Bắc Kinh đổ lỗi cho phương Tây về Ukraine khi bị chỉ trích mối liên hệ ràng buộc với Nga

Eva Fu

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tham dự buổi lễ của Đại học Thanh Hoa, tại Cung Hữu Nghị vào ngày 26/04/2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kenzaburo Fukuhara/Pool/Getty Images)

Khi chính quyền Trung Quốc cảm thấy áp lực ngày càng tăng vì đã từ chối thể hiện lập trường chống lại sự xâm lược của Nga, thì họ đang quay lại chiến thuật cũ: đổ lỗi cho phương Tây.

Cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine đã làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng và dẫn đến các cáo buộc về tội ác chiến tranh, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc lại đổ lỗi cuộc xung đột này cho Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây hơn là Nga.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga là vô căn cứ, Hoa Kỳ đang thu lợi từ cuộc khủng hoảng Ukraine, và phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc thổi phồng căng thẳng Ukraine-Nga đến mức như ngày nay.

Hôm 09/03, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo rằng, “Các hành động của NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu đã đẩy căng thẳng Nga-Ukraine đến điểm tới hạn.”

Theo ông Triệu thì Bắc Kinh đã là một con dê thế tội trong vụ việc này, và Hoa Kỳ là thủ phạm chính “dàn xếp mọi việc để làm mất uy tín của Trung Quốc.”

Những lời nhận xét từ ông Triệu, người đã tạo dựng tên tuổi nhờ giọng điệu hiếu chiến chống lại phương Tây và việc đón nhận thuyết âm mưu về virus vốn đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra đại dịch, cho thấy một Bắc Kinh đầy thách thức khi đối mặt với áp lực gia tăng phải làm nhiều hơn nữa để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Những nhận xét đó cũng diễn ra khi nhà cầm quyền này tiếp tục có những cử chỉ thân thiện với Moscow, hiện đã trở thành một nước bị quốc tế tẩy chay.

Hai tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh đã từ chối gọi hành động này là một “cuộc xâm lược”. Thay vào đó, các phương tiện truyền thông nhà nước đã sử dụng cách mô tả ưa thích của Nga: một “chiến dịch quân sự đặc biệt.”

Một màn hình video hiển thị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (dưới cùng bên trái), Thủ tướng Đức Olaf Scholz (dưới cùng bên phải), và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trên cùng) tham dự một cuộc họp video để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine tại Điện Élysée ở Paris, hôm 08/03/2022. (Ảnh: Benoit Tessier/AFP/Getty Images)

Mô tả rõ rệt nhất của cuộc xung đột từ phía Bắc Kinh là vào hôm 08/03, khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng từ “chiến tranh” trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Ông Tập cho biết ông “vô cùng đau buồn khi chiến tranh bùng nổ một lần nữa trên lục địa Âu Châu,” theo một bản thông tin về cuộc điện đàm. Nhưng ngày hôm sau ông Triệu nói rằng những từ ngữ như vậy không có nghĩa là quan điểm của Trung Quốc sẽ thay đổi.

Bắc Kinh cũng đã ngụy biện cho thông tin sai lệch của Nga rằng quân đội Hoa Kỳ đang điều hành các phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine và lưu trữ “mầm bệnh nguy hiểm” ở đó. Một quan chức Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times rằng cáo buộc này là “tuyên truyền của Nga và hoàn toàn vô nghĩa,” chỉ nhằm biện minh cho chiến dịch quân sự chống lại Ukraine.

Việc chính quyền Trung Quốc từ chối lên án Nga đã vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức phương Tây, với một số nhà lập pháp Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh đã cố ý không giúp đỡ vì có mối liên hệ chặt chẽ với Nga. Các nhà lập pháp nói với The Epoch Times, cho rằng cả hai cường quốc này đều có chung mục tiêu là làm suy yếu phương Tây, chính quyền Trung Quốc không thể được tin tưởng để hỗ trợ đưa cuộc xung đột này kết thúc một cách hòa bình.

Trong khi chế độ Trung Quốc khẳng định rằng mối liên hệ của họ với Nga “không phải là liên minh”, thì họ cũng mô tả Nga là “đối tác chiến lược quan trọng nhất” và đã cam kết thúc đẩy hơn nữa mối bang giao song phương giữa hai nước bất kể “tình hình quốc tế có bất ổn và thách thức đến đâu đi chăng nữa.”

Người dân đi ngang qua các cửa hàng có bảng chỉ dẫn bằng chữ Kirin tại một trung tâm thương mại được gọi là Chợ Nga ở Bắc Kinh hôm 03/03/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, nhà cầm quyền này cũng đã cam kết tiếp tục giao thương với Moscow như thường, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ miễn cưỡng công khai giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt, vì chi phí uy tín và tài chính của việc làm này.

Hệ thống UnionPay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã cung cấp cho Nga thời gian nghỉ ngơi khi các hệ thống thẻ của phương Tây từ Visa đến Mastercard tạm ngừng hoạt động tại nước này. Hôm 09/03, ông cũng cho biết rằng Trung Quốc và Nga sẽ “luôn duy trì hợp tác năng lượng lành mạnh” và tiến hành giao thương dầu khí.

Hoa Thịnh Đốn đã cảnh báo rằng họ sẽ “thực hiện các bước” để bảo đảm các công ty Trung Quốc tuân thủ các lệnh trừng phạt thương mại.

Theo Trung tá Robert Maginnis đã nghỉ hưu, Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm một trật tự thế giới mới, một trật tự “dễ chấp nhận một chế độ độc tài hơn là các giá trị tự do đã hình thành trật tự thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts