Vào ngày 16/3, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc, vừa ra phán quyết yêu cầu Nga chấm dứt ngay chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Phán quyết được thông qua với 13 phiếu thuận, trên tổng số 15 thẩm phán của ICJ. Hai thẩm phán bỏ phiếu chống đến từ Nga và Trung Quốc.
“Tòa án nhận thức sâu sắc mức độ thảm họa nhân đạo đang xảy ra ở Ukraine. Tòa quan ngại sâu sắc về hành vi sử dụng vũ lực của Nga ở Ukraine, gây ra những vấn đề rất nghiêm trọng cho luật pháp quốc tế”, Thẩm phán Joan Donoghue đọc nội dung mở đầu của phán quyết.
“Liên bang Nga ngay lập tức phải dừng các hoạt động quân sự của nước này, bắt đầu từ ngày 24/2/2022, trên lãnh thổ Ukraine”, Reuters dẫn phán quyết của các thẩm phán.
Tòa án cũng yêu cầu Nga phải bảo đảm những lực lượng khác dưới sự kiểm soát hoặc hỗ trợ của Moscow cũng không được tiếp tục các hoạt động quân sự.
Tổng thống Ukraine hoan nghênh phán quyết này của tòa ICJ.
“Ukraine đã giành được chiến thắng trong vụ kiện Nga tại ICJ. ICJ đã yêu cầu Nga chấm dứt tấn công. Yêu cầu của ICJ có giá trị ràng buộc pháp lý theo luật pháp quốc tế. Nga phải tuân thủ ngay lập tức”, ông Zelensky viết trên Twitter.
“Phớt lờ phán quyết sẽ chỉ càng khiến Nga bị cô lập hơn nữa”, Tổng thống Ukraine bày tỏ.
Phán quyết đưa ra ngày 16/3 mới chỉ bao gồm các biện pháp tạm thời. Tòa ICJ sẽ tiếp tục xem xét vụ kiện do Ukraine đề xuất, trong đó Kyiv yêu cầu ICJ bác bỏ tuyên bố của Moscow về cáo buộc diệt chủng ở miền Đông Ukraine.
Trong vụ kiện lên ICJ, vốn có thể kéo dài nhiều năm, phía Ukraine yêu cầu thẩm phán ra phán quyết buộc Nga “từ bỏ chiến dịch quân sự ngay lập tức”, theo AP.
Phía Nga cho rằng chiến dịch này “nhằm ngăn chặn và trừng phạt tội diệt chủng” ở hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk, miền Đông Ukraine.
Moscow không cử đại diện tham dự phiên điều trần ngày 7/3 của tòa ICJ về vấn đề Ukraine.
Vẫn chưa rõ liệu Nga có tuân thủ yêu cầu của ICJ hay không.
ICJ là một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa các nước thành viên và cố vấn pháp luật cho Liên Hợp Quốc. Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc.
Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động. Tuy nhiên, Nga là một trong năm thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.