Thủ tướng Lý Khắc Cường: Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang cần việc làm

Nicole Hao

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự một cuộc họp báo tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 21/11/2019. Trong một cuộc họp báo ngày 28/05/2020, ông Lý tiết lộ rằng khoảng 600 triệu công dân Trung Quốc chỉ kiếm được 1,000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD) một tháng. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Hôm 11/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, trong năm nay, 16 triệu người Trung Quốc sẽ tham gia vào lực lượng lao động và cần việc làm. Đồng thời, gần 300 triệu lao động nhập cư sẽ đi lên thành thị, [làm việc] để kiếm tiền nuôi gia đình của họ ở quê nhà.

Năm 2022, hàng trăm ngàn cựu binh sẽ xuất ngũ và cần có công ăn việc làm khi trở về với cuộc sống bình thường. Trong khi đó, một số lượng lớn các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, và phải sa thải nhân viên, và họ cũng cần một con đường để có thu nhập, ông Lý nói thêm mà không đưa ra một con số cụ thể.

“Mỗi năm, việc làm mới ở các khu vực thành thị của Trung Quốc phải đạt ít nhất 11 triệu, nhưng sẽ là khả quan nhất nếu đạt được hơn 13 triệu,” ông Lý nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo sau lễ bế mạc đại hội đại biểu của cơ quan lập pháp bù nhìn của nhà cầm quyền này.

Thống kê việc làm

Dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc cho thấy hơn 10 triệu người Trung Quốc ở các khu vực thành thị đang được ghi nhận là thất nghiệp. Tuy nhiên, dữ liệu này không phản ánh tỷ lệ thất nghiệp thực sự của Trung Quốc, cũng như tình trạng việc làm tổng thể ở nước này.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2021 của nhà cầm quyền, 63.89% dân số Trung Quốc đang sinh sống ở các khu vực thành thị.

Trong số những người dân thành thị này, chỉ những người làm việc cho các công ty đã mua bảo hiểm thất nghiệp mới có quyền đăng ký vào hệ thống thất nghiệp của nhà cầm quyền. Không biết có bao nhiêu chủ lao động mua bảo hiểm thất nghiệp cho nhân viên của họ ở Trung Quốc.

Những người còn lại nếu bị mất việc làm thì đều được chính quyền Trung Quốc gọi là “những người cần việc làm”, và không có dữ liệu chính thức nào cho thấy có bao nhiêu người trong nhóm này.

Tại cuộc họp báo hôm 11/03, ông Lý nói, “Năm nay, khoảng 16 triệu người ở khu vực thành thị sẽ tham gia vào thị trường lao động.” Những người này bao gồm những người tốt nghiệp trung học không thể vào đại học và những người từ các trường dạy nghề và cao đẳng tốt nghiệp trong năm nay.

Ông Lý cho biết, “10.76 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học trong năm nay.” Hầu hết những sinh viên này sẽ là một phần của 16 triệu người cần việc làm. Những người còn lại sẽ tiếp tục học lên các cấp học cao hơn trong hoặc ngoài Trung Quốc, hoặc sẽ tham gia nghĩa vụ quân sự.

Những người thợ mỏ chuẩn bị đi vào một mỏ than dưới lòng đất ở Hoài Bắc thuộc tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc hôm 16/02/2022. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Ở các vùng nông thôn, 300 triệu nông dân quyết định trở thành lao động nhập cư vì diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp và thu nhập của nông dân đang ở mức rất thấp. Theo ông Lý, những người quyết định trở thành nông dân cũng cần một công việc phụ trợ. Ông đã đưa ra một ví dụ về một người mà ông đã gặp khi ông đến thăm một ngôi làng ở Tây Bắc vào tháng Một.

Ông Lý cho biết, “Một người nông dân nói với tôi rằng đứa con lớn của ông ấy đang học đại học, và học phí lên đến hơn 10,000 nhân dân tệ (1,580 USD) mỗi năm, còn đứa bé thì đang học trung học với mức học phí hơn 8,000 nhân dân tệ (1,260 USD). Cày bừa ruộng nương kiếm không đủ tiền. [Ông ấy và vợ] phải tìm công việc khác để chi trả cho các khoản học phí này.”

Các cựu binh, những người không còn tại ngũ, cũng cần một công việc. Không rõ có bao nhiêu cựu binh Trung Quốc thất nghiệp. Vào tháng 03/2017, Báo Giải phóng quân (PLA Daily) của quân đội Trung Quốc đưa tin rằng nước này có tổng cộng hơn 57 triệu quân nhân đã về hưu. Mỗi năm lại có thêm hàng trăm ngàn cựu binh gia nhập đội ngũ này.

Thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt 

Hàng triệu người từ các khu vực thành thị đang cạnh tranh với những người cùng trang lứa và cả 300 triệu lao động nhập cư từ các khu vực nông thôn để có được những vị trí hạn chế trên thị trường lao động của Trung Quốc.

Để giải quyết vấn đề này, ông Lý Khắc Cường đã khuyến khích người dân thực hiện “việc làm linh hoạt”, bao gồm dựng các quầy bán hàng trên đường phố, một ý tưởng mà ông đã thúc đẩy vào năm 2020. Tờ China News của nhà nước dẫn lời ông Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết hồi tháng 01/2021 rằng, Trung Quốc có hơn bốn triệu nhân viên giao hàng và hơn 1.6 triệu người bán hàng trực tuyến. Những người này đã làm công việc linh hoạt.

“Ở đây, tôi không thể không đề cập đến việc làm linh hoạt vì hơn 200 triệu người Trung Quốc đang ở trong đó. Nó có các hình thức đa dạng và có độ phủ rộng lớn,” ông Lý nói trong cuộc họp báo hôm 11/03. “Họ phải đi làm dù trời mưa gió. Môi trường làm việc này quả thực rất khắc nghiệt.”

“Có 150 triệu doanh nghiệp ở Trung Quốc,” ông Lý cho biết. “100 triệu trong số đó là các tổ chức công nghiệp và thương mại tư nhân … và họ đang cung cấp 300 triệu việc làm.”

Các doanh nghiệp tư nhân mà ông Lý nói đến bao gồm các nhà hàng quy mô nhỏ, nhà bán lẻ quy mô nhỏ, tài xế xe buýt hoặc xe tải tự kinh doanh, và các công xưởng nhỏ. “Họ tính toán từng xu, trả lương cho nhân viên theo ngày, và đưa ra quyết định có kinh doanh tiếp hay không theo tháng,” ông Lý nói thêm. Ông cho biết các doanh nghiệp này làm ăn cũng gặp nhiều khó khăn.

Một người bán rau đang ngồi chờ khách mua hàng tại một khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 17/01/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Ngay cả khi làm việc chăm chỉ, các doanh nghiệp này vẫn đang gắng gượng chống trụ trên bờ vực tồn vong vì tình trạng kinh tế nghèo nàn ở Trung Quốc.

“Hiện tại, nhu cầu của người tiêu dùng thực sự không cao lắm,” ông Lý thừa nhận.

Để tìm được việc làm, rất nhiều người Trung Quốc phải chuyển đến một thành phố khác hoặc thậm chí là tỉnh khác. Không giống như Hoa Kỳ hoặc các quốc gia Âu Châu, chính quyền Trung Quốc có một hệ thống đăng ký mà không hỗ trợ mọi người thay đổi nơi sống của họ.

“Hiện nay, hơn 100 triệu người Trung Quốc phải làm việc ở một tỉnh khác [không phải tỉnh mà họ đã đăng ký]. Họ phải đi đi lại lại vì các vấn đề liên quan đến công việc, lương hưu, học hành của học sinh, v.v.,” ông Lý nói. Ông cũng hứa sẽ hành động.

Như ông Lý đã trình bày tại đại hội đại biểu, năm 2022 là năm cuối cùng mà ông giữ chức thủ tướng Trung Quốc. Trong văn hóa của nhà cầm quyền Trung Quốc, rất khó để một nhà lãnh đạo có được những thành tựu vững chắc trong năm cuối cùng của họ vì các quan chức có thể không để ông hiện thực hóa những yêu cầu cấp bách của mình.

Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts