Tin thế giới tối thứ Ba

Nga đã phái gần 100% quân lực ở biên giới để xâm lược Ukraine

Tổng thống Putin đã đánh giá thấp sức mạnh quân sự cũng như quyết tâm chống lại Nga của Ukraine. Trước sự chống trả mạnh mẽ bất ngờ của quân đội Ukraine, quân đội Nga đã nản lòng và tiến triển chậm chạp. Bức ảnh chụp các phương tiện cơ giới bộ binh của Nga bị phá hủy trong trận chiến ở Kharkiv, cách biên giới Ukraine-Nga khoảng 50 km, vào ngày 28/2/2022. (Ảnh: Sergey Bobok / AFP) Tây Dương

Một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết vào hôm thứ Hai (07/03) rằng, Hoa Kỳ ước tính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phái “gần 100%” lực lượng quân sự tập kết ở biên giới Nga tới Ukraine.

Hôm 07/03, trang web Politico của Hoa Kỳ đưa tin, tỷ lệ lính biên phòng Nga được cử tới Ukraine là 90% vào thứ Năm tuần trước (03/03), và lần lượt tăng lên 92% và 95% vào thứ Sáu và Chủ Nhật tuần trước.

Vị quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ dữ liệu hôm 07/03 đã từ chối đưa ra đánh giá cụ thể về sức mạnh quân sự của Nga. Ông cho biết Hoa Kỳ vẫn chưa biết liệu Nga có chuyển quân vào Ukraine từ những nơi khác trong nước hay không.

Ông cũng tiết lộ rằng từ quan điểm của cuộc chiến, Hoa Kỳ không thấy có nhiều tiến triển trong quân đội Nga ngoại trừ ở miền nam Ukraine; Tòa Bạch Ốc cho rằng Nga đang tích cực tuyển mộ người Syria tham gia vào cuộc chiến.

Quan chức này cho biết Tổng thống Nga Putin hiện đang dựa vào quân đội nước ngoài để giúp ông tấn công Ukraine, Hoa Kỳ cho rằng điều này rất đáng lo ngại.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời bốn quan chức Hoa Kỳ hôm 06/03 cho biết, Nga đã tuyển mộ những người Syria có kỹ năng chiến đấu trong đô thị, nhằm đánh hạ thủ đô Kyiv của Ukraine.

Một trong các quan chức cho biết, không rõ Nga đã chiêu mộ bao nhiêu người Syria, nhưng người Syria đã vào Nga để chuẩn bị tiến đánh Ukraine.

Ông Charles Lister, một thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông, viện nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã đặt câu hỏi về hiệu quả chiến đấu của binh sĩ Syria. Ông nói rằng người Syria ở Ukraine không nói tiếng địa phương, môi trường sống cũng hoàn toàn khác biệt.

Vào đêm muộn ngày 23/02, một ngày trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn trước toàn quốc rằng 200,000 quân Nga đã tập kết ở biên giới Ukraine.

Kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự ở miền bắc, miền đông và miền nam Ukraine, là nơi sinh sống của 2/3 dân số Ukraine trước chiến tranh, và cuộc chiến đã khiến một số lượng lớn người dân phải di tản.

Thủ đô Kyiv của Ukraine và thành phố lớn thứ hai Kharkiv, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine. Nga đã chiếm được thành phố cảng phía nam Ukraine là Kherson và đang tấn công các thành phố khác.

Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba nói với truyền hình Ukraine vào tối ngày 06/03 rằng, khoảng 20,000 tình nguyện viên nước ngoài từ 52 quốc gia khác nhau đã tham gia cuộc chiến chống Nga ở Ukraine và sẽ tham gia “Quân đoàn quốc tế” mới được thành lập.

Lý Duyên
Mai Thanh biên dịch

Nga đe dọa ngừng đường ống khí đốt từ Nga sang Đức, cảnh báo giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak (Reuteurs)

Lo ngại về một cuộc chiến tranh năng lượng giữa Nga và phương Tây đã tăng lên vào thứ Ba (8/3) sau khi Hoa Kỳ thúc đẩy các đồng minh của mình xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga như một sự trừng phạt đối với cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine, nơi các cuộc đàm phán về hành lang nhân đạo đạt được rất ít tiến triển.

Nga cảnh báo có thể ngừng dòng khí đốt qua các đường ống từ Nga sang Đức để đáp lại quyết định của Berlin vào tháng trước về việc đình chỉ đường ống Nord Stream 2. Nga cung cấp 40% khí đốt cho châu Âu.

“Chúng tôi có mọi quyền để đưa ra quyết định phù hợp và áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động bơm khí qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm thứ Hai.

Ông Novak cũng cảnh báo rằng giá dầu có thể tăng gấp đôi lên 300 USD/thùng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Hiện dầu và khí đốt vẫn là nguồn thu quan trọng của Nga sau khi nước này bị đóng băng khỏi thị trường tài chính phương Tây.

Các nhà phân tích tại Bank of America cho rằng nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, có thể sẽ gây nên thiếu hụt từ 5 triệu thùng/ngày trở lên, đẩy giá lên tới 200 USD.

Giá dầu đã lên mức cao nhất trong 14 năm vào thứ Ba, với giá dầu Brent giao sau tăng 1,06 USD, tương đương 0,9%, lên 124,27 USD/thùng lúc 02:23 GMT.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh vào thứ Hai, gợi ý các nước cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy vậy, cho đến nay, các nước phương Tây thiếu đồng thuận trong việc này.

Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết hôm thứ Hai (7/3) rằng bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt nào của Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine nên được nhìn nhận “qua một lăng kính khác” so với các biện pháp trừng phạt khác.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nhập khẩu năng lượng của Nga là “thiết yếu” đối với cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu và rằng lệnh cấm khai thác dầu khí của Nga có thể khiến an ninh năng lượng của châu Âu gặp rủi ro.

Cuộc xâm lược của Nga – cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai – đã khiến 1,7 triệu người phải chạy tị nạn. Phương Tây đã áp dụng một loạt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Moscow, nhưng vẫn tiếp tục mua dầu của Nga.

Nhiều quốc gia đang cấp tốc chuyển vũ khí tới Ukraine thông qua phi trường bí mật

Binh sĩ Ukraine chất hỏa tiễn FGM-148 Javelin do Hoa Kỳ viện trợ lên xe tải, vào ngày 11/2/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP)

Theo các tin tức truyền thông, cho đến nay Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác đã gửi 17,000 hỏa tiễn chống tăng và 2,000 hỏa tiễn phòng không Stinger tới Ukraine. Trong bối cảnh Nga tiếp tục xâm lược, những vũ khí này đã được chuyển vào Ukraine bằng cách nào?

Một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với CNN hôm 04/03 rằng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley đã đến thăm một phi trường bí mật gần biên giới Ukraine vào tuần trước. Phi trường đã trở thành trung tâm vận chuyển vũ khí. Ông đã tận mắt chứng kiến ​​các quốc gia tăng tốc cung cấp vũ khí cho Ukraine như thế nào trong bối cảnh Nga xâm lược vô cớ.

Trong những ngày gần đây, phi trường đã trở thành một tổ hợp hoạt động tích cực, từ một số ít các chuyến bay mỗi ngày lên tới 17 chuyến, đây là công suất tối đa của phi trường.

Vị trí của phi trường này vẫn còn là một bí mật, cho phép vũ khí được chuyển đến Ukraine, bao gồm cả hỏa tiễn chống tăng. Quan chức này cho biết sau khi những lô hàng này tiến vào Ukraine, chúng vẫn chưa bị quân đội Nga nhắm tới.

Cho đến nay, Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác đã vận chuyển 17,000 tỏa tiễn chống tăng và 2,000 hỏa tiễn phòng không Stinger cho Ukraine, một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói với CNN.

Một quan chức thứ hai của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, 14 quốc gia đã cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu. Một vài nước trong số các quốc gia này trước đây hiếm khi cung cấp thiết bị với số lượng lớn như vậy.

Vào đầu tháng Ba, Đức đã đáp trả cuộc xung đột bằng cách ngoài việc hứa hẹn tăng chi tiêu quân sự, thì trái ngược với chính sách đã tuyên bố trước đây, Berlin còn cho phép cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Quan chức này cho biết Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ (EUCOM) là trung tâm của hoạt động vận tải quy mô lớn. Bộ sử dụng mạng lưới quan hệ với các đồng minh và đối tác để điều phối việc vận chuyển vật tư tới Ukraine “trong thời gian thực”.

Bộ Tư lệnh Âu Châu cũng đang điều phối quá trình vận chuyển vật tư của các quốc gia khác, bao gồm cả Vương quốc Anh, “nhằm bảo đảm rằng chúng tôi sử dụng các nguồn lực của mình với hiệu suất lớn nhất để hỗ trợ người dân Ukraine một cách có tổ chức”.

Theo quan chức này, chỉ một tuần sau khi Tòa Bạch Ốc chính thức thông qua gói viện trợ an ninh trị giá 350 triệu USD của Hoa Kỳ, khoảng 240 triệu USD đã đến Ukraine, phần còn lại sẽ đến trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Những vật tư này là khoản viện trợ được gia tăng ngoài khoảng 200 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine đã được Hoa Kỳ chấp thuận vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Hỗ trợ an ninh khẩn cấp của Hoa Kỳ cho Ukraine trị giá tổng cộng là 1 tỷ USD. Các vật tư đã được chuyển giao bao gồm “các khả năng được yêu cầu nhiều nhất, chẳng hạn như khả năng chống thiết giáp”.

Trong những ngày qua, đoàn xe quân sự khổng lồ của Nga kéo dài 40 dặm về phía bắc thủ đô Kyiv của Ukraine hầu như không di chuyển.

Vị quan chức này nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều ấn tượng với việc Lực lượng Vũ trang Ukraine đã sử dụng hiệu quả các thiết bị mà chúng tôi đã cung cấp cho họ”.

“Chúng tôi biết họ đã thực hiện các cuộc tấn công vào đoàn xe, điều này đã làm chậm lại và ngăn chặn nó một cách hiệu quả”. Một quan chức quốc phòng cao cấp khác cho biết, người dân Ukraine có thể “sử dụng thuần thục” phần lớn các thiết bị quân sự được gửi đến, bởi vì phía Ukraine đã được huấn luyện “kp thời”.

Lý Duyên
Mai Thanh biên dịch

Tài tử Titanic Leonardo góp 10 triệu USD cho vùng đất ruột thịt Ukraine

Vào ngày 7/3, ngôi sao Hollywood Leonardo DiCaprio, người từng đoạt giải Oscar, đã quyên góp 10 triệu USD để giúp đỡ Ukraine. Riêng lần quyên góp khổng lồ này của Leonardo không chỉ thể hiện sự nhân đạo mà còn có tình cảm máu thịt trong đó.

Tài tử Leonardo DiCaprio. (Ảnh: Andrea Raffin/ Shutterstock)

Leonardo DiCaprio là một diễn viên, nhà sản xuất phim người Mỹ, nổi tiếng với các vai diễn trong bộ phim ăn khách Titanic, Romeo + Juliet, The Basketball Diaries… Bộ phim thảm họa châm biếm ngày tận thế Don’t Look Up của nam diễn viên 47 tuổi Leonardo DiCaprio gần đây đã lập thành tích hàng đầu Netflix, thu về hơn 200 triệu lượt xem. Bom tấn hài châm biếm xã hội, chính trị Mỹ này được netizen Việt xuýt xoa khen ngợi là “Táo Quân phiên bản Mỹ”.

Đã gần 2 tuần kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí đã lên tiếng ủng hộ Ukraine và lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga.

Hôm qua (ngày 7/3), Tập đoàn Visegrad Four (V4), một tổ chức hợp tác của Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia thông báo rằng ngôi sao Leonardo DiCaprio đã quyên góp 10 triệu USD để giúp Ukraine. Khoản quyên góp khổng lồ này có thể nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực chống lại Nga và hoạt động nhân đạo trong nước.

Sự kiện này lần nữa thu hút sự chú ý khi một nhà phê bình phim nổi tiếng tiết lộ: “Bà ngoại của Leonardo đến từ Odessa, thành phố lớn thứ ba ở Ukraine.”

Theo Apple Daily, trong một cuộc phỏng vấn trước đây, Leonardo cho biết anh mang trong mình một nửa dòng máu Nga. Lý do là vì bà ngoại của anh là một công dân Đức gốc Nga và sinh ra ở Odessa, Ukraine, nhưng trên thực tế, người dân địa phương đều nói tiếng Nga. Tuy nhiên, bối cảnh thời gian và không gian lại khác nhau, khi đó giữa hai nước không có mối quan hệ xấu nào, do đó, truyền thông Ukraine vào thời điểm đó đã không đính chính về vấn đề này. Đúng ra, Leonardo nên nói rằng mình có một nửa dòng máu Ukraine.

Tuy nhiên, bất kể là dòng máu nào, việc quyên góp lần này của Leonardo, chắc chắn đã thể hiện sự chân thành và ủng hộ to lớn của anh đối với Ukraine.

Mộc Lan

Ngân hàng Thế giới duyệt khoản vay và viện trợ không hoàn lại 723 triệu USD cho Ukraine

Hôm thứ Hai (8/3), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, ban điều hành của họ đã phê duyệt gói cho vay và viện trợ không hoàn lại trị giá 723 triệu đô la dành cho Ukraine, cung cấp sự hỗ trợ ngân sách rất cần thiết cho chính phủ Ukraine trong bối cảnh quốc gia này đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới tại Washington, D.C., Hoa Kỳ (Ảnh minh họa: Getty Images)

Reuters đưa tin, WB nêu rõ trong một thông báo, gói này bao gồm khoản cho vay 350 triệu đô la bổ sung cho khoản cho vay trước đó của Ngân hàng Thế giới, tăng khoảng 139 triệu đô la thông qua sự bảo lãnh của Hà Lan và Thụy Điển.

Gói này cũng bao gồm khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 134 triệu đô la từ Anh, Đan Mạch, Latvia, Litva, và Iceland, cũng như khoản tài trợ song song trị giá 100 triệu đô la từ Nhật Bản.

Các khoản cho vay hỗ trợ ngân sách của Ngân hàng Thế giới thường không có những quy định hạn chế về cách thức chi tiêu, nhưng WB lưu ý, khoản hỗ trợ “giải ngân nhanh” sẽ giúp chính phủ Ukraine cung cấp các dịch vụ quan trọng, trả lương cho nhân viên y tế, tài trợ lương hưu và tiếp tục các chương trình xã hội.

Trong một thông báo, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass nhấn mạnh: “Tổ chức Ngân hàng Thế giới đang hành động nhanh chóng để hỗ trợ Ukraine và người dân nước này khi đối mặt với bạo lực và sự gián đoạn nghiêm trọng do cuộc xâm lược của Nga gây ra.”

Ông cam kết: “Tổ chức Ngân hàng Thế giới sát cánh với người dân Ukraine và khu vực. Đây là bước đầu tiên trong nhiều bước mà chúng tôi đang thực hiện để giúp giải quyết những tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng này đối với con người và nền kinh tế.”

WB còn tiết lộ, tổ chức tài chính này đang tiếp tục thực hiện một gói hỗ trợ khác trị giá 3 tỷ đô la cho Ukraine trong những tháng tới, đồng thời hỗ trợ thêm cho các quốc gia láng giềng đang tiếp nhận người tị nạn Ukraine, hiện đã vượt quá 1,7 triệu người, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.

Gia Huy


Related posts