Nga xâm lược Ukraine: Ba Lan anh hùng – lá chắn mong manh của Châu Âu – một lần nữa lưỡng đầu thọ địch

Cao Tùng

Cờ Ba Lan phía sau hàng rào thép gai và camera giám sát. (Ảnh: Freepik)

Ngay sau khi cuộc chiến tranh xâm lược của Nga nhắm vào U-crai-na nổ ra, Ba Lan lập tức mở cửa biên giới, dang rộng vòng tay đón người tị nạn U-crai-na. Hơn một tuần qua, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, có khoảng một triệu người U-crai-na đã dắt díu nhau chạy sang các nước láng giềng tị nạn; gần một nửa trong số đó là đến Ba Lan [0]. 

Chính phủ Ba Lan đang cung cấp cho những người tị nạn U-crai-na sự đi lại miễn phí trên các tàu điện ngầm liên tỉnh, quyền sử dụng dịch vụ trung chuyển, dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản, và hơn cả là những nơi trú ẩn an toàn.

Với khoảng 94,4% số người dân theo Công giáo La Mã [1], những người dân hiền lành nhân hậu xứ Ba Lan là những người dân ngoan đạo bậc nhất Châu Âu. Lịch sử của Ba Lan gắn liền với lịch sử Châu Âu. Việc Nga xâm lược U-crai-na đặt đất nước hiền hòa này trước ngưỡng cửa của chiến tranh, như thể là lịch sử đang lặp lại vậy. Tại sao lại là « lịch sử đang lặp lại », tại sao lại là « một lần nữa », và « địch » ở trong « lưỡng đầu thọ địch » ở đây là những ai ? Để tìm hiểu, xin hãy cùng chúng tôi quay trở lại với những diễn biến thủa khai màn của Thế chiến thứ hai.

Trên khắp đất nước Ba Lan là dấu tích lịch sử về tội ác của liên minh ma quỉ Hitler – Stalin

Ngược dòng lịch sử, ngày 23 tháng Tám năm 1939, Đức Quốc xã của Hitler đã bắt tay với Liên Xô của Stalin với một hiệp ước có tên gọi là Molotov-Ribbentrop. Theo sử gia, kinh tế gia Mateusz Morawiecki [2] – người đồng thời là đương kim thủ tướng Ba Lan – đó thực sự là « một liên minh chính trị và quân sự, chia cắt châu Âu thành hai phạm vi ảnh hưởng – dọc theo tuyến được hình thành bởi ba con sông của Ba Lan: Narew, Vistula và San. Một tháng sau, nó được chuyển sang tuyến sông Bug, do kết quả của ‘Hiệp ước Hữu nghị và Ranh giới giữa Đức và Xô Viết’ vào ngày 28 tháng 9 năm 1939. Đó là phần mở đầu của những tội ác không sao kể xiết của cả hai phía trong những năm sau đó ». 

Thật vậy, « hiệp ước giữa Hitler và  Stalin đã ngay lập tức có hiệu lực: vào ngày 1 tháng Chín năm 1939 Phát xít Đức đã xâm lược Ba Lan từ phía tây, nam và bắc, và ngày 17 tháng Chín năm 1939  Liên Xô đã tham gia tấn công Ba Lan từ phía đông » [2].

Chỉ khoảng 3 tuần sau đó, hai cánh quân khát máu này đã thôn tính được Ba Lan, để rồi vào ngày 22 tháng Chín năm 1939, họ đã có các cuộc diễu hành quân sự chung như là để ăn mừng chiến thắng kép của một bên là chủ nghĩa phát xít và một bên là chủ nghĩa cộng sản tại Brest-Litovsk sau khi đánh bại được một dân tộc Ba Lan độc lập, thiện lương và ngoan đạo. Quả vậy, theo thủ tướng Mateusz Morawiecki [2], « các bên tham gia vào các hiệp ước không xâm lược sẽ không tổ chức những cuộc diễu hành như vậy, còn đây là cuộc diễu hành của đồng minh và bằng hữu

« Đó chính xác là những gì Hitler và Stalin đã làm – trong thời gian dài họ không chỉ là đồng minh mà còn thực sự là bằng hữu. Tình hữu nghị của họ còn nảy nở đến mức, khi một nhóm 150 người cộng sản Đức trốn khỏi Đệ tam Quốc xã đến Liên Xô trước khi Thế chiến II nổ ra, vào tháng 11 năm 1939, Stalin đã trao họ cho Hitler như một “món quà” – chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết ».

Trước một con quỉ là chủ nghĩa phát xít, và trước « bóng ma của chủ nghĩa cộng sản » (nguyên văn lời mở đầu của Karl Marx trong tác phẩm nổi tiếng « Tuyên ngôn cộng sản » hay là ‘The communist Manifesto’ [3] xuất bản năm 1848), thật đúng như những lời tuyên bố của thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki [2], « sự chống lại những thế lực xấu xa này không chỉ là ký ức của chủ nghĩa anh hùng của Ba Lan – nó còn là một thứ quan trọng hơn rất nhiều. Cuộc kháng chiến này là di sản của một Châu Âu hoàn toàn tự do và dân chủ ngày nay đã chiến đấu để chống lại hai chế độ toàn trị. Ngày nay, khi có ai đó muốn muốn chà đạp lên ký ức về những sự kiện này nhân danh mục đích chính trị của họ, Ba Lan sẽ đứng lên vì sự thật. Không phải vì lợi ích của chính mình mà vì lợi ích của châu Âu.”

Tuy vậy, Ba Lan đã là một lá chắn quá mỏng và quá nhỏ bé trước liên minh ma-quỉ giữa hai thế lực với tài lực khổng lồ: « Nếu không có sự đồng lõa của Stalin trong việc phân vùng Ba Lan và không có tài nguyên thiên nhiên mà Stalin cung cấp cho Hitler, cỗ máy tội ác của Đức Quốc xã sẽ không nắm được quyền kiểm soát châu Âu. Các chuyến tàu cuối cùng với nguồn cung cấp rời Liên Xô và đến Đức vào ngày 21 tháng 6 năm 1941 – chỉ một ngày trước khi Đức Quốc xã tấn công đồng minh. Nhờ Stalin, Hitler có thể chinh phục các quốc gia mới và bất lực, nhốt người Do Thái từ khắp nơi trên lục địa này vào các khu Do Thái và chuẩn bị cho Holocaust – một trong những tội ác kinh khủng nhất trong lịch sử loài người »  [2].

Tội ác của Stalin đối với người Ba Lan có lẽ phải dùng lời của Nguyễn Trãi nước Việt để miêu tả đó là « độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội; dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi ». Thật vậy, theo thủ tướng Mateusz Morawiecki [2],  « chỉ riêng trong “Chiến dịch Ba Lan”, theo dữ liệu của NKVD [Bộ Dân ủy Nội bộ Liên Xô], hơn 111 nghìn người đã bị cộng sản Liên Xô bắn chết một cách có chủ ý. Là người Ba Lan ở Liên Xô vào thời điểm đó đồng nghĩa với một bản án tử hình hoặc nhiều năm lưu vong ». Như là đỉnh điểm của tội ác, đích thân Stalin ký vào lệnh xử bắn tập thể gần 22 nghìn sỹ quan và binh sỹ Ba Lan chỉ trong một ngày vào năm 1940 giữa rừng Katyn. 

Một lần nữa lại lưỡng đầu thọ địch

Phần lớn những dòng in nghiêng ở trên được trích ra từ tuyên bố ngày 29 tháng 12 năm 2019, trước thềm năm mới 2020, và kì lạ thay ngay trong khi đại dịch Covid 19 đang âm ỉ rồi để bùng phát trên toàn thế giới, của thủ tướng đương nhiệm của Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki [2]. 

Khác hẳn với truyền thông dòng chính của phương Tây, những nhà báo mà khi nhắc tới Putin họ luôn liên hệ ông này với Hitler – mặc dù Hitler cả về mặt địa lý lẫn về mặt ý thức hệ thì xa hơn rất nhiều so với Stalin đối với cựu nhân viên KGB này – như là trong một nỗ lực không ngừng nghỉ và đầy ám ảnh để tự kiểm duyệt, để tránh nói đến sự hiện hữu của chủ nghĩa cộng sản; khác hẳn họ, thủ tướng Mateusz Morawiecki chỉ thẳng mặt thứ chính sách mà Putin theo đuổi chính là một thứ « chủ nghĩa Stalin » mới, hay theo đúng ngôn từ của ông [2], là thứ chủ nghĩa mà « chính phủ của Tổng thống Putin đang cố gắng khôi phục nó ». 

Bản tuyên bố của thủ tướng Ba Lan, đề ngày 29 tháng 12 năm 2019, cho đến nay vẫn hiên ngang tồn tại, được dịch thành nhiều thứ tiếng, và nó đã tiên tri được trước cuộc chiến tranh xâm lược mà Putin phát động những ngày đầu năm 2022 này. 

Bây giờ thì độc giả đã hiểu được một trong hai mối đe dọa trong tình huống lưỡng đầu thọ địch của dân tộc Ba Lan ngày hôm nay là ai. Chính là điều mà truyền thông phương Tây cứ cố tình nhầm lẫn, còn những người Ba Lan thiện lương và sáng suốt – đã nếm đủ mùi đau thương trong quá khứ – thì không: chủ nghĩa Stalin mới.

Thứ chủ nghĩa này được hậu thuẫn vững chắc bởi « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc », mà để cho ngắn gọn, xin được gọi tắt là Trung cộng. Quả vậy, Trung cộng từ chối tham gia cấm vận Nga trước sự xâm lăng trắng trợn của nước này và U-crai-na [4]. Ngược lại, ngày 28/02, Trung cộng còn kí với Nga hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí đốt khổng lồ từ Nga sang Trung Quốc đi qua Mông Cổ [4]. Ngày 04/02, trong chuyến thăm Trung Quốc của Putin, Trung cộng đồng ý nhập khẩu một số lượng lớn lúa mì từ Nga. Đổi lại, Nga chờ đợi cho đến khi Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh chấm dứt mới xua thứ quân đội phi nghĩa từ 3 phía sang nước láng giềng và là người anh em cùng theo chính thống giáo là U-crai-na [5]. 

Nhịp nhàng đến mức mà kí giả người Pháp Jean Robin phải thốt lên « không có gì mà Nga quyết định được thực hiện mà không có sự chấp thuận của Trung Quốc và ngược lại » [5]. Nhịp nhàng sóng đôi nhưng lại là tuy hai mà một. Cả hai đều có thể được tính là tạo nên nguồn hiểm họa thứ nhất của Ba Lan – nước ở sát nách và có chung đường biên giới khá dài ở phía Tây với U-crai-na nơi bom đạn của quân đội Nga – mũi tấn công của chủ nghĩa Stalin mới đến từ phương Đông – đang ngày đêm tạc nổ giết hại dân thường.

Thế còn mũi tấn công thứ hai khiến Ba Lan « lưỡng đầu thọ địch » thì sao ? Lịch sử kì lạ ở chỗ dường như nó luôn lặp lại như để răn dạy cho con người những bài học về luân lý ngàn đời: mối hiểm họa thứ hai của Ba Lan lần này cũng đến từ phương Tây. Nó chính là thủ phạm trong bóng tối là tác nhân giấu mặt của cuộc xâm lăng U-crai-na của độc tài Putin. Đó chính là tập thể tinh hoa phương Tây tập trung dưới lá cờ Liên minh Châu Âu (EU), vừa tiền hậu bất nhất, vừa dễ bị tha hóa.

Đầu tiên, hãy thử nhìn nhận xem thế nào là tiền hậu bất nhất? Những tràng vỗ tay như là để cổ vũ sự quả cảm của tổng thống Zelensky của U-crai-na (và cũng là của những người dân thường nước này mặc dù không có kĩ năng quân sự tập chế tạo tập ném bom xăng chống lại đội quân trang bị tối tân thiện chiến bậc nhất Địa cầu), trong suốt mấy phút đồng hồ vang dội khắp hội trường EU vài ngày trước, lại được vỗ bởi chính những bàn tay trong suốt những năm vừa qua kí hàng rất nhiều những chữ kí càng ngày càng đẩy EU lệ thuộc hơn và Nga về năng lượng. EU, mà đầu tàu là Pháp và Đức, đi đầu trong Hiệp định Paris về môi trường (COP21) và các COP sau đó, thúc đẩy, và gần như là ép buộc toàn thế giới tiến vào lộ trình « các-bon thấp ». Mục tiêu của họ cực kì tham vọng, nghe như không tưởng, và đầy quyến rũ: tỉ lệ các-bon về không từ giờ tới năm 2050. Theo đó, các nước thành viên EU cam kết tuân theo một tiến độ bắt buộc phải tiến hành loại bỏ dần dần năng lượng từ than đá, thậm chí là khuyến khích đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, để sử dụng các nguồn năng lượng sạch khác. Và phần lớn trong số đó là khí đốt tự nhiên đến từ Nga!

Một bài học vỡ lòng cho một sinh viên tài chính kinh tế, đó là không để hết trứng trong cùng một giỏ. Nhưng giới tinh hoa EU vì một mục tiêu nghe đầy tính lý tưởng, lại có những quyết định dẫn đến việc làm mất đi sự đa dạng của các hình thức khai thác tài nguyên và sản xuất ra năng lượng. Bất chấp sự phản đối của chính U-crai-na, của Ba Lan (mục tiêu « không các-bon » cho năm 2050 đã được thông qua bởi 27 thành viên EU vào năm 2019, ngoại trừ một thành viên duy nhất, chính là Ba Lan [6]!); và của Hoa Kỳ dưới thời của ông Donald Trump, dự án đường ống Nord Stream 2 được khởi công, trị giá 11 tỷ USD [7], không những tăng gấp đôi công suất dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, mà còn hoàn toàn đi qua khỏi lãnh thổ U-crai-na, so với Nord Stream 1. 

Điều này dẫn đến ít nhất hai hệ quả: một là Châu Âu chưa từng phụ thuộc hơn như thế vào Nga về nguồn năng lượng, và hai, là đối trọng về mặt quyền lực hay là năng lực đàm phán của U-crai-na trước Nga gần như bằng không, so với trước đây khi mà cả Nord Stream 1 lẫn Nord Stream 2 đều chưa được xây dựng, có đến 80% lượng khí được dẫn từ Nga sang EU là đi qua lãnh thổ U-crai-na [7b]. Tình cờ thay, cách đây vài tháng, giá cả của nguyên liệu tạo ra năng lượng trên thế giới ngày một tăng, lên đến một mức độ chưa từng có, đó cũng là lúc mà Putin xua quân đội phi nghĩa tân tiến hiện đại xâm lăng U-crai-na từ khắp ba mặt của nước này. 

Tiền hậu bất nhất, bởi, cũng chính những bàn tay vấy mực kí kết các loại thỏa thuận điều khoản làm cho mùa đông Châu Âu ngày càng không thể không có khí đốt đến từ Nga để sưởi ấm lại đứng vỗ tay hồi lâu trước tổng thống của đất nước U-crai-na đang ngày càng trở nên nhỏ bé hơn trước gã hàng xóm khổng lồ và đầy dã tâm – ông Zelensky, người vốn trước đây là diễn viên và danh hài nổi tiếng – như thể tán thưởng cho một vai diễn khó nhọc làm anh hùng làm lá chắn cho cả Châu Âu vậy.

Nhưng chính sách của họ với Ba Lan có vẻ lại là nhất quán. Nó gói gọn trong bốn chữ « xâm phạm chủ quyền ». Quả là khó có thể khẳng định điều này có liên quan gì đến việc Ba Lan là nước duy nhất phản đối mục tiêu « không các-bon » cho năm 2050 vào năm 2019 như đã nhắc đến ở trên hay không, nhưng kể từ đó, mối quan hệ EU và Ba Lan thực sự cơm không lành, canh chẳng ngọt. Đỉnh điểm là vào tháng 10 năm 2021 khi EU họp lên họp xuống tìm cách trừng phạt Ba Lan. Khi đó, một lần nữa, Ba Lan là nước duy nhất cho tới nay trong EU, có đủ can đảm và sự sáng suốt, thông qua một phán quyết Tòa án Hiến pháp Ba Lan, đã thẳng thừng chỉ rõ « một số điều khoản của các Hiệp ước EU là “không phù hợp” với Hiến pháp Ba Lan » [7c].

Điều này tạo ra một cơn địa chấn trong lòng EU, một vụ mà nhiều người gọi là « Polexit về mặt tư pháp ». Để giải quyết nó, Tòa án Châu Âu tuyên phạt Ba Lan một triệu euro một ngày cho đến khi nước này chấp nhật đặt Hiến pháp Ba Lan xuống phía dưới Hiến chương EU [8]. Ba Lan từ chối thi hành án. Như là lời đáp trả, EU cho đến nay vẫn chưa chuyển khoản phần của Ba Lan trong gói ngân sách tái thiết nhằm đối phó với khủng hoảng Covid cho nước này, trị giá 58 tỉ ơ-rô, khoảng 10% GDP Ba Lan [9]. 

Chưa hết, Tòa án Châu Âu gần đây lại ra một phán quyết khác, buộc Ba Lan phải đóng khoản phạt nửa triệu euro mỗi ngày vì đã từ chối yêu cầu của EU về việc đóng cửa một nhà máy điện than vì lý do ô nhiễm và nằm ngoài khuôn khổ Hiệp định Paris về môi trường, bất chấp 70% lượng điện của Ba Lan có nguồn gốc từ các mỏ than đá, và giữa lúc giá cả năng lượng tăng cao chưa từng có trong lịch sử Châu Âu [9b].

Tình cảnh của Ba Lan lúc này đúng là lưỡng đầu thọ địch. Một lần nữa kể từ sau Thế chiến thứ hai cho tới nay, Ba Lan lại mắc kẹt giữa hai thế lực đen tối từ phương Tây lẫn phương Đông. Cả hai đều coi nguồn ánh sáng từ sự tỉnh táo minh bạch và thiện lương của xứ Ba Lan như là cái gai trong mắt mình vậy. 

Đối với kẻ địch lớn đến từ phương Đông, người Ba Lan hiểu rất rõ sự tàn bạo và vô luân của nó qua những trải nghiệm hùng tráng và bi thương trong quá khứ. Nhưng với kẻ địch phía sau lưng âm thầm trong bóng tối từ trong chính những người tự gọi nhau là « đồng minh » ấy, Ba Lan có thể chưa có đủ thời gian và độ lùi cần thiết để thấu hiểu. 

Ở vị trí của người Ba Lan mà nói, kẻ thù sau lưng, không khai danh tính, muôn hình vạn trạng mà gốc rễ của nó là sự xuống cấp về đạo đức, sự dễ dàng bị tha hóa của giới chính khách phương Tây, trước những thủ đoạn của cặp đôi Trung cộng – Nga, thiết nghĩ còn nguy hiểm hơn gấp trăm ngàn lần kẻ thù đang không ngần ngại nhe nanh múa vuốt phơi bày cái ác của nó ra trước ánh sáng.

Tại sao lại gọi là xuống cấp về mặt đạo đức, là dễ dàng bị tha hóa ? Điều này được chứng minh một cách hết sức nghiêm cẩn và rõ ràng qua bản báo cáo dài tới 650 trang được viết bởi hai Tiến sỹ tài năng và quả cảm, Paul Charon và Jean-Baptiste Jeangène Vilmer, của Viện nghiên cứu khoa học của Học viện Quân sự Pháp, (IRSEM, tổ chức « think tank » của Bộ Quốc phòng Pháp) xuất bản năm 2021, về những hoạt động tình báo và tha hóa nhằm thao túng của Trung cộng trên khắp thế giới [10]. Trong khuôn khổ bài viết ngắn ngủi này, xin chỉ được nêu một số ví dụ gần đây mà đến như truyền thông chính thống cũng không thể giấu nổi ở hai nước đầu tàu EU là Pháp và Đức, về sự tha hóa của giới tinh hoa phương Tây.

Đầu tiên là cú điện thoại từ văn phòng của cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đến hai vị Tiến sỹ nói trên nhằm « trao đổi về Trung Quốc », ngay sau khi báo cáo sau hai năm âm thầm dày công nghiên cứu thu thập chứng cứ dữ liệu của họ được xuất bản [11]. Tiếp đến, là sự thật rằng hàng năm chính phủ Pháp dùng tiền thuế của dân mình góp phần làm giàu cho Trung cộng bằng cách rót khoảng 100 triệu euro mỗi năm dưới danh nghĩa tài trợ cho một nước đang phát triển (và là cường quốc số hai Thế giới về kinh tế, ôm tham vọng bá chủ toàn cầu!). Từ 2018 tới 2020, nước Pháp tài trợ kiểu như vậy cho Trung cộng tổng cộng khoảng 370 triệu euro. Marc Le Fur, vị nghĩ sị nêu ra điều này tại quốc hội vào tháng 11 năm 2021, đã khẩn thiết đề nghị, phải « ngay lập tức đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách các nước đang phát triển » [12].

Không chỉ cựu thủ tướng Raffarin là có một biệt danh nổi tiếng đến mức mà giới truyền thông dòng chính nước Pháp đôi lúc cũng viện dẫn danh hiệu « đại sứ của những người Pháp gấu trúc (français pandas) » để chỉ ông ta [13], mà người ta mới đây còn biết được hàng loạt tên tuổi trong danh sách « lãnh đạo trẻ – young leaders » của France-China Foundation (Hội Pháp-Trung), bao gồm cả các cánh tay phải của tổng thống Macron, điển hình là Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran (2019) và người tình của ông, nghị viên Coralie Dubost (2017), và cả cựu thủ tướng Pháp Edouard Phillipe (2013) [14]. 

Nếu thêm vào đó những ví dụ của các vụ bê bối tình dục của Benjamin Grivaux (thân cận của tổng thống Macron, từ một ứng viên nặng kí cho chức Thị trưởng Paris đến lúc kết thúc sự nghiệp chính trị năm 2020 vì những hình ảnh đồi trụy đến từ một cô gái… Nga), của DSK (cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF) [15], hay những vụ bê bối về biển thủ công quỹ và nhận hối lộ của nước ngoài của cựu thủ tướng François Fillon và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, v.v. thì danh sách này quá là dài, và có thể là không cần thiết để minh chứng với những người am hiểu tình thế nước Pháp về sự bại hoại về đạo đức của giới tinh hoa nơi đây.

Còn nước Đức thì sao? Mới đây thôi, một loạt các tờ báo « dòng chính » (Courrier International, La Tribune, v.v.) và đặc biệt là tờ báo danh tiếng của Pháp, Le Monde, có loạt bài làm rõ vai trò vận động hành lang của cựu thủ tướng Đức [16], Gerhard Schröder, trong hợp đồng xây dựng các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 (2010) và Nord Stream 2 (2018). Theo đó, Gerhard Schröder, người vừa được bổ nhiệm làm giám đốc của đại công ty dầu khí Gazprom của Nga vào tháng 2 năm nay, hiện lên như là đối tượng chính cho vị trí « thủ phạm » bán rẻ an ninh năng lượng của cả Châu Âu cho Nga, khi người ta đưa cả lên báo những bức ảnh mà trong đó ông đang ôm vai bá cổ tổng thống Putin. 

Không hiểu bộ phận chính trị của tòa báo Le Monde có họp bàn để cắt đi cái chức danh cựu thủ tướng Đức của ông Gerhard Schröder hay không, nhưng loạt bài của họ đã làm lu mờ vai trò của người thực sự có quyền kí những chữ kí quyết định, là bà Angela Merkel, nhân vật quyền lực nhất nước Đức suốt từ năm 2005 tới tận cuối năm 2021. 

Angela Merkel, người phụ nữ quyền lực nhất nước Đức suốt từ năm 2005 tới 2021, luôn được công chúng xem như một nữ anh hùng, một nhà lãnh đạo mẫu mực. Trong số rất nhiều thành công của bà trong thời kì 16 năm cầm quyền, phải kể đến việc xây dựng các thế hệ đường ống dẫn Nord Stream để đảm bảo an ninh năng lượng, việc dẫn dắt các lãnh đạo Châu Âu và cả thế giới tiến bộ vào lộ trình « không các-bon » cho năm 2050, và việc xóa bỏ dần dần các nhà máy điện hạt nhân trên khắp nước Đức. Mặc dù vậy, nhiệm kỳ dài kỉ lục của bà Merkel lại kết thúc với một kỉ niệm buồn. Đó là, bê bối liên quan đến việc mua bán khẩu trang với Trung Quốc của hàng loạt nghị sĩ cấp cao thuộc liên minh CDU-CSU mà bà làm lãnh đạo [17], trong đó cả cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn, người đã kí quyết định đặt mua gần 6 tỉ chiếc khẩu trang từ Trung Quốc trị giá lên tới 6,6 tỉ euro.

Thay cho lời kết

Đến đây, có lẽ quý độc giả cũng hiểu vì sao chúng tôi lại dùng cụm từ “lá chắn mong manh” để nói về dân tộc thiện lương ngoan đạo, đã từng chịu nhiều đau thương mất mát che chở cho nền tự do và dân chủ của cả Châu Âu trong những năm Thế chiến thứ hai. 

Giờ đây, khi lịch sử đang lặp lại, Ba Lan dường như còn là hình ảnh đại diện của những gì tốt đẹp nhất còn sót lại trong các giá trị phổ quát và mang tính truyền thống, cao đẹp nhưng mỏng manh, của cả Châu Âu.

Do vậy không thể không viết về Ba Lan và thông qua đó là cả U-crai-na, những đất nước tưởng chừng như xa xôi ở cực Đông của “lục địa già”, nhưng từ lâu đã hòa chung dòng máu vào huyết thống của toàn bộ Châu Âu. 

Thực vậy, cách đây khoảng một nghìn năm, một người phụ nữ U-crai-na, An xứ Kiev (Anne de Kiev), con gái của Yaroslav I (Hoàng tử Thiên chúa giáo đầu tiên của Novgorod, người cai trị đại công quốc Rus Kiev) là vương hậu nước Pháp. Bà là vợ của vua Henri I, vị vua thứ ba của Vương triều Capet, vương triều cai trị nước Pháp suốt từ năm 987 tới năm 1848. 

Một vị vương hậu khác của nước Pháp lại là người Ba Lan. Bà là Marie Leszczyńska, người phối ngẫu của vua Louis XV, vị vua kế nhiệm và là chắt của Đức Vua Mặt Trời Louis XIV. Bà đảm nhiệm vị trí vương hậu của nước Pháp trong suốt 42 năm, lâu nhất trong tất cả các vương hậu nước Pháp. Bà nổi tiếng về đức hạnh, sự thuần khiết và sùng đạo [18]. Trái ngược với lối sống phồn hoa sôi nổi nơi hoàng cung sang trọng bậc nhất Châu Âu, mặc dù là người phương Tây nhưng bà lại mang những phẩm hạnh cao quý như của một nữ hoàng đến từ phương Đông, nền nã nết na ẩn nhẫn lùi lại phía sau chăm lo sự ấm cúng của hoàng gia, thêu thùa, học vẽ tranh, và nuôi dạy con cháu.

Một trong những người cháu nội lớn lên dưới sự giáo dục của vương hậu Marie Leszczyńska là vị vua kế nhiệm của chồng bà, vua Louis XVI. Như được thừa hưởng phầm chất đạo đức của bà nội mình, nhà vua hiền lành, đức độ, và vô cùng tín Chúa. Vua có công rất lớn trong việc Hoa Kỳ giành được độc lập từ đế quốc Anh. Trái ngược với những nét đẹp trong đạo đức của mình, cách mà vua Louis XVI bị hành quyết sau cách mạng Pháp 1789 lại rất tàn nhẫn. Cho đến nay, ông có lẽ là vị quân chủ duy nhất của phương Tây bị hành quyết sau một cuộc cách mạng tư sản. Tuy vậy, phẩm chất cao quí của ông vẫn làm bội phục tay đao phủ bên cạnh mình: “cựu vương can đảm khi đối diện với cái chết, nhẫn nhục trong phẩm giá. Ông chỉ nói ngắn gọn khẳng định mình vô tội, tuyên bố rằng ông sẵn lòng chết và cầu nguyện cho người dân Pháp được tránh khỏi số phận tương tự” [19].

Ngày nay, khi đến thăm Cung điện Versailles, có lẽ người dẫn chương trình sẽ nói với bạn rằng cung điện tráng lệ bậc nhất Châu Âu này nơi đâu cũng mang đầy dấu ấn của vương hậu Marie Leszczyńska, một người phụ nữ cao quý đến từ xứ Ba Lan, người đã chăm sóc trong hơn 40 năm Lâu đài Versailles. Nơi đây, ngày nay người ta vẫn đang dành riêng một góc để tưởng nhớ Bà, thông qua việc tổ chức triển lãm những bức tranh mà Bà cần mẫn nhẫn nại chép lại trong suốt thời gian làm vương hậu nước Pháp và là bà chủ của Versailles dù Bà được biết đến là không có tài năng thiên bẩm về hội họa.

Trước những mối nhân duyên từ ngàn xưa như vậy, những ngày này, lại càng không thể không viết về Ba Lan và U-crai-na, hai bức tường chắn mỏng manh của những giá trị nhân bản và truyền thống lâu đời của cả Châu Âu lịch sử, trước sức mạnh hung tàn và vô luân của chủ nghĩa Stalin mới mà đại diện là bè lũ Putin đang xâm chiếm U-crai-na và đe dọa Ba Lan.

***

Nếu có khi nào các bạn chứng kiến hay phải sống giữa những thực tế bất công mà chợt nghĩ rằng trong những thực tế bất công ấy có một phần trách nhiệm không nhiều thì ít của những thế hệ cha ông đi trước của chính chúng ta; thì cũng như vậy, bằng những lựa chọn của bản thân mình, các bạn đang chịu trách nhiệm trước tương lai của con cái của các bạn. Hay nói cách khác, các bạn đang chịu trách nhiệm cho tương lai của chính bản thân cá nhân mình.

Tập trung vào những giá trị phổ quát có tự ngàn đời, những giá trị đạo đức trường tồn cùng trăng sao tuế nguyệt và non sông tươi đẹp. Phân biệt thiện ác, đúng sai. Tĩnh tâm lại, thì ta sẽ có thể tỉnh táo sáng suốt, mà tìm thấy một con đường sáng, mà bước ra khỏi cái mớ hỗn độn và tăm tối của những học thuyết lý luận tư tưởng và trào lưu. 

Có như thế, thì sự hy sinh hàng ngày hàng giờ của những sinh mệnh mỏng manh yếu đuối ở U-crai-na, và nhìn rộng hơn một chút, là trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, mới không uổng phí.

Tài liệu tham khảo: [1] Nghiên cứu Barbara Jankowski, viện IRSEM, Pháp: https://www.sciencespo.fr/ceri/fr/oir/armee-et-religion-en-pologne ; [2] Tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki: https://www.gov.pl/web/vietnam/tuyn-b-ca-th-tng-ba-lan-mateusz-morawiecki [3] Theo Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/The_Communist_Manifesto [4] Theo Epoch Times Việt ngữ: https://etviet.com/trung-quoc-tuyen-bo-se-khong-tham-gia-trung-phat-nga-hoat-dong-thuong-mai-se-dien-ra-binh-thuong_273977.html [5] Theo DKN News: https://dkn.news/the-gioi/chuyen-gia-nga-khong-tu-minh-quyet-dinh-gi-ma-khong-co-trung-quoc-o-phia-sau-va-nguoc-lai.html [6] Theo BBC: https://www.bbc.com/news/world-europe-50778001 [7] Phỏng vấn của TV5 Monde với tiến sỹ Francis Perrin (IRIS): https://information.tv5monde.com/info/nord-stream-2-le-gazoduc-de-la-discorde-338230 [7b] O. Crone, “Nord Stream, le gazoduc germano-russe sous la Baltique du point de vue suédois”, Outre-Terre, 2007/2 (n°19), p. 219-228. [7c] Theo Les Echos: https://www.lesechos.fr/monde/europe/trois-questions-sur-la-crise-entre-la-pologne-et-lunion-europeenne-1354497 [8] Theo France 24: https://www.france24.com/fr/europe/20211027-l-ue-sanctionne-la-pologne-pour-ses-manquements-%C3%A0-l-ind%C3%A9pendance-de-la-justice [9] Theo Euroactiv: https://www.euractiv.fr/section/politique/news/lapproche-de-lue-a-legard-de-la-pologne-vise-a-obtenir-des-resultats-l-option-nucleaire-nest-pas-sur-la-table-selon-margaritis-schinas/ [9b] Theo Euronews: https://www.euronews.com/my-europe/2021/09/20/poland-must-pay-500-000-a-day-to-brussels-over-disputed-coal-mine-says-ecj [10] Trang thông tin của IRSEM: https://www.irsem.fr/rapport.html [11] https://www.irsem.fr/media/5-publications/irsem-2021-09-21-r-ponse-la-r-action-de-l-iris.pdf [12] Theo Capital: https://www.capital.fr/economie-politique/aide-au-developpement-la-france-verse-des-millions-a-la-chine-bientot-premiere-puissance-mondiale-1419553 [13] Theo France TV Info: https://www.francetvinfo.fr/monde/chine/video-francais-pandas-jean-pierre-raffarin-fait-il-le-jeu-de-la-paix-ou-celui-de-la-chine_4308339.html [14] Theo Epoch Times Pháp ngữ: https://www.epochtimes.fr/la-france-china-foundation-outil-dingerence-plaque-or-1550586.html [15] Theo Nice matin: https://www.nicematin.com/politique/de-dsk-a-georges-tron-en-passant-par-michel-sapin-retour-sur-ces-scandales-sexuels-qui-ont-touche-des-politiciens-francais-464358 [16] Le Monde: https://www.lemonde.fr/international/article/2022/03/04/gerhard-schroder-l-ami-prive-de-vladimir-poutine-plus-isole-que-jamais_6116066_3210.html [17] Theo Les Echos: https://www.lesechos.fr/monde/europe/gestion-des-masques-le-ministre-allemand-de-la-sante-sous-le-feu-des-critiques-13244327 [18] Theo Epoch Times Việt ngữ: https://etviet.com/vi-vuong-hau-tan-tam-it-nguoi-biet-den-marie-leszczynska-va-cung-dien-versailles_235181.html[19] Theo Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Louis_XVI_c%E1%BB%A7a_Ph%C3%A1p

Related posts