Ván cờ Ukraine: Ông Tập đã hiểu sai ý đồ của Putin?

Ngọc Minh

Ván cờ Ukraine: Ông Tập đã hiểu sai ý đồ của Putin?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi tài liệu trong một lễ ký kết sau các cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 05/06/2019. (Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AFP/Getty Images)

Trong khi Nga leo thang chiến tranh ở Ukraine, cả thế giới cũng đổ dồn chú ý vào Trung Quốc, quốc gia đã luôn cố gắng củng cố quan hệ với Nga và khoe khoang về liên minh của họ. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc không thể không thoát khỏi bụi phóng xạ từ chiến tranh, và xét cho cùng, cuộc chiến này có đi đến đâu, thì Bắc Kinh cũng sẽ nằm trong số những quốc gia tổn thất nhiều nhất về nhiều mặt. Vì sao vậy?

Minh Các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục hiểu sai ý định của Putin?

Từ giữa năm ngoái, quân đội Nga bắt đầu tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã dự đoán rằng Nga sẽ không từ bỏ một cuộc chiến toàn diện.

Ngày 4/2 vừa qua, ông Tập đã mời Putin tới Bắc Kinh và ký một tuyên bố chung tuyên bố tình hữu nghị giữa hai nước “không có biên giới,” và “không có vùng cấm trong hợp tác”.

Hai nước cũng lên tiếng phản đối việc mở rộng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong khi Trung Quốc cho thấy sự ủng hộ rõ ràng của họ đối với lập trường của Nga về an ninh.

Ông Tập có khả năng sẽ không củng cố quan hệ với Nga ở mức độ như vậy nếu ông biết rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine ba tuần sau đó và bị phỉ báng trên toàn thế giới. Nhiều người theo dõi Trung Quốc đã chỉ ra rằng ông Tập không kịp thời nhận ra rủi ro từ động thái của Nga cho đến khi quá muộn.

Có nhiều lý do để tin rằng Trung Quốc đã hiểu sai ý định của Putin. 

Thứ nhất, theo New York Times, trong vòng 3 tháng qua, Mỹ đã liên lạc với Trung Quốc 6 lần và chia sẻ thông tin mật về Nga. Đây rõ ràng là một hành động bất thường của Washington, tại sao họ lại làm như vậy? vì Hoa Kỳ hy vọng rằng Trung Quốc có thể giúp họ thuyết phục Nga bỏ ý định xâm lược Ukraine.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chia sẻ thông tin tình báo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hai lần vào đầu năm nay. Nhưng Trung Quốc đã không coi trọng thông tin, có thể vì họ không tin rằng Nga lại dám tổ chức một cuộc tấn công lớn như vậy.

Thứ hai, Trung Quốc vội vàng sơ tán công dân khỏi Ukraine sau khi cuộc xâm lược bắt đầu. Với khoảng 6.000 người Trung Quốc ở Ukraine, Trung Quốc nhanh chóng thông báo các chuyến bay sơ tán vào ngày 25/2, một ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Tại sao Trung Quốc lại phạm phải sai lầm này?

Trung Quốc có thể đã hiểu nhầm Putin vì mong muốn duy trì tình đoàn kết với Nga nhằm đối phó với những thách thức từ Mỹ. Nói tóm lại, Bắc Kinh có thể đã không đánh giá một cách khách quan về Putin và những tham vọng của ông ấy.

Một lý do khác, theo một nguồn tin ngoại giao quen thuộc với Trung Quốc, có thể ông Tập độc tài đến mức các cấp dưới của ông không muốn là người phải thông báo tin xấu. “Các trợ lý của ông Tập không muốn cung cấp thông tin và các phân tích trái ngược với chính sách của ông vì sợ ông sẽ tức giận”. Thông tin tình báo từ Hoa Kỳ về cuộc xâm lược rất có thể xảy ra của Nga là một ví dụ.

Bình luận của Bắc Kinh về cuộc xâm lược của Nga cũng thiếu nhất quán, cho thấy họ đã nắm bắt sai tín hiệu của Putin.

Trong Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói, “Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào nên được được tôn trọng và bảo vệ an toàn”, và rằng” Ukraine không phải là ngoại lệ”.

Vào ngày 24/2 khi cuộc xâm lược bắt đầu, Trung Quốc thay đổi lập trường và đứng sang phía bảo vệ Nga. Trong cuộc họp báo cùng ngày, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từ chối thừa nhận rằng Nga đã thực hiện một “cuộc xâm lược” khi được các phóng viên hỏi. Sau đó, bà này đổ lỗi cho Mỹ và nói rằng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm một phần cho tình hình Ukraine, và rằng Washington đã cố tình nuôi dưỡng mối bất hòa và làm tăng nguy cơ chiến tranh.

Và phản ứng của Mỹ

Trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã xuất hiện sự thất vọng với thái độ của Trung Quốc, và phản ứng dữ dội này ngày càng có xu hướng gia tăng.

“Mặc dù chính quyền Biden vẫn nuôi hy vọng thuyết phục Bắc Kinh khuyên giải Putin dừng các hành động vũ trang với Ukraine, nhưng xem ra hi vọng quá mong manh. Vì vậy, các quan chức Mỹ thậm chí đã chia sẻ thông tin tình báo với Trung Quốc”, bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ cho biết.

“Tuy nhiên, người Trung Quốc lại cho rằng đây là việc chọc gậy bánh xe và và thậm chí còn chia sẻ lại những thông tin này với người Nga. Sau đó, khi Nga tấn công, chính phủ Trung Quốc đã từ chối gọi đó là một ‘cuộc xâm lược’ và bày tỏ sự thông cảm với Nga, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ”.

“Ngày càng có nhiều ý kiến ​​bi quan về tiềm năng hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề khủng hoảng, và nhận thấy khả năng quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ngày càng sâu sắc hơn”, bà nói.

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan…

Trung Quốc đang buộc phải điều chỉnh lại lập trường của mình trước tình hình thương vong gia tăng ở Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Putin ngày 25/2, ông Tập được cho là đã yêu cầu tổng thống Nga đàm phán về cách thức giải quyết chiến tranh và tôn trọng chủ quyền của Ukraine.

Thế giới hiện đang chờ xem Trung Quốc có thể kiềm chế Nga đến mức nào và đóng góp như thế nào về việc cho ra đời một lệnh ngừng bắn. Rõ ràng, việc quá thân thiết với Nga trong giai đoạn quan trọng này có thể sẽ khiến Bắc Kinh hứng chỉ trích của thế giới và gây thiệt hại cho chính Trung Quốc bởi hai lý do.

Thứ nhất, mục tiêu của Trung Quốc là thay thế Mỹ trở thành nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2050 sẽ phải hoãn vô thời hạn. Trung Quốc đã gian lận dưới những ràng buộc của trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo và liên tục vi phạm các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, ủng hộ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác. Nga đã chuyển những nguyên tắc này vào thùng rác bằng cách xâm phạm Ukraine. Do đó, Trung Quốc khó có thể giành được lòng tin của thế giới nếu nước này tiếp tục liên quan đến cuộc phiêu lưu quân sự của Nga.

Thứ hai, thế giới sẽ thù địch với Trung Quốc vì cho rằng nước này chung chiến tuyến với Nga. Các cuộc biểu tình chống lại cuộc xâm lược đang thu hút rất nhiều người tham gia; cả bên ngoài và bên trong nước Nga. Một khi những người dân Nga cảm thấy Trung Quốc chống lại những nỗ lực của họ, tình hữu nghị lâu dài của hai nước có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

Nga cũng là một nguồn cung cấp năng lượng và công nghệ quân sự tiên tiến quan trọng đối với Trung Quốc. Bây giờ Putin đã trở thành một kẻ xâm lược và Trung Quốc có thể thấy rằng mối quan hệ của họ với Nga là một gánh nặng hơn là ích lợi. Vì vậy, nếu Trung Quốc không sớm tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, thì đâm lao phải theo lao, ông Tập Cận Bình sẽ phải gắn bó chặt chẽ với Tổng thống Nga Putin và để mặc cho cả thế giới phỉ nhổ.

Ngọc Minh

(Theo Nikkei Asia)

Related posts