Liệu nhà máy hạt nhân Ukraine có thể thực sự kích hoạt một vụ nổ ‘lớn gấp 10 lần Chernobyl’?

Văn Thiện

Liệu nhà máy hạt nhân Ukraine có thể thực sự kích hoạt một vụ nổ 'lớn gấp 10 lần Chernobyl'?
Pháo sáng của quân đội Nga rơi xuống nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine. (Ảnh chụp YOUTUBE/Zaporizhzhya NPP)

Các chuyên gia hạt nhân đã dập tắt lo ngại rằng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu có nguy cơ trở thành một “thảm họa Chernobyl khác”, sau khi cuộc tấn công pháo kích “liều lĩnh” của Nga đã gây ra một đám cháy địa điểm này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gọi cuộc tấn công là “khủng bố hạt nhân”, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba tweet rằng: “Nếu [nhà máy] nổ tung, vụ nổ sẽ lớn gấp 10 lần Chernobyl!”

Chương mới nhất trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra đã làm dấy lên lo ngại về một vụ nổ hạt nhân có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Trung Âu trong nhiều thập kỷ, tương tự như vụ Chernobyl gần Pripyat ở Ukraine vào tháng 4/1986 – thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.

Nhưng các chuyên gia cho rằng điều này rất khó xảy ra, một phần là do sự khác biệt về thiết kế giữa Zaporizhzhia và Chernobyl.

Sáu lò phản ứng năng lượng hạt nhân tại Zaporizhzhia không phải là lò phản ứng kiểu Chernobyl, mà là lò phản ứng nước áp lực (pressurized water reactor), được đưa vào hoạt động từ năm 1985 đến 1995.

Không giống như Chernobyl, các lò phản ứng cũng được đặt trong các đơn vị ngăn chặn bằng bê tông cốt thép dày, được xây dựng để chống lại các vụ nổ cực mạnh, chẳng hạn như một vụ tai nạn máy bay. Các lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. (Ảnh: Wikipedia, CC BY-SA)

Một chuyên gia hạt nhân cho biết “tình huống xấu nhất” đối với Zaporizhzhia sẽ tương tự như những gì đã xảy ra tại Fukushima, Nhật Bản vào năm 2011, một thảm họa không giống như Chernobyl, không dẫn đến bất kỳ trường hợp tử vong trực tiếp nào.

Tại Fukushima, nước từ một trận sóng thần cao 10m khiến gần 19.000 người thiệt mạng đã tràn qua bức tường phòng thủ và làm ngập nhà máy điện. Nó cũng vô hiệu hoàn toàn các máy phát điện khẩn cấp cung cấp năng lượng cho hệ thống làm mát.

Giáo sư David Fletcher, người trước đây làm việc tại Năng lượng Nguyên tử Vương quốc Anh và hiện đang làm việc tại Đại học Sydney, cho biết: “Hiện tại dường như chỉ có các công trình phụ bị hư hại bởi tên lửa của Nga. Mối lo ngại thực sự không phải là một vụ nổ thảm khốc như đã xảy ra tại Chernobyl mà là việc hư hỏng hệ thống làm mát, thứ cần thiết ngay cả khi lò phản ứng ngừng hoạt động”.

Ông nói thêm: “Chính loại thiệt hại này đã dẫn đến tai nạn Fukushima”.

Trong khi Chernobyl có các lò phản ứng làm chậm bằng than chì, Zaporizhzhia sử dụng các lò phản ứng làm chậm bằng nước được coi là an toàn hơn.

Giáo sư Claire Corkhill, chuyên gia vật liệu nhân tại Đại học Sheffield, nói với Daily Mail: “Tại Chernobyl, chất làm chậm bằng than chì (một phần thiết yếu để duy trì chuỗi phản ứng hạt nhân) đã bốc cháy và đám cháy đã duy trì trong 10 ngày. Khói phóng xạ từ các lò phản ứng được bốc lên cao vào bầu khí quyển, đó là lý do tại sao có sự lan truyền bức xạ rất rộng khắp châu Âu”.

Ông nói thêm: “Điều tương tự không thể xảy ra ở Zaporizhzhia vì không có than chì. Bất kỳ sự giải phóng bức xạ nào sẽ đều có tính địa phương hóa nhiều hơn”.

Một ưu điểm khác trong thiết kế của Zaporizhzhia, khi so sánh với các nhà máy hạt nhân kiểu cũ, là lõi của lò phản ứng chứa ít uranium hơn. Điều này làm giảm nguy cơ xảy ra các sự kiện phân hạch bổ sung và do đó làm cho lò phản ứng an toàn hơn và dễ kiểm soát hơn.

Ngoài ra, việc chứa ít uranium hơn cũng giúp ngăn chặn phản ứng gây ra phát nổ giống như ở Chernobyl, khi lỗi của con người đã gây ra một sự gia tăng năng lượng đột ngột và tạo thành một vụ nổ lò phản ứng lớn. Vụ nổ đó đã làm phơi nhiễm khu vực gần đó và bao phủ phía tây Liên Xô và châu Âu bằng bức xạ.

Theo Mark Wenman, Phó giáo sư về Vật liệu Hạt nhân tại Công ty Năng lượng Hạt nhân Tương lai, Đại học Hoàng gia London, sáu lò phản ứng nước áp lực của Zaporizhzia sản xuất 1/5 lượng điện của Ukraine. Không giống như Chernobyl, chúng được bảo vệ tốt trong trường hợp bị tấn công trực tiếp.

Wenman cho biết: “Nhà máy là một thiết kế lò phản ứng tương đối hiện đại và do đó, các thành phần thiết yếu của lò phản ứng được đặt bên trong một đơn vị ngăn chặn bằng bê tông cốt thép nặng, có thể chịu được các sự kiện cực đoan từ bên ngoài, cả tự nhiên và nhân tạo, chẳng hạn như một vụ rơi máy bay hoặc các vụ nổ. Bản thân lõi lò phản ứng tiếp tục được đặt trong một bình chịu áp lực bằng thép kín với các bức tường dày 20 cm (8 inch)”.

Ông nói thêm: “Thiết kế khác rất nhiều so với lò phản ứng Chernobyl, nơi không có đơn vị ngăn chặn, và do đó không có rủi ro thực sự, theo ý kiến ​​của tôi, tại nhà máy hiện tại các lò phản ứng đã được đóng cửa an toàn”.

Nhưng bất chấp sự trấn an, một số chuyên gia đã cảnh báo rằng cấu trúc của các đơn vị ngăn chặn có thể không chống lại tên lửa.

Robin Grimes, giáo sư vật lý vật liệu tại Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Bình chịu áp lực rất chắc chắn và có thể chịu được tác động đáng kể từ các hiện tượng như động đất và ở một mức độ nào đó là các tác động động học. Nhưng nó không được thiết kế để chịu được sức nổ như đạn pháo”.

Theo Thanh tra Quy định Hạt nhân Nhà nước Ukraine, chỉ có một trong số sáu lò phản ứng của Zaporizhzhia dường như đang hoạt động, trong khi các lò khác đang được làm mát.

Giáo sư Corkhill cho biết: “Bây giờ chúng tôi biết rằng họ đang đưa các lò phản ứng vào trạng thái ngừng hoạt động, có nghĩa là chúng không cần nguồn cung cấp điện bên ngoài để giữ cho nhiên liệu nguội. Trong tình huống này, nhiên liệu an toàn và không đủ nóng để gây ra sự cố. Do đó, sẽ không có tai nạn mất chất làm mát khi các lò phản ứng ngừng hoạt động”.

Zaporizhzhia, được xây dựng từ năm 1984 đến 1995, là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ chín trên thế giới.

Kể từ khi lo ngại về cuộc tấn công của Nga đã giảm nhẹ sau khi các nhà chức trách Ukraine thông báo rằng đám cháy đã được dập tắt bởi các đơn vị Dịch vụ Khẩn cấp Nhà nước Ukraine.

Tuy nhiên, một mối lo ngại được cơ quan quản lý nhà nước về hạt nhân của Ukraine nêu ra là nếu giao tranh làm gián đoạn nguồn cung cấp điện cho nhà máy hạt nhân, nhà máy sẽ buộc phải sử dụng các máy phát điện diesel kém tin cậy hơn để cung cấp năng lượng khẩn cấp cho các hệ thống làm mát đang vận hành. Một sự cố của các hệ thống này có thể dẫn đến một thảm họa tương tự như ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản.

Văn Thiện

Related posts