Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine,
Điện Kremlin tuyên bố hành động quân sự của Nga ‘trong chớp mắt’ sẽ dừng lại nếu Ukraine đáp ứng các điều kiện
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang yêu cầu Ukraine dừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để trở nên trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk là các lãnh thổ độc lập.
Ông Peskov nói với Reuters rằng Nga đã nói với Ukraine rằng họ sẵn sàng dừng hành động quân sự “trong chớp mắt” nếu Kyiv đáp ứng các điều kiện của họ.
Đó là tuyên bố thẳng thắn nhất của Nga từ trước đến nay trong số các điều kiện mà nước này muốn áp đặt đối với Ukraine để cho ngừng cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, hiện đã bước sang ngày thứ 12.
Ông Peskov cho biết Ukraine đã biết về các điều kiện. “Và họ đã được thông báo rằng toàn bộ sự việc này có thể được dừng lại trong chớp mắt.”
Về vấn đề trung lập, ông nói: “Họ nên sửa đổi hiến pháp để theo đó Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định gia nhập bất kỳ khối nào. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách thay đổi hiến pháp.”
Phát ngôn viên Điện Kremlin khẳng định Nga không tìm cách đưa ra thêm bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với Ukraine.
“Chúng tôi thực sự đang hoàn tất việc phi quân sự hóa Ukraine. Chúng tôi sẽ hoàn tất việc này. Nhưng vấn đề chính là Ukraine dừng hành động quân sự. Họ nên dừng hành động quân sự của mình và sau đó sẽ không ai khai hỏa nữa,” ông nói.
“Họ nên sửa đổi hiến pháp của họ, theo đó Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định gia nhập bất kỳ khối nào. Chúng tôi cũng đã nói về cách họ nên công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và họ cần công nhận rằng Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Và chỉ thế thôi. Chiến dịch quân sự sẽ dừng lại trong chớp mắt,” ông Peskov nói với Reuters.
Việc ông Peskov đưa ra các yêu cầu của Nga diễn ra trong bối cảnh các phái đoàn từ Nga và Ukraine chuẩn bị gặp nhau vào thứ Hai (07/03) cho vòng đàm phán thứ ba nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Cuộc xâm lược được phát động từ ngày 24/02 này đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất ở Âu Châu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và khiến toàn thế giới phẫn nộ.
Ukraine từ chối các hành lang dẫn tới Nga và Belarus
Hôm thứ Hai (07/03), một quan chức cao cấp của Ukraine đã từ chối đề xướng của Nga về việc di tản dân thường từ đất nước bị bao vây này sang Nga và Belarus.
“Đây là một lựa chọn không thể chấp nhận được để mở các hành lang nhân đạo,” Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk cho biết tại một cuộc họp.
Theo đề xướng của Nga, các lựa chọn duy nhất cho dân thường chạy khỏi Kyiv và các vùng ngoại ô của thủ đô này là tới Gomel ở nước láng giềng Belarus. Thường dân ở Kharkiv và Sumy ở miền đông Ukraine sẽ phải chạy nạn đến thành phố Belgorod của Nga.
Belarus là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Nga Putin.
Chính phủ Ukraine đang đề nghị tám hành lang nhân đạo, bao gồm một hành lang từ cảng Mariupol ở phía nam, cho phép dân thường đi đến các khu vực phía tây Ukraine, nơi không có pháo kích của Nga.
“Chúng tôi yêu cầu Liên bang Nga ngừng thao túng và lạm dụng lòng tin của các nhà lãnh đạo Pháp, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ấn Độ,” bà Vereshchuk nói.
Nga cho biết sẽ mở hành lang nhân đạo ở các thành phố của Ukraine vào 07/03
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này sẽ ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo ở một số thành phố của Ukraine vào thứ Hai (07/03), sau khi các nỗ lực di tản cuối tuần bị đình trệ và thương vong dân sự từ cuộc xâm lược của Nga gia tăng.
Bộ cho biết, các hành lang sẽ mở cửa lúc 10 giờ sáng theo giờ Moscow (7 giờ GMT hay 2 giờ chiều Việt Nam) từ thủ đô Kyiv cũng như các thành phố Kharkiv, Mariupol, và Sumy. Các hành lang này đang được thiết lập thể theo yêu cầu cá nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo các bản đồ do hãng thông tấn RIA công bố, hành lang từ Kyiv sẽ dẫn đến đồng minh của Nga là Belarus, còn dân thường từ Kharkiv sẽ chỉ có hành lang dẫn tới Nga. Các hành lang từ Mariupol và Sumy sẽ dẫn đến cả các thành phố khác của Ukraine và đến Nga.
Bộ cho biết, những người muốn rời Kyiv sẽ có thể được vận chuyển bằng phi cơ đến Nga, đồng thời cho biết họ sẽ sử dụng phi cơ không người lái để giám sát việc di tản.
Hai công ty kiểm toán Big Four rút khỏi Nga
Hai trong số bốn công ty kiểm toán Big Four đang rút khỏi Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm Chủ Nhật (06/03), cả KPMG và PricewaterhouseCoopers (PwC) đều cho biết họ sẽ chấm dứt mối quan hệ với các công ty thành viên có trụ sở tại Nga. KPMG cho biết họ cũng đang rút khỏi Belarus.
KPMG International cho biết trong một tuyên bố, đây là việc làm “vô cùng khó khăn” khi để các công ty của Nga và Belarus rời khỏi mạng lưới này. KPMG có hơn 4,500 nhân viên tại hai quốc gia.
PricewaterhouseCoopers cho biết họ có 3,700 nhân viên tại công ty PwC Nga và đang tiến hành một “quá trình chuyển đổi có trật tự” cho hoạt động kinh doanh.
Hai công ty Big Four còn lại — Deloitte và Ernst & Young — đã không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận vào Chủ Nhật.
AAA: Giá xăng ở Hoa Kỳ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do xung đột với Nga
Hôm Chủ Nhật (06/03), Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA) cho biết, giá xăng của Hoa Kỳ tại trạm xăng tăng 11% trong tuần qua lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 07/2008, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt toàn cầu làm tê liệt khả năng xuất cảng dầu thô của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
AAA cho biết giá xăng trung bình của loại xăng thường ở Hoa Kỳ đạt 4.009 USD/gallon vào Chủ Nhật, tăng 11% so với mức 3.604 USD một tuần trước và tăng 45% so với mức 2.760 USD một năm trước.
Sở hữu dữ liệu từ năm 2000, hiệp hội xe hơi này cho biết giá xăng bán lẻ của Mỹ đạt mức kỷ lục 4.114 USD/gallon vào ngày 17/07/2008, cùng thời điểm giá dầu thô kỳ hạn của Hoa Kỳ tăng lên mức kỷ lục 147.27 USD/thùng.
Theo AAA, giá xăng đắt nhất trong nước là ở California với 5.288 USD một gallon, tiếp theo là Hawaii (4.695 USD), Nevada (4.526 USD), và Oregon (4.466 USD).
Nhà cung cấp giá xăng GasBuddy cho biết giá xăng trung bình của Hoa Kỳ tăng gần 41 cent/gallon, lần đầu tiên đạt mức cao nhất là 4 USD sau gần 14 năm và chỉ kém 10 cent so với mức kỷ lục mọi thời đại là 4.103 USD/gallon.
GasBuddy cho biết đây là mức tăng hàng tuần lớn thứ hai từ trước đến nay, sau khi mức tăng 49 cent/gallon trong tuần ngày 03/09/2005, sau khi cơn bão Katrina quét qua vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.
“Giá dầu tăng tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy giá lên cao hơn,” AAA cho biết trong một thông cáo, đồng thời lưu ý “giá tại trạm xăng có thể sẽ tiếp tục tăng khi giá dầu thô tiếp tục tăng.”
Quốc hội Hoa Kỳ sẽ xem xét lệnh cấm nhập cảng dầu của Nga, viện trợ 10 tỷ USD cho Ukraine trong tuần này
Hôm Chủ Nhật (06/03), Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết Hạ viện đang “xem xét” luật cấm nhập cảng dầu của Nga và Quốc hội dự định viện trợ 10 tỷ USD cho Ukraine trong tuần này để đáp trả cuộc xâm lược quân sự của Nga đối với nước láng giềng.
“Hạ viện hiện đang xem xét các luật mạnh mẽ sẽ cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế toàn cầu,” bà Pelosi cho biết trong một bức thư.
“Dự luật của chúng tôi sẽ cấm nhập cảng dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga vào Hoa Kỳ, hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, và thực hiện bước đầu tiên để chặn Nga khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới.”
Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt”.
Ukraine cho biết quân đội Nga tăng cường pháo kích
Cố vấn tổng thống Oleksiy Arestovich cho biết, quân đội Nga đã tăng cường pháo kích vào các thành phố ở trung tâm, phia bắc và phía nam của Ukraine vào cuối ngày Chủ Nhật (06/03).
Ông nói trên truyền hình Ukraine: “Làn sóng mới nhất của các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn ập đến khi màn đêm buông xuống.”
Ông cho biết các khu vực hứng chịu pháo kích mạnh bao gồm ngoại ô Kyiv, Chernihiv ở phía bắc, Mykolaiv ở phía nam, và Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước.
Các quan chức Kharkiv cho biết cuộc pháo kích này đã làm hư hại tháp truyền hình và pháo hạng nặng đang bắn trúng các khu vực dân cư.
Tại Chernihiv, các quan chức cho biết tất cả các khu vực của thành phố đang bị tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo.
Ông Arestovich đã mô tả một tình huống “thảm khốc” ở vùng ngoại ô Kyiv của Bucha, Hostomel, và Irpin, nơi các nỗ lực di tản cư dân hôm Chủ Nhật (06/03) đã thất bại. Ông cho biết chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để nối lại các hoạt động di tản.
Các cuộc di tản cũng không thể diễn ra ở Mariupol ở phía nam và Volnovakha ở phía đông vì bị pháo kích.
Tổng thống Zelensky kêu gọi phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt
Trong một tuyên bố video vào tối hôm Chủ Nhật (06/03), ông Zelensky đã chỉ trích dồn dập các nhà lãnh đạo phương Tây vì đã không phản ứng trước thông báo của Bộ Quốc phòng Nga rằng họ sẽ tấn công khu liên hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine, đồng thời yêu cầu nhân viên của các nhà máy quốc phòng này phải nghỉ làm.
Ông Zelensky nói: “Tôi không nghe thấy dù chỉ một nhà lãnh đạo thế giới nào phản ứng trước điều này. Sự táo bạo này của kẻ xâm lược là một tín hiệu rõ rệt cho phương Tây rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga là chưa đủ.”
Ông Zelensky kêu gọi tổ chức một “tòa án” để đưa những kẻ ra lệnh và thực hiện những tội ác như vậy ra trước công lý.
Ông nói, “Hãy nghĩ về cảm giác không bị trừng phạt của những kẻ xâm lăng, đến mức mà họ có thể thông báo những hành động tàn bạo đã được lên kế hoạch như vậy.”
Hôm Chủ Nhật (06/03), Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng các lực lượng của họ có ý định tấn công khu phức hợp công nghiệp-quân sự của Ukraine với thứ mà họ nói là vũ khí chính xác.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả nhân viên của các nhà máy công nghiệp quốc phòng Ukraine … rời khỏi khu đất của các doanh nghiệp mình,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết trong một tuyên bố với hãng thông tấn nhà nước TASS.