Một quốc gia trong NATO quyết định không trừng phạt Nga

Dương Minh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu ngày 5/4/2021. (Adem Altan / AFP qua Getty Images)

NATO mong đợi tất cả các đồng minh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng một quốc gia đã không thực hiện.

Người phát ngôn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, thay vào đó sẽ nỗ lực duy trì đối thoại với Điện Kremlin.

Quan chức này nói rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch “áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga”, đồng thời mong muốn “giữ cho kênh tin cậy được mở”. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói muốn tránh tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, nên không tiến hành các biện pháp trừng phạt, theo kênh truyền hình TRT Haber.

Trong khi lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, không giống như hầu hết các nước NATO khác, đã ngừng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách làm trung gian giữa hai bên tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình, hoặc ít nhất là ngừng bắn.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/3 rằng NATO mong đợi “tất cả các đồng minh của chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt” đối với Nga và ông đã “đặt vấn đề này” với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine, Dmitry Kuleba, tại Antalya hôm 10/3. Đây là lần đầu tiên hai nhà ngoại giao tổ chức thảo luận kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine vào ngày 24/2.

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Australia và một số quốc gia khác áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Nga.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngân hàng trung ương của Nga, cũng như một số ngân hàng thương mại lớn, các phương tiện truyền thông do nhà nước tài trợ và trực tiếp nhằm vào giới lãnh đạo của Nga.

Quan hệ kinh tế Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Trả lời trang RFI, giáo sư Tolga Bilener tại đại học Galatassaray, Istanbul điểm lại quan hệ mật thiết về kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Ông Tolga Bilener cho biết:

”Về khối lượng, tổng trao đổi mậu dịch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên tục gia tăng từ thập niên 1990 : đang từ 4 tỷ đô la năm 1997, đã đạt tới 26 tỷ vào năm 2019 trước đại dịch Covid-19 và đương nhiên giao thương hai chiều bị sa sút do khủng hoảng y tế.

Sau Đức, Nga là đối tác thứ nhì của Thổ Nhĩ Kỳ – nhưng lại đứng trước Trung Quốc. Matxcơva xuất khẩu năng lượng và mua vào nông phẩm ở chiều ngược lại. Cán cân thương mại nghiêng về phía Nga. Thổ Nhĩ Kỳ lệ thuộc vào khí đốt và dầu hỏa của nước ngoài mà Nga bảo đảm đến 30 % nguồn cung cấp.

Ngoài ra, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ do Nga xây dựng. Trong ngành du lịch, một lĩnh vực tương đương với 5 % GDP, 20 % du khách ngoại quốc là người Nga.

Cuối cùng, vũ khí cũng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương : năm 2019 hợp đồng trang bị hệ thống tên lửa S400 của Nga đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao sâu đậm giữa chính quyền Ankara với các đồng minh phương Tây”.

Related posts