Bà Phạm Thị Đoan Trang (nhà báo Phạm Đoan Trang) vừa được Hoa Kỳ trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm Quốc tế”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho rằng đây là “hành động thiếu khách quan, không phù hợp, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước”.
“Tháng 12 vừa qua, Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù tại Việt Nam vì viết về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Bà viết về các cuộc đàn áp những người biểu tình… Mặc dù phải đối mặt với những lời đe dọa liên tục, bà tiếp tục truyền đạt cho những người khác về quyền của họ”, ngoại trưởng Blinken nhận định và lên án sự giam cầm bất công đối với nữ nhà báo. “Chúng tôi kêu gọi phóng thích cho bà ngay lập tức”, vị ngoại trưởng nói.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định: “Bà Phạm Đoan Trang, người không sợ hãi theo đuổi một xã hội toàn diện và không gian rộng rãi hơn cho tự do ngôn luận ở Việt Nam, đã thu hút sự công nhận của quốc tế”.
“Thông qua báo chí Việt Nam, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện của chúng tôi với Việt Nam. Chúng tôi làm việc để giúp khuyến khích một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, và chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng để đất nước này phát triển, quốc gia này cần có sự cởi mở, minh bạch và hòa nhập và tôn trọng quyền của tất cả các công dân mà bà Phạm Đoan Trang đã không ngừng tìm kiếm thông qua các bài viết và vận động của mình”.
Tuy nhiên, tại họp báo thường kỳ ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng lại cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng cho bà Phạm Đoan Trang là “hành động thiếu khách quan, không phù hợp, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước”.
Theo bà Hằng, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và khẳng định quyền cơ bản của công dân Việt Nam, trong đó có quyền của phụ nữ.
“Các nỗ lực thành tựu của Việt Nam không ngừng đảm bảo và cải thiện quyền con người trong thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, bà Hằng nói.
Trước đó, tại phiên tòa ngày 14/12/2021, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bà Phạm Đoan Trang 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999.
Tại phiên tòa xét xử bà Trang, an ninh được thắt chặt từ xa kể từ phạm vi trụ sở tòa án. Các con đường dẫn vào trụ sở đều đặt hàng rào kiểm soát chặt chẽ bởi lực lượng công an mặc cảnh phục và thường phục.
Các luật sư phải trải qua nhiều vòng kiểm soát, kể cả khám xét tư trang, đưa qua máy dò, và người thì qua cổng từ an ninh mới đến được phạm vi phòng xét xử, luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho bà Trang, cho hay.
Cũng theo luật sư Mạnh, vụ án này được khá nhiều quốc gia quan tâm. Một số cơ quan ngoại giao nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Đức, đại diện EU, trong đó, Canada đại diện cho nhóm 4 quốc gia bao gồm Canada, Tân Tây Lan, Na Uy, Thụy Sĩ .. đã đến theo dõi phiên tòa từ màn hình tivi trong một khán phòng khác thuộc khuôn viên tòa án Hà Nội.
Bà Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978, là tác giả của nhiều cuốn sách và báo cáo, trong đó có “Chính trị Bình dân” và “Báo cáo Đồng Tâm” (đồng tác giả).
Bà bị bắt tại Sài Gòn vào đêm 6/10/2020, thời điểm chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ kết thúc.
Cáo trạng được báo nhà nước dẫn lại cho biết từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Cụ thể, bà Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”; “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”; “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam”.
Cáo trạng cũng xác định bà Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước…
Hôm 13/12, chỉ một ngày trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trang.
Trong cùng ngày, tổ chức Văn bút Quốc tế Hoa Kỳ (PEN America) cũng kêu gọi các nhà chức trách trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang, đồng thời từ bỏ mọi cáo buộc đối với tác giả của nhiều cuốn sách và báo cáo về chính trị.
Hoàng Minh