Du Uyên
“Người ta điên hết rồi!” Đó là câu nói gần đây tôi hay nói về hậu Cúm Vũ Hán, bởi vì những thiệt hại về kinh tế, mất mát người quen/người thân, đọc các tin tức về cách chính phủ “đánh dịch như đánh giặc”… nên người đã nhiễm hay chưa nhiễm loại virus này đều có những tổn thương tâm sinh lý riêng. Chính Du Uyên còn nhận thấy thần kinh mình có vấn đề, dầu xưa giờ không ai nói Du Uyên tỉnh táo.
Cứ tưởng nhiêu đó đã nặng nề, không ngờ Nga mang xe tăng chạy vào xâm lược Ukraine, kéo giá xăng và giá mọi thứ càng lên cao, giá vận chuyển hàng hóa quốc tế lẫn trong nước cũng tăng gấp mấy lần – trong khi những món tận dụng dịp Tết để tăng chưa kịp xuống giá… Người ta vừa bắt tay xây lại cuộc sống đã gặp cản trở. Trước Tết, cô hàng xóm vay một cây vàng để xây lại cái tiệm, định qua Tết trả nợ cho đỡ tốn tiền đóng lãi, nay vàng lên, tiền một cây vàng giờ gần bằng cây rưỡi trước Tết, vàng lên thì lãi nợ cũng tăng theo… Chưa kể xăng tăng, vật giá leo thang… tính theo ngày. Ở xứ văn minh thì người dân xuống đường biểu tình đòi hỏi giá xăng hợp lý hơn. Chứ ở Việt Nam thì cô hàng xóm chỉ có cách xuống đường tranh thủ đổ đầy bình xe hoặc lấy thùng, lấy vại ra để tranh thủ trữ một ít xăng – Nếu không cháy/nổ thì tiết kiệm được vài buổi chợ. Gạt nước mắt nhìn người dư dả hơn thì ngồi gõ phím mỉa mai những người chen chúc đổ xăng, không sợ bị lây cúm Tàu. Nhưng đâu phải ai cũng có trái tim mạnh mẽ, đủ kiên cường đối đầu với dòng đời… như cô hàng xóm.
Bởi vậy, trên mạng không ít những lời than thở, những bài viết buồn bã về tình hình kinh tế và tương lai lạm phát. Ở ngoài, đi tiệm nào cũng tăng giá đồ ăn một ít hoặc xin khách thông cảm vì bớt một cục thịt, miếng chả trong tô để có thể nguyên giá cũ… Hầu như mỗi bữa, mở tờ báo nào/trang mạng xã hội nào cũng thấy nhiều vụ án giết người hơn – đa số với lý do rất là dở hơi. Như Phạm Thanh Long (23 tuổi, ở Vũng Tàu), do bực bội hàng xóm không dám nói nên xách xe máy, cầm theo con dao đi… “chém dạo” những người không quen biết trên đường. Trong những nạn nhân của Long có cô bé 15 tuổi, bị vết thương sâu từ giữa 2 chân mày lên đến trán dài 12cm. Ở Tiền Giang, hai thanh niên (sinh năm 2002) cũng chém mất mạng một người không quen biết, chỉ vì anh này nói “giờ này (nửa khuya) còn cầm hàng chạy”.
…Số người trầm cảm, tự tử cũng ngày càng đông, có cả những đứa trẻ (có lẽ vì dịch bệnh phải học online, rồi vì học online mà chịu đựng nhiều áp lực từ gia đình?)… Còn có rất nhiều vụ án, cái chết không được nhà báo và cư dân mạng “quan tâm”, nó vẫn xảy ra. Một cái đáng nói nữa là, gần đây không hiểu sao số người đột tử cũng tăng cao, chưa rõ là lý do bởi di chứng sau khi nhiễm Cúm Vũ Hán hay nguyên nhân gì? Riêng trong vòng quen biết của tôi, trong mấy tháng qua đã có nhiều người ra đi với nguyên nhân “đột tử”, toàn người còn trẻ và khỏe mạnh. Hầu như mỗi ngày, trên mạng xã hội đều có “tin buồn” từ người quen đến không quen biết, làm tôi cũng chán nản. Không biết có nên cảm thấy quen với cảm giác hụt hẫng đó không nữa…
Thiên tai, dịch bệnh, loạn lạc, chết chóc… như những cánh hoa hồng đen cùng nhau đua nở, kinh tế xuống dốc, thú tánh lên ngôi. Bên cạnh người cố giãy giụa ra khỏi vũng lầy, gây dựng lại sự nghiệp, làm lụng mang tiền về; thì cũng có quá nhiều người chọn thỏa hiệp với cái xấu, mang tiền án về. Ở nơi dù có quá nhiều kẻ phạm pháp “lành nghề”, có tổ chức (thậm chí là có giấy phép) nhưng có luôn “lực lượng an ninh giỏi nhất thế giới” như Việt Nam, thì việc xấu quả tình không dễ làm chút nào. Vì vậy, chúng ta có những câu chuyện không biết nên cười hay khóc với những kẻ “khởi nghiệp” đi cướp, lừa đảo:
Trên Facebook có rất nhiều nhóm chia sẻ chính kiến, nỗi buồn, nỗi sợ, niềm vui, những góc khuất tâm hồn, thậm chí là chia sẻ về tình dục… Nên việc có một nhóm tên “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” không có gì lạ, cho đến khi hội này liên tục lên báo:
Nguyễn Tùng Lâm (35 tuổi, Hưng Yên), Tô Văn Tình (29 tuổi, Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (28 tuổi, Thanh Hóa) quen biết qua “hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, thấy nói chuyện hợp ý, cùng chí hướng, nên cả ba đã gặp nhau, cùng “khởi nghiệp”. Ðầu tiên, họ rao bán điện thoại trên mạng, sau khi có khách hàng. Họ cùng nhau giao điện thoại tới nhà khách như hẹn. Nếu khách ở một mình, họ cùng… trói chủ nhà và cướp tài sản. Do lần đầu đi cướp còn bỡ ngỡ, lỡ để camera thấy mặt, cả 3 bị bắt sau 5 ngày.
Cũng qua nhóm “hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, Trần Văn Hào (35 tuổi, Hà Tĩnh) và Phan Ngọc Trăm (23 tuổi, Lạng Sơn) phải lòng nhau vì nhận ra cả hai có nhiều điểm chung. Anh Hào có súng, em Trăm có con mồi. Một bữa đẹp trời, cả hai đột nhập vào phòng ngủ của một cặp vợ chồng ở Thạch Thất (Hà Nội), nổ súng, dùng dao đe dọa, yêu cầu đưa 100 tỷ đồng. Sau khi lấy được 200 triệu, nhóm cướp tiếp tục trói gia chủ vào ghế và yêu cầu chuyển thêm 5 tỷ đồng nếu không sẽ giết cả nhà, gia chủ hẹn hôm sau mới có tiền. Cả hai tin và bị bắt khi chưa kịp xài hết 200 triệu. Ở đời, ai lại đi tin kẻ mà mình cướp bao giờ? Ðúng là tấm chiếu mới, chưa trải sự đời.
Cũng bén duyên từ “hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, cùng trú tại Hà Nội) đã cùng nhận ra tham vọng của nhau. Họ không chọn đi con đường vòng như các “đồng nghiệp” ở trên, họ mang súng bật lửa, dao đến thẳng Ngân hàng VietinBank ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cướp luôn 500 triệu đồng trong vài phút. Cái gì tới nhanh thì mất nhanh, vừa chạy ra khỏi cửa ngân hàng không xa, Hiếu và Tùng bị đụng xe nên làm rơi 300 triệu đồng và “khẩu súng” nhóm bếp. Họ bị bắt sau một ngày gây án, cũng vì thiếu kinh nghiệm.
Không biết trong những người trên, ai là kẻ đầu tiên khai tên nhóm ra, khiến cho nó nổi bồng bềnh khắp cõi. Nhóm có gần 124 ngàn thành viên này đã bị khóa lại. Có lẽ để bảo vệ các thành viên “cùng chí hướng” khác, nếu họ chưa kịp gây án, hoặc gây rồi nhưng chưa bị bắt? Cũng có thể để những người lập ra nhóm này trốn tránh sự nhung nhớ của pháp luật? Nhưng vào Facebook tìm mới thấy, nhu cầu “làm liều” của cư dân mạng Việt Nam ngày càng cao. Có rất nhiều nhóm “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” mới được lập ra, số thành viên tăng chóng mặt, toàn hàng chục, hàng trăm ngàn người. Một là vì sự ham vui của cư dân mạng, hai có lẽ là do nhiều người “vỡ nợ muốn làm liều”, cần tìm “đồng chí” thật? Trong các nhóm mới này, các bài viết phân tích, chia sẻ “kỹ năng” trộm/cướp không ít, toàn từ các nick mới lập/giấu danh tính. Có lẽ để không bị pháp luật truy ra. Cũng có thể tự các cán bộ điều tra, cố tình gài bẫy…
Không biết tại Sài Gòn, nơi có lẽ chứa nhiều “người vỡ nợ muốn làm liều” nhất Việt Nam hiện nay, có nhóm nào hoạt động với mục đích tương tự hay chăng? Nhưng gần đây, các vụ cướp “khởi nghiệp” cũng nhiều. Như cặp nhơn tình Nguyễn Văn Dũng (sanh năm 1992, ngụ quận 7) và Lâm Huyền Trang (sanh năm 90).
Dù Dũng có tiền án nhiều hơn tiền mặt, nhưng Trang vẫn thương. Trang tin sẽ cảm hóa được Dũng, đưa chàng về với cuộc sống lương thiện, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Nhưng thuyền không chịu lái thì lái phải chịu thuyền, chuyện tình yêu từ bao đời nay là vậy. Tôi có người bạn còn ước mơ được cô nàng nào đó dũng cảm rủ đi ăn thịt chó, hắn nói “lãng mạn là khi làm gì đó mà cả xã hội ghét bỏ”, may quá, hắn không nói là ước có người rủ đi trộm chó, tôi là người đầu tiên quánh hắn một trận. Và Dũng đã thành công hơn bạn tôi, cảm hóa được Trang, cho nàng thấy được cái lợi của việc phạm pháp. Vì vậy, một ngày đẹp trời giữa tháng 3, Dũng chở Trang dạo phố rồi cả hai giật dây chuyền.
Không biết ra tù rồi, Trang có còn đi giựt dây chuyền nữa không? Vì coi như cũng có kinh nghiệm. Còn Dũng, với bề dày tiền án tiền sự, thì chắc sẽ tiếp tục phạm pháp. Vì theo cư dân mạng thì làm việc xấu cũng có thể gây nghiện như uống rượu, hút thuốc vậy.
Chiều chiều Sáu Bảnh ra quán Bar gọi 3 ly rượu uống hết rồi đi về. Chàng ta cứ lặp đi lặp lại chuyện đó trong một thời gian. Người phục vụ thấy thế rất tò mò, hỏi:
– Xin lỗi nếu sự tò mò của tôi làm ông thấy khó chịu. Nhưng tại sao lần nào đến đây ông cũng chỉ uống đúng 3 ly rượu?
Sáu Bảnh đáp: À, trước đây tui và hai ông anh bạn của tui hay đi uống rượu với nhau, nhưng có một nguyên tắc là mỗi người chỉ được uống một ly rượu.
– Thế hai người anh của ông đâu rồi?
– Họ đã moved qua Seattle để sinh sống nên giờ chỉ còn mình tôi. Nhưng mỗi khi đến quán rượu tôi vẫn gọi 3 ly để uống để cảm thấy như họ vẫn luôn bên tôi.
Người phục vụ tỏ ra rất cảm động vì tình cảm Sáu Bảnh dành cho hai anh bạn của mình. Cho đến một ngày, Sáu Bảnh lại đến quán rượu nhưng lần này chỉ gọi hai ly rượu. Người phục vụ lại tò mò hỏi:
– Tại sao hôm nay ông chỉ gọi hai ly vậy? Có phải đã có chuyện gì không hay xảy ra?
– À không, mọi việc vẫn tốt. Chỉ là tôi hứa với vợ tôi là phải cai rượu rồi.