Sáng ngày 11/3, sau khi cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc bế mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trả lời câu hỏi tại buổi họp báo. Trong đó, có ít nhất 5 vấn đề nhạy cảm gồm: cuộc chiến Nga – Ukraine, vấn nạn bắt cóc buôn bán phụ nữ, vấn đề việc làm, chính sách phòng dịch Covid-19, và quan hệ Trung – Mỹ.
Cuộc họp báo sáng ngày 11/3 có ít nhất 5 điểm đáng chú ý sau:
1. Về cuộc chiến Nga – Ukraine: Vẫn né tránh dùng từ “xâm lược”
Về việc Nga xâm lược Ukraine ngày 24/2, Reuters đặt câu hỏi: Trung Quốc chưa bao giờ lên án hành động của Nga, hay gọi đó là một cuộc xâm lược. Có phải là dù thế nào đi nữa, Trung Quốc cũng không bao giờ lên án Nga? Trước tình hình Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt, liệu Trung Quốc có hỗ trợ thêm về kinh tế và tài chính cho Nga không? Thủ tướng có lo ngại rằng làm như vậy [Trung Quốc] sẽ chịu tác động tiêu cực bởi các lệnh trừng phạt từ các quốc gia khác?
Ông Lý Khắc Cường đã bỏ qua câu hỏi tại sao Trung Quốc không lên án Nga và không gọi đây là một cuộc xâm lược. Ông cũng không đáp lại câu hỏi về hỗ trợ kinh tế và tài chính cho Nga.
Thay vào đó, ông chỉ nhấn mạnh đến việc “thi hành chính sách đối ngoại hòa bình độc lập tự chủ” và cho biết “Trung Quốc chủ trương rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia đều nên được tôn trọng, tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc cần được tuân thủ, mối quan tâm hợp lý về an ninh của các nước cũng cần được coi trọng”.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng “kêu gọi kiềm chế tối đa” và “sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine”. Nhưng ông nói thêm rằng “các lệnh trừng phạt liên quan sẽ có tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và sẽ gây bất lợi cho tất cả các bên”.
Về cơ bản, ông Lý đã lặp lại những gì ông Tập nói trong cuộc gặp qua video với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 8/3.
Sau khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine vào tháng trước, thái độ không rõ ràng của Trung Quốc đã khiến quốc tế bất bình. Bắc Kinh luôn tránh lên án Moscow, và thậm chí còn tránh gọi hành động tấn công Ukraine của Nga là một cuộc “xâm lược”. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án Nga, đồng thời từ chối tham gia vào lệnh trừng phạt kinh tế của các nước lớn trên thế giới đối với Nga.
Ngược lại, chính quyền Trung Quốc đã bí mật giúp đỡ Nga về mặt kinh tế. Ngay từ trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm. Sau khi Hoa Kỳ và Châu Âu công bố các biện pháp trừng phạt Nga, Trung Quốc đã ngay lập tức tuyên bố mở rộng nhập khẩu lúa mì của Nga.
2. Về dân sinh: Kiên quyết truy cứu trách nhiệm của những kẻ bắt cóc buôn bán phụ nữ
Khi một kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hỏi về vấn đề dân sinh, ông Lý đã chủ động đề cập đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Ngoại giới cho rằng, tuy không chỉ đích danh nhưng ông Lý đang bày tỏ thái độ về vụ việc “người phụ nữ bị xích cổ ở Từ Châu”.
“Gần đây, có những địa phương xảy ra vụ việc xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của phụ nữ, chúng tôi không chỉ đau buồn cho các nạn nhân mà còn rất tức giận về việc đó”, ông nói.
Ông cho rằng “đối với những kẻ coi thường quyền lợi của quần chúng, phải kiên quyết truy cứu trách nhiệm giải trình và phải nghiêm trị, không thể khoan dung với những hành vi phạm tội bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em”.
Sau khi vụ việc người phụ bị xích cổ ở huyện Phong, Từ Châu, Giang Tô bị phanh phui vào tháng Một năm nay, nó đã nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận trong và ngoài Trung Quốc. Người phụ nữ này được cho là đã sinh 8 đứa con và bị người chồng xích trong một ngôi nhà đổ nát. Sau đó, các nhà điều tra độc lập đã tìm hiểu và tiết lộ rằng cô bị bắt cóc và bán đến ngôi làng đó từ khi còn nhỏ, do bị cưỡng hiếp tập thể, bị chuốc thuốc, nhổ răng, dẫn đến rối loạn tâm thần.
Cư dân mạng đã liên tiếp vạch trần vấn nạn buôn người nghiêm trọng ở Trung Quốc dưới sự cai trị của chính quyền hiện tại. Các quan chức đã đưa ra 5 thông báo điều tra nhưng đều khó thuyết phục được công chúng. Kết quả là chỉ có 17 cán bộ cấp cơ sở bị xử lý. Hiện người dân trong và ngoài Trung Quốc vẫn đang theo dõi vụ việc.
Các quan chức cấp cao ở Trung Nam Hải vẫn giữ im lặng trước vụ việc người phụ nữ bị xích cổ.
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền sống tại Hoa Kỳ, cho rằng vụ việc này đã vượt quá giới hạn của người dân, khiến mọi người vô cùng bất bình. Nhưng trên thực tế, các quan chức ĐCSTQ từ cấp cao nhất đến cấp dưới đều muốn che giấu chuyện này, kết quả là họ để lộ đầy sơ hở.
3. Về vấn đề việc làm: Không nhắc đến hai chữ ‘thất nghiệp’ nhưng số liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng
Một phóng viên của CCTV chỉ ra vấn đề như sau: Một số công ty được dự đoán không ổn định, có một số ngành nghề đã cắt giảm việc làm, còn có một số công ty sa thải nhân viên. Mặt khác, số người có nhu cầu tìm việc không ngừng tăng.
Phần trả lời của ông Lý Khắc Cường cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề việc làm, nhưng ông hoàn toàn không nhắc đến hai chữ “thất nghiệp”.
Ông cho biết, “Năm nay, số lao động thành thị có nhu cầu việc làm mới tăng thêm là khoảng 16 triệu người, cao nhất trong nhiều năm qua. Có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, là con số cao nhất trong lịch sử. Còn có gần 300 triệu lao động nhập cư mong muốn có cơ hội làm việc, còn phải bảo đảm việc làm cho những quân nhân giải ngũ”.
Về giải pháp việc làm, ông Lý Khắc Cường chỉ đề cập đến hai điều: Thứ nhất là “phải cung cấp cho họ các biện pháp hỗ trợ khác nhau như đào tạo, v.v. và sử dụng phương pháp thị trường hóa để giải quyết vấn đề việc làm”. Thứ hai là “không thể không đề cập đến việc làm linh hoạt, bởi vì có hơn 200 triệu người, với hình thức đa dạng, phạm vi bao phủ rộng”.
Cái gọi là “việc làm linh hoạt” (flexible employment) chính là cái mà công chúng gọi là “nghề tự do”. Đây là một cụm từ phổ biến xuất hiện trong các chính sách của chính phủ Trung Quốc trong những năm gần đây. Chủ yếu là chỉ những lao động bán thời gian, có thể là nhân viên giao đồ ăn, tài xế công nghệ hay người bán rong trên phố…
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc liên tục có báo cáo về việc cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân sự trong hai năm qua. Nhiều người buộc phải chuyển sang làm các công việc tự do như tài xế công nghệ, người giao hàng (shipper). Do đó, “việc làm linh hoạt” cũng được coi là cụm từ mà chính quyền dùng để tô vẽ cho trạng thái “thất nghiệp”.
4. Về chính sách ‘Zero Covid’: Không có câu trả lời rõ ràng
Một phóng viên nước ngoài đã hỏi rằng liệu Trung Quốc có đang xem xét việc làm sao để khiến chính sách phòng chống dịch bệnh hiện tại trở nên bền vững hơn không? Có lộ trình “mở cửa” với thế giới không?
Về vấn đề này, ông Lý Khắc Cường không nói rõ nhưng cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện công tác phòng chống khoa học và chính xác hơn tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh và đặc điểm của virus … Chúng tôi sẽ tiếp tục tích lũy kinh nghiệm, phản ứng kịp thời với những thay đổi có thể xảy ra, và từng bước cải thiện để người và hàng hóa được lưu thông có trật tự và thông suốt”.
Dư luận quốc tế vẫn luôn chỉ trích ĐCSTQ vì chính sách Zero Covid cực đoan của họ đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi công nghiệp. Nhưng một vài ngày trước khi khai mạc Lưỡng Hội, một phát ngôn viên của ĐCSTQ đã lập luận rằng Trung Quốc đang “dẫn đầu trong phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm cho sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu”. Người phát ngôn này cũng nói rằng chính sách chống dịch của Bắc Kinh có chi phí thấp và hiệu quả.
Nhà kinh tế Ngô Gia Long (Wu Jialong) của Đài Loan nói với The Epoch Times rằng, lý do Bắc Kinh kiên quyết với chính sách Zero Covid là vì lợi ích của ngành công nghiệp xét nghiệm PCR, họ kiếm tiền từ đại dịch.
5. Về quan hệ Trung – Mỹ: Nhấn mạnh rằng không thể tách rời
Trả lời về quan hệ Trung – Mỹ, ông Lý Khắc Cường nói: “Cần đối thoại và liên lạc nhiều hơn. Vì hai bên đã mở cửa cho nhau, vậy thì không nên đóng cửa lại, chứ đừng nói đến việc tách rời”.
Trong những năm gần đây, trước tình trạng mối quan hệ Trung – Mỹ xấu đi, một mặt Bắc Kinh giữ lập trường ngoại giao cứng rắn; nhưng mặt khác, trên mặt trận kinh tế, các quan chức lại áp dụng chiến thuật mềm mỏng nhằm bày tỏ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không tách rời nhau.
Ví dụ, chỉ trong một ngày 13/4/2021, từ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cho đến Đại sứ Trung Quốc tại Canada, đều bày tỏ mong muốn tăng cường kết nối với các công ty phương Tây. Khi ông Lý Khắc Cường tham dự một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ vào ngày hôm đó, ông đã kêu gọi các công ty Hoa Kỳ không tách rời khỏi nền kinh tế đại lục. Ông nói rằng các vấn đề phát sinh trong khi hợp tác “phải được giải quyết trong sự hợp tác” và việc “tách rời” sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, nó sẽ “làm tổn thương thế giới”. Ông Lý cũng hứa rằng Trung Quốc “sẽ ngày càng mở cửa rộng hơn với thế giới bên ngoài”.
Ông Vương Hách (Wang He), một nhà quan sát các vấn đề thời sự, đã phân tích với The Epoch Times trước đó rằng, ĐCSTQ đã thay đổi từ “ẩn mình chờ thời” sang “ngoại giao chiến lang”. Mặc dù ĐCSTQ muốn thách thức và sánh vai cùng Hoa Kỳ, nó cũng biết rằng thực sự có một khoảng cách lớn. ĐCSTQ không muốn có một cuộc va chạm trực diện với Hoa Kỳ và nó càng lo lắng về việc Mỹ – Trung tách rời.
Cũng trong buổi họp báo này, ông Lý Khắc Cường đã xác nhận đây là năm cuối cùng ông làm Thủ tướng. Ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 3/2023. Ông nói rằng “đã làm hết sức mình” và trong nhiệm kỳ lần này “thách thức lớn nhất là dịch bệnh Covid-19 và tác động nghiêm trọng của nó đối với nền kinh tế”.
Đông Phương