Bài học Ukraine

Vũ Hiến

Chiến tranh tại đất nước Ukraine ngay từ đầu đã là một cuộc chiến bất cân xứng. Một bên là quân đội Nga, được cho là lực lượng quân sự hùng mạnh và lớn nhất thế giới. Bên kia là Ukraine, một quốc gia bậc trung với dân số khoảng 40 triệu, một lực lượng quân đội khá nhỏ và các cơ sở hạ tầng đang bị phá hủy trong những trận giao tranh. Thế nhưng sự chống cự dũng cảm của quân và dân Ukraine đã vượt quá sự tiên liệu và gây ngạc nhiên cho cả thế giới, đồng thời tạo khá nhiều tổn thất cho quân đội Nga.

Người dân Ukraine xuống đường tại thủ đô Kyiv ngày 25 tháng 8 năm 1991, một ngày sau khi chính phủ Ukraine tuyên bố độc lập rời khỏi Liên Xô – nguồn Getty Images

Tuy nhiên, điều thực tế của sự bất cân xứng nay đã nhìn thấy rõ hơn tình hình trong tuần lễ thứ nhì của cuộc xung đột. Sau một số thất bại bất ngờ trong mấy ngày đầu của cuộc xâm lăng, quân đội Nga bắt đầu sử dụng những chiến thuật tàn bạo hơn, thường nhắm vào thường dân vô tội, để đạt được những bước tiến quân mới.

Trong những ngày cuối tuần qua, quân đội Nga đã kiểm soát được nhiều khu vực tại miền đông và nam Ukraine. Tại khu vực miền đông, Nga hy vọng có thể cô lập – và sau đó tiêu diệt – lực lượng Ukraine mà trong nhiều năm qua đã chiến đấu chống lại phe ly khai do Nga hậu thuẫn gần nơi biên giới với Nga. Ở phía nam, mục tiêu của Nga là kiểm soát vùng bờ biển Hắc Hải có khả năng cắt đứt đường tiếp cận biển của Ukraine.

Quân đội Nga cũng tăng cường ném bom vào hai thành phố lớn nhất của Ukraine là Kyiv và Kharkiv từ máy bay và từ các bệ phóng hoả tiễn đặt ở bên ngoài hai thành phố trên với mục đích, theo nhận định của một phân tích gia, là để khủng bố dân chúng và buộc họ phải chạy trốn, hoặc lên tiếng khẩn cầu chính phủ của họ đầu hàng – và phá hoại các tòa nhà chính phủ Ukraine để gây gián đoạn cho các hoạt động điều hành cuộc chiến từ trung ương.

Nhưng một điều rõ ràng là quân đội Nga sẽ không đạt được chiến thắng dễ dàng và nhanh chóng như dự định, và cho dù tình hình biến chuyển thế nào, thảm họa nhân đạo có khả năng gia tăng trong những ngày tới đối với Ukraine.

Người dân Ukraine bày tỏ sự đoàn kết cùng chính phủ và quân đội – nguồn Getty Images

Nhưng cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine không chỉ là một thảm kịch nhân đạo ngày càng tồi tệ hơn, thậm chí cũng không chỉ là một thách đố về an ninh khiến cho hầu hết các quốc gia trên thế giới đang đoàn kết lại để lên tiếng phản đối và tỏ sự phẫn nộ. Mà nó còn đang chứng minh cho chúng ta thấy bài học công dân trên một quy mô lớn, và thông điệp được gióng lên từ những lời nói và hành động của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, của quân đội và của 40 triệu người dân Ukraine rằng dân chủ là tài sản quý giá đáng được chiến đấu để gìn giữ – và thậm chí nếu phải hy sinh đến tính mạng.

Ðó là thông điệp đang gây được tiếng vang lớn đặc biệt vào thời điểm khi mà nhiều quốc gia theo thể chế dân chủ trên thế giới đang bị suy yếu do những chia rẽ nội bộ, xu hướng thoái hoá trong những cam kết bảo vệ những định chế cốt lõi của thể thức chính phủ đại diện do người dân bầu ra.

Tuy nhiên, trong những ngày qua, kể từ khi cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, tất cả những điều không hay nói trên đã bị lu mờ bởi những dấu hiệu đầy khích lệ của các nhà lãnh đạo thuộc khu vực Tây Âu về những cam kết mới trong quyết tâm bảo vệ dân chủ cho tương lai của thế giới.

Ít ra là ngay hiện tại, ý thức về mục đích dân chủ nói trên dường như đã thuyết phục được các chính trị gia phương Tây rằng những vấn đề thời sự nóng bỏng như chính sách hạn chế đại dịch, vấn đề di dân, thậm chí tình trạng lạm phát và giá nhiên liệu tăng vọt, chỉ là những vấn đề chưa đến nỗi cấp thiết khi đem so sánh với trách nhiệm bảo vệ dân chủ.

Quân đội Ukraine quyết tử thủ bảo vệ thủ đô Kyiv – nguồn Reuters

Ðiều không rõ là liệu rồi đây xu hướng thay đổi trong quan điểm về việc bảo vệ dân chủ sẽ kéo dài được bao lâu, hay là sau khi tình hình tạm ổn định trở lại, thì quyền lợi quốc gia, đảng phái và cá nhân lại làm mờ mắt các nhà lãnh đạo.

Trong một phiên họp đặc biệt tuần qua của Nghị viện châu Âu, các nhà lãnh đạo của khối Liên Âu đã bày tỏ một cách thẳng thắn và rõ ràng về tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của quân đội và người dân Ukraine đã ảnh hưởng đến họ sâu sắc như thế nào. Tổng thống Zelenskyy đã xuất hiện và phát biểu trong buổi họp qua trực tuyến thậm chí trong lúc lực lượng xâm lăng Nga đang tăng cường độ với những đợt bắn phá liên tục vào thủ đô Kyiv.

Chủ tịch của nghị viện, Roberta Metsola, đã cám ơn ông Zelenskyy vì “cho thế giới hiểu được ý nghĩa của hành động đứng lên” để bảo vệ dân chủ, và “Cám ơn ông đã nhắc nhở cho chúng tôi về sự nguy hiểm của tính tự mãn.” Bà còn nói thêm rằng lòng dũng cảm của những người dân Ukraine bình thường đã nhắc nhở thế giới rằng “quyền sống của chúng ta đáng được bảo vệ.”

Chủ tịch Uỷ ban Âu châu, Ursula von der Leyen, còn đi xa hơn, thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt chưa từng có trước đây mà châu Âu đang áp dụng để chống lại Nga cũng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của châu Âu. Bà tuyên bố: “Vâng, việc bảo vệ quyền tự do của chúng ta mang một cái giá phải trả. Nhưng đây là thời điểm xác quyết. Và đây là sự thiệt hại chúng ta sẵn sàng trả. Bởi vì tự do là vô giá.”

Cái giá phải trả cho dân chủ và độc lập của Ukraine – nguồn AP

Tiếng nói thống nhất mà các nhà lãnh đạo chính trị Âu châu đã lặp đi lặp lại trong thông điệp có thể phản ánh phần nào ký ức của quốc gia họ về một quá khứ đã từng phải sống trong điều kiện thiếu dân chủ – hoặc dưới sự chiếm đóng của Ðức Quốc xã trong Thế chiến II tại những quốc gia như Pháp, Bỉ và Hoà Lan; hoặc sau chiến tranh dưới các chế độ độc tài tại Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha; hoặc trong số các quốc gia gần quanh Ukraine, dưới sự kiểm soát của chế độ Xô Viết.

Nhìn qua phía bên kia bờ Thái Bình Dương, cuộc xâm lăng Ukraine của Nga dường như đã kích hoạt một sự thay đổi rõ rệt trong thái độ đối với an ninh ở châu Á. Tại Nhật Bản, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ngay sau khi quân đội Nga được lệnh tấn công, đã trở thành chính trị gia cao cấp nhất lên tiếng kêu gọi Nhật Bản hãy cho phép chính phủ Mỹ lắp đặt vũ khí nguyên tử trên đất của họ. Một quyết định như trên không biết có sẽ xảy ra trong tương lai hay không, nhưng Bắc Kinh thì vẫn mong muốn Nhật Bản mãi mãi theo đuổi chính sách hòa bình của họ kể từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, điều mong muốn đó có thể đã quá hạn trong khi cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy sự tập trung của một số quốc gia châu Á hướng về vấn đề an ninh của Ðài Loan.

Tổng thống Biden tuần qua đã gửi một phái đoàn bao gồm nhiều cựu giới chức quốc phòng đến Ðài Loan để bày tỏ sự ủng hộ của nước Mỹ đối với hòn đảo này, một hành động gây nhiều bực tức đối với Bắc Kinh. Một bài học khác mà các quốc gia phương Tây nên học hỏi từ sự kiện Ukraine về tầm quan trọng của việc bán vũ khí phòng thủ càng sớm càng tốt và thường xuyên hơn nữa cho các quốc gia đồng minh nhỏ đang bị đặt dưới sự đe doạ của những quốc gia độc tài chuyên chế. Người bạn thân Kremlin của Tập Cận Bình có thể mới vừa kích hoạt một đợt bán vũ khí mới cho chính phủ Ðài Bắc để họ có thể phần nào tự bảo vệ chính họ nếu như một cuộc xâm lăng do Trung Quốc phát động xảy ra.

Ðộc lập, tự do và dân chủ là những danh từ chúng ta được nghe quá nhiều và đôi khi bỏ ngoài tai. Nhưng đó cũng là những điều rất thật và hệ trọng trong đời sống mà người dân Ukraine hiểu rất rõ và đang phải chiến đấu với một kẻ thù mạnh hơn họ nhiều lần để bảo vệ bằng chính máu và mạng sống của họ.

Related posts