Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine nên được đề cử giải Nobel Hoà bình

Huyền Anh

Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine nên được đề cử giải Nobel Hoà bình
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo ở Kyiv, Ukraine vào ngày 3/3/2022. (Ảnh Getty Images)

Ông Ayaan Hirsi Ali, cựu thành viên Quốc hội Hà Lan cùng ông Karin Karlsbro, thành viên Nghị viện châu Âu và gần ba chục nhà lập pháp châu Âu đã thúc giục Ủy ban Nobel Na Uy đề cử giải Nobel Hoà bình cho Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine do cuộc chiến Nga – Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người dân Ukraine nên được đề cử giải Nobel Hòa bình.

“Thế giới bàng hoàng trước những hình ảnh chiến tranh đến từ Ukraine. Hàng triệu gia đình hiện đang sống trong sợ hãi, nhà cửa và sinh kế của họ bị đe dọa bởi các cuộc bắn phá bởi một đội quân xâm lược. Chúng tôi là nhân chứng cho lòng dũng cảm của người dân Ukraine khi phải gánh chịu cuộc chiến này do Liên bang Nga gây ra”, theo một bức thư ngày 11/3 và được công bố ngày 17/3.

“Những người đàn ông và phụ nữ Ukraine dũng cảm đang chiến đấu để bảo tồn nền dân chủ và chính phủ tự trị. Từ việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được bầu một cách dân chủ đến những người đàn ông rơm rớm nước mắt từ biệt gia đình để chiến đấu cho đất nước mình, người dân trên khắp Ukraine đang vùng lên để chống lại các thế lực của chủ nghĩa độc tài. Những lời thông cảm và ủng hộ của chúng ta khó có thể mang lại công lý và những hy sinh mà họ đánh đổi cho các nguyên tắc nhân quyền và hòa bình”, bức thư cho biết.

Các chính trị gia lập luận rằng, một cách để ủng hộ người dân Ukraine là trao cho họ giải thưởng này.

Họ yêu cầu ủy ban mở lại thủ tục đề cử – đã được đóng vào tháng 1/2022, cho đến cuối tháng 3/2022, để cho phép đề cử giải Nobel Hoà bình cho ông Zelensky và những người Ukraine khác.

“Mặc dù chúng tôi nhận thức được rằng đây là một sự phá vỡ thủ tục, nhưng chúng tôi tin rằng sự phá vỡ này là chính đáng bởi sự việc xưa nay chưa từng có. Nhiệm vụ dân chủ của chúng ta là đứng lên chống lại chủ nghĩa độc tài và ủng hộ một người dân đấu tranh cho dân chủ và quyền tự lập chính phủ của họ. Nền văn minh mỏng như tờ giấy, chúng tôi là những người bảo vệ nó và chúng tôi không bao giờ có thể nghỉ ngơi”, nhóm này viết.

Ủy ban đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trước thời hạn, ủy ban đã nhận được 343 đề cử, trong đó có 251 đề cử cho cá nhân, tăng từ 329 đề cử cho giải thưởng năm 2021.

Giải thưởng này đã được trao chung cho bà Maria Ressa, một nhà báo người Philippines, người đã thành lập một trang báo có tên Rappler, và ông Dmitry Muratov, tổng biên tập của Novaya Gazeta, một tờ báo của Nga.

Giải Nobel Hòa bình thuộc về nhà báo Maria Ressa (Philippines) và Dmitry Muratov người Nga, ủy ban giải Nobel Hòa bình đã công bố vào ngày 8/10/2021 tại Oslo. (Ảnh Getty Images)

“Báo chí tự do, độc lập và dựa trên sự thật nhằm bảo vệ chống lại sự lạm quyền, dối trá và tuyên truyền chiến tranh. Ủy ban Nobel Na Uy tin chắc rằng, tự do ngôn luận và tự do thông tin giúp đảm bảo công chúng có được thông tin chính xác. Những quyền này là điều kiện tiên quyết quan trọng cho nền dân chủ và bảo vệ chống lại chiến tranh và xung đột”, ủy ban cho biết vào thời điểm đó. “Việc trao giải Nobel Hòa bình cho bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền cơ bản này”.Huyền AnhTheo The Epoch Times

Related posts