Tập ‘diệt’ Ma sẽ khiến ĐCSTQ trượt nhanh hơn tới miệng hố?

Lục Du

Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Jack Ma (ảnh: Reuters)

Tuần qua nổi lên các báo cáo cho thấy ông Tập Cận Bình tiếp tục ấn sâu thêm mũi dùi về phía tỷ phú Mã Vân (Jack Ma). Các báo cáo cũng chỉ ra rằng lý do ông Tập “diệt” Mã là vì bản thân và đảng của ông. Tuy nhiên, việc thanh trừng một tỷ phú lớn có thể khiến sinh mệnh chính trị của ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thu ngắn lại.

Các báo cáo cho biết, ông Mã gần như không được nhìn thấy từ cuối tháng 10, thời điểm ông có một bài phát biểu chỉ trích trực diện và mạnh mẽ các chính sách tài chính của chính phủ Trung Quốc. Ngay sau đó, các công ty của ông liên tiếp là mục tiêu tấn công của chính quyền. Đầu tiên là việc công ty tài chính Ant của Mã bị đình chỉ IPO (việc phát hành cổ phiếu lần đầu) vào đầu tháng 11. Tiếp theo, Alibaba của ông là một trong những đối tượng chính trong chiến dịch chống độc quyền của ĐCSTQ thời gian gần đây. Mã cũng đã bị giới chức mời thẩm vấn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các tập đoàn và công ty lớn ở Trung Quốc muốn lớn mạnh thì không thể không nằm trong ảnh hưởng của ĐCSTQ. Mang tiếng là các công ty tư nhân, nhưng thực chất các công ty này ở dạng “bán quốc doanh”, đều phải chịu sự chi phối của ĐCSTQ, cụ thể là phải bám theo hoặc thuộc vào một phe phái nào đó trong tổ chức có quyền lực bao trùm toàn Trung Quốc, và khi phe phái đó suy yếu, nếu không đầu hàng đối thủ trong đảng thì phải chịu chế tài và có thể đối mặt nguy cơ diệt vong.

Đắc tội với Thủ lĩnh ‘Hồng ma’

Jack Ma tên thật là Mã Vân, là một đảng viên ĐCSTQ. Ông sinh năm 1964 tại tỉnh Chiết Giang, nơi Tập Cận Bình bồi đắp được nền tảng chính trị vững chắc trước khi bước vào Trung Nam Hải. Tuy nhiên Mã lại không đi lên nhờ mối quan hệ với Tập mà dựa vào mối thâm tình với gia đình cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, “đồ tể khát máu” chủ trương đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công, môn khí công Phật Gia tu luyện theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Trước khi Mã Vân có bài phát biểu được cho là liều lĩnh vào tháng 10 vừa qua thì người ta đã cảm nhận được Mã từ lâu lo sợ bị Tập chèn ép. Đơn giản vì Mã nằm trong phe phái của Giang, thế lực Tập muốn xóa sổ để củng cố quyền lực. Do đó khi Tập lên, Mã đã âm thầm rút lui từ từ vào “cánh gà sân khấu” để tránh bị để ý.

Vào tháng 5/2013, hai tháng sau khi ông Tập đảm đương chức vụ chủ tịch nước, Jack Ma chính thức thôi giữ chức Giám đốc điều hành Alibaba để “đặt tâm” cho chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.

Vào tháng 3/2018, ông Tập đã thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp, loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm cho các chủ tịch Trung Quốc để mở đường cho thời kỳ cầm quyền kéo dài của chính ông. Nửa năm sau, Mã tuyên bố ông “sẽ nghỉ hưu sau một năm nữa”. Mã đã thực sự từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Alibaba vào tháng 9/2019. Ông cũng đã xin rút khỏi hội đồng quản trị của công ty vào tháng 9 năm nay.

Nhà bình luận nổi tiếng Tương Thanh Bình, đã viết trên trang Caixun.com rằng, người của ông Tập đã “soi” Mã Vân trong một thời gian dài. Bắt đầu từ 2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, Jack Ma đã bị nghi ngờ hỗ trợ các công ty bán khống hợp đồng và tác động tiêu cực vào thị trường chứng khoán, thậm chí giúp “thế hệ đỏ thứ hai” rửa tiền.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Mã còn trực tiếp đắc tội với ông Tập. Giáo sư Gordon G. Chang, một chuyên gia về Trung Quốc, tác giả của sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, đánh giá rằng Trung Quốc không đủ lớn cho hai “ông lớn”. Tập đang xây dựng “phong trào” sùng bái cá nhân đối với ông, trong khi Jack Ma cũng đang làm như vậy đối với cộng đồng tài chính và kinh doanh ở Trung Quốc và quốc tế.

Ngoài ra, có những người khác cho rằng việc các công ty của Mã quá lớn mạnh đã khiến ĐCSTQ có cảm giác bị đe dọa quyền lực, vì thế họ không thể để Mã yên.

Jack Ma từng đề xuất chuyển một phần quyền tài sản và vốn chủ sở hữu của Alipay trực thuộc tập đoàn Alibaba cho chính quyền trung ương Trung Quốc nhằm tìm cách khắc phục mối quan hệ đi xuống với ĐCSTQ. Tuy nhiên, dường như động thái này đã quá muộn.

Theo Epoch Times, các chuyên gia của nhóm “Lãnh nhãn tài kinh” (Cold Eyes of Finance) nói rằng, ĐCSTQ lo lắng những người sở hữu lượng tài sản lớn như Jack Ma sẽ có những đòi hỏi chính trị. Thêm nữa, đối với các chức sắc của ĐCSTQ, Jack Ma không phải là thế hệ thứ hai và thứ ba của tổ chức này, nhưng ông lại có một đế chế tư bản, vậy thì không đáng tin.

Đồng quan điểm, một ý kiến được Vision Times trích dẫn cho biết, ĐCSTQ muốn “độc chiếm huyết mạch nền kinh tế, tích lũy tài sản khổng lồ, theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận và bóc lột tàn nhẫn. Khi đó công nhân và nông dân sẽ bị vắt kiệt, giai cấp tư sản trên toàn quốc, các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp cá thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo bị cướp bóc”.

Kiến – Voi hỗn chiến, ĐCSTQ suy vong?

Vào ngày 24/10, tại Hội nghị Thượng đỉnh Bến Thượng Hải, Ma đã công khai cáo buộc các ngân hàng Trung Quốc có “tâm lý tiệm cầm đồ”, ám chỉ kiểu cho vay dựa trên tài sản thế chấp, tiện thể Mã cũng “khoe” rằng công ty tài chính Ant của ông sẽ thúc đẩy phương thức cho vay mới dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Trong bài phát biểu này, Mã thậm chí đã có những khẩu khí rất mạnh nhắm vào ngân hàng trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý ngân hàng của nước này: “Chúng ta không thể quản lý một sân bay như cách chúng ta quản lý một nhà ga xe lửa, cũng như không thể quản lý tương lai như cách chúng ta đã quản lý ngày hôm qua”.

Mã ngay sau đó đã phải gánh chịu các cú “ra đòn” theo phong cách đặc trưng của ĐCSTQ. Ông chủ của Alibaba liên tiếp bị truyền thông của ĐCSTQ tấn công bằng cả những bài viết bóng gió ám chỉ và những bài chỉ trích trực diện.

Tiếp sau chiến dịch tuyên truyền, giống như các cuộc đàn áp trước đây, ĐCSTQ đã liên tiếp tung ra các chế tài đối với cá nhân Mã và công ty của ông.

Vào ngày 3/11, Thị trường STAR, giống với Nasdaq, của Thượng Hải và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông đã thông báo tạm ngừng IPO của Ant, trước khoảng 36 giờ khi giao dịch bắt đầu theo lịch trình tại Hồng Kông. Đây được xem là những hành động chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc khiến giới đầu tư trong nước và quốc tế bàng hoàng.

Vào ngày 2/11, Jack Ma bất ngờ nhận bị yêu cầu phỏng vấn bởi bốn cơ quan quản lý lớn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước. Ngày hôm sau, kế hoạch niêm yết cổ phiếu Ant Group của Jack Ma bị đình chỉ.

Hôm 12/11, tờ Wall Street Journal cho biết, việc đình chỉ niêm yết cổ phiếu Ant Group đã được Tập Cận Bình đích thân phê duyệt. Tờ báo này cho rằng, Tập Cận Bình ngày càng trở nên không khoan nhượng với các doanh nghiệp tư nhân lớn và ảnh hưởng ngày càng rộng, vốn bị coi là mối đe dọa đối với sự thống trị của Tập.

Không chỉ có vậy, ngày 10/12, dự án quy hoạch “Đại học đào tạo doanh nhân Lake Side” chi nhánh Côn Minh nơi Jack Ma làm hiệu trưởng đã bị nhà chức trách ngăn chặn.

Đến ngày 14/12, Cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước của chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh phạt 500.000 NDT đối với Công ty TNHH Đầu tư Alibaba của Jack Ma.

Ngày 18/12, tất cả các sản phẩm ký gửi trên nền tảng Internet của Ant Group đã bị loại bỏ khỏi các kệ hàng mà không có cảnh báo trước.

Giới phân tích Tài chính và Kinh tế tin rằng, trong tương lai không xa, các ngân hàng và tổ chức tài chính nhà nước của ĐCSTQ sẽ mua cổ phần và tiếp quản Ant Group, và chức năng thanh toán của Alipay cũng có thể bị đóng băng.

Jack Ma hiện đã bị cấm ra nước ngoài. Giới phân tích cho rằng, rất có thể, không lâu nữa Ma sẽ giống như Wu Xiaohui, người sáng lập Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, phải đối mặt với án tù, hoặc sẽ bị thủ tiêu, thậm chí “mất tích” như Chủ tịch HNA Wang Jian hồi tháng 7/2018.

Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng chưa chắc Tập đã làm gì được Ma, và không chừng, rốt cuộc, kiến (ám chỉ công ty Ant – con kiến- của Ma) lại hạ sát voi (ám chỉ Tập).

Từ khi lên nắm quyền, bằng chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi”, ông Tập đã thanh trừng trên diện rộng các tay chân thân tính của Giang. Tuy vậy, Giang vẫn còn đó cùng nhiều “đệ tử” khác, và gia đình ông ta đã kịp sở hữu một khối tài sản khổng lồ đủ làm cơ sở cho các cuộc phản công chiến dịch truy sát của ông Tập.

Epoch Times dẫn lời tỷ phú Quách Văn Quý cho hay, gia đình Giang đang nắm trong tay khối tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đô la, và với việc sở hữu một phần khối tài sản này, Giang Chí Thành, cháu nội của Giang Trạch Dân, mới là người giàu nhất Trung Quốc chứ không phải Mã Hóa Đằng.

Là một người “lọc lõi” ông Mã quá hiểu những phát biểu của mình hôm 24/10 sẽ gây ra hệ lụy gì. Vậy tại sao ông vẫn buông lời? Có hai lý giải được đưa ra.

Một là, ông Ma đã bị đưa vào tầm ngắm của Tập từ rất lâu, bị ngầm o ép trong thời gian dài tới mức không chịu được nên không giữ được bình tĩnh mà buột miệng. Hai là, ông Ma bắt đầu nhìn thấy những điểm yếu mà ông Tập để lộ ra sau nhiều năm gây thù chuốc oán bằng chiến dịch “thanh lý môn hộ” với vỏ bọc chống tham nhũng. Vì thế Ma tự tin rằng đã tới lúc phản công và bài phát biểu tại Thượng Hải chính là ngòi nổ.

Dù thế nào thì việc ông Tập “diệt” Ma cũng chưa chắc là vì người dân Trung Quốc, mà như đề cập ở trên, ông có thể làm thế vì muốn thanh toán địch thủ để duy trì quyền lực cá nhân. Việc này cũng đương nhiên gắn liền với việc ông mong muốn duy trì sự tồn tại của ĐCSTQ, lực lượng đã gây ra quá nhiều tội ác không chỉ ở Trung Quốc. Nhưng rất có thể, cuộc chiến tiếp theo giữa đại diện hai phe phái trong lực lượng “Hồng ma” sẽ làm “bệnh tình” của ĐCSTQ trầm trọng hơn và khiến nó trượt nhanh hơn tới “hố chôn”, vốn là kết quả tất yếu của những tội ác trong quá khứ.

Related posts