Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Một người được dìu ra bên ngoài sau khi bệnh viện nhi Mariupol bị phá hủy khi Nga tiếp tục xâm lược Ukraine, tại Mariupol, Ukraine, hôm 09/03/2022 trong hình ảnh tĩnh này, trích từ một video phát tay do Reuters thu được. (Ảnh: Quân đội Ukraine/Tài liệu phát qua Reuters)

Các ngoại trưởng Nga-Ukraine gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ

Các cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Nga và Ukraine đang được tiến hành bên lề một hội nghị thượng đỉnh ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một bức ảnh chính thức cho thấy Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga được tháp tùng bởi hai cố vấn đang ngồi đối diện với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba và các quan chức của ông hôm thứ Năm (10/03).

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngồi đầu chiếc bàn hình chữ U trong một phòng hội nghị ốp gỗ của khách sạn gần thành phố Antalya, Địa Trung Hải.

Cuộc hội đàm này là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hai tuần trước. Ông Cavusoglu cho biết mục đích của cuộc gặp là để mở đường cho một cuộc gặp giữa hai tổng thống Nga và Ukraine mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là người tạo điều kiện.

Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Ukraine, đang cố gắng cân bằng quan hệ với cả hai quốc gia. Họ đã tự định vị mình như một bên trung lập, tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến.


Chỉ huy EUCOM: Gửi phi cơ MiG-29 sẽ là một việc làm mang lại ‘rủi ro cao và lợi nhuận thấp’

Chỉ huy quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ ở Âu Châu đã cảm ơn Ba Lan vì đã đề nghị cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng ông nói rằng việc gửi các phi cơ MiG-29 sẽ là một việc làm mang lại “rủi ro cao và lợi nhuận thấp”.

Ba Lan cho biết họ sẵn sàng cung cấp các phi cơ MiG-29 — loại phi cơ mà các phi công của Ukraine được đào tạo để bay — cho NATO nếu toàn bộ 30 đồng minh đều đồng ý gửi chúng đến đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này.

Tướng Tod D. Wolters, chỉ huy Bộ Tư lệnh Âu Châu (EUCOM) của Hoa Kỳ, cho biết, “Cách hiệu quả nhất để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống Nga là cung cấp thêm vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không.”

Ông Wolters cũng là chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO và chịu trách nhiệm tăng cường khả năng phòng thủ của tổ chức này để ngăn Nga tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào. NATO đang cảnh giác với việc bị Moscow cuốn vào cuộc chiến Ukraine.

Ông Wolters nói rằng Ukraine đã có đủ chiến đấu cơ và việc gửi các phi cơ MiG-29 “sẽ không làm tăng đáng kể hiệu quả của Không quân Ukraine.”

Ông Wolters cho hay các ước tính tình báo cho thấy việc gửi các phi cơ này “có thể bị hiểu nhầm là leo thang và có thể dẫn đến việc Nga leo thang với NATO … tạo ra một kịch bản rủi ro cao.”

Ông nói với Ba Lan rằng Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ sẽ “đánh giá các cách để hỗ trợ và giúp đỡ tốt nhất những người bạn Ukraine của chúng ta.”


Anh áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 7 người giàu của Nga, trong đó có ông Abramovich

Anh đã áp dụng một lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 7 người Nga giàu có, trong đó có ông Roman Abramovich, tỷ phú sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea.

Chính phủ Anh cho biết hôm thứ Năm (10/03) rằng tài sản của ông Abramovich bị phong tỏa, ông bị cấm đến Vương quốc Anh và bị cấm giao dịch với các cá nhân và doanh nghiệp ở Vương quốc Anh.

Tuần trước (28/02-06/03), ông Abramovich cho biết ông đang cố bán Chelsea khi có nguy cơ bị trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt nhằm đáp trả hành động xâm lược của Nga đối với nước láng giềng Ukraine.


Nga cho biết tuyên bố nước này đánh bom một bệnh viện nhi là ‘tin giả’

Hôm thứ Năm (10/03), Nga cho biết tuyên bố của Ukraine rằng họ đánh bom một bệnh viện nhi ở Mariupol là “tin giả” vì tòa nhà này trước đây là một bệnh viện phụ sản nhưng đã được quân đội tiếp quản từ lâu.

Ông Dmitry Polyanskiy, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cho biết trên Twitter: “Đó là cách mà tin tức giả ra đời.”

Ông Polyanskiy cho biết hôm 07/03 Nga đã cảnh báo rằng bệnh viện đã bị biến thành một tòa nhà quân sự mà từ đó người Ukraine sẽ khai hỏa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga thực hiện tội ác diệt chủng sau khi các quan chức Ukraine cho biết phi cơ Nga đã đánh bom bệnh viện nhi hôm thứ Tư (10/03).


Cuộc gặp ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Nga-Ukraine kể từ cuộc xâm lược

Các ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm (10/03) trong cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Moscow xâm lược nước láng giềng, với việc Ankara hy vọng cuộc gặp của đôi bên có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột đang diễn ra gay gắt này.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hạ thấp kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn hoặc các kết quả khác trong cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, bên lề một diễn đàn ngoại giao ở tỉnh Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc xâm lược của Nga đã khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong điều mà Liên Hiệp Quốc gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Âu Châu kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.

Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đề nghị làm trung gian hòa giải giữa các bên và sẽ tiếp đón hai nhà ngoại giao hàng đầu của mỗi bên sau nhiều tuần các cường quốc trên thế giới nỗ lực hòa giải.


WHO: Bệnh viện phụ sản nằm trong số 18 trung tâm y tế Ukraine bị tấn công

Một cuộc không kích vào một bệnh viện phụ sản ở thành phố cảng Mariupol đã làm bị thương những phụ nữ đang chờ sinh và chôn vùi những đứa trẻ trong đống đổ nát, trong bối cảnh quân đội Nga tăng cường bao vây các thành phố của Ukraine. Bom cũng rơi xuống ở hai bệnh viện tại một thành phố khác ở phía tây Kyiv.

Hôm thứ Tư (09/03), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết rằng họ đã xác nhận được 18 cuộc tấn công vào các cơ sở y tế kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu cách đây hai tuần.

Các quan chức Ukraine cho biết vụ tấn công tại một khu phức hợp y tế ở Mariupol đã khiến ít nhất 17 người bị thương.

Mặt đất rung chuyển trong bán kính hơn một dặm khi loạt vụ nổ ập đến. Các vụ nổ đã thổi bay các cửa sổ và xé toang phần lớn mặt trước của một tòa nhà. Cảnh sát và binh lính đã gấp rút đến hiện trường để di tản các nạn nhân, khiêng một người phụ nữ bị chảy máu với bụng bầu lên cáng, băng qua những chiếc xe hơi bị cháy và hư hỏng nặng.


Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cấm nhập cảng dầu từ Nga

Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một cách áp đảo dự luật cấm nhập cảng dầu từ Nga vào Hoa Kỳ, một nỗ lực nhằm đưa những hạn chế mà Tổng thống Joe Biden đã công bố để đáp trả cuộc chiến leo thang ở Ukraine vào áp dụng trong luật. 

Đi xa hơn lệnh cấm nhập cảng dầu Nga của Tổng thống Biden, dự luật đang được đưa lên cho Quốc hội thông qua cũng sẽ khuyến khích việc xem xét lại vị thế của Nga trong Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời báo hiệu sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Nga vì vi phạm nhân quyền, khi Hoa Kỳ làm việc để cô lập chính quyền này về mặt kinh tế.

Các nhà lập pháp của cả hai đảng đã hăng hái hành động, sẵn sàng mạo hiểm giá xăng cao hơn trong nước để hỗ trợ Ukraine bằng sự chung tay của lưỡng đảng Hoa Kỳ. Đạo luật đã được thông qua hôm thứ Tư (09/03), với tỷ lệ 414-17, và giờ đây đã được chuyển đến Thượng viện.

Dân biểu Lloyd Doggett, Dân Chủ-Texas, người đã giúp soạn thảo dự luật, thừa nhận việc đổ đầy bình xăng ở quê nhà có thể sẽ phải tốn kém hơn để ngăn chặn xe tăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở ngoại quốc.

Ông Doggett nói trong cuộc tranh luận: “Đó là một cách để thể hiện sự đoàn kết của chúng ta.”


Hạ viện thông qua dự luật chi tiêu trị giá 1.5 ngàn tỷ USD, trong đó 13.6 tỷ USD là dành cho Ukraine

Hôm thứ Tư (09/03), Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu đa mục đích (omnibus) trị giá 1.5 ngàn tỷ USD, trong đó bao gồm 13.6 tỷ USD tiền viện trợ cho Ukraine và các đồng minh Âu Châu, và sẽ tài trợ cho chính phủ liên bang đến tháng 30/09/2022.

Vài giờ trước đó, các nhà lập pháp của Đảng Dân Chủ đã loại bỏ khoản viện trợ COVID-19 trị giá 15.6 tỷ USD ban đầu của dự luật này, đánh dấu một bước thụt lùi lớn đối với chính phủ Tổng thống Biden, vốn đã thúc đẩy trong nhiều tuần để khoản tiền bổ sung này được thông qua.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã gọi quyết định từ bỏ điều khoản này là “đau lòng”. Đảng Cộng Hòa đã yêu cầu cắt giảm khoản viện trợ cho các tiểu bang này để tài trợ cho sáng kiến ​​mới.

“Chúng ta đang có một cuộc chiến ở Ukraine,” bà Pelosi nói với các phóng viên, giải thích sự cấp bách mà các thành viên Đảng Dân Chủ cảm thấy khi nhượng bộ trong thương lượng với Đảng Cộng Hòa. “Chúng tôi có công việc quan trọng mà chúng tôi đang làm ở đây.” Bà cho biết với việc tại Thượng viện chia đều theo tỷ lệ 50-50 đảng của bà cần ít nhất 10 phiếu từ Đảng Cộng Hòa để thông qua dự luật, Đảng Dân Chủ “sẽ phải hiểu cần rằng phải có sự thỏa hiệp.”


Tòa Bạch Ốc cảnh báo Nga có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine

Hôm thứ Tư (09/03), chính phủ Tổng thống Biden đã công khai cảnh báo rằng Nga có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine.

Trong tuần này (07-13/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc mà không có bằng chứng rằng Ukraine điều hành các phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học trên lãnh thổ của mình. 

Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ Jen Psaki đã phản bác, gọi tuyên bố của Nga là “phi lý” và nói rằng đây có thể là một phần của một nỗ lực của Nga nhằm tạo cơ sở cho việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt như vậy của chính họ nhằm vào Ukraine.

“Tất cả đây là một mưu đồ rõ ràng của Nga để cố gắng biện minh cho cuộc tấn công đã được tính toán từ trước, vô cớ, và không chính đáng của mình vào Ukraine,” bà Psaki viết hôm thứ Tư (09/03). “Giờ đây khi Nga đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật này và Trung Quốc dường như đã tán thành những tuyên truyền đó, tất cả chúng ta nên đề phòng việc Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine hoặc tạo ra một chiến dịch cờ giả với chúng.”

Hoa Kỳ trong nhiều tháng đã cảnh báo về các hoạt động “cờ giả” của Nga để tạo cớ cho cuộc xâm lược. Cảnh báo hôm thứ Tư cho thấy Nga có thể tìm cách tạo cớ để leo thang cuộc xung đột đã kéo dài hai tuần, vốn chứng kiến ​​cuộc tấn công của Nga bị đình trệ bởi sự chống trả mạnh hơn dự kiến của Ukraine. Tuy nhiên cuộc tấn công này không bị chặn đứng và vẫn tiếp diễn.


Tổng giám đốc IAEA sẽ tổ chức cuộc họp về vấn đề an toàn của nhà máy hạt nhân Ukraine vào 10/03

Kiến trúc còn sót lại của lò phản ứng hạt nhân Chernobyl số 4 ở Chernobyl, Ukraine, ngày 25/01/2006. (Ảnh: Daniel Berehulak/Getty Images)

Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết ông sẽ đến Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm (10/03) theo lời mời của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong bối cảnh lo ngại về an ninh của các lò phản ứng hạt nhân Ukraine gia tăng.

Ông Cavusoglu sẽ tổ chức cuộc họp giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Antalya, trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài đã hơn hai tuần ở Ukraine lấy đi sinh mạng của nhiều nạn nhân hơn. Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, đã tweet vào tối ngày thứ Tư (09/03) rằng ông sẽ tham dự các cuộc họp và hy vọng “đạt được tiến triển về vấn đề cấp bách của việc bảo đảm an toàn và an ninh cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ!”

Hôm thứ Tư (09/03), lo ngại đã gia tăng về sự an toàn của nhà máy hạt nhân Chernobyl. Bị quân đội Nga chiếm giữ ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, nhà máy này hiện đã không còn hoạt động, bị mất điện và phải chuyển sang máy phát điện dự phòng. Cơ quan truyền thông nhà nước cho biết việc mất điện có thể khiến các hệ thống làm mát vật liệu hạt nhân gặp rủi ro. Địa điểm này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga kể từ tuần trước.

Cơ quan quản lý hạt nhân của Ukraine cho biết việc truyền dữ liệu từ xa từ các hệ thống giám sát tại Chernobyl đã bị mất.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Vienna cho biết họ không thấy có động nghiêm trọng nào đến an toàn tại Chernobyl vì có thể “tản nhiệt hiệu quả mà không cần nguồn điện” bằng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại địa điểm này.


Hoa Kỳ sẽ không giao phản lực cơ của Ba Lan cho Ukraine vì lo ngại ông Putin sẽ coi hành động này là ‘leo thang’

Hoa Kỳ sẽ không hành động theo đề nghị của Ba Lan về việc nhận chiến đấu cơ từ đồng minh này rồi chuyển giao cho Ukraine vì lo ngại các quan chức Nga sẽ coi hành động này là “leo thang”, một quan chức Mỹ cho biết hôm 09/03.

Ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn: “Cộng đồng tình báo đã đánh giá việc chuyển giao các phi cơ MiG-29 cho Ukraine có thể bị hiểu nhầm là hành động leo thang và có thể dẫn đến phản ứng đáng kể từ Nga, có nguy cơ làm tăng khả năng leo thang quân sự với NATO.”

Dựa trên đánh giá này, vốn được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đồng tình, quân đội nhận định việc chuyển giao có “rủi ro cao” và sẽ không làm như vậy, ít nhất là vào lúc này.


Hỏa tiễn Patriot của Hoa Kỳ được điều động tới Ba Lan giữa cuộc xung đột Nga-Ukraine

Hoa Kỳ đang gửi hai khẩu đội hỏa tiễn đất đối không Patriot tới Ba Lan để “chủ động” chống lại “bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào” đối với các lực lượng của NATO và Hoa Kỳ trong lãnh thổ của liên minh quân sự này.

“Theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng và theo lời mời của các đồng minh Ba Lan của chúng ta, Tướng Wolters, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, đã chỉ thị Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu tái bố trí hai Khẩu đội pháo Patriot cho Ba Lan,” phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Âu Châu Hoa Kỳ (EUCOM) Đại úy Adam Miller cho biết trong một tuyên bố của Ngũ Giác Đài với các hãng thông tấn.

“Hành động khai triển phòng thủ này đang được tiến hành một cách chủ động nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh cũng như lãnh thổ NATO,” tuyên bố nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các hỏa tiễn này “sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào.”


Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận lính nghĩa vụ có bị cử đến Ukraine

Hôm thứ Tư (09/03), Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng một số lính nghĩa vụ đang tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ những tin tức như vậy và nói rằng chỉ có quân nhân chuyên nghiệp mới được cử đi chiến đấu.

Bộ Quốc phòng cho biết thêm rằng một số lính nghĩa vụ, khi đang phục vụ trong các đơn vị tiếp tế, đã bị quân đội Ukraine bắt làm tù binh kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 24/02.

“Thật không may, chúng tôi đã phát hiện ra một số sự thật về sự hiện diện của lính nghĩa vụ trong các đơn vị tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trên thực tế, tất cả những người lính như vậy đã được rút về Nga,” Bộ Quốc phòng cho biết.

Các quan chức Nga cho biết họ đang mở một cuộc điều tra về vấn đề này.


Tình báo Hoa Kỳ: Ước tính 2,000–4,000 quân Nga thiệt mạng, Tổng thống Putin đánh giá thấp Ukraine

Trong một phiên điều trần ngày 08/03 của Ủy ban Tình báo Hạ viện, các quan chức tình báo Mỹ cho biết cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm vào Ukraine đã khiến nước này tổn thất hàng ngàn binh sĩ vì Kyiv kiên cường chống lại các lực lượng xâm lược.

Theo Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, số quân Nga thiệt mạng trong cuộc xâm lược cho đến nay ở vào khoảng 2,000 đến 4,000 người. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ước tính này đã được thực hiện với “độ tin cậy thấp”. Ông nói thêm rằng tình hình ở Kyiv có thể trở nên “có phần tuyệt vọng” trong 10 ngày đến hai tuần tới vì Nga đang cắt các nguồn tiếp tế cho thành phố này.


Phó Tổng thống Harris đến Ba Lan giữa tình huống khó xử về phản lực cơ cho Ukraine

Chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Warsaw để cảm ơn Ba Lan đã tiếp nhận hàng trăm ngàn người Ukraine chạy khỏi cuộc xâm lược của Nga đã có một bước ngoặt bất ngờ trước cả khi bà rời Hoa Thịnh Đốn. Bà sẽ đối diện với một tình huống ngoại giao khó xử không mong đợi vì vấn đề chiến đấu cơ.

Chính phủ Ba Lan hôm thứ Ba (08/03) đã đề ra kế hoạch chuyển chiến đấu cơ do Nga sản xuất đến căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Đức, với kỳ vọng sau đó các phi cơ này sẽ được giao cho các phi công Ukraine đang cố gắng chống đỡ lực lượng Nga. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ba Lan phản lực cơ do Hoa Kỳ sản xuất với “khả năng tương ứng”.

Nhưng phía Ba Lan đã không đề nghị ý tưởng đó với chính phủ Tổng thống Biden trước khi công bố công khai, và Ngũ Giác Đài nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này vì không khả thi. Chiến đấu cơ bay từ căn cứ của Hoa Kỳ và NATO vào không phận có tranh chấp với Nga sẽ làm tăng nguy cơ chiến tranh lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Vấn đề về phi cơ này tạo ra một khoảnh khắc bất hòa hiếm hoi trong nỗ lực của phần lớn của các đồng minh NATO nhằm hỗ trợ Ukraine mà không bị cuốn vào một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Nga.


Nga cho biết quân đội Ukraine đánh bom trúng đường dây điện của nhà máy Chernobyl

Hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc quân đội Ukraine đánh bom trúng đường dây điện và một trạm biến áp cung cấp năng lượng cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl mà họ cho là một “hành động khiêu khích nguy hiểm”.

Trước đó, Ukraine cho biết có nguy cơ rò rỉ phóng xạ sau khi điện bị cắt ở nhà máy này trong cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga đang chiếm giữ nhà máy điện không còn hoạt động này, nhưng cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho rằng “không có tác động nghiêm trọng nào đến sự an toàn”.


Tổng thống Putin: ‘Những người theo chủ nghĩa dân tộc’ cản trở các cuộc di tản

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quy trách nhiệm cho những người Ukraine “theo chủ nghĩa dân tộc” vì đã cản trở việc di tản dân thường khỏi các thành phố bị bao vây của Ukraine.

Điện Kremlin nói rằng ông Putin đã thảo luận về tình hình ở Ukraine trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư (09/03) với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với “sự nhấn mạnh đặc biệt vào các khía cạnh nhân đạo”. Điện nói rằng ông Putin đã nói với ông Scholz về “những nỗ lực của Nga để tổ chức các hành lang nhân đạo cho dân thường thoát khỏi các khu vực giao tranh và nỗ lực của các chiến binh dân quân từ các đơn vị của những người theo chủ nghĩa dân tộc để cản trở việc di tản an toàn cho người dân.”

Các quan chức Ukraine cho biết, các cuộc pháo kích liên tục của Nga đã khiến các nỗ lực di tản dân thường khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi giao tranh thất bại.


Ukraine buộc tội Nga phá hủy bệnh viện nhi ở Mariupol

Hôm thứ Tư (09/03), các quan chức ở thành phố Mariupol của Ukraine cáo buộc rằng quân đội Nga đã ném bom oanh tạc một bệnh viện nhi và một khu hộ sinh, khiến chính phủ Kyiv đưa ra thêm nhiều lời kêu gọi thực thi vùng cấm bay.

“Các lực lượng chiếm đóng của Nga đã thả một số quả bom xuống bệnh viện nhi. Sự tàn phá là rất nghiêm trọng,” hội đồng thành phố Mariupol cho biết trên mạng xã hội, nói thêm rằng một khu hộ sinh đã bị tấn công. Không rõ liệu có thương vong hay không.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập tuyên bố Nga tấn công bệnh viện này. Trước đó, Nga đã phủ nhận việc nhắm vào dân thường hoặc cơ sở hạ tầng dân sự trong khuôn khổ chiến dịch của họ ở Ukraine.

Tính đến chiều hôm thứ Tư (09/03), các quan chức Nga chưa đưa ra bất kỳ phản hồi công khai nào đối với các tuyên bố của Ukraine.

Các quan chức cao cấp nhất trong chính phủ của Kyiv, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã cáo buộc Nga thực hiện vụ tấn công vào bệnh viện.


Nga cáo buộc họ tìm thấy kế hoạch bí mật tấn công các khu vực ly khai của Ukraine

Hôm thứ Tư (09/03), Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc rằng họ đã tìm thấy các tài liệu mật cho thấy chính phủ Ukraine đang lên kế hoạch tấn công nhắm vào các khu vực ly khai ở Donbas.

Bộ này cùng với Bộ Ngoại giao Nga đã đăng kế hoạch xâm lược bị cáo buộc của chính phủ Ukraine lên mạng xã hội. The Epoch Times vẫn chưa thể xác minh tính xác thực của bản kế hoạch này.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trên trang Telegram của Bộ Ngoại giao: “Văn kiện này phê chuẩn cơ cấu tổ chức và biên chế của nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn thuộc lữ đoàn tác chiến số 4 của Vệ binh Quốc gia, tổ chức hỗ trợ toàn diện và tái phân công nhóm tác chiến này cho lữ đoàn tấn công đường không biệt lập số 80 của Ukraine.”

Đơn vị này thuộc “lực lượng tấn công đường không của Ukraine được các huấn luyện viên người Mỹ và người Anh huấn luyện từ năm 2016,” ông cho biết thêm.


Thủ tướng Olaf Scholz: Đức không gửi chiến đấu cơ đến Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông không ủng hộ việc cung cấp chiến đấu cơ MiG cũ cho Ukraine.

Vào cuối ngày thứ Ba (08/03), Ba Lan đã đề nghị cung cấp cho Hoa Kỳ 28 chiến đấu cơ MiG-29 để Ukraine sử dụng. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết đề nghị này là “không khả thi”, nhưng họ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến ​​của Ba Lan và các đồng minh NATO khác.

Hôm thứ Tư (09/03), ông Scholz đã được hỏi liệu Đức có sẵn lòng cho phép một cuộc chuyển giao như vậy hay không và liệu ông có sợ bị cuốn vào cuộc xung đột khi phản lực cơ được vận chuyển qua Căn cứ Không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức – như đề nghị của Ba Lan – hay không.

Ông Scholz lưu ý rằng Đức đã viện trợ tài chính và nhân đạo, cũng như một số vũ khí cho Ukraine. Ông nói thêm, “nếu không, chúng tôi phải xem xét rất kỹ những gì chúng tôi làm về các điều khoản cụ thể, và điều đó chắc chắn không bao gồm các chiến đấu cơ.”


‘Không có tác động nghiêm trọng đến sự an toàn’ tại nhà máy hạt nhân Chernobyl

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết “không có tác động nghiêm trọng nào” đối với sự an toàn của khu hạt nhân Chernobyl ở Ukraine sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và các quan chức khác đưa ra cảnh báo về khả năng rò rỉ phóng xạ trong đêm.

Ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan này, cho biết chính phủ của Kyiv đã thông báo cho cơ quan hạt nhân của Liên Hiệp Quốc tại nhà máy điện này rằng nhà máy “vi phạm trụ cột an toàn chính về bảo đảm cung cấp điện không bị gián đoạn,” nhưng “IAEA không thấy tác động nghiêm trọng nào đến sự an toàn,” theo một bài đăng trên Twitter hôm thứ Tư (09/03).

“IAEA cho biết tải lượng nhiệt của bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và khối lượng nước làm mát tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl đủ để tản nhiệt hiệu quả mà không cần cung cấp điện,” dòng tweet của IAEA tiếp tục cho biết.

Diễn biến này xảy ra vài giờ sau khi Cơ quan Thanh tra Quản lý Nhà nước về Hạt nhân của Ukraine cho biết nhà máy hạt nhân Chernobyl bị mất điện, đưa ra cảnh báo về khả năng rò rỉ phóng xạ. Vài ngày sau cuộc xâm lược ngày 24/02, quân đội Nga đã chiếm được nhà máy nằm dọc theo biên giới Ukraine-Belarus này, cách Kyiv khoảng 60 dặm về phía bắc, các quan chức Ukraine xác nhận.


Các quan chức tình báo Hoa Kỳ đang nghiêm túc xem xét những lời đe dọa hạt nhân từ ông Putin

Hôm 08/03, các quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết họ đang xem xét những lời đe dọa hạt nhân từ Tổng thống Nga Vladimir Putin một cách nghiêm túc.

“Việc này rất bất thường. Và đương nhiên chúng tôi xem xét nó rất nghiêm túc khi ông ấy đưa ra những tín hiệu theo cách này,” Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn.

Ông Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao vào tháng Hai. Hoa Kỳ đã không phản ứng gì ngoài việc trì hoãn một vụ phóng thử hỏa tiễn nhằm giảm căng thẳng.

Một thông báo công khai như vậy đã không được đưa ra kể từ những năm 1960, theo bà Haines, khi mô tả ông Putin đang “làm bộ làm tịch” với mục tiêu ngăn cản sự ủng hộ hơn nữa của phương Tây đối với Ukraine.

Trong khi quân đội Nga vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn dự kiến, “ông Putin có thể vẫn tự tin rằng Nga có thể đánh bại Ukraine về mặt quân sự và muốn ngăn cản sự hỗ trợ của phương Tây khỏi việc làm nghiêng cán cân và buộc phải xảy ra xung đột với NATO,” bà Haines cho biết.


Ukraine cấm xuất cảng lúa mì trong bối cảnh dân thường chạy nạn

Ukraine đã cấm xuất cảng lúa mì trong bối cảnh thường dân đang tìm kiếm các lối thoát hiểm và lo ngại về an toàn tại các nhà máy hạt nhân của đất nước đang chìm trong chiến tranh này ngày càng gia tăng.

Khi cuộc xâm lược của Nga kết thúc tuần thứ hai, việc nuôi sống những người dân đang tuyệt vọng trở thành mối lo ngại ngày càng sâu sắc. Chính phủ Ukraine đã cấm xuất cảng lúa mì trọng yếu đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trong nước.

Cuộc sống ngày càng trở nên tuyệt vọng ở các thành phố bị cắt điện và đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Thành phố cảng Mariupol bị tàn phá nghiêm trọng, thiếu nước sinh hoạt, hệ thống sưởi, hệ thống vệ sinh, và dịch vụ điện thoại.

Related posts