Huyền Anh
Hôm thứ Bảy (12/3), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình cấp cao với Nga, coi Jerusalem là một địa điểm khả thi vì sẽ bảo đảm an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine khẳng định ‘chưa sẵn sàng đầu hàng’.
Ông Zelensky nói với các phóng viên nước ngoài tại một cuộc họp ngắn ở Kyiv rằng, tổ chức các cuộc đàm phán ở Belarus, Nga hoặc Ukraine là điều “viển vông”, thay vào đó kêu gọi một “cuộc họp của các nhà lãnh đạo”, có thể diễn ra ở Jerusalem.
Ông nêu quan điểm tích cực về việc ông Bennett đóng vai trò trung gian giữa các bên tham chiến và kêu gọi Israel là một trong những nước bảo đảm an ninh cho Ukraine.
“Quan điểm của chúng tôi là tích cực”, ông Zelensky nói về vai trò môi giới hòa bình của ông Bennett. “Cá nhân tôi khẳng định tích cực về việc hòa giải của bất kỳ ai… Nhưng tôi không gọi ông Bennett là ‘bất kỳ ai’ vì tôi cho rằng ông ấy sẽ đóng một vai trò quan trọng”, thêm vào đó, “sẽ rất tốt nếu có một cuộc hòa giải như vậy”.
Ông Bennett theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine, đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Bảy tuần trước (5/3) và kể từ đó đã nói chuyện qua điện thoại nhiều lần với cả nhà lãnh đạo Nga và ông Zelensky.
Moscow ít khi nói về các nỗ lực hòa giải của ông Bennett, nhưng ông Putin đã bày tỏ sự lạc quan về một số vòng đàm phán giữa các đại biểu Ukraine và Nga tại Belarus, cho biết phía Nga đã nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong các cuộc hội đàm.
Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass cho biết: “Có một số tiến triển tích cực nhất định thông qua các cuộc đàm phán”, ông Putin cho biết hôm thứ Sáu (11/3) tại cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko.
Ông Putin không cung cấp thêm chi tiết, chỉ nói rằng ông sẽ “đề cập đến tất cả những điều này sau”.
Các cuộc đàm phán cấp cao được tổ chức hôm thứ Năm (10/3) tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, giữa ngoại trưởng Nga và Ukraine đã kết thúc mà không có tiến triển gì về lệnh ngừng bắn kéo dài 24 giờ để cho phép sơ tán dân thường an toàn khỏi các thành phố bị bao vây.
Bình luận về một số vòng đàm phán Nga – Ukraine đã diễn ra cho đến nay, ông Zelensky cho biết không đạt được tiến triển đáng kể nào vì “tối hậu thư” từ phía Nga không thể chấp nhận được đối với Ukraine.
Moscow đã yêu cầu Ukraine ngừng các hành động quân sự, cam kết không bao giờ gia nhập NATO và tôn trọng tính trung lập trong hiến pháp, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các khu vực do phe ly khai kiểm soát như Donetsk và Luhansk là các quốc gia độc lập.
Ông Zelensky trước đó đã ra hiệu thỏa hiệp một cách cởi mở với ông Putin về một số yêu cầu quan trọng đối với việc dừng cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm tư cách thành viên NATO và tình trạng của các vùng lãnh thổ tranh chấp, nhưng ông khẳng định lực lượng của mình sẽ không đầu hàng.
“Tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại, nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng đầu hàng”, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News hôm thứ Ba.
Vào hôm thứ Bảy (12/3), ông Zelensky cho biết ông “rất vui” với tín hiệu phía Nga đã sẵn sàng đàm phán một cách nghiêm túc và “không đưa ra tối hậu thư”.
Ông nói thêm: “Các nhà ngoại giao của chúng tôi đang làm việc và thảo luận về các chi tiết của chương trình nghị sự giữa chúng tôi và Nga”.
Ông Zelensky cho biết, hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Ukraine bởi các lực lượng của Nga, mà ông đổ lỗi cho “thực tế là Nga chưa một lần xác nhận khả năng tổ chức một cuộc gặp”.
“Và đây hoàn toàn là trách nhiệm của họ”, ông nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Sáu cho biết, xung đột sẽ kết thúc khi phương Tây có hành động phản hồi trước những lo ngại của Nga, cụ thể là sát hại dân thường ở các khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Ukraine và sự bành trướng về phía đông của NATO.
“Hãy hy vọng. Cần phải thực hiện điều đó. Và rồi tất cả sẽ kết thúc”, ông Peskov nói.
Tổng thống Nga Putin mô tả cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm giải giáp quân đội Ukraine và lật đổ chính phủ của họ, một mục tiêu kép mà ông gọi là “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” mà ông tuyên bố là cần thiết để bảo vệ những người Nga sống ở các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine khỏi bị “lạm dụng và diệt chủng”.
Các nhà lãnh đạo Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ nói rằng, đó là cái cớ để Nga mở rộng lãnh thổ và khuất phục Ukraine, điều mà ông Putin đã đề nghị là không xứng đáng với tư cách nhà nước.
Theo Liên Hợp Quốc, xung đột Nga-Ukraine đã khiến 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả cuộc di cư là “cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”.