Nguồn: Ukraine-Krieg: Die Angst vor dem Domino-Effekt, WELT, 07/03/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Nếu cuộc chiến tranh xâm lược của Putin không bị chặn lại, Cộng hòa Moldova có nguy cơ trở thành quốc gia tiếp theo gặp nguy hiểm. Giống như ở Kiev, chính phủ nước này thân với EU, nhưng phe ly khai thân Nga đang kiểm soát Transnistria, ở khu vực biên giới giáp với Ukraine. Tuy nhiên, đây cũng không phải là khu vực bị đe dọa duy nhất.
Cuộc chiến ở Ukraine tất nhiên chủ yếu là việc của người Ukraine và quyền tự quyết của họ. Nhưng không chỉ có vậy. Liên minh châu Âu ngày càng lo ngại Tổng thống Nga Putin có thể không dừng lại ở cuộc xâm lược này.
Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với mạng thông tin Euractiv: “Tôi tin chắc 100% rằng nếu Nga không bị chặn đứng ở Ukraine và Kiev bị thất thủ thì mục tiêu tiếp theo sẽ là Moldova và Gruzia, sau đó sẽ có vấn đề ở Tây Balkan, và tiếp theo sẽ là các quốc gia vùng Baltic”.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cũng đưa ra tuyên bố tương tự, cách đây vài ngày: “Chúng tôi lo ngại rằng Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine”. Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cũng nhấn mạnh, phản ứng chung của NATO và EU phải bao gồm sự ủng hộ đối với các nước như Gruzia và Bosnia-Herzegovina.
Việc các đại diện hàng đầu của NATO và EU lo lắng về các khu vực nhạy cảm khác có liên quan đến động cơ của Putin trong cuộc chiến Ukraine. Một bài báo mà cơ quan thông tấn nhà nước Nga, Ria Novosti, đăng tải cách đây vài ngày có lẽ đã vô tình làm sáng tỏ điều này. Bài báo có tiêu đề: “Cuộc tấn công của nước Nga và thế giới mới”.
Có thể cho rằng bài báo lẽ ra chỉ được đăng tải trong trường hợp Nga chiến thắng ở Ukraine. Tác giả viết: “Đây là sự trở lại không gian lịch sử và vị trí của nước Nga trên thế giới. Nước Nga đang khôi phục sự thống nhất của mình – thảm kịch năm 1991 (…) đã được khắc phục”. Đó là thời điểm Liên Xô sụp đổ, điều mà Putin thường gọi là “thảm họa địa chính trị lớn nhất” của thế kỷ 20.
Chuyên gia quân sự Gustav Gressel, thành viên cấp cao của viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết: “Ukraine là mục tiêu để thiết lập Nga như một cường quốc thực sự trên thế giới. Nếu thế giới quan này thành công, nó sẽ nhanh chóng chuyển sang các lĩnh vực lợi ích khác.
Điều này bao gồm các khu vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến an ninh của NATO. Quốc gia nhỏ bé, thường bị lãng quên, ở sườn phía đông nam của NATO, đặc biệt dễ bị tổn thương, đó là Cộng hòa Moldova. Chính phủ thì thân với EU, nhưng những người ly khai thân Nga đã thiết lập một chế độ riêng trên lãnh thổ Moldova, được Moscow đặc biệt hỗ trợ, đó là Transnistria.
Quân đội Nga đã đóng quân ở đó từ đầu những năm 1990. Ở phía đông, khu vực ly khai giáp với Ukraine. Khu vực này tách khỏi Moldova sau một cuộc nội chiến đẫm máu khi Moldova tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô.
Quân đội Nga gần đây đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực này. Người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết, mục tiêu của Nga là hành lang từ Crimea tới khu vực ly khai ở miền đông Ukraine và Transnistria ở miền tây.
Về tiềm lực quân sự, phía Nga vượt trội hơn hẳn. Ngoài khoảng 1.500 lính Nga đóng tại Transnistria, còn có khoảng 10.000 dân quân trung thành với chế độ. Trong khi đó, Moldova chỉ có khoảng 6.000 binh sĩ.
Nếu Ukraine thất thủ và quân đội Nga tiến sát biên giới, Gressel nói, “Moldova sẽ dễ dàng bị tấn công về quân sự.” Khi đó, người của Moscow sẽ trực diện với Rumania, sườn phía đông nam của NATO.
Ở phía bên kia của Rumania, phía tây là Serbia. Gressel nói: “Serbia công khai đứng về phía Nga, cả trong dư luận dân chúng cũng như trên bình diện chính phủ”.
Tổng thống Aleksandar Vucic từ chối tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, mặc dù quốc gia của ông là ứng cử viên cho tư cách thành viên EU. Belgrade cũng được trang bị bằng các hệ thống vũ khí của Nga.
Serbia cũng là một địa bàn gây bất ổn ở Tây Balkan. Tại nước láng giềng phía tây Bosnia-Herzegovina, chính trị gia người Serb, Milorad Dodik, từ lâu thúc đẩy sự ly khai của nước Cộng hòa Srpska, một trong hai phần của Bosnia, nơi người Serb chiếm đa số.
Ông này nhận được sự ủng hộ của Belgrade, Budapest và Moscow. Trong trường hợp xảy ra leo thang, đây là một sự lo ngại hiển nhiên, do quân đội Nga có nhiều khả năng hiện diện tại đây để bảo vệ lợi ích của Serbia.
Do đó Bosnia tự coi mình là mặt trận thứ hai trong cuộc đối đầu có thể xảy ra với Nga. Phái bộ quân sự EU (Eufor) đã triển khai thêm 500 binh sĩ tới đất nước này sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Trong trường hợp khẩn cấp, Romania có thể là “người đứng ở cuối hàng” trên dải đất nối liền từ Nga qua Ukraine đến Tây Balkan. NATO cũng đang phản ứng và tìm cách đẩy cái giá Nga phải trả lên cao nếu xảy ra tấn công. Cách đây vài ngày, Pháp và Bỉ đã thông báo sẽ gửi thêm các đơn vị đến Romania tham gia nhóm tác chiến của NATO. Cho đến nay, các nhóm chiến đấu kiểu này mới có ở ba nước Baltic.
Ý đã gửi thêm 4 máy bay chiến đấu đến Rumani, 4 chiếc đã có mặt tại đây. Trong mấy ngày qua, Đức cũng đã tập kết tại đây 6 máy bay chiến đấu.
Tóm lại, khu vực Biển Đen là khu vực nhạy cảm. Điều này cũng được thể hiện rõ ràng ở Gruzia, quốc gia nằm ở phía đông Biển Đen. Giống như Moldova, quốc gia này cũng chịu sức ép của Nga. Năm 2008, một cuộc chiến kéo dài 5 ngày giữa Nga và Gruzia đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Gruzia mất các tỉnh Nam Ossetia và Abkhazia.
Đối với NATO, việc Nga mở rộng quyền lực ở xung quanh Biển Đen là một tín hiệu báo động. Nếu Moscow tấn công Gruzia một lần nữa, một cuộc xung đột khác sẽ diễn ra ở biên giới với một quốc gia NATO, là Thổ Nhĩ Kỳ. Gruzia hiện noi gương Ukraine xin gia nhập EU. Cộng hòa Moldova hiện cũng đã nộp đơn xin gia nhập EU.
Tuy nhiên, mối đe dọa trước mắt nhất có lẽ là đối với ba nước Baltic thuộc Liên Xô cũ. Nga giáp với Estonia và Latvia; còn Litva kề sát tiền đồn Kaliningrad của Nga, nơi đóng Hạm đội phương Đông của Kremlin. Bên kia là Belarus, nơi quân đội của Nga đóng quân hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine. Có thể giả định quân Nga sẽ ở đó vĩnh viễn, điều sẽ đưa Nga đến sát gần NATO hơn.
Tình hình hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine, con bài domino đầu tiên của Putin trên con đường đưa nước Nga quay lại địa vị cường quốc. Theo đánh giá của Gressel, người từng phục vụ trong quân đội Áo vài năm trước khi theo nghiệp đèn sách, thì: “Nga chỉ có thể hạ gục lần lượt từng con bài một”.
Việc xác định lại các tuyến phòng thủ của phương Tây cũng phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến. Theo chuyên gia này, người ta phải tính xem cuối cùng có bao nhiêu quân Nga sẽ đóng quân ở đâu, và NATO có thể điều quân để tiếp cận nhanh chóng như thế nào. Điều này đưa ra cảnh báo trước cho phương Tây, từ đó xác định vị trí, mức độ và trang thiết bị mà lực lượng NATO cần điều động.
Thời gian của sự thiện chí về chính trị đã kết thúc, sự đóng quân tượng trưng cũng đã qua. Gressel nói: “Trong thế giới mới mà chúng ta mới thức dậy chứng kiến vào tuần trước, chúng ta phải có câu trả lời chính xác về mặt quân sự.”