Ông Tập: Trung Quốc vẫn tiếp tục với chiến lược “Zero COVID”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm (17/3) cho biết Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID-19”, hai ngày sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) ban hành các hướng dẫn mới nhằm nới lỏng các biện pháp kiểm soát.

Phát biểu tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, ông Tập cho biết Trung Quốc nên “tiếp tục đặt con người và cuộc sống lên hàng đầu, tuân thủ tính chính xác của khoa học và chiến lược Zero linh hoạt, đồng thời hạn chế sự lây lan của dịch bệnh càng sớm càng tốt”, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.

Vào khuya thứ Ba, NHC đã lặng lẽ tải lên trang web của mình một tài liệu mới. Với tiêu đề là Kế hoạch chẩn đoán và điều trị virus corona mới, đây là bản sửa đổi thứ chín của tài liệu hoạch định chính sách COVID-19 cho đất nước 1,4 tỷ dân.

Các cập nhật đối với hướng dẫn thường không được chú ý nhiều, ngoại trừ trong những ngày đầu của đại dịch.

Nhưng phiên bản mới nhất có một cập nhật quan trọng: Bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ không còn phải nhập viện mà có thể đến các cơ sở cách ly tập trung. Động thái này được cho là giảm bớt áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe; điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc đang phải gồng mình chống chọi với nhiều ca nhiễm hơn nhưng nhẹ hơn.

Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, với 2.627 ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 17/3. Gần một nửa trong số đó không có triệu chứng.

Đây là điển hình của các ca nhiễm biến thể Omicron, được cho là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca nhiễm trong đợt gia tăng hiện nay.

Giờ đây, bệnh nhân sẽ chỉ phải nhập viện nếu tình trạng của họ trở nặng. Trước đây, tất cả các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính đều phải nhập viện, gây căng thẳng rất lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Những người đã khỏi bệnh giờ sẽ chỉ cần theo dõi sức khỏe 7 ngày tại nhà thay vì cách ly 14 ngày như quy định trước đây.

Các nhà chức trách cũng đã cho phép bán các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên, có thể được sử dụng ngoài chế độ xét nghiệm axit nucleic.

Trước đó, Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng tất cả các xét nghiệm chỉ được tiến hành tại các phòng thí nghiệm và bệnh viện được chính phủ phê duyệt. Nhưng với việc cho phép bán bộ dụng cụ tự xét nghiệm, những người phải xét nghiệm thường xuyên, bao gồm cả khách du lịch mới đến, giờ đây có thể tự làm điều này, qua đó giảm thiểu nhân lực y tế cần phục vụ. Kết quả sẽ cần được báo cáo cho chính quyền địa phương.

Sự thay đổi này đã được các nhà lãnh đạo cao nhất coi là một “cải cách” trong các biện pháp ứng phó với virus của đất nước.

Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hôm 17/3, ông Tập cho biết các biện pháp COVID-19 của đất nước đang ở vị trí “dẫn đầu” trên toàn thế giới, nhưng kêu gọi chúng phải được hoàn thiện hơn nữa để giảm thiểu sự gián đoạn đối với cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế.

“Kiên trì là chiến thắng,” ông Tập nói.

Trong khi chiến lược phong tỏa, xét nghiệm diện rộng và truy vết của Trung Quốc được coi là đã thành công trong những đợt bùng phát trước, làn sóng Omicron gần đây đang đặt hệ thống chăm sóc sức khỏe vào tình trạng căng thẳng hơn bao giờ hết. Mọi người cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với các biện pháp này, dẫn đến sự phục hồi kinh tế chậm chạp, đặc biệt là về chi tiêu của người tiêu dùng.

Nhưng các phương tiện truyền thông nhà nước đã nhanh chóng bác bỏ quan điểm cho rằng việc nới lỏng chiến lược Zero COVID-19 của Trung Quốc dẫn đến việc các cơ quan y tế từ bỏ cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của virus và “nằm im” như các quốc gia khác đã chọn để cùng tồn tại với COVID-19.

Bài xã luận của Thời báo Hoàn Cầu hôm thứ Tư cho biết: “Nếu hàng chục triệu người bị nhiễm bệnh, người dân Trung Quốc không thể chịu đựng được, hệ thống y tế Trung Quốc không thể chịu được gánh nặng như vậy, và không có cách nào để nói về cuộc sống kinh tế và xã hội bình thường”.

Truyền thông nhà nước nói rằng các thành viên của Bộ Chính trị trong cuộc họp ngày hôm qua đã nhấn mạnh rằng các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ vẫn được giữ nguyên.

Lê Vy (theo Strait Times)

Related posts