tạo và trước khi bất kỳ sự chuyển đổi nào của ông Putin làm nước Nga suy yếu, sẽ tốt hơn.
Thêm vào những lo ngại này là sự hoang tưởng của ông Putin nảy sinh từ các hành động của Hoa Kỳ và NATO trong quá khứ. Đơn cử, ông Putin yêu cầu được gia nhập NATO khi ông Clinton đang làm tổng thống. Người ta chỉ có thể đoán rằng “các chuyên gia về Nga” bên trong Bộ Ngoại giao, và các cơ quan tình báo đã nói không với họ.
Việc không cho phép Nga gia nhập Tây Âu là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ và có thể khiến Nga nghi ngờ và lo sợ về ý định của NATO. Thật vậy, theo nhiều cách, một số nguyên nhân gốc rễ của cuộc chiến Ukraine hiện thời nằm ở quyết định không cho phép Nga gia nhập NATO.
Có lẽ sự hoang tưởng của ông Putin đã trầm trọng hơn khi ông chứng kiến cách bộ máy hành chính của Hoa Thịnh Đốn có thể ngăn ông Trump cố gắng bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga.
Các sự kiện khác có thể làm trầm trọng thêm sự hoang tưởng của ông Putin là việc NATO giải quyết cuộc chiến tranh tại Serbia và vai trò của Hoa Kỳ trong việc khuấy động Mùa xuân Ả Rập và các cuộc cách mạng Vàng.
Nỗi sợ hãi và hoang tưởng này đã thúc đẩy ông Putin tạo tiền đề cho một cuộc xung đột Ukraine khi ông ta bắt đầu quyết tâm tạo ra một Ukraine trung lập mà NATO không thể sử dụng để tấn công Nga. Sau khi quyết định tạo ra cuộc xung đột, ông Putin sẽ tìm cách tối đa hóa các cơ hội thành công của mình.
Không có gì ngạc nhiên khi ông coi nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden như một cánh cửa cơ hội, vì ông Biden trông yếu đuối hơn người tiền nhiệm. Thật vậy, có vẻ như ông Putin sẽ không nhân cơ hội này để khiêu khích một tổng thống như ông Trump.
Ngoài ra, chính phủ xanh cánh tả của Đức đã trao cho ông Putin một cơ hội khác vì sự phản đối của chính phủ này đối với chiến tranh khiến NATO thực sự bất lực.
Sự kết hợp giữa ông Biden nhu nhược và một nước Đức yếu ớt dường như tạo ra những điều kiện lý tưởng cho ông Putin. Và bởi vì ông ta cũng nghĩ rằng ông ta có Trung Quốc trong đội của mình, rõ ràng ông Putin đã cho rằng định mệnh trao cho ông một bối cảnh hoàn hảo để tối đa hóa các cơ hội thành công của mình.
Nhưng điều đó vẫn không có nghĩa là cuộc chiến này chắc chắn sẽ xảy ra. Ông Putin có thể được tha thứ vì tin rằng ông có thể giành chiến thắng thông qua các mối đe dọa, chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”, và các kỹ năng đàm phán tốt, do sự kém cỏi của ông Biden và nước Đức.
Vấn đề là, trong những tình huống bên miệng hố chiến tranh, tất cả đều quá dễ dàng để một hoặc cả hai bên vấp phải một tính toán sai lầm. Đó là những gì đã xảy ra. Và vì vậy chúng ta đã có một cuộc chiến.
Ông Putin dường như đã hiểu chính xác tình huống ban đầu. Ông ta cũng chơi rất tốt trong trận đấu ở những giai đoạn đầu, liên tục chơi trội hơn đội của ông Biden. Cuối cùng, có vẻ như ông Putin có thể đi theo con đường của mình mà không cần đến chiến tranh.
Nhưng sau đó, một trong những biến số đã thay đổi khi các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây và mạng xã hội trở nên bão hòa với những bình luận về việc ông Biden kém cỏi và bất lực ra sao. Như người ta có thể dự đoán, ông Biden cảm thấy hổ thẹn. Và dường như đủ hổ thẹn để củng cố lại đội ngũ của mình.
Ngoài ra, có lẽ ai đó đã nhắc nhở ông Biden rằng nếu ông Putin thành công với kế hoạch của mình tại Ukraine, điều này sẽ khuyến khích Bắc Kinh xâm lược Đài Loan. Và nếu Đài Loan thất thủ, thì Hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) sẽ thực sự gặp rắc rối. Dù sao đi nữa, chúng tôi đột nhiên thấy đội ngũ của ông Biden đang cải thiện thế trận của họ.
Giờ đây, ông Putin nhận ra rằng ông sẽ không thể đơn thương độc mã thực hiện chiến lược “bên miệng hố chiến tranh”, nhưng ông đã đi quá xa để lùi bước trước tại giai đoạn này. Khi các lựa chọn của ông Putin bị thu hẹp, chiến tranh đã trở nên không thể tránh khỏi nữa rồi.
Ông Putin là một nhà chính trị lão luyện, nhưng có vẻ như lần này thì ông ta có thể đã thực hiện một tính toán sai lầm nghiêm trọng. Vấn đề nằm ở chỗ chiến tranh là một con quái thú bất thường có thể mang đến những kết quả mà người ta không lường trước được.
Đúng, ông Putin có thể có sức mạnh để xâm chiếm Ukraine. Nhưng giờ đây ông ta đã tự tạo ra năm vấn đề lớn cho chính mình.
Thứ nhất, rõ ràng là ông ta đã đánh thức những thứ như tinh thần ái quốc chủ nghĩa dân tộc của người Ukraine.
Thứ hai, các hành động của ông Putin đã làm một điều dường như không thể cách đây vài tuần – ông ta thực sự đã khiến người dân Âu Châu gắn kết và thậm chí đã thuyết phục được những người thuộc phe cánh tả và các đảng xanh của Âu Châu rằng chủ nghĩa hòa bình quốc tế không phải lúc nào cũng là giải pháp.
Thứ ba, Bắc Kinh hiện đang cố gắng tạo khoảng cách với ông Putin (hơi ngạc nhiên phải không?) vì mức độ và chiều sâu của sự phản đối toàn cầu đối với cuộc chiến của ông Putin.
Thứ tư, rất có vẻ như ông Putin đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh du kích kéo dài ở Ukraine được xây dựng dựa trên lòng ái quốc của người dân Ukraine và các vũ khí của phương Tây.
Thứ năm, cuối cùng phương Tây đã đủ nghiêm túc để áp đặt các lệnh trừng phạt có thể phá hủy nền kinh tế Nga. Sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt và một cuộc chiến tranh du kích có khả năng sẽ khiến nước Nga suy kiệt. Đây không phải là kết quả mà ông Putin đã dự tính.
Nhưng ông Putin đã thay đổi nhiều thứ hơn là hoàn cảnh mà nước Nga hiện nay đang gặp phải. Ông ta cũng đã tác động đến chính trường toàn cầu — và những thay đổi mà ông ta thực hiện hoàn toàn trái ngược với những gì ông ta muốn.
Cuộc chiến Ukraine đã tiếp thêm sức mạnh cho ông Biden. Do đó, tại bài diễn văn Thông điêp Liên bang của ông Biden, người ta thấy rằng cả ông và các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội đều tỏ ra tự tin hơn nhiều so với họ nhiều tháng trước đó.
Cuộc chiến này cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho những người theo chủ nghĩa toàn cầu-đa phương, những người ủng hộ trật tự thế giới hiện có (mà ông Putin muốn phá vỡ). Và cuối cùng, nó đã tiếp thêm sức mạnh cho EU và chủ nghĩa đa phương ở Âu Châu. Thực tế thì ông Putin đã trao cho tất cả những người chơi này một món quà.
Nhưng tất nhiên, trò chơi vẫn chưa kết thúc. Hãy xem hành động tiếp theo của ông Putin sẽ là gì.
Ông Eric Louw là một giáo sư đã nghỉ hưu, chuyên về truyền thông chính trị với sự nghiệp trải dài ở các trường đại học Nam Phi và Úc. Trước đó, ông từng là một nhà hoạt động, ký giả, và nhà đào tạo truyền thông thuộc Đại hội Toàn Quốc Phi Châu, nơi ông nghiên cứu về quá trình chuyển đổi của Nam Phi sang thời kỳ hậu Apartheid. Ông Louw là một chuyên gia về quy định chống phân biệt đối xử, phân bổ lại của cải, và các chính sách Trao quyền cho Nền kinh tế Da đen. Bằng tiến sĩ của ông là nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, cũng như các nhà lý luận tân chủ nghĩa Marx sau này (Gramsci, Lukacs, Althusser, Trường phái Frankfurt, v.v.) và Chủ nghĩa Marx văn hóa. Ông là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm “The Rise, Fall and Legacy of Apartheid”; “Roots of the Pax Americana”; and “The Media and Political Process”.
Tịnh Nhi biên dịch