Đức Duy
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã cấm tất cả hàng hóa do Li-Ning, thương hiệu đồ thể thao hàng đầu của Trung Quốc, sản xuất với lý do hãng này sử dụng lao động Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Được thành lập bởi cựu vận động viên thể dục Olympic Li Ning, Li-Ning Sporting Goods là công ty sản xuất trang phục và dụng cụ thể thao hàng đầu ở Trung Quốc. Sau khi kiểm tra chuỗi cung ứng của Li-Ning và phát hiện hãng này sử dụng lao động Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, CBP vào hôm thứ Ba (15/03) ra thông báo sẽ tạm giữ các sản phẩm của hãng tại tất cả các cảng ở Mỹ. Lệnh có hiệu lực kể từ ngày 14/03.
Đạo luật chống lại đối thủ của nước Mỹ bằng các lệnh trừng phạt (CAATSA) cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bởi lao động cưỡng bức, được làm hoàn toàn hoặc một phần bởi công dân Triều Tiên, bao gồm cả những người làm việc ở nước ngoài.
Tuyên bố hôm 15/03 của CBP viết: “Những hàng hóa như vậy sẽ không được phép nhập khẩu trừ khi nhà nhập khẩu cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng hàng hóa của họ không được sản xuất bằng lao động bị kết án, lao động cưỡng bức hoặc lao động chịu hình phạt hình sự trong vòng 30 ngày kể từ ngày bị tạm giam”.
CBP cho biết, các sản phẩm bị tạm giữ có thể bị tịch thu. Bà AnnMarie Highsmith của Văn phòng CBP phát biểu, hành động này được thực hiện nhằm “đề cao giá trị cốt lõi của con người” và để đảm bảo tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ không liên quan đến cưỡng bức lao động.
Li-Ning trước đây từng thu hút sự chú ý của công chúng vì ủng hộ việc sử dụng bông từ Tân Cương, nơi Bắc Kinh đang thực hiện một chiến dịch đàn áp mở rộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác. Các nhà nghiên cứu cho biết bông từ khu vực này có thể liên quan đến lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Li-Ning từng liệt kê bông Tân Cương trên mác quần áo của hãng trong một khoảng thời gian. Cầu thủ NBA Dwyane Wade tham dự sự kiện quảng bá của thương hiệu thể thao Trung Quốc Li-Ning tại Bắc Kinh hôm 03/07/2013. (Ảnh: Feng Li / Getty Images)
Cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc vì lo ngại vấn đề lao động cưỡng bức.
Tháng 11/2020, Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách đen một công ty Nga và một công ty Triều Tiên hoạt động tại Nga. Hai doanh nghiệp này bị cáo buộc có liên quan đến việc xuất khẩu lao động cưỡng bức từ Triều Tiên.
Một nghị quyết năm 2017 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã yêu cầu các quốc gia trả toàn bộ lao động Triều Tiên về nước trước hôm 22/12/2021, để ngăn họ kiếm ngoại tệ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Mỹ ước tính rằng Bình Nhưỡng thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm từ gần 100.000 lao động ở nước ngoài, trong đó có khoảng 50.000 người làm việc ở Trung Quốc và 30.000 người ở Nga.
Đức Duy
Theo The Epoch Times