Triệu Lập Kiên lúng túng khi bị vạch trần thông tin sai sự thật

Ngày 14/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Mỹ đã xóa thông tin liên quan đến thí nghiệm sinh học tại Ukraine, nhưng đã bị phóng viên BBC vạch trần tại chỗ là không đúng.

Phát ngôn viên BNG Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: BNG Trung Quốc)

Tại cuộc họp báo vào ngày 14/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã hỏi quan điểm của ông Triệu Lập Kiên về việc “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp vào ngày 11/3 để xem xét vấn đề an toàn sinh học của Ukraine”. Khi trả lời các câu hỏi, ông Triệu Lập Kiên lần lượt đưa ra 6 vấn đề, trong đó có câu hỏi: “Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine muốn giấu điều gì khi xóa tất cả các tài liệu liên quan khỏi trang web của mình?”

Tuy nhiên, sau đó có phóng viên của BBC đã chỉ ra, “Vừa nãy ông có đề cập rằng phía Mỹ đã xóa các tài liệu liên quan đến phòng thí nghiệm sinh học trên trang web của họ. Nhưng tôi đã kiểm tra và các tài liệu dường như vẫn còn đó. Bộ Ngoại giao (Trung Quốc) đã truy cập trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine chưa? Bởi vì các tài liệu dường như vẫn còn đó.”

Ông Triệu Lập Kiên dường như nhất thời không có phản ứng kịp, liền lặp lại câu hỏi: “Bạn nói những tập tài liệu này vẫn chưa bị xóa?”

Phóng viên BBC tiếp tục: “Những gì tôi thấy là các tài liệu vẫn còn trên trang web. Ông có thể tự xem. Tôi có thể đưa ông liên kết của trang web. Các tài liệu dường như vẫn còn ở đó.”

Lúc này, ông Triệu Lập Kiên vội vàng khẳng định: “Thông tin tôi nhìn thấy khác với thông tin của bạn.” Phóng viên BBC truy vấn: “Ông nói ông nắm được thông tin khác với của tôi? Vậy có thể giải thích một chút được không?”

Triệu Lập Kiên khẳng định: “Theo thông tin tôi có được, các tài liệu liên quan về các phòng thí nghiệm sinh học này đã bị Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine xóa”.

Phóng viên BBC tiếp tục hỏi: “Ông có muốn kiểm tra lại trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine để xem các tài liệu còn ở đó không?”

Trước những câu hỏi lặp đi lặp lại của phóng viên, ông Triệu chỉ đáp: “Vừa rồi tôi đã nói rõ lập trường của Trung Quốc”, sau đó gọi tên phóng viên đài Phoenix TV để đặt câu hỏi tiếp theo.

Ông Triệu Lập Kiên cho rằng phía Mỹ đã xóa thông tin về phòng thí nghiệm sinh học khỏi trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine, nhưng phóng viên BBC tại hiện trường đã đưa ra câu hỏi khiến ông lúng túng. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình từ trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Nhiều cư dân mạng đã chế giễu tình huống lúng túng này của ông Triệu Lập Kiên: “Vừa đánh trống vừa la làng”; “Người phát ngôn chính thức còn không thèm làm bài trước khi công khai trả lời câu hỏi, bị làm cho cứng họng, thế mà vẫn còn nói khoác không biết ngượng”; “Năng lực của người phát ngôn thấp kém đến mức độ này”; “Đầu óc của chiến lang không dễ sử dụng?”

Có người còn mỉa mai rằng: “Các tài liệu trên trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine có bị xóa hay không là do chiến lang Triệu Lập Kiên quyết định.”; “Nội dung của những tài liệu đó là gì cũng cho chiến lang Triệu Lập Kiên quyết định”; “Tấm biển đằng sau chiến lang Triệu Lập Kiên nên đổi đi thôi, đổi thành ‘Bộ Ngoại giao Liên bang Nga”.

Trước đó vào ngày 8/3, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên nói rằng Mỹ đã “lưu trữ một số lượng lớn virus nguy hiểm trong 26 phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine. Trong hành động quân sự của mình, Nga cũng đã phát hiện ra Mỹ sử dụng các cơ sở này cho các chương trình quân sự sinh học.”

Ông Triệu cũng tuyên bố vào thời điểm đó rằng Bộ Quốc phòng Mỹ “có quyền kiểm soát tuyệt đối” đối với các phòng thí nghiệm sinh học này ở Ukraine, “tất cả các virus nguy hiểm ở Ukraine phải được lưu trữ trong các phòng thí nghiệm này, mọi hoạt động nghiên cứu đều do phía Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Chưa được sự cho phép của Mỹ thì không được công khai bất cứ thông tin nào.”

Ông Triệu Lập Kiên cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/3 rằng, Mỹ đã “lưu trữ một số lượng lớn virus nguy hiểm” trong 26 phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine. (Nguồn ảnh: Ảnh chụp màn hình từ trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Do tuyên bố này bắt chước theo tuyên truyền của Nga nên đã làm dấy lên gây nghi ngờ trong dư luận toàn cầu.

Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, các quan chức tình báo và đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã liên tiếp bác bỏ tuyên bố này. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết vào ngày 8/3 rằng Mỹ đang giúp chính quyền Ukraine bảo vệ các cơ sở nghiên cứu sinh học trên lãnh thổ của mình khỏi bị Nga chiếm đóng; phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vào ngày 10/3 rằng: “Nga đã đưa ra những tuyên bố giả tạo này, và Trung Quốc (ĐCSTQ) có vẻ ủng hộ tuyên truyền này, tất cả chúng ta nên cảnh giác với khả năng Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine, lợi dụng chúng để đổ tội”.

Tờ New York Times trước đó chỉ ra rằng Chính phủ Trung Quốc tuyên truyền thông tin sai lệch của Nga đã thu hút sự chú ý của các quan chức phương Tây. Các nhà phân tích đã nghiên cứu thông tin sai lệch của Trung Quốc và Nga, họ cho biết đây là lần đầu tiên họ thấy “một thuyết âm mưu lan truyền trên quy mô lớn như vậy” giữa Bắc Kinh và Nga.

Lê Tiểu Quỳ, Vision Times

Related posts