Thanh Trúc
Cho đến nay, ĐCSTQ vẫn mập mờ trong việc hoà giải khủng hoảng Nga-Ukraine. Những lời nói thiếu nhất quán của ĐCSTQ không khỏi khiến thế giới phải đặt dấu chấm hỏi?
Sau cuộc họp trực tuyến giữa ông Tập Cận Bình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Scholz vào ngày 8/3, thế giới dường như nhận thấy những dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đã sẵn sàng tham gia vào tiến trình hòa giải khủng hoảng Nga-Ukraine. Tuy nhiên, ngày hôm sau, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/3, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên đã bác bỏ những tuyên bố tương tự, nói rằng “quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Ukraine là nhất quán và rõ ràng, và không có gì thay đổi”. Rốt cuộc đây là hành động lừa gạt của ĐCSTQ hay là do thế giới đã hiểu lầm?
Bộ ngoại giao Trung Quốc phủ nhận tham gia hòa giải
Vào ngày 9/3, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một phóng viên đã hỏi trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz, ông Tập Cận Bình nói rằng ông ấy sẵn sàng duy trì sự phối hợp với Pháp, Đức và EU về vấn đề Ukraine. Ông có thể cho chúng tôi biết sự phối hợp đòi hỏi những gì? Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ làm trung gian hoà giải giữa Nga và Ukraine?
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên trả lời lấp lửng rằng Trung Quốc “bày tỏ sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Pháp, Đức và EU, đồng thời đóng vai trò tích cực với cộng đồng quốc tế theo nhu cầu của tất cả các bên liên quan” và “sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với tất cả các bên”.
Ông Triệu Lập Kiên thực sự đang chơi chữ, ông chỉ nói rằng Trung Quốc “duy trì liên lạc và phối hợp” và không thừa nhận rằng Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia hòa giải. Một phóng viên khác hỏi: liệu Trung Quốc có kế hoạch hỗ trợ phối hợp giữa các bên tham chiến hay dự định tham gia cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Ukraine Kuleba và Ngoại trưởng Nga Lavrov sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 10/3?
Ông Triệu Lập Kiên chỉ nói rằng, “Tôi hy vọng các bên liên quan có thể tăng cường nỗ lực thuyết phục hòa bình và thúc đẩy các cuộc đàm phán để xoa dịu căng thẳng”. Nhưng ông không cam kết sẽ tham gia phối hợp.
Một phóng viên khác tiếp tục hỏi: ông Tập Cận Bình đã dùng từ “chiến tranh” để mô tả tình hình Ukraine trong cuộc gặp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, điều này có nghĩa là Bộ Ngoại giao đã thay đổi đánh giá về tình hình?
Ông Triệu Lập Kiên đáp lại chỉ bằng một câu, “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine là nhất quán và rõ ràng, và không có gì thay đổi”.
Cho đến nay, lập trường của ĐCSTQ về cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa thực sự nới lỏng, và thế giới có lẽ đã bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó bởi tuyên bố sáo rỗng của Tân Hoa xã.
Có sự thay đổi thực sự nào trong tuyên bố của Tân Hoa xã?
Vào ngày 8/3, sau khi ông Tập Cận Bình có cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Scholz, Tân Hoa xã đã đưa ra một tuyên bố, trong đó không có cam kết sẽ tham gia hòa giải.
Tuyên bố có đoạn: “Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng tình hình hiện tại ở Ukraine là đáng lo ngại và Trung Quốc vô cùng lo lắng về việc tái bùng phát chiến tranh trên lục địa châu Âu”; “Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của Pháp và Đức trong việc hòa giải tình hình ở Ukraine, và sẵn sàng duy trì liên lạc và điều phối, đồng thời đóng vai trò tích cực với cộng đồng quốc tế theo nhu cầu của tất cả các bên liên quan”.
Tuyên bố như vậy cho thấy các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ chỉ “sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Pháp, Đức và EU” và không tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc hòa giải. Có một câu đằng sau là, “đóng vai trò tích cực với cộng đồng quốc tế theo nhu cầu của tất cả các bên liên quan”, thực ra là một câu nói sáo rỗng nhất quán của ĐCSTQ, có thể đã gây ra một số hiểu lầm cho thế giới.
Tuyên bố cũng cho biết “Chúng ta nên cùng nhau ủng hộ cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine và thúc đẩy hai bên duy trì đà đàm phán”. Câu này chỉ nói “ủng hộ cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine”, nước này cũng không bày tỏ ý định tham gia vào điều phối các cuộc đàm phán hòa bình. Trên thực tế, đây thực sự là cách nói thường thấy của ĐCSTQ trong các dịp ngoại giao.
Tuyên bố cũng nêu rõ rằng “Tất cả các mối quan tâm chính đáng về an ninh của các quốc gia cần được xem xét một cách nghiêm túc”. Tuyên bố này thực sự ngụ ý rằng ĐCSTQ tiếp tục ủng hộ Nga. Xuyên suốt, tuyên bố không lên án việc Nga xâm lược Ukraine, cũng không ủng hộ rõ ràng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trên thực tế, không có sự thay đổi cơ bản nào trong lập trường của ĐCSTQ đối với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Tuyên bố kết thúc bằng cách nói, “Trung Quốc cũng vui mừng khi thấy EU, Nga, Mỹ và NATO tiến hành đối thoại bình đẳng”.
Đã hai tuần kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các nước lớn trên thế giới đều lên án, trừng phạt và ủng hộ sự phản kháng mạnh mẽ của Ukraine. Tuy nhiên, ĐCSTQ đề nghị “đối thoại bình đẳng” giữa châu Âu, Nga, Hoa Kỳ và NATO, thực tế đang nâng cao vị thế của Nga một cách ngụy tạo và không có ý định lên án sự xâm lược của Nga. Sự thay đổi lớn nhất giữa tuyên bố và lập trường trước đó là nó không trực tiếp đẩy trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine cho “sự mở rộng về phía đông của NATO”.
Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đề xuất các biện pháp trừng phạt, ĐCSTQ phản đối
Sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ, mỗi bên đã đưa ra một tuyên bố.
Tuyên bố của Pháp cho biết: “Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức một lần nữa nói về hậu quả nghiêm trọng của việc Nga xâm lược Ukraine, đặc biệt là sự gia tăng số nạn nhân dân thường và người tị nạn”. “Họ đã thảo luận với ông Tập Cận Bình về những nỗ lực đang diễn ra nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao, bao gồm cả vai trò của các biện pháp trừng phạt”.
Có thể thấy rằng Đức và Pháp áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga là một phần trong nỗ lực ngoại giao của họ, nhưng tuyên bố của ĐCSTQ chỉ đơn giản là không đề cập đến nó, và không có thỏa thuận về vấn đề then chốt này, vì vậy ĐCSTQ chỉ hứa sẽ “duy trì liên lạc và phối hợp”.
Tuyên bố của Pháp cũng chỉ nói rằng ba bên “đồng ý duy trì liên lạc chặt chẽ về cuộc xung đột này” và không đề cập đến việc ĐCSTQ tham gia hòa giải ngoại giao, điều này cho thấy ĐCSTQ đã không đưa ra các cam kết tương tự.
Tuyên bố của Đức cho biết ba bên “nhất trí hoàn toàn ủng hộ tất cả các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao”, và ba ngoại trưởng “sẽ hợp tác chặt chẽ” với nhau “để phối hợp nỗ lực hơn nữa nhằm chấm dứt xung đột”.
Tuyên bố của cả Đức và Pháp đều không đề cập đến việc ĐCSTQ tham gia vào cuộc hòa giải. Có lẽ các nhà lãnh đạo của hai nước đã cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo ĐCSTQ tham gia vào cuộc hòa giải, hoặc ủng hộ hoặc tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga, nhưng vô ích. ĐCSTQ dường như tuyên bố rằng họ “ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine”, nhưng phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để buộc Nga phải đàm phán.
Ngày 9/3, Tân Hoa xã đưa tin “Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”, đồng thời cho biết Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục thực hiện “hợp tác thương mại bình thường bao gồm cả dầu khí”. Báo cáo dẫn lời ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bày tỏ “kiên quyết phản đối” việc Mỹ và châu Âu cấm và giảm nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga.
ĐCSTQ hoàn toàn phản đối quan điểm của Hoa Kỳ và châu Âu về các phương tiện quan trọng để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình thông qua các biện pháp trừng phạt, và rất khó để ĐCSTQ thực sự tham gia vào cái gọi là hòa giải.
ĐCSTQ đang cố gắng chia rẽ Hoa Kỳ và Châu Âu, nhưng rất khó để làm như vậy
Vào ngày 9/3, Tân Hoa xã cũng đưa tin, “Triệu Lập Kiên: Chính phủ Hoa Kỳ đã lan truyền thông tin sai lệch chống lại Trung Quốc với ý đồ thâm độc”. Báo cáo một lần nữa dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, bác bỏ thông tin từ báo chí nước ngoài rằng ĐCSTQ đã “biết trước về các hoạt động quân sự của Nga chống lại Ukraine”, ông trực tiếp gọi đó là “do các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra chỉ thị”, ông cũng nói lại rằng chính phủ Hoa Kỳ đang lan truyền “thông tin sai lệch” và “kích động đối đầu”.
Ông Triệu Lập Kiên cũng nói rằng “vấn đề Ukraine đã phát triển cho đến ngày nay” và “nó chính xác là những gì NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu đã làm …”
Tuyên bố của Tân Hoa xã sau cuộc họp trực tuyến của ông Tập với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp không lặp lại tuyên bố này, nhưng Tân Hoa xã đã nhanh chóng bổ sung vào ngày hôm sau. Đối với hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU sắp tới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên cố gắng hết sức để tránh ngôn từ khiêu khích tương tự, đồng thời họ cũng đã có những thái độ khác nhau đối với Hoa Kỳ và Châu Âu, cố gắng chia rẽ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu.
Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và ông Tập Cận Bình chủ yếu xoay quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng tuyên bố của Tân Hoa xã đưa chủ đề quan hệ Trung Quốc – EU lên hàng đầu. Tuyên bố tiếp tục khẳng định “hợp tác Trung Quốc-EU”, “chủ nghĩa đa phương” và “thúc đẩy các chương trình nghị sự lớn trên toàn cầu”; nó cũng nói thay cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Scholz rằng “sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc”.
Tuyên bố của Pháp chỉ nói rằng “một chủ đề trò chuyện khác” là “trao đổi về quan hệ EU-Trung Quốc”.
Tuyên bố của Đức cho biết ba bên “cũng đã nói về quan hệ EU-Trung Quốc”, nói rằng thông qua “đối thoại chiều sâu”, “một chương trình nghị sự tích cực có thể được phát triển mà không loại trừ các vấn đề khó khăn”.
Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp nên biết rằng ĐCSTQ đang cố gắng chia rẽ mối quan hệ giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng không có dấu hiệu “hợp tác chặt chẽ” với ĐCSTQ. Việc Nga xâm lược Ukraine đã gây ra một mối đe dọa to lớn đối với an ninh châu Âu, ĐCSTQ vẫn đang tiếp tục bí mật hỗ trợ Nga, phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và không có ý định tham gia hòa giải. Trên thực tế, ĐCSTQ vẫn đang tiếp lửa, cố gắng tạo ra những vấn đề lớn hơn cho Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng mong đợi Châu Âu nhượng bộ ĐCSTQ, điều này thực sự phi logic.
Lập trường của ĐCSTQ chỉ có thể khiến bản thân rơi vào thế bị cô lập nhiều hơn, và nó có thể sớm dẫn đến việc ‘gậy ông đập lưng ông’.
Theo The Epoch Times