Có vẻ như ý chí ‘đấu trời, đấu đất, đấu người’ của Đảng cộng sản Trung Quốc đã trở nên thực tế hơn trong bối cảnh xung đột địa chính trị gia tăng toàn cầu và sự suy yếu khó cản trong nội bộ nền kinh tế, Chính quyền Bắc Kinh đã hạ kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6% xuống còn 5,5%; mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ qua.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2022 là 5,5%, mức thấp nhất trong hơn một phần tư thế kỷ kế hoạch hoá nền kinh tế của nước này.
Điều này bất thường trong một năm hết sức quan trọng với sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình. Thông thường, những năm mang tính quyết định chính trị như thế này, tăng trưởng GDP thường được đẩy cao hết mức có thể để báo cáo thành tích. Tuy nhiên, sức mạnh ‘đấu trời, đấu đất, đấu người’ của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đã khiêm nhường hơn, thực tế hơn. Tất cả phản ánh những bất ổn trong nước và toàn cầu gia tăng, nằm ngoài tầm kiểm soát của ‘ý chí’ của ĐCSTQ.
Hôm qua, thứ Bảy (ngày 5/3/2022), trong ngày khai mạc cuộc họp lưỡng hội hàng năm, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% cho năm 2022, giảm so với mục tiêu kế hoạch 6% đã công bố trước đó hồi năm 2021. Năm 2021, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dễ dàng đạt 8,1%.
Thực tiễn là mầu xám
Mục tiêu GDP thấp hơn được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cấu trúc nền kinh tế cũng như đấu đá chính trị nội bộ của nước này. Thêm vào đó, xung đột địa chính trị gia tăng và sự suy yếu không thể tránh khỏi của kinh tế toàn cầu khiến nền kinh tế này buộc phải ‘khiêm nhường’ hơn. Tình trạng năm 2022 khó khăn hơn 2021 rất nhiều:
- Cuộc chiến ‘quốc hữu hoá’ và tăng cường kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân làm kiệt quệ khu vực kinh tế năng động nhất;
- Thanh trừng phe phái trước thềm Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX dẫn tới nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn bất động sản, công nghệ và tài chính thân với đối thủ chính trị Giang Trạch Dân đang bị ‘đàn áp’ thông qua các chính sách: giảm độc quyền, thanh tra,… Các công ty này phải kể tới Alibaba, Ant Group, Tencent, Evergrande, 27 ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc (ít nhất 29 quan chức hàng đầu trong ngành bị ngã ngựa năm 2021)…;
- Chênh lệch giầu nghèo quá lớn, với gần một nửa, thậm chí 2/3 dân số Trung Quốc không có quyền tiêu dùng đã làm phá sản chiến lược phát triển kinh tế lưu thông kép của ông Tập Cận Bình: chiến lược vừa dựa vào xuất khẩu vừa dựa vào thúc đẩy tiêu dùng trong nước;
- Vỡ nợ bong bóng bất động sản và nợ xấu khiến nền kinh tế trong nước đình trệ hơn. Tính toán các thông số vĩ mô cho thấy tình trạng bong bóng BĐS ở Trung Quốc giống hệt Nhật Bản hồi thập kỷ 90. Sau đó, Nhật Bản đã phải trả giá bằng hai thập kỷ không thể tăng trưởng. Nhưng mọi sự có thể tồi tệ hơn nhiều so với Nhật Bản thập kỷ 90, vì BĐS Trung Quốc đóng góp tới 25% GDP cho nền kinh tế này. Ngoài ra, số lượng các công trình BĐS không có người ở khắp Đại lục có thể chứa tới dân số cả nước Đức. Nguồn vốn tắc nghẽn trong BĐS sẽ là thảm hoạ với nợ xấu và tăng trưởng trong tương lai.
- Tình trạng tồi tệ của BĐS tiếp tục diễn ra trong hai tháng đầu năm. Doanh số bán nhà theo số lượng và doanh số bán trong số 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 43% so với một năm trước đó, tăng nhanh so với mức giảm của tháng 12. Sự sụt giảm nghiêm trọng diễn ra mặc dù lãi suất thế chấp giảm và nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà.
- Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Bắc Kinh đã tồi tệ nhưng chắc chắn còn leo thang tàn khốc bởi xung đột địa chính trị. 70% năng lượng điện của Trung Quốc phụ thuộc vào than đá. Giá than đá hiện tại đã tăng 377% (gần 4 lần) chỉ trong 12 tháng qua. Khan nguồn than đá, giá dầu thô tăng cao nhất trong gần 14 năm qua, tất cả đang đẩy Trung Quốc vào tình trạng giá nhà sản xuất lên mức kỷ lục kể từ năm 2016 (113.1 điểm). Điều này thúc đẩy lạm phát ở Trung Quốc gia tăng. Lạm phát luôn bào mòn tăng trưởng và tạo ra xu hướng thắt chặt chi tiêu (cả trong và ngoài nước); điều mà Trung Quốc đang bất lực trong thúc đẩy tăng trưởng của mình.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đặt mục tiêu GDP hàng năm kể từ năm 1994, ngoại trừ duy nhất là năm 2020, khi đại dịch Covid-19 trì hoãn kế hoạch kinh tế – xã hội phải lập thường niên. Nhìn bề ngoài, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang phát triển mạnh, nhưng thực tế có rất nhiều “thành phố ma” không bán được. (Ảnh Getty)
Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết hôm thứ Bảy (5/3/2022) rằng họ sẽ tăng chi tiêu quân sự lên 7,1% vào năm 2022, tăng so với mức tăng 6,8% của năm trước và đánh dấu mức tăng lớn nhất trong ba năm.
Chi tiêu công và bơm tiền kỷ lục cho địa phương
Để giữ cho bức tranh kinh tế không nằm ngoài tầm kiểm soát, ông Lý Khắc Cường cho biết chính phủ sẽ đẩy mạnh chi tiêu mặc dù doanh thu tài khóa ước tính tăng chậm hơn.
Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng chi tiêu ngân sách lên 8,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng từ mục tiêu 1,8% vào năm 2021. Chính phủ dự kiến doanh thu tài khóa sẽ tăng 3,8% vào năm 2022, so với tỷ lệ dự kiến của năm ngoái là 8,1%.
Trung Quốc cũng đặt mục tiêu thâm hụt tài khóa ở mức 2,8% GDP vào năm 2022, giảm so với mục tiêu 3,2% của năm ngoái; một tỷ lệ mà Bắc Kinh cho là bền vững hơn, đồng thời để lại chỗ cho các khoản dự phòng bất ngờ.
Bắc Kinh cho biết chính quyền trung ương cũng sẽ bơm thêm tiền cho các chính quyền địa phương thiếu tiền mặt. Theo ông Lý, nguồn vốn chuyển từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương sẽ tăng 18% trong năm nay, mức tăng lớn nhất trong nhiều năm. Tình hình hỗn loạn, bất tuân dân sự của các cấp chính quyền địa phương đối với chính quyền trung ương Bắc Kinh đã phần nào phản ánh thực trạng phân rã, mất kiểm soát quyền lực từ cao tầng cho tới hạ tầng của ĐCSTQ.
Ông cho biết chính quyền sẽ duy trì giới hạn đối với trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương trong năm 2022; loại trái phiếu nợ được phát hành để tài trợ chủ yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng; khoảng 3,65 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 577,8 tỷ USD. Con số trái phiếu đặc biệt do địa phương phát hành năm ngoái là 3,43 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Trái phiếu đặc biệt, theo Luật ngân sách Trung Quốc quy định hồi năm 2015, được phát hành bởi chính quyền địa phương nhưng không hạch toán vào nợ chính phủ. Một cách lách luật quốc tế để làm đẹp bảng cân đối tài khoá riêng có ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trái phiếu đặc biệt đã trở thành con dao hai lưỡi; nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã leo thang lên mức rủi ro đáng báo động.
“Những rủi ro và thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt sẽ tăng lên đáng kể trong năm nay”, ông Lý Khắc Cường thừa nhận, đề cập đến các điều kiện cả trong và ngoài nước. Ông nói thêm rằng các công cụ chính sách cần được triển khai kịp thời để sớm phát huy tác dụng và đảm bảo nền kinh tế ổn định.
Ông nói: “Đối mặt với những áp lực giảm tăng trưởng mới, tăng trưởng ổn định cần được chú trọng hơn”.
Trà Nguyễn