Phạm thị Hoài
“Moskva, tình yêu của tôi“, tên bộ phim mà có lẽ mọi người Việt miền Bắc thế hệ tôi đều biết đã giúp tôi chịu đựng thủ tục du lịch Mạc Tư Khoa hơn mười năm trước. Với Nga, tấm hộ chiếu quyền lực của Đức chỉ là tếp giấy lộn in chìm hình đại bàng. Bạn không thể là một thường dân vui chân ghé đại sứ quán Nga ngự trên 1.500 mét vuông lãnh thổ Liên Sô cũ tại đại lộ trọng yếu nhất Berlin cách Cổng Brandenburg chưa đầy 300 mét, bảo mình có hẹn với Pushkin là được đóng cộp một thị thực. Nước Nga thích làm khó, bạn phải chứng tỏ mình xứng đáng bị hành hạ. Yêu thì phải trả giá, tình cho không biếu không là tình dối trá, tình vứt đi. Nhưng khi tôi hạ quyết tâm hoàn thành cả chục điều kiện thị thực, trước hết là xin gấp một giấy mời từ Pushkin, thì té ra không có gì là thật và mọi thứ đều có thể, đúng như tên cuốn sách của Peter Pomerantsev về nước Nga triều đại Putin. Hãy trả một khoản lệ phí đủ lớn cho một văn phòng cò mồi nào đó là tất cả xong hết, ngay trong ngày, nếu Pushkin không ký giấy mời thì Tolstoy. Проблем? Нет!
Đây là cuộc hò hẹn đầu tiên của tôi với Moskva. Lần chạm mặt thứ nhất không chủ định. Tôi thuộc lứa du học sinh có lẽ cuối cùng sang châu Âu bằng tàu liên vận. Chặng đầu Hà Nội – Đồng Đăng, đường sắt quê hương sau chiến tranh, như đã biết. Chặng thứ hai tàu Trung Quốc, toa hạng nhất, chăn gối phẳng phiu thơm phức, bàn ăn trải khăn trắng, đồ sứ mỏng, nhân viên mặc đồng phục nghiêm chỉnh, mặt lạnh như băng nhưng phục vụ hoàn hảo, chúng tôi là khách quốc tế. Chặng thứ ba tàu Liên Sô, chúng ta là bạn bè vô sản. Buồng vệ sinh xin mời tự dọn, giường chiếu tự thu xếp, ăn xong tự rửa chén rồi ra nghe nhân viên hát Ka-chiu-sa với Ka-lin-ka đệm ghi-ta sôi nổi. Trước chặng cuối đi Đông Âu, chuyển tàu ở Moskva, anh trai một bạn cùng nhóm, sinh viên Lomonosov, đón chúng tôi về ký túc xá ăn cơm với bắp cải luộc và xúc xích mỡ cắt nhỏ. Tôi tự nhủ, thiên đường cũng chỉ thế thôi, sau những ngày ăn món Tàu ngập dầu và món Nga súp, bánh mì, súp. Mạc Tư Khoa như thế nào, tôi không biết. Hình như cả nhóm có ra Quảng trường Đỏ. Hình như có xem tượng ông này ông nọ, tháp chuông này tháp chuông kia.
Lần này tuổi tôi đã gấp ba lần trước, nước Nga đã qua hai thập niên giã từ quá khứ Sô-viết và thế hệ người Việt học khóa cuối ở đó đã giã từ quá khứ bán mì gói để bước vào Danh sách Forbes. Ở thời điểm tôi đến, Moskva đã vượt qua New York để trở thành thủ phủ của tỉ phú và sánh vai 5 thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tiệm ăn xuất sắc và cắt cổ không thiếu, phần lớn là haute cuisine, có cả vài nhà hàng avant-garde biểu diễn ẩm thực phân tử cho loại khách không còn trưng Lacoste nhưng đeo Hublot. Song lựa chọn còn lại là những quán xá nặng nề ngao ngán hoặc những căng-tin thiếu tất cả nhưng thừa phũ phàng. Nên màu vàng chữ M của McDonald’s chưa bao giờ và ở đâu lại rực rỡ trong mắt tôi như nhìn từ Tượng đài Pushkin với dòng thơ khắc “Giữa thời tàn khốc, tôi hát khúc tự do“, điểm hẹn truyền thống của giới đối kháng ở Moskva xã hội chủ nghĩa, Moskva “dân chủ định hướng” và Moskva “chuyên chế hậu hiện đại”.
Chi nhánh McDonald’s hoành tráng nhất quả đất ấy khai trương ngày 31/1/1990, như một cử chỉ vuốt mắt cho Liên Sô đang hấp hối, với sức chứa gần 1.000 khách trên tổng diện tích 2.200 mét vuông, 28 quầy phục vụ, 630 nhân viên tuyển từ 27.000 đơn xin việc, ngày mở hàng bán hết 31.000 suất Big Mac với khoai tây chiên và Coke, giá 5 rúp, tức nửa ngày lương công nhân. Trong giá rét xám xịt của mùa Đông nước Nga, chữ M vàng rực ấy còn chấn động người Moskva hơn sự kiện Bức tường ở Berlin xa xôi sụp đổ. Tôi thuộc phe chống đối công cuộc McDonald’s hóa nhân loại; hễ có dịp là tôi đay nghiến những cục bột mềm oặt kẹp thịt tiệt trùng tha hóa đến gai vị giác cuối cùng trên lưỡi, túi khứu giác cuối cùng trong mũi, sợi thần kinh lang thang cuối cùng ở thực quản và giọt dịch vị cuối cùng của dạ dày con người. Song trong năm ngày ở Moskva tôi cho thành phố này một ngoại lệ. McDonald’s ở đây thuộc về nhân quyền, hơn cả thiên đường là bữa cơm với bắp cải luộc và xúc xích mỡ cắt nhỏ ở ký túc xá Lomonosov 34 năm trước.
Tôi cũng được thưởng thức bếp hoài niệm Sô-viết trong một quán thiết kế bằng các toa tàu cũ, bàn ghế đĩa chén và thức ăn thẳng thừng chửi vào mặt khách, rằng đã ngu đến mức tự tìm vào chốn này thì gắng chịu: Bạn xứng đáng bị hành hạ. Dịch vụ tưởng nhớ một quá khứ còn chưa xa ấy ở cạnh ga Kurskaya, không thuộc những bến metro tráng lệ nhất nhưng cũng đủ là một cung điện nguy nga dưới lòng đất. Vừa cải tạo nâng cấp xong, dòng chữ “Stalin dạy chúng ta trung thành với nhân dân, truyền cảm hứng cho chúng ta làm việc và hành động” trên vòm tiền sảnh, lời trong Quốc ca Liên bang Sô-viết nguyên thủy, thời khử Stalin bị tiêu hủy, lại hiện ra huy hoàng. Người Nga rồi sẽ quên Lenin, quên luôn cả lăng mộ xấu xí của ông trên Quảng trường Đỏ. Tôi đến đó chỉ thấy lèo tèo vài du khách, vào cửa miễn phí. Còn Stalin, như Ivan bạo chúa, sẽ sống mãi, cho một nước Nga vĩ đại trở lại. Song nhân viên các nhà ga metro, thành tựu vĩ đại bất tử của đế chế Sô-viết, không được Stalin truyền nhiều cảm hứng. Họ phần lớn là những phụ nữ luống tuổi, phờ phạc mệt mỏi và cáu kỉnh. Bạn đừng mong họ thân thiện. Toàn bộ dáng vẻ của họ đã xác định: Không có phép màu. Như toàn bộ kiến trúc trường phái Stalin, nhất định phải đồ sộ hùng vĩ, biểu thị sức mạnh và sự ưu việt, những cung điện phi thường dành cho nhân dân này không chờ ở bạn một tình yêu, mà đòi sự thần phục.
Để hoàn thiện một trải nghiệm, tiếp viên trưởng trong chuyến bay của tôi về Berlin với Aeroflot cũng là một phụ nữ Nga đứng tuổi mà mọi cử chỉ đều lấy lệ, đều bất đắc dĩ, đều như ra giá rằng mình chỉ làm đủ gói phận sự cơ bản, thêm chút niềm nở phải nâng hạng. Muốn thân ái thì trả giá.
Berlin, 14/3/2022