Những thử thách của nhân loại khi phải cung cấp đủ lương thực cho 10 tỷ người

Huy Lâm

Năm 1945 là lần đầu tiên một nhóm nhà nghiên cứu đã nỗ lực bắt tay vào một cuộc nghiên cứu toàn diện cùng với những phương pháp hiện đại để có thể đưa ra dự đoán về dân số thế giới trong một tương lai dài hạn. Lý do là vì trong khoảng thời gian một thế kỷ rưỡi trước đó, dân số trên trái đất đã tăng hơn gấp đôi lên tới hơn 2 tỷ người, và các chuyên gia lo ngại rằng việc sản xuất lương thực sẽ không thể theo kịp với đà tăng dân số nói trên.

Đến cuối thiên niên kỷ thứ hai, dân số thế giới đạt mức 6 tỷ và kể từ đó đến nay đã tăng thêm xấp xỉ 2 tỷ người. Với tốc độ này thì không bao lâu nữa dân số toàn thế giới sẽ là 10 tỷ. Câu hỏi quan trọng và bức thiết là làm thế nào để có đủ lương thực để nuôi ăn cho ngần ấy dân số, và cũng là câu hỏi khiến cho nhiều nhà nghiên cứu ăn không ngon, ngủ không yên.

Năm 1970, cứ bốn người dân trên thế giới thì có một người đói – hay nói cách khác bị “thiếu dinh dưỡng” là chữ hiện nay Liên Hiệp Quốc thường sử dụng. Đến nay, tỷ lệ đó rớt xuống còn khoảng một trong mười người. Trong khoảng thời gian hơn bốn thập niên đó, tuổi thọ trung bình trên toàn cầu đã tăng một cách đáng kinh ngạc là hơn 11 năm; hầu hết sự gia tăng trên xảy ra tại những quốc gia nghèo. Hàng trăm triệu người dân sống trong khu vực châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi đã thoát ra khỏi cảnh bần cùng để gia nhập vào thành phần của tầng lớp trung lưu. Mức sống được cải thiện này không diễn ra một cách đồng đều hoặc công bằng: Vẫn còn hàng triệu triệu người chưa thấy ánh sáng sung túc soi tới cuộc sống của họ. Tuy nhiên, hiện tượng nói trên là điều chưa từng xảy ra trước đây trong lịch sử nhân loại. Không ai biết liệu sự phát triển và cải thiện có thể tiếp tục, hay liệu sự sung túc hiện tại có thể được duy trì hay không.

Dân số thế giới hiện nay xấp xỉ khoảng 8 tỷ. Hầu hết các nhà dân số học tin rằng cho đến khoảng năm 2050, con số đó sẽ đạt mức 10 tỷ hoặc thấp hơn đó một chút. Khoảng thời gian này, dân số thế giới có lẽ bắt đầu ngừng tăng trưởng. Nhìn ở góc độ duy trì nòi giống, nhân loại sẽ dừng đúng ở “mức thay thế” – nghĩa là tính trung bình, mỗi cặp vợ chồng sẽ có vừa đủ số con để thay thế cho họ. Trong khi đó, các nhà kinh tế cho rằng xu hướng phát triển của thế giới sẽ vẫn tiếp tục, tuy không đồng đều. Nếu ta tin rằng lời tiên đoán trên đúng thì đến năm 2050, một tỷ lệ khá lớn trong số 10 tỷ người trên thế giới sẽ thuộc tầng lớp trung lưu. Ta có thể ước lượng thế giới sẽ có thêm ba tỷ người nằm trong diện tầng lớp trung lưu. Làm thế nào để lớp người thích ăn ngon mặc đẹp này có thể hài lòng với cuộc sống của họ? Nhưng đây mới chỉ là một phần của câu hỏi. Câu hỏi đầy đủ là: Làm thế nào để có thể cung cấp đầy đủ cho tất cả mọi người mà không làm cho trái đất của chúng ta bị kiệt quệ?

Từ đây cho tới ngày đó chỉ còn không đầy ba thập niên và các nhà nghiên cứu phải tìm cho ra câu trả lời là làm thế nào để sản xuất đủ lương thực cho 10 tỷ miệng ăn mà không gây thiệt hại cho môi trường.

Khoảng cuối thập niên 1940, một nhà nghiên cứu thực vật trẻ tên là Norman Borlaug đang nghiên cứu trong một dự án nhỏ ở Mexico liên quan tới lúa mì. Ông là nhà nghiên cứu duy nhất làm việc về lúa mì được sự bảo trợ bởi tổ chức Rockefeller Foundation. Borlaug được tài trợ với một số tiền quá ít ỏi đến nỗi ông phải ngủ đêm ngay trong lán trên cánh đồng nơi ông làm việc. Tuy nhiên, vào khoảng giữa thập niên 1950 ông đã gặt hái thành công lai được giống lúa mì có khả năng chống lại bệnh gây đốm đỏ trên thân lúa, một trong những nguyên nhân làm thiệt hại mùa màng không ít. Không chỉ thế, sau đó ông còn tạo ra giống lúa mì thân ngắn hơn bình thường – về sau được nông dân gọi là giống lúa mì “nửa lùn” (semi-dwarf). Trong quá khứ, khi lúa mì được bón phân nhiều quá, nó mọc rất nhanh khiến cho thân cây trở nên khẳng khiu và chỉ cần một cơn gió mạnh là nằm rạp hết xuống, sau đó không thể tự vực dậy được, từ từ bị thối rữa và chết đi. Loại lúa mì thấp, có thân cứng hơn của Borlaug có thể hấp thụ một lượng lớn phân bón và chuyển sự phát triển vào trong hạt lúa thay vì vào rễ hoặc thân cây như những giống lúa mì khác. Trong những thử nghiệm ban đầu, người nông dân đôi khi thu hoạch sản lượng lúa mì từ ruộng của họ nhiều gấp 10 lần so với trước. Lượng lúa thu hoạch tăng ở tốc độ nhanh tới mức vào năm 1968, một giới chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã gọi nó là cuộc “Cách mạng Xanh”, tên đặt cho một hiện tượng mà về sau được xem như là một thành quả quan trọng của thế kỷ 20. Đọc thêm

Cuộc Cách mạng Xanh gây được ảnh hưởng nhiều nhất là tại Á châu, nơi mà năm 1962 hai tổ chức Rockefeller Foundation và Ford Foundation đã cho thành lập Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tại Phi Luật Tân. Vào lúc đó, có ít nhất một nửa dân số Á châu sống trong cảnh nghèo đói và thiếu thốn; thu hoạch nông sản tại nhiều nơi bị đình trệ hoặc sụt giảm. Một số quốc gia vừa mới thoát được ách thực dân và còn đang chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy của cộng sản, điển hình như tại Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tin rằng sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản nằm ở lời hứa hẹn vu vơ của họ về một tương lai tốt đẹp hơn. Washington muốn chứng minh rằng cơ hội phát triển tốt nhất là dưới chế độ tư bản. Và hy vọng của IRRI là các nhóm nghiên cứu hàng đầu của họ sẽ biến đổi châu Á bằng cách thực hiện gấp rút nền nông nghiệp lúa gạo hiện đại từ đó có thể gia tăng mức sản xuất lúa gạo trong khu vực.

Dựa theo phương pháp của Borlaug, các nhà nghiên cứu của IRRI đã tạo được một số giống lúa mới cho nhiều hạt. Những giống lúa mới này được trồng ở khắp Á châu trong thập niên 1970 và 1980, tăng sản lượng thu hoạch gạo gần gấp ba lần. Hơn 80 phần trăm lúa trồng ở Á châu hiện nay là sử dụng giống lúa của IRRI. Mặc dù dân số của lục địa này tăng vọt, nhưng người dân châu Á nói chung vẫn tiêu thụ lượng calorie trung bình nhiều hơn 30% so với thời gian khi viện IRRI mới được thành lập. Từ Hán Thành tới Thượng Hải, từ Jaipur tới Jakarta, nhiều toà nhà chọc trời và khách sạn sang trọng mọc lên, những con phố nghẹt xe rực rỡ với ánh đèn neon – tất cả đều được xây dựng trên cái nền phát triển trồng trọt và gia tăng sản lượng thu hoạch của loại lúa gạo được lai giống trong phòng thí nghiệm của IRRI.

Mặc dù dân số toàn cầu năm 2050 sẽ chỉ nhiều hơn 25 phần trăm so với hiện nay, các nhà nghiên cứu dự báo rằng ngành nông nghiệp sẽ phải tăng sản lượng lương thực thêm từ 50 đến 100 phần trăm. Lý do chính là khi cuộc sống của người dân được sung túc hơn sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm lấy từ động vật như pho mát, sữa, cá, và đặc biệt là thịt cũng tăng cao – và việc trồng trọt thức ăn cho động vật đòi hỏi phải có thêm nhiều đất, nước và năng lượng hơn so với việc trồng trọt các loại rau quả bình thường khác. Chưa ai đưa ra được dự đoán chính xác là cần thêm bao nhiêu thịt cho nhu cầu tiêu thụ của nhiều tỷ người mới trong tương lai, nhưng nếu số lượng thịt họ tiêu thụ bằng với số lượng thịt tiêu thụ bởi các quốc gia Tây phương hiện nay, thì đây sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn cho ngành nông nghiệp trong tương lai.

Hiện nay người ta đang thử nghiệm biến giống một loại lúa mới được gọi là C4 – mọc nhanh hơn, cần ít nước và phân hơn, và sản xuất nhiều hạt hơn. Có thể nói đây là một dự án khá táo bạo nhưng cần thiết. Lúa gạo là loại thực phẩm quan trọng nhất của thế giới, là cây nông nghiệp chủ yếu của hơn một nửa dân số toàn cầu, một loại thực phẩm gắn liền với văn hóa châu Á đến mức các từ gạo và bữa ăn trong cả tiếng Hoa và tiếng Nhật là biến thể của nhau. Ngôn ngữ tiếng Việt cũng vậy, khi ăn bữa người mình cũng thường nói là ăn cơm chứ không là ăn món gì khác.

Không ai có thể dự đoán một cách tự tin là cần phải trồng thêm bao nhiêu lúa gạo vào năm 2050, nhưng con số phỏng đoán là tăng thêm khoảng 40 phần trăm so với hiện nay, do bởi dân số tăng và cũng do bởi mức sống người dân cao hơn, cho phép những người trước đây nghèo thì nay có thể ăn cơm trắng mà không phải ăn độn thêm khoai lang, khoai mì. Trong khi đó, đất trồng lúa gạo bị mất dần do các thành phố mở rộng lấn vào khu vực nông thôn, người dân sử dụng nước nhiều làm cạn sông, nhà nông đổi qua trồng những loại cây nông nghiệp khác có lời hơn, và tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho nhiều khu vực đất trồng bị khô cằn. Thiếu gạo sẽ là một thảm hoạ cho nhân loại với những hậu quả khôn lường.

Việc sản xuất thêm thực phẩm cho đủ để nuôi thêm hai tỷ miệng ăn sẽ là một thử thách rất lớn, nhưng có lẽ các nhà nghiên cứu rồi đây sẽ tìm ra được những phương pháp trồng trọt mới. Trước đây nhiều người cũng đã từng lo ngại tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng khi dân số tăng nhanh, lên sáu tỷ rồi tám tỷ. Nhưng trong hai ba thập niên vừa qua thực phẩm không bị thiếu hụt như người ta lo sợ. Vậy thì ta có thể an tâm tin rằng trái đất vẫn còn đủ chỗ chứa và đủ sức để nuôi sống 10 tỷ người vào năm 2050.

Huy Lâm

Related posts