Đông Phương
Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng hai chữ “xâm lược”. Gần đây, họ lại tuyên bố sẵn sàng sắm vai “đứng giữa hòa giải” để ngăn chặn một cuộc “khủng hoảng nhân đạo” ở Ukraine. Vậy Bắc Kinh đang có tính toán gì?
Hôm thứ Hai (7/3), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo của Kỳ họp thứ năm Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 13 rằng, Trung Quốc “sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế triển khai hoạt động hòa giải khi cần thiết”. Ông cũng cho biết, Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc “sẽ chuyển một đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Ukraine trong thời gian sớm nhất có thể”.
Tờ BBC của Anh đưa tin, đây là lần đầu tiên Trung Quốc nói rằng họ sẽ đóng vai trò hòa giải trong cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine. Tuy nhiên Bắc Kinh đã không tiết lộ kế hoạch cụ thể và cũng chưa thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine.
Phân tích: Bắc Kinh đang bào chữa cho chính mình
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Vương Hách (Wang He) nói với The Epoch Times vào ngày 8/3 rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhảy ra và nói rằng họ muốn cung cấp hỗ trợ quốc tế, việc này không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, nó đã làm lẫn lộn một sự thực là, cuộc chiến Nga – Ukraine là một cuộc xâm lược của Moscow, còn ĐCSTQ lại hết lần này đến lần khác bác bỏ thực tế rằng đây là hành vi xâm lược. “Đây cũng chính là một biểu hiện ủng hộ Nga của nó (ĐCSTQ)”, theo ông.
Hiện tại, Trung Quốc lại đề xuất làm trung gian hòa giải, ông Vương Hách cho rằng ĐCSTQ đang tự bào chữa khi đối mặt với áp lực quốc tế. “Bởi vì khi Thế vận hội Mùa đông vừa kết thúc, [Nga] đã phát động chiến tranh vào ngay ngày hôm sau, phương Tây vô cùng hoài nghi rằng ĐCSTQ đóng một vai trò rất không vẻ vang gì trong đó”, ông nói.
Ông Vương chỉ ra rằng, “Cộng đồng quốc tế có đủ lý do để liệt ĐCSTQ vào hàng ngũ đồng phạm của Nga. Trước tình trạng này, nó liền tự tẩy trắng cho bản thân bằng cách đưa ra một số viện trợ nhân đạo mang tính tượng trưng”.
Phân tích: Rất khó để hòa giải cuộc đối đầu Nga – Ukraine
Trước đó, Điện Kremlin Nga đề xuất 4 điều kiện đình chiến đối với Ukraine, bao gồm: Ukraine phải công nhận “Crimea là lãnh thổ của Nga”, công nhận “nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk”, sửa đổi Hiến pháp đưa “địa vị trung lập vào Hiến pháp” và “Ukraine phải ngừng các hoạt động quân sự”.
Ông Hồ Bình (Hu Ping), Tổng biên tập tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói với The Epoch Times rằng trong 4 điều kiện ngừng bắn trên, “địa vị trung lập” có nghĩa là Ukraine không gia nhập NATO, điều này có thể dễ dàng chấp nhận. Nhưng những điều kiện còn lại đều liên quan đến lãnh thổ thì khá khó đạt được, “không có cách nào để điều đình, yêu cầu của hai bên quá khác xa nhau”.
“Ai có cách để đóng vai trò hòa giải? Tôi nghĩ thật khó để tưởng tượng bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào có thể thực hiện công việc này, Trung Quốc cũng không thể”. Ông Hồ nói rằng, bản thân ĐCSTQ có lập trường rất mạnh, nó ủng hộ Nga một cách thiên lệch trước cuộc chiến giữa Moscow và Kiev, vậy làm sao có thể đảm nhận vai trò hòa giải? Còn đối với Nga, bên khơi mào chiến tranh, cộng đồng quốc tế không thể sử dụng Liên Hợp Quốc để trừng phạt họ, nên Liên Hợp Quốc cũng khó đóng vai trò hòa giải.
Về vai trò của ĐCSTQ trong cuộc chiến này, Thủ tướng Úc Scott Morrison trước đó đã nói rằng ông hy vọng Bắc Kinh sẽ tham gia các lệnh trừng phạt và ông bày tỏ sự thất vọng trước việc đến nay Trung Quốc vẫn im lặng. “So với các nước khác trên thế giới, không có [lệnh trừng phạt của] ai có thể gây tác động lớn hơn lệnh trừng phạt của Trung Quốc”, ông nói.
Tính toán chiến lược đằng sau việc ĐCSTQ ủng hộ Nga
ĐCSTQ không những không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây, mà trong cuộc họp báo vào ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn một lần nữa củng cố mối quan hệ Trung – Nga. Đó là “cả Trung Quốc và Nga sẽ duy trì quyết tâm [về mặt] chiến lược” và thúc đẩy “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới”.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng, quan hệ hai nước được xây dựng trên “ba cơ sở là không liên kết, không đối đầu, không chĩa mũi nhọn vào nhau”, và “càng không chịu sự quấy nhiễu và gây chia rẽ của các bên thứ ba”.
Ngay cả khi cộng đồng quốc tế lần lượt lên án Nga, ĐCSTQ vẫn đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Nhà bình luận Vương Hách phân tích rằng, đằng sau thái độ này của Bắc Kinh là có tính toán chiến lược. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ĐCSTQ vẫn luôn muốn lôi kéo Nga. Sau khi NATO mở rộng về phía đông, họ đã hình thành một cuộc đối đầu chiến lược với Nga, điều này đã đưa Trung – Nga ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Từ chính sách “ẩn mình chờ thời” cho đến “ngoại giao chiến lang”, ông Vương cho rằng, “Đối với thế giới bên ngoài, mặc dù ĐCSTQ muốn thách thức và đứng ngang hàng với Mỹ, nó cũng biết rằng thực sự có một khoảng cách. Nó không hề muốn một cuộc va chạm trực diện với Hoa Kỳ, và càng lo lắng hơn về việc Trung – Mỹ tách rời. Vì vậy nó cần phải kéo Nga làm yểm trợ chiến lược”.
“Trong hoàn cảnh này, ĐCSTQ không muốn Nga thất bại hoàn toàn, vì vậy bây giờ nó phải giúp Nga đứng vững. Nếu Nga bị đánh bại, nó sẽ đơn độc trên trường quốc tế”, theo ông Vương.
Ông Hồ Bình cho rằng, theo lập trường của Mỹ, từ chính quyền Tổng thống Trump cho đến Tổng thống Biden, cả hai đảng ở Hoa Kỳ đều cho rằng Trung Quốc mới là kẻ thách thức và đối thủ cạnh tranh chính. Nhưng hiện nay đứng trước tình hình giữa Nga và Ukraine, Hoa Kỳ phải đưa ra một giải pháp tốt hơn và xử lý một cách hiệu quả thì mới có thể rảnh tay để đối phó với đối thủ số một – ĐCSTQ.
Hội nghị thượng đỉnh Trung – EU sắp bắt đầu, ĐCSTQ khó được lòng cả hai bên
Phó chủ tịch điều hành Ủy ban Liên minh Châu Âu Valdis Dombrovskis đã thông báo trước đó, rằng EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc vào ngày 1/4. Ông đề cập rằng, EU đã đình chỉ Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU – Trung Quốc vào năm ngoái, mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Lithuania (Litva) cùng những vấn đề khác đã đặt mối quan hệ EU – Trung Quốc vào một giai đoạn phức tạp. Những vấn đề này cần được xử lý ở cấp chính trị cao nhất. Nhưng ông không tiết lộ liệu hội nghị thượng đỉnh lần này có đề cập đến cuộc chiến Nga – Ukraine hay không.
Ông Vương Hách phân tích rằng, sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, sự đối đầu giữa Châu Âu và Nga căng thẳng đến mức gần như không thể hòa hợp. Trước tình hình này, ĐCSTQ muốn lôi kéo EU để cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Nhưng đồng thời nó vẫn giữ lập trường ủng hộ Nga. Mối quan hệ Trung – EU và Trung – Nga không thể cùng tồn tại.
Ông Vương nói rằng, ĐCSTQ hiện đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, nó đang ở trong trạng thái rất phòng thủ và bị động. “Vì vậy, hiện giờ nó (ĐCSTQ) đang trì hoãn và chờ đợi những thay đổi. Nó cũng đề xuất một số viện trợ cho Ukraine. Nó nói với cộng đồng quốc tế rằng muốn làm trung gian hòa giải. Nhưng lại luôn né tránh bản chất xâm lược của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Đây là tính toán hiện tại của nó”.
Đông Phương