Putin đưa ra lằn ranh đỏ, đe dọa nước nào vượt qua coi như là tham chiến

Nguyên Hương

Hôm thứ Bảy (5/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, nếu Ukraine tiếp tục chiến đấu cho tự do thì nước này sẽ gặp nguy hiểm. Đồng thời, ông nhấn mạnh, các quốc gia phương Tây không nên can thiệp tích cực vào cuộc chinh chiến của ông. Nếu không, ông coi các quốc gia thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là kẻ thù. Ông coi sự trừng phạt của họ đối với Nga là lời tuyên chiến.

NATO hôm thứ Sáu (4/3) đã bác bỏ lời kêu gọi từ Ukraine về việc thực thi vùng cấm bay đối với quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh này sau khi Nga xâm lược vào tuần trước, theo The New York Times. Các quốc gia NATO đã bày tỏ lo ngại rằng việc đối đầu quân sự trực tiếp có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn.

The Western Journal cho hay, ngày 5/3, ông Putin thậm chí còn kiên quyết hơn và yêu cầu các nước phương Tây không viện trợ Ukraine, ngay cả khi các quốc gia tiếp tục gửi khí tài quân sự cho Ukraine để tiếp tục chống lại Nga.

Ông Putin cũng nhấn mạnh thêm rằng, các quốc gia “rắn mặt” với ông sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Ông nói: “Tôi biết về lời kêu gọi thiết lập một khu vực cấm bay. Điều đó là không thể thực hiện từ lãnh thổ Ukraine – nó chỉ có thể được thực hiện từ lãnh thổ của các quốc gia khác”.

“Nhưng bất kỳ động thái nào theo hướng như vậy sẽ đều bị chúng tôi coi là sự tham chiến vào xung đột vũ trang ở Ukraine, theo đó sẽ tạo ra các mối đe dọa đối với quân nhân của chúng tôi”.

“Các kho chứa vũ khí và đạn dược, hàng không, hệ thống phòng không đều cần có thời gian để phá hủy”.

“Công việc này đã được thực hiện trên thực tế – đó là lý do tại sao có những yêu cầu áp đặt vùng cấm bay. Việc hiện thực hóa nhu cầu đó sẽ mang lại kết quả thảm khốc không chỉ cho châu Âu, mà cho toàn thế giới”.

Ông Putin tuyên bố, Nga muốn hòa bình.

“Các đề xuất của chúng tôi đang được thảo luận với nhóm các nhà đàm phán từ Kyiv. Hy vọng họ sẽ có phản hồi tích cực”

Ông nói, nếu Ukraine tiếp tục chống lại cuộc xâm lược của ông, thì quốc gia này sẽ ở bên bờ vực thẳm.

“Chính phủ Ukraine hiện tại cần hiểu rằng, nếu họ tiếp tục làm những gì họ đang làm, họ sẽ đem lại nguy cơ cho tương lai của nhà nước Ukraine. Nếu điều đó xảy ra, thì chính là do họ”.

Tổng thống Nga nói thêm rằng, mặc dù có bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đã bị sa lầy ở một số nơi, nhưng những nơi khác đang tiến triển tốt, cuộc chiến đang thành công.

“Quân đội của chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra – tôi không mảy may nghi ngờ về điều này. Mọi hoạt động của Nga đang diễn ra theo kế hoạch”.

BBC cập nhật tình hình chiến sự cho biết, khu vực Sumy và thành phố cảng Mariupol đang bị đẩy đến ‘bờ vực thảm họa nhân đạo’, theo một quan chức chính phủ Ukraine nói với kênh truyền hình Ukraine-24 vào sáng Chủ nhật (6/3) giờ địa phương.

Cố vấn chính phủ Vadim Denisenko cho biết, các thành phố Akhtyrka và Trostyanets ở miền Bắc Sumy đang đối mặt với tình trạng mất điện và mất nước.

Ông Denisenko nói thêm rằng, đêm 5/3 trôi qua “tương đối bình lặng”.

Trước đó, Nga đã phá vỡ một lệnh ngừng bắn cho phép người dân thoát khỏi thành phố Mariupol. Việc ngừng kéo dài chưa đầy 30 phút trước khi tiếp tục pháo kích, khiến người dân không thể sơ tán và rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Đồng thời Nga đang xiết chặt vòng vây đối với thành phố cảng chiến lược Mariupol của Ukraine.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời ông Eduard Basurin, chỉ huy lực lượng ly khai Donetsk cho biết, hành lang nhân đạo có thể được mở lại vào hôm nay, Chủ nhật ngày 6/3.

Nguyên Hương

Ngoại trưởng Blinken điện đàm với ông Vương Nghị: Thế giới đang nhìn xem ai ủng hộ tự do và chủ quyền

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gặp mặt tại một khách sạn ở Rome bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 của Các nhà lãnh đạo Thế giới ở Rome, vào hôm 31/10/2021. (Ảnh: Tiziana Fabi/POOL/AFP qua Getty Images )

Mười ngày sau cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vào hôm 05/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Trong cuộc điện đàm, ông Blinken nhấn mạnh rằng thế giới đang chú ý đến những quốc gia nào ủng hộ tự do và chủ quyền, còn ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc hy vọng rằng Âu Châu, Hoa Kỳ và Nga sẽ nhìn thẳng vào những mâu thuẫn và vấn đề đã tích tụ trong nhiều năm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Ned Price cho biết trong một tuyên bố rằng Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Vương Nghị đã có một cuộc trò chuyện về cuộc chiến tranh “được tính toán trước, vô cớ và phi lý” của Moscow đối với Ukraine. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng thế giới đang chú ý theo dõi “quốc gia nào ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về tự do, tự quyết và chủ quyền”. Ông nhấn mạnh: “Thế giới đang nỗ lực phối hợp để bác bỏ và đáp trả hành động gây hấn của Nga, đảm bảo Moscow sẽ phải trả giá đắt”.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận rằng ông Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken.

Ông Vương Nghị cho biết trong một tuyên bố trên trang web chính thức rằng: “Chúng tôi khuyến khích Hoa Kỳ, NATO, Liên minh Châu Âu (EU) và Nga tiến hành các cuộc đối thoại trên cơ sở bình đẳng, đối mặt với những mâu thuẫn và vấn đề đã tích tụ trong nhiều năm, đồng thời chú ý đến tác động tiêu cực của việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông đối với môi trường an ninh của Nga”.

Khi đề cập đến vấn đề Đài Loan, ông Vương Nghị tái nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc và yêu cầu Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ thổi phồng mối đe dọa chiến tranh và làm leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, các quốc gia Âu Châu và Hoa Kỳ đã lên án mạnh mẽ và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Ngoài ra, các quốc gia này cũng đã gửi một số lượng lớn vũ khí và đạn dược tới Ukraine để trợ giúp Ukraine phòng vệ. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) một mực không muốn công khai lên án hành động xâm lược của Nga, đồng thời chỉ trích các quốc gia Âu Châu và Hoa Kỳ có lệnh trừng phạt chống lại Nga. Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Nhân quyền về việc Nga xâm lược Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC vào ngày 27 tháng 02, Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bà Jen Psaki đã nhắc nhở rằng Bắc Kinh nên công khai lên án những hành động gây chiến như vậy.

Bà Psaki nói: “Đây không phải là lúc để đứng ngoài quan sát. Giờ là lúc để lên tiếng và lên án hành động của Tổng thống Putin và hành động xâm lược của Nga đối với một quốc gia có chủ quyền”.

“Nhưng lịch sử đang được viết, một bước rất quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc (Trung Cộng) là nhìn lại bản thân, thực sự đánh giá nơi họ định đứng”.

Ngoài cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị, vào hôm 05/3, ông Blinken đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại biên giới Ukraine – Ba Lan, cùng thảo luận về những nỗ lực của phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine và cô lập Nga với hy vọng kết thúc chiến tranh. 

Trong tình huống an ninh nghiêm ngặt, Ngoại trưởng Blinken và ông Kuleba đã hội đàm trong một căn lều tại cửa khẩu biên giới. Trong khi đó tại biên giới, những người tỵ nạn, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đang mang theo hành lý với vali và balo để quá cảnh.

Hai người đàn ông bước đi hai bên một vạch sơn đánh dấu ranh giới ngăn cách với Ukraine.

Ông Blinken nói: “Cả thế giới đứng cùng với Ukraine, cũng giống như tôi đứng cùng với bạn bè và đồng sự của mình ở Ukraine”.

Ông Kuleba nói: “Tôi muốn người dân Ukraine thấy rằng đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng tôi có những người bạn luôn đứng về phía mình”.

Ngoại trưởng Kuleba cũng cho biết ông và Ngoại trưởng Blinken đã thảo luận về việc trang bị vũ khí cho Ukraine, cũng như các hành động nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế và làm tổn hại nền kinh tế của Moscow thông qua các lệnh trừng phạt.

Lâm Nghiên thực hiện
Mai Thanh biên dịch

Related posts