Đông Phương
Khi ông Tập Cận Bình tham dự cuộc họp của đoàn đại biểu quân sự tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) hôm 7/3, ông đã thúc giục quân đội “nắm vững công tác chuẩn bị chiến đấu”. Trong giai đoạn nhạy cảm của cuộc chiến Nga – Ukraine, phát biểu của ông Tập đã khơi dậy sự chú ý của thế giới bên ngoài về tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, chiều ngày 7/3, ông Tập Cận Bình đã tham dự cuộc họp toàn thể của đoàn đại biểu quân đội và cảnh sát vũ trang tại Kỳ họp thứ 5 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13. Ông yêu cầu “quản lý quân đội theo luật pháp”, tăng cường công tác pháp chế trong quân sự đối ngoại, lập kế hoạch tổng thể cho các hoạt động quân sự và đấu tranh pháp lý.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhắc lại về “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội” và yêu cầu quân đội “nắm vững công tác chuẩn bị chiến đấu thực tế”, hỗ trợ chính quyền địa phương duy trì ổn định và kịp thời đối phó với các tình huống khẩn cấp.
Lời phát biểu này là nhằm vào eo biển Đài Loan hay là đấu đá nội bộ?
Trong giai đoạn nhạy cảm khi Nga xâm lược Ukraine, lời thúc giục của ông Tập đã thu hút sự chú ý của ngoại giới về căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Gần đây, cụm từ “Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai!” đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Ông Hoàng (Huang), một công dân Đài Loan, nói với The New York Times rằng, ông lo ngại rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga có thể là một “kíp nổ” cho trật tự thế giới, sẽ đưa thế giới đến một kỷ nguyên mới, nơi mà các nhà độc tài có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
Ông Hoàng nói: “Tôi có thể thấy khả năng này, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc sẽ tìm cớ nào đó để xâm lược Đài Loan trong thời gian tới”.
Ông Eric Sayers và Dustin Walker, các nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), một tổ chức tư vấn của Washington, đã viết một bài báo vào ngày 7/3. Họ kêu gọi Mỹ hỗ trợ an ninh nhiều hơn cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không được mắc cùng một sai lầm trong vấn đề Đài Loan.
Cựu sĩ quan Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình không nắm được “báng súng”
Tại cuộc họp vào chiều ngày 7/3, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội”. Điều này báo hiệu mối lo lắng tiềm ẩn về quyền lực trong quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc từng tiết lộ rằng, ông Tập Cận Bình không nắm được “báng súng”.
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá Bộ tư lệnh Hải quân ĐCSTQ, là người hiểu rõ về tình hình quân đội nước này. Ông từng nói với The Epoch Times rằng, Tập Cận Bình không dám và cũng không dễ dàng sử dụng vũ lực với bên ngoài, bởi vì ông ta không nắm chắc quân đội trong tay. Ông Tập lo ngại rằng một khi chiến tranh bắt đầu, quân đội có thể sẽ quay ngược nòng súng về phía ông.
Ông Tập Cận Bình đã chống tham nhũng mạnh mẽ trong quân đội kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, có hơn 100 quan chức quân đội đã ngã ngựa, bao gồm cả hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong). Tuy vậy, ông Tập đã để lại hậu họa khi không động đến cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân – ‘đại hổ’ chống lưng cho các lực lượng chống Tập trong quân đội. Trong quân đội có rất nhiều ‘kẻ hai mặt’ đang đợi thời cơ phản công.
Ông Tập từng nhiều lần nhắc lại “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng”, điều này ngụ ý nhấn mạnh rằng, ông, với tư cách là Tổng bí thư ĐCSTQ, có quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội. Nhưng từ một phương diện khác cũng phản ánh rằng Chủ tịch Quân ủy Trung ương đương nhiệm không yên tâm về quân đội. Trong thể chế ĐCSTQ, Tổng bí thư kiêm nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tín hiệu về tình trạng bất ổn trong quân đội ĐCSTQ?
Trước Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 vào tháng 10 năm nay, ông Lưu Á Châu (Liu Yazhou), một thái tử đảng trong quân đội, được cho là đã bị bắt. Tín hiệu này cho thấy có tình trạng bất ổn trong quân đội.
‘Thái tử đảng’ là một danh xưng không chính thức dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng trong ĐCSTQ. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước.
Tiến sĩ Michael Pillsbury, cựu cố vấn của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson ở Washington. Ông nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) vào tháng Hai năm nay rằng, theo thông tin mà ông nhận được, ông Lưu Á Châu đã bị Ủy ban Kỷ luật Quân ủy Trung ương đưa vào diện điều tra từ cuối năm ngoái. Ông Lưu là con rể của cố nguyên lão ĐCSTQ Lý Tiên Niệm (Li Xiannian), ông ta bị buộc tội “phạm tội kinh tế và các vấn đề chính trị”.
Cựu trung tá hải quân Diêu Thành từng nói với The Epoch Times rằng, ông Lưu Á Châu là một thượng tướng và cũng là một thành viên trong nhóm ‘thái tử đảng’. Nếu ông Tập muốn bắt một vị tướng đã giải ngũ 4-5 năm, điều đó chứng tỏ ông ta phải tốn rất nhiều công sức, cũng cần sự hỗ trợ từ quân đội. Bởi vì vấn đề cốt lõi của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 là việc ông Tập tái đắc cử.
Ông Diêu cho rằng, những âm thanh phản đối Tập Cận Bình trong đảng hiện nay quá mạnh. “Các thái tử đảng như Lưu Á Châu, ở một mức độ nhất định, là đại diện cho ý kiến của các bô lão chính trị. Vì vậy, ông Tập Cận Bình sẽ rất khó để qua được ải Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20, sẽ đấu đá tới mức rách đầu chảy máu, nếu không cẩn thận thì đảng sẽ phân tách”.
Đông Phương
Theo NTD tiếng Trung