Hai năm trước, vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, Vũ Hán đã buộc phải đóng cửa thành phố do dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, tại cuộc họp thường niên của Quốc vụ viện Trung Quốc mừng xuân Canh Tý, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn có thể mỉm cười.
Năm nay, cũng tại cuộc họp tương tự chào xuân Nhâm Dần vào ngày 30 tháng 1 năm 2022, ông Tập đã bắt đầu bài phát biểu bằng câu nói: “Tôi cảm thấy rất vui”, nhưng khó có thể nhìn thấy ông nở nụ cười.
Địa vị của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang lung lay – Đây không chỉ là tuyên bố gần đây của tỷ phú kiêm nhà từ thiện George Soros dựa trên tình hình mất khả năng kiểm soát biến thể Omicron Covid-19 ở Trung Quốc, mà còn là nhận định chung của các nhà quan sát quốc tế. Thêm vào đó, quan sát những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột nội bộ gay gắt của ĐCSTQ, người ta càng có thể nhận thấy rõ rằng quyền lực của ông Tập đang bị suy giảm.
Ngày 4 tháng 1 năm 2022, Tập Cận Bình đã ban hành Quân lệnh số 1 cho Quân ủy Trung ương, nhấn mạnh việc chuyển hướng họng súng từ ngoài vào trong, hay nói cách khác là “bảo vệ” Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 diễn ra thành công. Hành động và lời nói của ông Tập đã tiết lộ sự bất an về Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đến nỗi cần phải tiến hành can thiệp quân sự.
Tập Cận Bình trước lằn ranh sinh tử
Mặc dù Đại hội 20 sắp đến gần, song ông Tập vẫn chưa hạ bệ bất kỳ quan chức cấp phó nhà nước hay cấp nhà nước nào để “lập uy”. Nếu Tập Cận Bình muốn “lập uy”, thì sự hỗ trợ của quân đội là cực kỳ quan trọng. Đó có thể là lý do tại sao Quân lệnh số 1 lại có nội dung như vậy.
Giáo sư Chương Thiên Lượng, một nhà bình luận về Trung Quốc ở hải ngoại, nhận định rằng nếu Tập Cận Bình làm “sấm to” nhưng “mưa nhỏ”, không thể hạ bệ được một quan chức cấp phó nhà nước nào, ông ta sẽ vướng phải thách thức lớn trong việc tái đắc cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20. Ông Tập thậm chí sẽ gặp nguy hiểm vì băng đảng đảo chính do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cầm đầu vẫn chưa bị quét sạch.
Vào năm 2014, Tạp chí Xu hướng (The Trend Magazine) của Hồng Kông dẫn lời một nguồn tin được xác định là quan chức hàng đầu của ĐCSTQ nói rằng tính đến thời điểm đó, Tập Cận Bình đã trải qua sáu lần bị ám sát. Một vụ là cuộc tấn công bắn tỉa trong chuyến thăm của ông Tập đến Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, vào tháng 9 năm 2012. Năm vụ khác xảy ra trong các chuyến đi đến Trịnh Châu, Vũ Hán, Phúc Châu, Tế Nam và Thanh Đảo. Các cuộc điều tra đã xác nhận 5 trong số đó là kế hoạch của nội gián.
Được biết, một tờ trình của Bộ Chính trị trước ngày 1 tháng 8 năm 2014 chỉ ra rằng nếu Tập Cận Bình gặp bất kỳ tai nạn nào có thể khiến ông mất quyền lãnh đạo, thì một đội ngũ gồm 5 thành viên sẽ thay ông giữ chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đội ngũ này gồm có Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Vương Kỳ Sơn, Phạm Trường Long và Lật Chiến Thư.
Lời nguyền trong lịch sử của ĐCSTQ: “Mỗi lần kế vị, ắt có đảo chính”
Những nỗ lực nhằm ám sát Tập Cận Bình bị phơi bày đã phần nào tiết lộ các cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc trong nội bộ ĐCSTQ.
ĐCSTQ được thành lập năm 1921 với sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong những thập niên tiếp theo, ĐCSTQ đã nhanh chóng bành trướng và lật đổ chính quyền Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến, từ đó chiếm lĩnh toàn bộ lãnh thổ đại lục vào năm 1949, trở thành chính quyền độc đảng lớn nhất thế giới.
Lịch sử của ĐCSTQ cho thấy một “sự trùng hợp” kỳ lạ: Mỗi lần kế vị, ắt có đảo chính. Chuyên gia về Trung Quốc, Giáo sư sử học Chương Thiên Lượng đã chỉ ra rằng sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Hoa Quốc Phong đã lên kế vị. Mặc dù ông đã loại bỏ Bè lũ bốn tên ra khỏi chính trường, song vị trí lãnh tụ tối cao ĐCSTQ của ông cũng không giữ được vững. Việc từ chức của Hoa Quốc Phong không phải là tự nguyện, mà thực chất là một cuộc đảo chính.
Sau đó, một cuộc đảo chính khác đã hạ bệ Hồ Diệu Bang. Ông Hồ bị Đặng Tiểu Bình ép từ chức trong bối cảnh hàng loạt những vụ biểu tình của sinh viên hồi cuối năm 1986 đòi tự do dân chủ mà phái cứng rắn cho là hậu quả của chính sách khoan dung cởi mở của Hồ Diệu Bang.
Tiếp theo, đến lượt Triệu Tử Dương bị lật đổ. Bát đại nguyên lão ĐCSTQ – một nhóm 8 chính trị gia và quân sự gia cao tuổi đầy quyền lực của Đảng, đã tổ chức một cuộc họp mà không thông qua bầu cử trong Đảng, cũng không thông qua Ủy ban Trung ương, đưa Giang Trạch Dân lên nắm quyền sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Đây thực chất là một cuộc đảo chính nhằm thanh trừng Triệu Tử Dương.
Khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, theo dự đoán thì Giang Trạch Dân sẽ giao cho Hồ Cẩm Đào ba chức vụ mà ông ta đã nắm giữ kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 năm 2002: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nhưng không ngờ, Trương Vạn Niên, một Thượng tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã buộc Hồ Cẩm Đào để Giang Trạch Dân làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm nữa. Đây cũng có thể coi là một cuộc đảo chính.
Sau Hồ Cẩm Đào, đến lượt Tập Cận Bình. Ông Tập lên nắm quyền chẳng bao lâu sau khi Bạc Hy Lai phát động đảo chính.
Nếu việc chuyển giao quyền lực diễn ra bất trắc một, hai lần, thì có lẽ là do ngẫu nhiên, chế độ chính trị nào cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên, trong lịch sử ĐCSTQ, mỗi lần kế vị nhất định đi cùng với một cuộc đảo chính, không có ngoại lệ. Do vậy, đây có thể là vấn đề của hệ thống ĐCSTQ.
Nỗi bất an muôn thuở của ĐCSTQ
Vậy vấn đề cố hữu nào của hệ thống ĐCSTQ đã dẫn đến các cuộc đảo chính lặp đi lặp lại?
Là một chính quyền toàn trị không có bầu cử dân chủ hay tự do tư tưởng, ĐCSTQ thiếu tính hợp pháp để cai trị Trung Quốc theo quan điểm hiện đại. Những phát ngôn của Mao được lẩm nhẩm thường xuyên trong cuộc Cách mạng Văn hóa: “Hãy đánh tàn nhẫn mọi ý nghĩ ích kỷ thoáng qua trong đầu”, “Hãy thực hiện các chỉ thị của Đảng cho dù có hiểu chúng hay không; hãy hiểu chúng sâu sắc hơn trong quá trình thực hiện”.
Trong lịch sử Trung Quốc, các triều đại phong kiến cũng không có bầu cử phổ thông. Tuy nhiên, văn hóa Trung Hoa truyền thống tin rằng quyền lực cao nhất của một quốc gia hoặc của người đứng đầu quốc gia đó là do Trời ban, hoặc phụng mệnh Trời. Người Trung Quốc cổ đại kính ngưỡng Thần và kính trọng Thiên ý. Như Khổng Tử đã từng nói: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên” (tạm dịch: Sống chết có số, giàu sang là do Trời định). Cả Phật giáo và Đạo giáo đều là các tín ngưỡng hữu thần và tin vào sự luân hồi sinh tử, quy luật nhân quả của thiện và ác. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
ĐCSTQ thì trái lại, không những tin vào thuyết vô thần mà còn “vô pháp vô thiên”. Cuốn sách Cửu bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản) đã phân tích sự đối lập giữa hệ tư tưởng cơ bản của ĐCSTQ và các giá trị truyền thống của Trung Hoa. Đáng chú ý, trong khi văn hóa Nho giáo đề cao lòng tốt đối với người khác, thì ĐCSTQ lại khuyến khích đấu tranh giai cấp. Hơn nữa, ĐCSTQ lấy hình thức cạnh tranh sinh tồn của loài vật trong Thuyết tiến hoá của Đác-uyn để suy diễn ra đấu tranh giai cấp trong xã hội nhân loại, cho rằng đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất giúp xã hội phát triển. Chính vì điều ấy, Đảng cộng sản mới sùng tín vào đấu tranh, cho rằng đó là phương tiện để thâu đoạt và duy trì chính quyền.
Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, là một môn khí công thuộc trường phái Phật gia, giúp con người tu dưỡng tâm tính theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và rèn luyện thân thể qua 5 bài công pháp, đã ngày càng phổ biến theo cấp số nhân kể từ năm 1992 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 7 tháng 6 năm 1999, Giang Trạch Dân đã xếp vấn đề Pháp Luân Công là “đấu tranh giai cấp” một cách vô căn cứ, gán cho các học viên Pháp Luân Công là kẻ thù chính trị của ĐCSTQ, nhanh chóng phát động cuộc đàn áp đẫm máu chưa từng có đối với môn tu luyện này.
Khi Văn Thiên Tường, một thừa tướng trung nghĩa lẫm liệt nhà Nam Tống, bị bắt làm tù nhân, ông đã không chịu khuất phục trước quân xâm lược Mông Cổ ngay cả khi Hoàng đế nhà Tống cố gắng thuyết phục ông đầu hàng. Bởi vì, là một nhà Nho, ông tin vào điều Mạnh Tử đã giảng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (tạm dịch: “Dân là quan trọng bậc nhất, sau đó là đất nước, cuối cùng mới là vua”). Ngược lại, ĐCSTQ muốn phong thánh, tạo Thần cho nhà lãnh đạo của mình và buộc người dân phải tuân theo nó một cách mù quáng và vô điều kiện. Trong Cách mạng Văn hóa, tất cả mọi người ở trong nước đã phải thực hiện một nghi lễ giống như tôn giáo là: “sáng nghe chỉ thị của Đảng và chiều báo cáo với Đảng”, kính chúc Mao Chủ tịch vạn thọ vô cương nhiều lần mỗi ngày và tổ chức các buổi cầu nguyện chính trị hàng ngày vào buổi sáng và tối.
Tóm lại, từ cả góc nhìn hiện đại và truyền thống, ĐCSTQ, kể từ ngày đầu tiên lên nắm quyền, đã luôn thiếu một nền tảng cơ bản, chính là tính ‘hợp pháp’ của chính phủ.
Việc thiếu tính hợp pháp dẫn đến một nan đề: bất kỳ ai nắm quyền đều là không hợp pháp và người đó cũng chẳng có cách nào để ngăn người khác sử dụng các thủ đoạn bất hợp pháp hòng thay thế mình. Nếu ngay cả người lãnh đạo cũng không chính danh, thì dựa vào đâu để yêu cầu người khác phải hợp pháp đây?
Đó là lý do tại sao Bạc Hy Lai và các quan chức cấp cao khác muốn thế chỗ Tập Cận Bình mà không cần do dự, cũng là lý do khiến ông Tập phải nghiêm túc đưa ra mệnh lệnh cho quân đội tập trung bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20.
Những ngày tươi đẹp của Tập Cận Bình đã trôi qua
Bầu không khí chính trị hiện tại ở Trung Quốc được đặc trưng bởi cái gọi là “tam giác quyền lực”, ám chỉ ba lực lượng quan trọng trong ĐCSTQ, đó là:
- “Tập gia quân”, nghĩa đen là quân đội của Tập Cận Bình;
- “Giang phái”, còn được gọi là Băng Thượng Hải, do Giang Trạch Dân đứng đầu;
- “Đoàn phái” (Liên đoàn), tức là Nhóm Liên đoàn Thanh niên, do Hồ Cẩm Đào lãnh đạo.
Trước đây, sau thời Đặng Tiểu Bình, chính trường Trung Quốc chỉ bị thống trị bởi hai phe đối địch – Băng Thượng Hải và Đoàn phái. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc bổ nhiệm Tập Cận Bình làm Bí thư Đảng vào năm 2012 có thể được coi là kết quả của sự dàn xếp chia sẻ quyền lực bè phái trong nội bộ ĐCSTQ. Ông Tập, một thành viên của Băng Thượng Hải, đã thay thế Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo của Đoàn phái. Tuy nhiên, để củng cố quyền lực trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Tập đã thành lập phe phái của riêng mình, cũng gọi là Tập gia quân.
‘Đả hổ, diệt ruồi’
Đảm nhận vị trí cao nhất trong ĐCSTQ, ông Tập ngay lập tức phát động chiến dịch chống tham nhũng mang tên “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”. Bên cạnh những “con hổ” như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, những “con ruồi” là hàng nghìn quan chức lớn nhỏ đều bị đưa vào diện điều tra và bỏ tù. Chỉ riêng trong năm 2013, hơn 6.500 quan chức Trung Quốc đã biến mất không tung tích, hơn 8.000 quan chức bỏ trốn ra nước ngoài và khoảng 1.500 người đã bị bắt giữ. Hầu hết trong số họ thuộc phe cánh Giang Trạch Dân.
SCMP đưa tin rằng sau cuộc họp vào tháng 12 năm 2018, Bộ Chính trị của ĐCSTQ đã ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng “cuộc chiến chống tham nhũng đã gặt hái một thắng lợi to lớn”. Hơn 1,3 triệu quan chức đảng ở nhiều cấp, từ những “mãnh hổ” đến những “con ruồi” hạng xoàng, đều đã bị bắt từ cuối năm 2012. Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Tân Hoa Xã, cho biết sự thay đổi từ “đà phát triển” sang “thắng lợi” có nghĩa là cuộc chiến chống tham nhũng đã chuyển từ “tích tụ về lượng” sang “chuyển hóa về chất”.
Nhưng giọng điệu kiêu hãnh này đã biến mất trong bài phát biểu gần đây của ông Tập. Ngày 18 tháng 1 năm 2022, tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Tập Cận Bình nói rằng “cuộc chiến giữa tham nhũng và chống tham nhũng vẫn đang diễn ra khốc liệt”, nhấn mạnh rằng “không thể dừng lại”, v.v.
Gần đây, cựu Trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc – Diêu Thành tiết lộ rằng gián điệp của Giang Trạch Dân trong các lực lượng vũ trang vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là trong Hải quân. Vì vậy, khi nói rằng“cuộc chiến giữa tham nhũng và chống tham nhũng vẫn đang diễn ra khốc liệt”, liệu có phải ông Tập đang ám chỉ việc lực lượng của Giang Trạch Dân đang phản kháng không?
Ông Tập chịu tổn thất lớn trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20
Vào ngày 21 tháng 1 năm 2022, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một báo cáo điều tra về trận mưa lũ ở Trịnh Châu, Hà Nam vào mùa hè năm ngoái. Kết quả là Từ Lập Nghị, Bí thư Thành ủy Trịnh Châu, đã bị cách chức. Hơn nữa, báo cáo thận trọng đề cập rằng thành phố Trịnh Châu đã che giấu số người chết với cấp trên.
Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của hãng truyền thông Nhật Bản Sankei Shimbun, chỉ ra rằng Từ Lập Nghị đã được thăng chức 5 lần trong vòng 7 năm và được coi là một ngôi sao mới nổi của đội quân mới Chiết Giang, thuộc phe của ông Tập. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20, ông Từ còn có khả năng sẽ được bầu làm thành viên Ủy ban Trung ương và sẽ đứng vào hàng ngũ quan chức cấp bộ. Akio Yaita nhận định rằng đây là một cuộc tấn công quan trọng do Lý Khắc Cường phát động chống lại phe Tập Cận Bình trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20.
Ngoài ra, vào tháng 1 năm 2022, hai trong số những người thân tín và là trợ thủ đắc lực của Tập Cận Bình đã bị kết án tử hình. Hai quan chức cấp bộ bị tuyên án tử hình là ông Đổng Hồng, nguyên Phó Trưởng đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phụ trách giám sát sự lãnh đạo của đảng ở cấp tỉnh (bộ) và ông Vương Phú Ngọc, cựu Phó Bí thư tỉnh ủy Quý Châu kiêm chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh Quý Châu.
Ông Đổng Hồng từng là trợ lý của Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn trong nhiều năm. Ông Vương là người đóng góp nhiều công trạng trong việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập kể từ năm 2013 nhằm trấn áp các đối thủ chính trị.
Người thứ hai, ông Vương Phú Ngọc nguyên là phó trợ lý của Lật Chiến Thư, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Lật Chiến Thư được coi là đồng minh thân cận nhất của ông Tập trong số bảy thành viên của Ủy ban Thường vụ. Phò tá đắc lực cho ông Tập trong gần 40 năm, đặc biệt là trong nhiệm kỳ trước đó của ông với vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, ông Lật thường xuyên tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du hải ngoại, đảm nhiệm việc lên lịch trình, giải quyết tài liệu và vấn đề an ninh.
Vào dịp kỷ niệm 2 năm ngày đóng cửa Vũ Hán, Mã Quốc Cường, cựu bí thư Thành ủy Vũ Hán, người từng bị ông Tập cách chức, đã trở lại đầy ngoạn mục. Cộng thêm việc Từ Lập Nghị bị cách chức, Đổng Hồng và Vương Phú Ngọc phải chịu án tử, rõ ràng quyền lực của Tập Cận Bình đã bị tổn hại nghiêm trọng trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Tập Cận Bình đối diện với lựa chọn lịch sử
Theo ông Vương Hữu Quần, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ đối với ông Tập mà nói quả là “vấn đề sinh tử”. Nếu thất bại, tính mạng của gia đình ông Tập sẽ bị đe dọa vì Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, những kẻ từng bị ông Tập tấn công trong 10 năm “đả hổ”, đã khôi phục lại địa vị và thăng chức cho quá nhiều quan chức cấp cao.
Bất kể ông Tập có giành được chiến thắng hay không, nếu ông tiếp tục tranh giành quyền lực trong bộ máy hiện tại, số phận của ông sẽ gắn liền với ĐCSTQ. Như một câu thơ cổ của Trung Quốc, “Hoa tàn hoa rụng biết làm sao”, sự sụp đổ của “triều đại đỏ” đã được báo động.
Vào năm 2020, một bản ghi âm đã bị rò rỉ trực tuyến và nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Trong đoạn ghi âm, Đảng viên lâu năm của ĐCSTQ là Thái Hà (Cai Xia), một cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương, trong một cuộc gặp mặt giữa các hồng nhị đại (những hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ), đã cáo buộc ĐCSTQ là một “thây ma chính trị”.
Bà Thái sau đó đã bị khai trừ khỏi Đảng và bị tước lương hưu. “ĐCSTQ bây giờ là một thây ma chính trị. Tôi không nghĩ rằng Đảng này có khả năng thực hiện chuyển đổi chính trị nào cho xã hội Trung Quốc”, bà nói với VOA. “Chính cái Đảng đó mới cần phải ra đi”. Bà Thái cũng tiết lộ rằng có tới 60% đến 70% Đảng viên đồng quan điểm với bà.
Có lẽ bà Thái Hà đã không hề cường điệu hóa khi tiết lộ như vậy. Theo thông tin trên trang web chính thức của Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu Thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào đầu tháng 2 năm 2022, có khoảng 400 triệu người Trung Quốc đã tuyên bố thoái Đảng và các tổ chức liên đới của nó.
Ngày nay, ĐCSTQ đang phải đối mặt với áp lực trong nước khi người dân ngày càng tiếp cận được thông tin chân thực và ĐCSTQ không còn che giấu được những lời nói dối của mình với các cộng đồng quốc tế nữa.
Chris Patten, thống đốc Hồng Kông cuối cùng trước khi Hồng Kông được trao trả về đại lục, cựu ủy viên EU phụ trách các vấn đề đối ngoại và là Hiệu trưởng Đại học Oxford, đã từng viết: “…Điều cuối cùng mà thế giới nên làm là tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Liệu sự tẩy chay ngoại giao của nhiều quốc gia trên toàn thế giới đối với Thế vận hội Bắc Kinh có phải là hồi chuông cảnh báo cho Tập Cận Bình rằng tương lai của ông sẽ chỉ được đảm bảo nếu ông tách mình ra khỏi ĐCSTQ hoặc thậm chí giải thể nó?
Năm 2022, Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa đông, cũng như Đức vào năm 1936. Hai chính quyền độc tài đều muốn lợi dụng cơ hội đăng cai này để phô trương về chế độ chuyên chế của mình. So sánh này của tỷ phú George Soros trên Fox Business rất thú vị, và cần làm rõ thêm tằng ĐCSTQ không chỉ kiểm soát người dân mà còn hủy hoại linh hồn và tước đoạt mạng sống của họ.
So với lịch sử 5.000 năm của Trung Hoa, vài thập niên cai trị của ĐCSTQ chỉ là cái chớp mắt. Ông Tập thường bày tỏ tình yêu dành cho văn hóa truyền thống Trung Quốc, chẳng hạn như khi ông phản đối quyết định cắt giảm các bài thơ cổ của Trung Quốc trong sách giáo khoa của học sinh tiểu học vào năm 2014 của Cục Giáo dục Thượng Hải, hoặc khi ông bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Nhạc Phi, một danh tướng nổi tiếng thời Nam Tống từ khi còn nhỏ. Truyền thuyết kể lại rằng mẹ của Nhạc Phi đã xăm lên lưng ông 4 chữ lớn: Tinh Trung Báo Quốc (尽忠報國, hết lòng trung để trả ơn quốc gia). Tân Hoa Xã thuật lại rằng khi Tập Cận Bình lên 5-6 tuổi, mẹ của ông đã mua cho con trai những cuốn truyện tranh về Nhạc Phi. “Tinh Trung Báo Quốc: Tôi đã khắc ghi 4 chữ này từ lâu. Đó là mục tiêu theo đuổi của cả cuộc đời tôi”, ông Tập nói.
Tuy nhiên, “tinh trung báo quốc” hoàn toàn khác biệt với việc cống hiến cả đời cho Đảng Cộng sản. Trước khi ĐCSTQ ra đời, Trung Quốc đã sáng tạo ra một trong những nền văn minh huy hoàng nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, sau khi nắm quyền kiểm soát Trung Quốc, ĐCSTQ bắt đầu chôn vùi văn hóa truyền thống của Trung Quốc, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Chỉ khi dứt khoát đoạn tuyệt với tà linh cộng sản Trung Quốc, sử dụng quyền lực trong tay để nhanh chóng giải thể cái đảng xấu xa này, ông Tập mới thực sự hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” của mình và mở ra một tương lai tươi sáng cho đất nước Trung Quốc.
Giống như trong một bài thơ của Mạnh Hạo Nhiên, một nhà thơ lớn thời Đường:
“Việc đời thay thế nhau,
Luân chuyển thành kim cổ;
Non sông lưu danh tích,
Đời đời ta ngưỡng xem”.
Theo Teresa Jones – The BL
Thanh Tâm biên dịch