Nga tuyên bố sẽ mở hành lang di tản từ 5 thành phố của Ukraine
Hôm thứ Năm (10/03), RIA và Interfax đưa tin cho biết, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tuyên bố ngừng bắn vào thứ Sáu và mở các hành lang nhân đạo cho việc di tản người Ukraine khỏi năm thành phố.
Các hãng thông tấn trên dẫn lời ông Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Phòng thủ Quốc gia Nga cho biết, người dân có thể đến Nga hoặc các thành phố khác ở Ukraine.
“Từ 10 giờ sáng theo giờ Moscow (07:00 GMT) ngày 11/03/2022, Liên bang Nga sẽ tuyên bố ‘chế độ im lặng’ và sẵn sàng cung cấp các hành lang nhân đạo,” Interfax trích dẫn tuyên bố từ ông Mizintsev.
Năm thành phố nêu trên là Kyiv, Sumy, Kharkiv, Mariupol, và Chernihiv.
Các cuộc đàm phán giữa các ngoại trưởng Ukraine và Nga hôm thứ Năm đã không mang lại bất kỳ thời gian đình chiến nào trong cuộc xung đột kéo dài hai tuần khi hàng trăm ngàn dân thường vẫn bị mắc kẹt trong các thành phố Ukraine đang ẩn náu khỏi các cuộc không kích và pháo kích của Nga.
Tổng thống Biden đổ lỗi tình trạng lạm phát cho ‘giá tăng vì ông Putin’
Hôm thứ Năm (10/03), Tổng thống Joe Biden đã ra một tuyên bố đổ lỗi cho cuộc xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin như là chất xúc tác cho lạm phát giá cả, mà báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) gần đây nhất cho biết là đang ở mức cao nhất hàng năm trong hơn bốn mươi năm.
“Báo cáo lạm phát của ngày hôm nay là một lời nhắc nhở rằng ngân sách của người Mỹ đang bị căng ra do giá cả tăng và các gia đình bắt đầu cảm thấy tác động của việc giá tăng vì ông Putin,” Tổng thống Biden nói trong tuyên bố. “Một yếu tố góp phần lớn vào lạm phát trong tháng này là việc giá khí đốt và năng lượng tăng khi thị trường phản ứng với các hành động xâm lược của ông Putin. Như tôi đã nói ngay từ đầu, sẽ có những cái giá phải trả tại quê nhà khi chúng ta áp đặt các biện pháp trừng phạt gây hậu quả nặng nề để đáp trả cuộc chiến vô cớ của ông Putin, nhưng giờ đây người Mỹ có thể biết điều này: tổn thất mà chúng ta đang áp đặt lên ông Putin và những người dưới tay ông ta còn thảm khốc hơn nhiều so với chi phí mà chúng ta đang phải đối mặt.”
Tuyên bố trên là phản hồi cho những phát hiện hôm thứ Năm từ Cục Thống kê Lao động, vốn ghi nhận lạm phát giá ở mức 7.9% kể từ tháng 02/2021 trong tất cả chỉ số của các mặt hàng trong báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng — tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất kể từ tháng 01/1982.
Ông Putin nói Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn, các biện pháp trừng phạt sẽ dội ngược trở lại phương Tây
Hôm thứ Năm (10/03), Tổng thống Vladimir Putin cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga sẽ tác động ngược trở lại phương Tây, bao gồm cả giá lương thực và năng lượng cao hơn, và Moscow sẽ giải quyết các vấn đề của mình và trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Ông Putin nói rằng không có giải pháp nào thay thế cho cái mà Nga gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và Nga không phải là một quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình để thu về các lợi ích kinh tế ngắn hạn.
“Các biện pháp trừng phạt này đằng nào cũng sẽ được áp dụng,” ông Putin nói trong một cuộc họp của chính phủ Nga. “Có một số câu hỏi, vướng mắc và khó khăn nhưng trước đó chúng ta đã vượt qua và giờ đây chúng ta cũng sẽ vượt qua.”
“Cuối cùng, tất cả những điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng tính độc lập, tự cường và chủ quyền của chúng ta,” ông nói trong một cuộc họp chính phủ trên truyền hình hai tuần sau khi quân đội Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ các cáo buộc của Nga về vũ khí sinh học ở Ukraine
Trong tuần này (07-13/03), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của các quan chức Nga rằng quân đội Hoa Kỳ có liên quan đến việc chế tạo vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine.
Vào tối hôm thứ Tư (09/03), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết những cáo buộc của Điện Kremlin rằng Hoa Kỳ và Ukraine tiến hành “các hoạt động vũ khí hóa học và sinh học” là sai sự thật, lưu ý rằng các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lặp lại tuyên bố của Moscow.
“Thông tin sai lệch này của Nga là hoàn toàn phi lý và không phải lần đầu tiên Nga đưa ra những tuyên bố sai lệch như vậy nhắm vào một quốc gia khác,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
Thủ tướng Hòa Lan: ‘Sự thật khó chịu’ – Liên minh Âu Châu không thể cắt nguồn cung cấp năng lượng từ Nga
Thủ tướng Hoà Lan Mark Rutte đã bác bỏ khả năng Liên minh Âu Châu (EU) cấm các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga trong bối cảnh Moscow xâm lược Ukraine.
“Chúng ta phải thảo luận về những điểm yếu trong việc chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Hôm nay tôi sẽ không kêu gọi cắt nguồn cung cấp dầu và khí đốt của chúng ta từ Nga, điều đó là bất khả thi bởi vì chúng ta cần nguồn cung cấp này và đó là sự thật khó chịu,” ông Rutte nói trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông nói thêm rằng EU phải làm nhiều hơn nữa cho “nghị trình xanh” và khử carbon cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Anh tạo điều kiện cho người tị nạn Ukraine mắc kẹt ở Calais xin thị thực
Những người Ukraine đến thành phố cảng Calais ở eo biển Manche của Pháp với hy vọng đoàn tụ cùng gia đình ở Anh có thể xin thị thực tại quận địa phương kể từ thứ Sáu (11/03). Cơ chế này đã được chính phủ Anh nhanh chóng thiết lập sau những phàn nàn về cách đối xử với những người tị nạn bị mắc kẹt.
Một cơ quan lãnh sự của Anh đang được thành lập tại quận Pas-de-Calais ở Arras gần đó, quận cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (10/03).
Những người Ukraine chạy khỏi cuộc chiến với Nga ở quê hương của họ, đến Calais sau một chuyến đi dài, trước đó đã được hướng dẫn xin thị thực ở Paris hoặc Brussels, một chính sách mà Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin hôm Chủ Nhật tuần trước cho rằng “hơi vô nhân đạo”. Ông kêu gọi nước Anh “ngừng kén chọn.”
Vài trăm người Ukraine đã bị yêu cầu trở lại các điểm nhập cảnh của Anh ở Calais trong một tình huống mà quận đã mô tả trong tuần này là “không thực tế”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải bảo vệ cách tiếp cận của mình, nói rằng Vương quốc Anh không thể chấp nhận những người vào “mà không có bất kỳ sự kiểm tra hay bất kỳ biện pháp kiểm soát nào.”
Chính phủ Ukraine có thể chuyển dữ liệu nhạy cảm ra ngoại quốc
Hôm thứ Tư (09/03), một quan chức cho biết chính phủ Ukraine đang xem xét khả năng chuyển dữ liệu nhạy cảm và máy chủ của mình ra bên ngoài đất nước nếu quân đội Nga tiến sâu hơn nữa vào trong nước.
Nói chuyện với hãng thông tấn Reuters, ông Victor Zhora, Phó Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt Quốc gia của Ukraine, cho biết Ukraine có một kế hoạch dự phòng để chuyển thông tin quan trọng ra khỏi Ukraine nếu quân đội Nga tiến sát hơn. Ông không nói rõ về những loại thông tin quan trọng nào sẽ được chuyển đi, hoặc khi nào.
Không nêu đích danh, ông Zhora cho biết một số quốc gia đã đề nghị lưu trữ dữ liệu của chính phủ Ukraine. Vì lý do địa lý, “một địa điểm ở Âu Châu sẽ được ưu tiên hơn,” ông nói với các hãng thông tấn.
“Chúng tôi đang chuẩn bị,” ông Zhora nói về kế hoạch này và cho biết thêm rằng việc đầu tiên mà họ sẽ làm là bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bên trong Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nói ông ‘không muốn tin’ vào chiến tranh hạt nhân ở Ukraine
Hôm thứ Năm (10/03), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông “không muốn tin” rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân, đồng thời tuyên bố rằng phương Tây có quan điểm không lành mạnh về vấn đề này.
Ngoại trưởng Lavrov đã đưa ra nhận xét trên tại một cuộc họp báo sau cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bên lề hội nghị thượng đỉnh ngoại giao ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu chính sách ngoại giao này đã được một phóng viên hỏi liệu ông có nghĩ rằng xung đột sẽ trở thành chiến tranh hạt nhân hay không.
“Tôi không muốn tin và tôi không tin vào điều đó,” ông đáp.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế Nga đang ‘chao đảo’
Hôm thứ Năm (10/03), các quan chức chính phủ Nga cho biết nền kinh tế của nước này đang “chao đảo” sau các lệnh trừng phạt nặng nề và sau khi một số tập đoàn phương Tây rút khỏi đất nước trong những ngày gần đây vì cuộc xung đột Ukraine.
“Nền kinh tế của chúng ta hiện đang trải qua một cú sốc và có những hậu quả tiêu cực; chúng sẽ được giảm thiểu,” phát ngôn viên hàng đầu của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
Ông Peskov, người đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ, một lần nữa nói rằng mặc dù tình hình rối ren, nhưng Moscow có thể thực hiện các biện pháp để ổn định nền kinh tế của đất nước. Ông không nói rõ chi tiết.
“Đây là điều hoàn toàn chưa từng có. Cuộc chiến tranh kinh tế được khởi xướng nhắm vào đất nước của chúng ta chưa bao giờ diễn ra trước đây. Vì vậy, rất khó để dự báo bất cứ điều gì,” ông nhận xét.
Nga cho biết Belarus đã khôi phục nguồn cung cấp điện cho nhà máy hạt nhân Chernobyl
Bộ năng lượng Nga cho biết hôm thứ Năm (10/03) rằng các chuyên gia Belarus đã khôi phục nguồn cung cấp điện cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine.
Chernobyl bị mất điện trong bối cảnh giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Goldman Sachs đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Nga
Goldman Sachs cho biết họ sẽ đóng cửa hoàn toàn hoạt động tại Nga, khiến họ trở thành ngân hàng lớn đầu tiên ở Wall Street làm như vậy kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Thông báo của Goldman được đưa ra sau khi Citigroup cho biết họ sẽ bắt đầu cắt giảm các hoạt động tại Nga. Nhưng quá trình đó có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn vì Citi điều hành một chi nhánh ngân hàng tiêu dùng và ngân hàng doanh nghiệp bên trong nước này.
Giống như các ngân hàng khác của Wall Street, Goldman đã điều hành một doanh nghiệp ngân hàng đầu tư nhỏ ở nước này trong vài năm qua. Ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng họ có khoảng 650 triệu USD nợ của Nga.
Ngân hàng là ngành mới nhất chịu áp lực cắt đứt quan hệ với Nga do chiến tranh. Nhưng không giống như các công ty sản xuất hàng hóa gửi đến Nga, các ngân hàng có các khoản cho vay, tiền gửi, và các mối quan hệ khách hàng hiện có cần thời gian để thu hồi hoặc bán tháo.
Không có đột phá trong cuộc đàm phán Ukraine-Nga
Ngoại trưởng Ukraine cho biết các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow và Kyiv không tạo ra bước đột phá nào về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã tham dự cuộc họp hôm thứ Năm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về các hành lang nhân đạo và một lệnh ngừng bắn.
Ông Kuleba cho biết có “những người ra quyết định khác” ở Nga cần được tham vấn, đồng thời nói thêm rằng ông đồng ý với ông Lavrov để tiếp tục tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề nhân đạo do chiến tranh gây ra.
Ông cho biết Moscow chưa sẵn sàng để đưa ra một lệnh ngừng bắn. Ông nói: “Họ muốn thấy Ukraine đầu hàng. Điều này sẽ không xảy ra.”
Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine trong cuộc điện đàm với ông Putin
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một tuyên bố từ Tổng thống Pháp hôm thứ Năm (10/03) cho biết bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng đều phải được đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Ba nhà lãnh đạo đồng ý sẽ thường xuyên liên lạc trong những ngày tới, tuyên bố cho biết.
Việc Nga xâm lược Ukraine là vấn đề chính tại một hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ Liên minh Âu Châu tại Cung điện Versailles, ở Pháp vào hôm thứ Năm và thứ Sáu (10-11/03).
Ngoại trưởng Nga gặp ngoại trưởng Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ
Các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Nga và ngoại trưởng Ukraine đang được tiến hành bên lề một hội nghị thượng đỉnh ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một bức ảnh chính thức cho thấy Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga được tháp tùng bởi hai cố vấn đang ngồi đối diện với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba và các quan chức của ông hôm thứ Năm (10/03).
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngồi đầu chiếc bàn hình chữ U trong một phòng hội nghị ốp gỗ của khách sạn gần thành phố Antalya, Địa Trung Hải.
Cuộc hội đàm này là cuộc đàm phán cao cấp đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine hai tuần trước. Ông Cavusoglu cho biết mục đích của cuộc gặp này là để mở đường cho một cuộc gặp giữa tổng thống Nga và tổng thống Ukraine mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là người tạo điều kiện.
Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Ukraine, đang cố gắng cân bằng quan hệ với cả hai quốc gia. Họ đã tự định vị mình như một bên trung lập, tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa hai bên tham chiến.
Chỉ huy EUCOM: Gửi phi cơ MiG-29 sẽ là một việc làm mang lại ‘rủi ro cao và lợi nhuận thấp’
Chỉ huy quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ ở u Châu đã cảm ơn Ba Lan vì đề nghị cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng ông nói rằng việc gửi các phi cơ MiG-29 sẽ là một việc làm mang lại “rủi ro cao và lợi nhuận thấp”.
Ba Lan cho biết họ sẵn sàng cung cấp các phi cơ MiG-29 — loại phi cơ mà các phi công của Ukraine được đào tạo để bay — cho NATO nếu toàn bộ 30 đồng minh đều đồng ý gửi các phi cơ này đến đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này.
Tướng Tod D. Wolters, chỉ huy Bộ Tư lệnh u Châu (EUCOM) của Hoa Kỳ, cho biết, “Cách hiệu quả nhất để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống Nga là cung cấp thêm vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không.”
Ông Wolters cũng là chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO và chịu trách nhiệm tăng cường khả năng phòng thủ của tổ chức này để ngăn Nga tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào. NATO đang cảnh giác với việc bị vướng vào trong cuộc chiến của Moscow vào Ukraine.
Ông Wolters nói rằng Ukraine đã có đủ chiến đấu cơ và rằng việc gửi các phi cơ MiG-29 “sẽ không làm tăng đáng kể hiệu quả của Lực lượng Không quân Ukraine.”
Ông Wolters cho hay các ước tính tình báo cho thấy việc gửi các phi cơ này “có thể bị hiểu nhầm là leo thang và có thể dẫn đến việc Nga leo thang với NATO … tạo ra một kịch bản rủi ro cao.”
Ông nói với Ba Lan rằng Bộ Tư lệnh u Châu của Hoa Kỳ sẽ “đánh giá các cách để hỗ trợ và giúp đỡ tốt nhất những bằng hữu Ukraine của chúng ta.”
Anh áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 7 người giàu của Nga, trong đó có ông Abramovich
Anh đã áp dụng một lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 7 người Nga giàu có, trong đó có ông Roman Abramovich, tỷ phú sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea.
Chính phủ Anh cho biết hôm thứ Năm (10/03) rằng tài sản của ông Abramovich bị phong tỏa, ông bị cấm đến Vương quốc Anh và bị cấm giao dịch với các cá nhân và doanh nghiệp ở Vương quốc Anh.
Tuần trước (28/02-06/03), ông Abramovich cho biết ông đang cố bán Chelsea khi có nguy cơ bị trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt nhằm đáp trả hành động xâm lược của Nga đối với nước láng giềng Ukraine.
Cuộc gặp ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Nga-Ukraine kể từ cuộc xâm lược
Các ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm (10/03) trong cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Moscow xâm lược nước láng giềng, với việc Ankara hy vọng cuộc gặp của đôi bên có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột đang diễn ra gay gắt này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hạ thấp kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn hoặc các kết quả khác trong cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, bên lề một diễn đàn ngoại giao ở tỉnh Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc xâm lược của Nga đã khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong điều mà Liên Hiệp Quốc gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Âu Châu kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.
Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đề nghị làm trung gian hòa giải giữa các bên và sẽ tiếp đón hai nhà ngoại giao hàng đầu của mỗi bên sau nhiều tuần các cường quốc trên thế giới nỗ lực hòa giải.
WHO: Bệnh viện phụ sản nằm trong số 18 trung tâm y tế Ukraine bị tấn công
Một cuộc không kích vào một bệnh viện phụ sản ở thành phố cảng Mariupol đã làm bị thương những phụ nữ đang chờ sinh và chôn vùi những đứa trẻ trong đống đổ nát, trong bối cảnh quân đội Nga tăng cường bao vây các thành phố của Ukraine. Bom cũng rơi xuống ở hai bệnh viện tại một thành phố khác ở phía tây Kyiv.
Hôm thứ Tư (09/03), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết rằng họ đã xác nhận được 18 cuộc tấn công vào các cơ sở y tế kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu cách đây hai tuần.
Các quan chức Ukraine cho biết vụ tấn công tại một khu phức hợp y tế ở Mariupol đã khiến ít nhất 17 người bị thương.
Mặt đất rung chuyển trong bán kính hơn một dặm khi loạt vụ nổ ập đến. Các vụ nổ đã thổi bay các cửa sổ và xé toang phần lớn mặt trước của một tòa nhà. Cảnh sát và binh lính đã gấp rút đến hiện trường để di tản các nạn nhân, khiêng một người phụ nữ bị chảy máu với bụng bầu lên cáng, băng qua những chiếc xe hơi bị cháy và hư hỏng nặng.