Cái giá mà Trung Quốc phải trả cho 4 thập kỷ ‘kế hoạch hoá gia đình’ khắc nghiệt

Thuỷ Tiên

Trung Quốc cũng đang phải trả giá cho sự can thiệp bạo lực của nhà nước vào nhân khẩu — chính sách kiểm soát dân số “một con” hà khắc của họ. Dân số đang già đi và số lượng người Trung Quốc trong độ tuổi lao động đang thu hẹp lại với tốc độ thu hẹp 0,5% /năm đến năm 2030. (Getty Images)

Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được quản trị bởi các chính sách cực đoan, tất cả mọi vấn đề kinh tế – xã hội đều phải phát triển theo lập trình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã sớm bộc lộ các thất bại. Nhưng có những thất bại kinh tế -xã hội chỉ hiện diện sau hàng thập kỷ; vấn đề là một khi nó đã xuất hiện thì không cách nào có thể vãn hồi trong vài thập kỷ tới. Đó chính là chính sách sinh một con. ‘Thành quả’ của chính sách đang đe doạ tương lai kinh tế của đất nước này.

Kết quả điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ sinh năm 2022 giảm 11,5% so với năm 2020. Đây là năm thứ năm liên tiếp tỷ lệ sinh năm sau thấp hơn năm trước ở Trung Quốc.

Ông Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California-Irvine, lập luận rằng những con số mới này chứng tỏ dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh: “Năm 2021 sẽ đi vào lịch sử Trung Quốc là năm mà Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng dân số lần cuối trong lịch sử lâu dài của mình”, ông Feng viết trong một bài báo đăng tại The New York Times.

Sự thay đổi này báo hiệu sự khởi đầu của những khó khăn trong tương lai đối với Trung Quốc vì các công dân trẻ đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc hỗ trợ thế hệ già; đặc biệt khi hệ thống phúc lợi của Trung Quốc cho người già rất hạn chế. Chưa kể, nguồn cung lao động giảm cũng có thể báo hiệu giai đoạn kết thúc chiến lược công xưởng sản xuất và xuất khẩu hàng hoá giá rẻ mà Trung Quốc hiện đang rất thành công. 

Gieo hạt không quả

Mặc dù nhiều nước phát triển có xu hướng giảm tỷ lệ sinh do tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm xuống. Nhưng Trung Quốc thì khác, giảm tỷ lệ sinh này diễn ra nhanh chóng một cách bất thường. Điều này, ít nhất một phần là do chính sách một con của Trung Quốc kéo dài, vốn đã sử dụng mọi áp lực xã hội, các biện pháp phạt tiền đến triệt sản cưỡng chế để duy trì tỷ lệ sinh thấp. 

Tại sao Trung Quốc lại xây dựng một chính sách tự hủy hoại như vậy? Lý do là ở Cách mạng Cộng sản Trung Quốc và triết lý của lãnh tụ Mao Trạch Đông:

“Sự sinh sản cần phải được lên kế hoạch. Theo quan điểm của tôi, loài người hoàn toàn không có khả năng tự quản lý”, Mao lập luận. “Lên kế hoạch sản xuất trong nhà máy, sản xuất vải, bàn ghế và thép mà không lên kế hoạch sản xuất con người [là không được]. Đây là chủ nghĩa vô chính phủ — không có quản lý, không có tổ chức và không có quy tắc”.

Nỗi sợ hãi về tình trạng vô chính phủ trong sinh sản này chỉ đơn giản là một trò chơi trên đó để chủ nghĩa Karl Marx buộc tội rằng chủ nghĩa tư bản là vô chính phủ trong sản xuất trái ngược với kế hoạch huy hoàng dưới thời chủ nghĩa cộng sản.

Dân số đông là bi kịch của kinh tế kế hoạch? 

Mặc dù một số người cộng sản, đáng chú ý nhất là Fredrich Engels, cho rằng một số lượng lớn dân số sẽ là một lợi ích cho một xã hội cộng sản, nhà kinh tế học Ludwig von Mises biết rõ hơn. Mises đã công nhận rằng 29 năm trước khi Mao ra đời chính sách một con, sự cống hiến triệt để cho bất kỳ hình thức chủ nghĩa xã hội nào, kể cả chủ nghĩa cộng sản, đều không phù hợp với khả năng tự do lựa chọn sinh con của người dân. Như Mises đã chỉ ra trong cuốn sách Chủ nghĩa xã hội: Phân tích kinh tế và xã hội học:

“Nếu không có sự điều tiết cưỡng chế đối với sự gia tăng dân số, thì không thể tưởng tượng nổi một cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Một cộng đồng xã hội chủ nghĩa phải ở một vị trí để ngăn chặn quy mô dân số tăng lên hoặc giảm xuống dưới những giới hạn xác định nhất định. Nó phải cố gắng duy trì dân số luôn ở số lượng tối ưu cho phép sản xuất tối đa trên đầu người”.

Bất kỳ ai cố gắng hoạch định số lượng nhà máy và máy móc cần thiết để tối đa hóa sản xuất đều phải có đủ số lượng công nhân để điều động các nhà máy và máy móc. Quá nhiều hoặc quá ít người sẽ làm rối loạn quy hoạch tập trung.

Vấn đề còn tồi tệ hơn đối với những người cộng sản. Khi tài sản được gom chung lại rồi chia đề cho toàn dân, việc dân số quá đông có thể bị lợi dụng. Ví dụ, nếu một cái ao thuộc sở hữu của tất cả mọi người ở gần nó, thì bạn sẽ có động cơ đánh bắt cá quá mức ngay hôm nay vì sợ rằng những người khác sẽ bắt hết cá trước khi bạn có cơ hội. Vấn đề này được biết đến như là bi kịch tài nguyên chung.

Và, những người hàng xóm sống xung quanh ao càng nhiều thì càng dễ xảy ra tình trạng cạn kiệt cá nhanh chóng. Điều này khuyến khích mọi người khai thác nhiều cá thật sớm, dù cá chưa kịp lớn, dù hiệu quả rất thấp. Lo sợ bị ‘thiệt hại’ lợi ích khi chia đều của cải dẫn tới mặt trái của các nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa theo cách như vậy. Việc thêm dân số vào một tài nguyên chung sau đó sẽ thêm động cơ để lạm dụng tài nguyên chung này.

Dưới chủ nghĩa tư bản, vấn đề này được giải quyết theo nhiều cách khác nhau. Bằng cách cho phép tài sản tư nhân, các ao có thể được rào lại và các cá nhân có thể tính phí cho mỗi con cá của người đánh cá. Ngoài ra, khả năng kiếm được lợi nhuận có thể khiến một số nhà đầu tư bất động sản cung cấp dịch vụ tái thả giống cho các ao đã được đánh bắt quá mức.

Chủ nghĩa tư bản thậm chí có thể sử dụng dân số ngày càng tăng như một lợi ích để giải quyết vấn đề này. Những bộ óc mới có thể phát triển các công nghệ sáng tạo để kiểm soát ao nuôi để đảm bảo chúng không bị lạm dụng. Đây là luận điểm của nhà kinh tế học Julian Simon trong cuốn sách của ông: Nguồn lực tối thượng. Tăng trưởng dân số được hỗ trợ bởi tự do kinh tế dẫn đến tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nếu không có tài sản riêng, sẽ có rất ít động lực cho bất kỳ cá nhân nào để giải quyết thảm kịch tài nguyên chung. Và dưới chế độ cộng sản, các giải pháp kinh tế tư nhân bị coi là bất hợp pháp.

Khi tất cả tài sản được sử dụng chung bằng vũ lực, như chủ nghĩa cộng sản tuyên bố làm, tất cả tài sản trở thành đối tượng của thảm kịch tài nguyên chung. Như vậy, chủ nghĩa cộng sản chắc chắn sẽ có xu hướng dẫn đến những lời kêu gọi kiểm soát dân số, không phải vì tăng trưởng dân số vốn có hại, mà vì những động lực sai trái được tạo ra bởi những người thực thi.

Điều ngạc nhiên là Trung Quốc đã mở cửa từ cuối thập niên 80, nó cho phép kinh tế tư nhân, cho phép sáng tạo kinh tế tư nhân, sở hữu tài sản trong khối tư nhân, vậy tại sao Trung Quốc lại không sớm từ bỏ chính sách kiểm soát dân số hà khắc của mình? Phải chăng các lãnh tụ của Đảng chắc chắn rằng việc mở cửa cho kinh tế tư nhân chỉ là ‘cho phép’ trong một giai đoạn thời gian, việc Trung Quốc phải sớm quay trở lại nền kinh tế kế hoạch – linh hồn của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản – là tất yếu?

Sự sụp đổ các học thuyết kinh tế kế hoạch hoá

Từ năm 1960 đến những năm 1980, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Samuelson đã dự đoán rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên Xô sẽ vượt qua GDP của Hoa Kỳ. Dự báo đương nhiên dựa trên sự khâm phục và ngưỡng mộ lớn lao của các nhà kinh tế hoạch dành cho các nền kinh tế kế hoạch hoá cao độ; thứ họ không nhìn thấy ở các nền kinh tế tư bản. 

Dĩ nhiên, dự báo như vậy đã thất bại. Liên Xô đã tan rã từ năm 1991 vì kinh tế trì trệ, yếu kém và đói khát. Nhưng quay trở lại lịch sử, rất nhiều nhà kinh tế học danh tiếng trước đó hoàn toàn lạc quan với Liên Xô; các học thuyết kinh tế kế hoạch hoá được ca ngợi nhân danh khoa học kinh tế.

Một nhà kinh tế học đã không bị mê hoặc bởi ‘nền kinh tế kế hoạch hoá’ là nhà kinh tế học người Áo Murray Rothbard, người đã nhìn thấy các lỗ hổng khổng lồ trong nền kinh tế kế hoạch được nguỵ trang bằng các con số thành tích mà Samuelson không nhìn thấy. Như Rothbard lưu ý:

“Thật kỳ lạ, người ta nhận thấy rằng sự “tăng trưởng” dường như chỉ diễn ra ở tư liệu sản xuất, chẳng hạn như sắt thép, đập thủy điện, v.v., trong khi sự tăng trưởng này dường như ít hoặc không bao giờ đem lại lợi ích cho mức sống của người tiêu dùng tầng lớp trung lưu của Liên Xô. Tuy nhiên, mức sống của người tiêu dùng là tiêu chuẩn chung của toàn bộ quá trình sản xuất”.

Rothbard nhận ra rằng dữ liệu xung quanh hoạt động sản xuất kinh tế là số liệu ‘rỗng’ [số liệu giả].

Cũng tương tự như vậy, nhiều nhà kinh tế học vô cùng say mê với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Các nhà kinh tế ngạc nhiên trước khả năng sản xuất và tăng trưởng GDP của Trung Quốc và bắt đầu suy đoán rằng nền kinh tế kế hoạch của Trung Quốc có thể đóng vai trò như một hệ thống thay thế chủ nghĩa tư bản cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, giống như Liên Xô, khả năng sản xuất của Trung Quốc được xây dựng dựa trên sự thất bại của kế hoạch hóa tập trung. Trong nỗ lực quản lý dân số bằng vũ lực, Trung Quốc đã tạo ra một tháp dân số không tự nhiên.

Đất nước này bây giờ sẽ phải đối mặt với một nhóm dân số già, theo luật, người Trung Quốc không thể có số con như mong muốn. Các nhà kinh tế học và nhân khẩu học từ lâu đã lưu ý cách trẻ em đóng vai trò như một hình thức an sinh xã hội ở các nước đang phát triển. Tức là thế hệ trẻ sẽ chăm lo an sinh xã hội cho cha mẹ chúng. Nhưng mỗi gia đình Trung Quốc chỉ được phép có một con; gánh nặng chăm sóc bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại (người già) của một người trẻ sẽ phải chuyển sang cho nhà nước. Trung Quốc có thể thay thế chức năng của người trẻ trong chăm sóc an sinh xã hội cho người già? Điều này là không thể. 

Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do Trung Quốc có dân số nam lớn hơn nhiều so với nữ; cứ 100 nữ thì có 118 nam. Hiện tượng này được Trung Quốc gọi là “phụ nữ mất tích” và phần lớn là hệ quả không mong muốn của chính sách một con kết hợp với văn hóa ưu tiên nam giới, trong đó các gia đình sẽ phá thai có chọn lọc các bé gái để một đứa con trai.

Sự mất cân bằng này không phải là không được chú ý. Các quan chức quận Nghi Hoàng gần đây đã gây ra tranh cãi khi cố gắng thuyết phục những phụ nữ “còn sót lại” – sheng nu, một thuật ngữ dùng để mô tả những phụ nữ chưa lập gia đình ở độ tuổi 27 – kết hôn với những người đàn ông thất nghiệp.

“Hiện tại, hiện tượng ‘những nữ cán bộ và lao động nữ trẻ lớn tuổi hơn’ sống độc thân ở quận chúng tôi đã trở thành một vấn đề rất nổi cộm”, chính phủ cho biết trong một tài liệu nội bộ bị rò rỉ, “điều này rất cần sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ của toàn xã hội”.

Chính sách một con đã tạo ra những vấn đề khác trong nước, bao gồm một nhóm người không có giấy tờ được sinh ra ở Trung Quốc được gọi là Heihaizi. Những cá nhân này được sinh ra bất hợp pháp do chính sách một con và do đó không phải là công dân hợp pháp. Họ bị hạn chế khả năng cải thiện năng lực cá nhân, cơ hội nghề nghiệp và hoà nhập cộng đồng vì họ không thể nhận được sự chấp thuận của chính phủ về giáo dục, kết hôn, việc làm cùng những thứ khác.

Có rất nhiều vấn đề về nhân khẩu học liên quan đến chính sách một con.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua rất ấn tượng. Tuy nhiên, giáo sư kinh tế học Peter Jacobsen [1] không đồng tình với những quan điểm diều hâu về mối đe dọa từ Trung Quốc vì một lý do quan trọng: hậu quả của kế hoạch hóa tập trung dân số sẽ sớm bộc lộ và đầu độc tiến bộ kinh tế của quốc gia; giống như hậu quả tất yếu từ nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô đã làm.

Trong tác phẩm kinh điển The Fatal Conceit của mình, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Friedrich Hayek đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dân số ngày càng tăng đối với sự phát triển của nhiều người ở nhiều khu vực trên thế giới:

“Ở những vùng này, dân số phải nhân lên nếu các thành viên của nó đạt được các tiêu chuẩn mà họ phấn đấu. Việc tăng số lượng thành viên là vì lợi ích riêng của họ, và việc khuyên họ, chứ đừng nói đến việc ép buộc, giảm bớt số lượng của họ sẽ là một sự lạm quyền, và khó có thể bào chữa được về mặt đạo đức”.

[1] Peter Jacobsen là Trợ lý Giáo sư Kinh tế tại Đại học Ottawa và Giáo sư Nghiên cứu và Giáo dục Kinh tế Gwartney tại Viện Gwartney. Ông nhận bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học George Mason và lấy bằng Cử nhân tại Đại học Bang Đông Nam Missouri. Mối quan tâm nghiên cứu của ông là giao điểm của kinh tế chính trị, kinh tế phát triển và kinh tế dân số.

Thuỷ Tiên 

(Theo Fee.org)

Related posts