Văn Thiện
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một biến thể COVID-19 mới tiềm năng, là sự kết hợp của các biến thể delta và omicron – bạn có thể gọi nó với tên gọi chưa chính thức là “deltacron”.
Theo USA TODAY, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hôm 9/3 rằng một biến thể COVID-19 mới đã được phát hiện ở Pháp, Hà Lan và Đan Mạch. Nó cũng được tìm thấy ở Hoa Kỳ, theo một bài báo mới sẽ sớm được công bố trên trang web nghiên cứu MedRxiv.
Theo nghiên cứu, để theo dõi COVID-19, Phòng thí nghiệm Helix có trụ sở tại San Mateo, California, Hoa Kỳ, kết hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này, đã giải trình tự 29.719 mẫu COVID-19 dương tính được thu thập từ ngày 22/11 đến ngày 13/2 từ khắp các bang của đất nước.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 2 trường hợp nhiễm virus liên quan đến các phiên bản khác nhau của deltacron, do sự kết hợp khác nhau của vật liệu di truyền từ các biến thể delta và omicron.
Deltacron có nguy hiểm không?
Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để lo lắng về deltacron. So với các biến thể trước đó, chẳng hạn như delta và omicron, biến thể mới này – các nhà nghiên cứu chưa sử dụng tên “deltacron” một cách chính thức – dường như khó lây lan hơn, William Lee, giám đốc khoa học tại Helix cho biết.
Lee nói với USA TODAY: “Thực tế là không có nhiều người mắc biến thể này, thậm chí cả hai trường hợp chúng ta tìm thấy là khác nhau, cho thấy rằng nó có thể sẽ không phát triển thành một biến thể đáng lo ngại”.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm người Mỹ và trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, cho biết, ngay tại những nơi phát hiện ra deltacron, thì mức độ phát hiện ra biến thể này cũng rất thấp.
Van Kerkhove cho biết thêm, hiện tại, WHO vẫn chưa nhận thấy “bất kỳ thay đổi nào trong dịch tễ học”. Và liên quan đến deltacron, “chúng tôi không thấy bất kỳ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng. Nhưng có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành”.
William Hanage, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, đồng tình với nhận định của Kerkhove .
Ông nói: “Nó chỉ là một biến thể nếu nó tạo ra một số lượng lớn các trường hợp mắc bệnh. Do vậy, nếu nó không gây ra nhiều ca nhiễm bệnh, mọi người không cần phải lo ngại về nó”.
Các biến thể COVID-19 xuất hiện như thế nào?
Các virus như chủng SARS-CoV-2 gây ra COVID-19 có thể thay đổi và đột biến. Ví dụ, các đột biến gây ra biến thể delta, dẫn đến một biến thể khiến mọi người dễ lây lan hơn. Bản thân biến thể omicron dễ lây lan hơn và được phát hiện là có thể tái nhiễm ở một số người trước đó đã mắc COVID-19.
Van Kerkhove cho biết: “Thật không may, chúng ta đã đoán trước về việc phát hiện các tái tổ hợp bởi vì đây là những gì virus làm, chúng thay đổi theo thời gian. Chúng ta đang chứng kiến mức độ lưu thông rất mạnh của virus. Chúng ta đang thấy virus này lây nhiễm sang động vật, với khả năng lây nhiễm sang người một lần nữa. Vì vậy, xin nhắc lại rằng, đại dịch còn lâu mới kết thúc”.
Tại sao việc phát hiện ra deltacron lại quan trọng?
Thông thường, các đột biến xảy ra đều đặn cho đến khi một đột biến trở nên đủ mạnh để trở thành một biến thể mới. Trong trường hợp này, có nhiều đột biến khác nhau xảy ra, có lẽ là một chức năng của sự tồn tại liên tục của delta giữa làn sóng omicron.
Lee nói: “Trong một vài tuần, các trường hợp đồng nhiễm có thể xảy ra thường xuyên hơn chúng ta biết, bởi vì chúng có thể khó phát hiện”.
Trong khi mọi người có thể không cần lo lắng về biến thể mới nhất này, các nhà nghiên cứu lại có thể học hỏi được nhiều điều từ sự phát triển của deltacron.
Lee nói: “Đó là một hiện tượng thú vị, và nó giúp chúng ta hiểu thêm về cách thức tiến hóa của virus và cách mà đại dịch tiếp tục kéo dài”.
Các biến thể mới cho thấy sự hợp lý của “yêu cầu giám sát quốc gia liên tục để xác định các biến thể tiềm ẩn cần quan tâm như một phần của hệ thống cảnh báo sớm – theo dõi các xu hướng virus mới bao gồm COVID-19, cúm và các vi rút khác”, Lee nói thêm.
Văn Thiện