Thế giới đang dõi theo phản ứng của Trung Quốc trước ‘Chiến dịch quân sự đặc biệt’ của Nga

Frank Fang

Từ trái qua phải: Ông Antony Blinken, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đương thời, bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Sảnh Ô liu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/02/2015. (Ảnh: Andy Wong-Pool/Getty Images)

Hôm 05/03, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gây áp lực lên Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine, nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng “thế giới đang theo dõi”, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục từ chối lên án Nga về hành vi xâm lược quân sự đối với nước láng giềng.

Ông Blinken đưa ra nhận xét trên trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Theo một tuyên bố, cả hai đã thảo luận về điều mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi là “cuộc chiến tranh được tính toán trước, vô cớ, và không chính đáng của Moscow vào Ukraine”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết: “Ngài ngoại trưởng lưu ý rằng thế giới đang theo dõi xem quốc gia nào đứng lên bảo vệ các nguyên tắc căn bản về tự do, tự quyết, và chủ quyền.”

“Ông nhấn mạnh rằng thế giới đang đồng lòng hành động để bác bỏ và đáp trả cuộc xâm lược của Nga, bảo đảm rằng Moscow sẽ phải trả giá đắt.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói chuyện với giới truyền thông sau cuộc gặp tại cửa khẩu biên giới Ukraine-Ba Lan ở Korczowa, Ba Lan, hôm 05/03/2022. (Ảnh: Olivier Douliery/Pool/AFP/Getty Images)

Giờ đây, gần hai tuần sau khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, chính quyền Trung Quốc đã từ chối công khai ủng hộ cả hai bên. Tuy nhiên, chế độ cộng sản đã thể hiện sự ủng hộ kín đáo dành cho Điện Kremlin cả trong nước và trên trường quốc tế.

Khi cuộc xâm lược bắt đầu, Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh trừng phạt nhập cảng lúa mì đối với Nga. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga.

Chế độ cộng sản đã tránh không gọi hành động xâm lược quân sự của Nga là một “cuộc xâm lược”. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng tránh gọi đây là một cuộc xâm lược – thay vào đó họ sử dụng cụm từ mơ hồ “tình hình hiện tại” hoặc sử dụng mô tả của Moscow về một “chiến dịch quân sự đặc biệt” – trong bài tin của họ về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã nhiều lần đứng về phía Nga. Hôm 25/02, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Moscow ngừng cuộc tấn công vào Ukraine và rút quân ngay lập tức.

Gần đây hơn, Trung Quốc cũng bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 04/03. Nghị quyết này — được thông qua sau khi 32 quốc gia của hội đồng 47 thành viên bỏ phiếu tán thành — kêu gọi thành lập một ủy ban quốc tế độc lập để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Nga trong cuộc chiến nhằm vào Ukraine.

Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không cung cấp bất kỳ chi tiết nào khác về cuộc điện đàm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố dài, trong đó cuộc khủng hoảng Ukraine được gọi là “vấn đề Ukraine”.

Theo bản thông tin về cuộc điện đàm của Trung Quốc, ông Vương nói với ông Blinken rằng Trung Quốc hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga. Ông cũng khuyến khích Hoa Kỳ, NATO, Liên minh Âu Châu và Nga tham gia vào cuộc “đối thoại dựa trên sự bình đẳng”.

Ông Vương nói, cuộc đối thoại bốn bên này nên “chú ý đến tác động tiêu cực của việc NATO liên tục mở rộng về phía đông đối với nỗ lực an ninh của Nga.”

Trung Quốc và Nga hiện đang tự hào về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” và sự phản đối của Bắc Kinh đối với việc NATO mở rộng là một vấn đề chủ chốt củng cố mối quan hệ song phương này. Mối quan hệ đối tác được công bố trong một tuyên bố chung hôm 04/02, sau cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thế vận hội Bắc Kinh.

Bản thông tin của Trung Quốc cũng cho biết ông Vương và ông Blinken đã nói về Bắc Hàn và Đài Loan.

Ông Vương được cho là nói với ông Blinken rằng Trung Quốc “lo ngại sâu sắc” về các bài diễn văn và hành động “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” gần đây “từ phía Hoa Kỳ” liên quan đến Đài Loan.

Mặc dù bản thông tin của Trung Quốc không nêu rõ Trung Quốc không hài lòng về điều gì, nhưng rất có thể chính quyền Trung Quốc đang tức giận với cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người gần đây trong chuyến công du bốn ngày tới Đài Loan, đã thúc giục Hoa Thịnh Đốn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao với tư cách là một quốc gia có chủ quyền.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trả lời các câu hỏi sau khi ông có bài diễn văn trong chuyến đi bốn ngày đến Đài Loan ở Đài Bắc hôm 04/03/2022. (Ảnh: Chiang Ying-ying/AP Photo)

Ông Pompeo đến Đài Loan hôm 02/03 và gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 03/03.

Trong một bài báo được xuất bản hôm 01/03, hãng thông tấn hung hăng của nhà nước Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), đã nhạo báng chuyến thăm Đài Loan của ông Pompeo là một “trò hề chính trị nhạt nhẽo”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc cần được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, Đài Loan có chính phủ dân chủ tự do của riêng mình, kiên quyết phản đối mô hình quản trị độc tài của ĐCSTQ và được công nhận rộng rãi là độc lập trên danh nghĩa.

Hoa Thịnh Đốn chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để ủng hộ Bắc Kinh vào năm 1979, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ bền chặt với hòn đảo này dựa trên Đạo luật Quan hệ Đài Loan, cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho hòn đảo này các thiết bị quân sự để tự vệ.

Ông Blinken và  ông Vương cũng đã điện đàm hôm 22/02, vài giờ sau khi ông Putin ra lệnh cho quân đội của mình tiến vào hai khu vực do phe ly khai ở miền đông Ukraine nắm giữ sau khi ông công nhận nền độc lập của họ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về Đài Loan và đề nghị công nhận Đài Loan độc lập của ông Pompeo tại thời điểm phát hành bản tin này.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

An Nhiên biên dịch

Related posts