Nguyên Hương
Tin đồn về thiết quân luật, cùng với sự thất vọng về tình hình kinh tế của đất nước và sự cô lập đất nước ngày càng gia tăng và sự đàn áp một số ít tiếng nói chỉ trích còn lại trên các phương tiện truyền thông đã khiến một số người Nga rời bỏ tổ quốc ra nước ngoài sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.
Aljazeera đưa tin, vài ngày sau khi Nga đưa quân vào nước láng giềng Ukraine, các cuộc biểu tình phản chiến bùng nổ ở Nga dẫn đến hàng nghìn vụ bắt giữ. Cùng với thế giới, người Nga lên tiếng phản đối cuộc xâm lược. Trong bối cảnh này, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng Tổng thống Vladimir Putin đang có ý định áp đặt thiết quân luật.
Một biện pháp như vậy có khả năng cho phép các nhà chức trách có quyền hạn khẩn cấp, đóng cửa các biên giới và yêu cầu nam thanh niên gia nhập quân ngũ.
Trong khi Điện Kremlin nhanh chóng bác bỏ suy đoán là “tin giả” và cũng kêu gọi mọi người “đoàn kết” xung quanh Putin, có nhiều người không muốn mạo hiểm.
Tại Vaalimaa, biên giới của Phần Lan với Nga – cách Helsinki 120 dặm về phía đông – xe buýt và ô tô dừng để kiểm tra hộ chiếu và hải quan. Đây không phải là người Ukraine, họ là người Nga. Không ùn ùn kéo về như tình trạng ở biên giới Mỹ – Mexico, nhưng liên tục có dòng người xếp hàng chờ nhập cảnh, theo BBC.
Khi các chuyến bay đến châu Âu bị tạm dừng, cách duy nhất để rời khỏi đất nước là đi ô tô – băng qua biên giới này – hoặc bằng tàu hỏa.
Phóng viên Đài BBC đã nói chuyện với một phụ nữ trẻ người Nga đang lên đường sang phương Tây – một trong những người may mắn có thị thực EU trước khi lệnh trừng phạt được công bố. Cô ấy tuyệt vọng về những gì đã và đang xảy ra.
“Người dân ở Ukraine là người dân của chúng tôi – là gia đình của chúng tôi”, cô nói. “Tại sao lại giết hại họ”? Khi phóng viên BBC hỏi cô ấy có nghĩ đến việc quay trở lại không, cô nói: “Không phải trong chính quyền đáng sợ này. Tôi sẽ không trở về, tôi buồn lắm”.
Người phụ nữ trẻ nói, hầu hết người Nga không muốn cuộc chiến này, nhưng nếu cố gắng đứng lên chống lại Putin, họ sẽ có nguy cơ phải ngồi tù.
Người Phần Lan có sự đồng cảm sâu sắc đối với người Nga và người. Sự đồng cảm này và nỗi sợ hãi rằng Nga có thể tấn công các nước láng giềng khác như Phần Lan, đang thay đổi thái độ đối với quan điểm truyền thống nghiêng về trung lập của Phần Lan.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất, phần lớn người Phần Lan tin rằng đã đến lúc đất nước của họ gia nhập NATO và tiếp cận sự bảo vệ mà tư cách thành viên của liên minh sẽ mang lại.
Tại Helsinki, chuyến tàu từ St Petersburg đang chuẩn bị vào ga, chở thêm hàng trăm người Nga đang lo lắng chạy trốn khỏi đất nước. Hầu hết các chuyến tàu đều đã kín chỗ, giá vé tăng vọt.
Số tiền người Nga có thể mang theo khi xuất cảnh là có hạn. Đồng rúp đang trong tình trạng sụp đổ; nền kinh tế Nga đang bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt và sự rút lui của nhiều công ty lớn của phương Tây. Chính phủ Nga đang tuyệt vọng để tránh một cuộc tháo chạy trên các ngân hàng.
Liệu các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nhà tài phiệt Nga có khiến họ quay lưng với Tổng thống Putin? Nó chắc chắn không phải là không thể, nhưng nó không có khả năng buộc ông ta dừng cuộc chiến ở Ukraine
Đáng lo ngại hơn đối với ông Putin là lời kêu gọi của tập đoàn dầu mỏ Nga Lukoil về việc ngừng xâm lược. Nếu các thành phần chính của nền kinh tế Nga đang phản đối ông ta, ông ta sẽ khó tiếp tục cuộc chiến mà không thay đổi chiến lược trong nước – chẳng hạn như ban hành thiết quân luật.
Một người phụ nữ khác đã rời Nga đến Istanbul. Cô nói với BBC qua điện thoại rằng, cô đã rất sợ hãi về cuộc sống sẽ trở lại như dưới thời Liên Xô.
Cô nói: “Tôi 30 tuổi. Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều tồi tệ này … những vụ đàn áp, cảnh sát mật. Tôi vô cùng sợ hãi rằng, nếu lúc này không rời nước Nga, thì sẽ không bao giờ có thể nữa. Thế nhưng, một nỗi sợ hãi khác đang đe dọa tôi. Không biết đến khi nào tôi sẽ gặp lại gia đình và bạn bè của mình, lạy Chúa cứu thế”.
Nếu áp dụng thiết quân luật, ông Putin sẽ được tự do làm những gì mình muốn mà không phải lo lắng về việc các cuộc biểu tình trên đường phố gây tổn hại. Ông ấy đã nói rõ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông ấy sẽ không dừng lại cho đến khi chiếm toàn bộ Ukraine – và một quan chức Pháp đã nghe cuộc điện thoại của họ sau đó nói rằng mọi thứ sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Lựa chọn hạt nhân có thể ngày càng gần hiện thực hơn. Đó là một viễn cảnh đáng sợ.
Không có gì ngạc nhiên khi những người Nga, vốn phản đối cuộc xâm lược hoặc đang phải hứng chịu những rắc rối mà cuộc xâm lược đem lại cho cuộc sống của họ trong các thị trấn và thành phố của họ, đang tuyệt vọng rời khỏi đất nước.
Aljazeera cho hay, vấn đề thị thực được coi là một trở ngại đối với những người muốn xuất cảnh. Một số quốc gia bao gồm Latvia, Cộng hòa Séc và Nhật Bản đã ngừng cấp thị thực cho tất cả công dân Nga. Nhưng những nước khác, như đại sứ quán Ý ở Moscow, vẫn đang nhận đơn.
“Chúng tôi đã lái xe qua cửa khẩu biên giới của Vyborg [gần St Petersburg]”, Yuliya nói, người đã quyết định lên đường đến Phần Lan vào tối thứ Tư (3/3) cùng chồng.
“Xe xếp hàng ở cửa khẩu không nhiều”, cô nói và cảm thấy “may mắn” vì visa của mình vẫn còn hiệu lực.
“Khi vượt qua biên giới, tôi có cảm giác như cuối cùng chúng tôi đã thoát ra khỏi một cái hố đen đã hút chúng tôi vào đó cả tuần nay. Tôi cảm thấy rấ bỡ ngỡ”.
Đầu tuần này, Nga cho biết 498 binh sĩ của họ đã thiệt mạng ở Ukraine cho đến nay. Ông Putin đã ra lệnh bồi thường cho gia đình các binh sĩ thiệt mạng, trong khi các quan chức ca ngợi những người Nga đang chiến đấu ở quốc gia láng giềng như những anh hùng sẽ luôn được tưởng nhớ.
Nhưng đối với Alexander, giống như những người còn lại mà Al Jazeera đã nói chuyện, tương lai trờ nên mờ mịt.
“Tôi muốn mình có thể lạc quan. Tôi đồng ý với những người đồng hương của tôi, những người nhìn nhận cuộc chiến này là cuộc tự sát kinh tế của chế độ Putin. Nó chắc chắn sẽ sụp đổ trong những tháng tới dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt nghiêm khắc và bạo loạn vì đói khổ do ông ta gây ra”, Alexander nói.
“30 năm qua, một người Nga như tôi chưa từng trải nghiệm một ký ức nào về một quá trình chuyển đổi dân chủ thành công. Vì vậy, tôi đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất: một thập kỷ ảm đạm trong thời chiến tranh kinh tế, chế độ toàn trị, chuyên quyền, và những thứ xa xỉ như báo chí, tổ chức văn hóa hay lĩnh vực công nghệ thông tin đang bùng nổ sẽ không còn phát triển”.
Grisha, người đã tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở quê nhà, cảm thấy có lỗi vì đã ra đi. Anh nói: “Tôi cảm thấy trong lòng có điều gì kỳ lạ. Chắc tôi sẽ quay trở về. Tôi không thể bỏ mặc bạn bè của tôi đang chiến đấu ở đó”.
Nhưng phần lớn người Nga đang ở lại nơi họ đang ở. Và ngay cả khi muốn rời đi, họ vẫn cảm thấy có gì đó ngăn cản.
Tatyana, một kỹ sư 32 tuổi, nói với Al Jazeera: “Ai có cơ hội thì ra đi. Hai hoặc ba người bạn thân của tôi đã đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi sợ ở lại đây. Tôi đang ở giữa hai dòng nước: ở lại, họ sẽ thúc ép chúng tôi; nhưng ở đó, bay giờ họ không còn thân thiện với người Nga nữa.
Nguyên Hương