Suy thoái kinh tế hay lạm phát đình trệ? Giá dầu, xung đột Nga-Ukraine đè nặng lên triển vọng tăng trưởng

Andrew Moran

Mô hình các thùng dầu và một kích bơm được hiển thị trước màu cờ Ukraine và Nga trong hình minh họa này được chụp hôm 24/02/2022. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters) Hoa Kỳ

Khả năng suy thoái kinh tế đang dần tăng lên khi giá dầu thô đang ở mức trên 110 USD/thùng, và xung đột quân sự Nga-Ukraine đang ảnh hưởng đến thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu.

Trong vài tháng qua, lạm phát đình trệ đã là chủ đề bàn tán của Wall Street khi các nhà phân tích và kinh tế học tranh luận về sức nặng của lạm phát giá tràn lan đối với triển vọng tăng trưởng trong và ngoài nước. Nhưng hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine của Moscow đã làm trầm trọng thêm nhiều thách thức vốn đã đe dọa nền kinh tế toàn cầu trước đại dịch.

Giá năng lượng tăng theo dự kiến ​​sẽ làm gia tăng lạm phát lương thực ở các nền kinh tế tiên tiến và các thị trường đang phát triển. Ông Peter Oppenheimer, trưởng chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu tại JPMorgan Chase, lưu ý rằng cuộc chiến ở Đông Âu càng kéo dài thì sự bất ổn càng lớn.

Ông nói trong một ghi chú nghiên cứu: “Khó khăn khi chúng ta gặp phải một sự kiện chấn động như thế này p – sự kiện dẫn đến rất nhiều hậu quả, tất nhiên là về mặt tính nhân đạo, kinh tế, và tiền tệ – là mức độ bất ổn sẽ tăng lên.”

Đồng thuận hiện tại giữa các nhà phân tích tài chính là áp lực lên thị trường hiện tại, đặc biệt là giá tiêu dùng và giá sản xuất cao hơn, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong năm nay.

Mọi người đi bộ dọc theo một con phố mua sắm ở khu hạ Manhattan, thành phố New York vào ngày 05/07/2019. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Trong một báo cáo mới, Fitch Ratings cảnh báo rằng những rắc rối về lạm phát leo thang có thể làm chệch hướng triển vọng kinh tế toàn cầu vào năm 2022.

Ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng tại Fitch, viết trong báo cáo: “Diễn biến lạm phát gần đây cao hơn dự kiến ​​và triển vọng giá cả là bất ổn. Lạm phát là một quá trình năng động và có thể tự thúc đẩy. Nhiều yếu tố khác nhau có thể khiến lạm phát cơ bản ở mức cao trong suốt năm 2022. Các cú sốc về giá năng lượng toàn cầu liên quan đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm những rủi ro.”

Ông nói rằng diễn biến này có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương Anh phải đẩy nhanh lãi suất “lên mức trung lập hoặc hạn chế.” Ông nói, lãi suất quỹ liên bang có thể tăng lên 3% vào cuối năm nay.

Theo CME FedWatch Tool, thị trường đã định giá mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tuần tới. Nhiều công ty ở Wall Street đang dự kiến có ít nhất 5 lần điều chỉnh lãi suất trong năm nay.

Các nhà kinh tế học Jefferies Aneta Markowska và Thomas Simons cho rằng “kịch bản tăng 7 lần vẫn có vẻ là một khả năng cơ sở hợp lý.”

Ông Coulton nói, các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn và lợi suất Trái phiếu dài hạn của Kho bạc Hoa Kỳ tăng đột biến có thể ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với mức tăng trưởng dự kiến ​​giảm xuống 0.5% hoặc thấp hơn vào năm 2023.

Một cuộc khảo sát của CNBC Rapid Update về 14 dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ có thể chịu đựng vô số yếu tố làm giảm đi, mặc dù GDP có thể [chỉ] chịu ảnh hưởng vừa phải trong những quý sắp tới.

Hậu quả do cuộc xâm lược Ukraine, triển vọng tăng trưởng của Hoa Kỳ dự kiến ​​là 1.9% trong quý đầu tiên, tăng từ 1.5% trong nghiên cứu hồi tháng Hai. GDP quý II dự kiến ​​sẽ tăng 3.5%, giảm so với ước tính trước đó là 4.3%. Dự kiến, quý thứ ba và quý thứ tư sẽ chứng kiến ​​mức tăng GDP lần lượt là 3.1% và 2.5%. Con số này giảm so với dự báo của tháng trước lần lượt là 3.4% và 2.6%.

Các nhà dự báo của CNBC hiện tin rằng lạm phát sẽ cao hơn dự kiến ​​ban đầu: 6.7% (Q1), 5.3% (Q2), 3.9% (Q3), và 3% (Q4).

Liệu dự báo này có nghĩa là nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế đã bị thổi phồng quá mức? Không phải vậy, ông Tom Siomades, giám đốc đầu tư tại AE Wealth Management cho biết.

Ông nói với The Epoch Times: “Đây là một ví dụ gần giống như trong sách giáo khoa về một cú sốc năng lượng đẩy nhanh sự suy thoái của một nền kinh tế vốn đã ở trong tình trạng mong manh. Thêm vào đó là áp lực lạm phát mà chúng ta có và các lựa chọn bị hạn chế của Fed, và quý vị có một cơn bão hoàn hảo đang tới.”

Ông cũng tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể trải qua “một trận” lạm phát đình trệ và suy thoái kinh tế vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.

Ông Siomades nói, “Sau cuộc suy thoái, chúng ta sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng giống như những năm thời ông Obama— phục hồi thất nghiệp, tăng trưởng yếu – chỉ riêng có lần này, nhờ có chính phủ này, mà mức lạm phát đã tiếp tục leo cao.” 

Không phải ai cũng tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy thoái trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

Ông James Knightley, Trưởng ban Kinh tế Quốc tế của ING, hy vọng “một kết quả tương đối ổn” cho Hoa Kỳ trong vài năm tới.

Nghĩa là, một số người đang đi xa hơn khi dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế, bao gồm cả đồng sáng lập Pimco, Bill Gross.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 03/03, ông Gross cho biết Fed đã chờ đợi quá lâu để tăng lãi suất và sẽ khó có thể cứu chữa ngay cả một cuộc suy thoái tồi tệ, lưu ý rằng các ngân hàng trung ương đang “mắc kẹt trong một thế giới lãi suất thấp.”

Ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, cho biết cuộc suy thoái tiếp theo sẽ được kích hoạt bởi Fed bởi vì họ “chậm trễ”, khiến thể chế này phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt.

Cựu Bộ trưởng Ngân khố và giáo sư Harvard Larry Summers nói trong cuộc thảo luận về các nước đang phát triển có thu nhập thấp tại Cuộc họp mùa xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới ở Hoa Thịnh Đốn hôm 13/04/2016. (Ảnh: Mike Theiler/AFP/Getty Images)

Ông Summers nói với Bloomberg TV: “Cuộc suy thoái tiếp theo có lẽ có thể được miêu tả là do “chính sách tiền tệ sai lầm. Khó khăn để có được một cú hạ cánh nhẹ nhàng, khi chúng ta vừa hạ được lạm phát vừa tránh được suy thoái luôn là điều rất khó. Với  giá dầu 110 USD thì còn khó hơn nhiều.”

Tuy nhiên, ông Bob Bilbruck, Giám đốc điều hành của Captjur, một công ty dịch vụ chiến lược và phát triển, cảnh báo, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể không cần đợi suy thoái vì nó đã ở đây rồi.

Ông nói với The Epoch Times: “Chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Một giai đoạn suy giảm kinh tế tạm thời trong đó hoạt động thương mại và công nghiệp bị giảm sút, thường được xác định bằng sự sụt giảm GDP trong hai quý liên tiếp. Trong hai quý gần đây, GDP toàn cầu đã giảm, và thực sự đã giảm từ cuối năm 2020. GDP của Hoa Kỳ cũng đang giảm.

“Wall Street không nói về điều đó bởi vì Wall Street và kinh tế học rất khác biệt.”

Nhìn ra ngoại quốc, tiên lượng chính là xung đột Ukraine-Nga sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến Âu Châu vì sự phụ thuộc của khối này vào các mặt hàng năng lượng.

Barclays hạ dự báo tăng trưởng của Âu Châu trong năm nay từ 4.1% xuống 3.5%. Ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) quyết định trì hoãn chiến dịch thắt chặt tiền tệ, RBC Economics đã cắt giảm dự báo GDP năm 2022 của khu vực đồng euro 0.8% xuống 2.8%.

Các nhà kinh tế của Barclays, dẫn đầu bởi ông Christian Keller, cho biết trong một báo cáo: “Giá hàng hóa tăng vọt và tâm lý ngại rủi ro trên thị trường tài chính là những kênh lây lan chính, ám chỉ một cú sốc lạm phát toàn cầu, với Âu Châu là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất. Trong khi Âu Châu có vẻ dễ bị tổn thương hơn Hoa Kỳ, và Anh nằm ở đâu đó ở giữa, thì Trung Quốc dường như ít bị rủi ro nhất.”

Nhìn chung, môi trường kinh tế hiện tại có thể phải đối mặt với áp lực rất lớn do nguồn cung đang bị thu hẹp lại của một loạt các mặt hàng vượt ra ngoài cả dầu thô và cây trồng.

Ông Bilbruck nói: “Dầu chỉ là một vấn đề nhỏ. Tình trạng thiếu nguyên liệu đất hiếm lại là một vấn đề lớn.”

Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế và tài chính. Ông đã là một nhà văn và ký giả trong hơn một thập kỷ ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal và Career Addict. Ông cũng là tác giả của “Cuộc chiến về tiền mặt.”

Vân Du biên dịch

Related posts