Nguyên Phong
Thi hào Puskin viết “Người con gái viên đại úy” ca ngợi tình người chân thành vượt lên hận thù sắc tộc giữa một người Nga và một người Cossack, cũng như kết mối duyên lành của đôi trai gái khác biệt về đẳng cấp xã hội…
Bối cảnh của kiệt tác “người con gái viên đại úy”
Một thanh niên quý tộc Nga 17 tuổi, lần đầu tiên rời nhà lên đường nhập ngũ. Nguyên nhân là cha chàng, một cựu sĩ quan thấy rằng đã đến lúc cho cậu con trai duy nhất nếm mùi đời lính tráng cho rắn rỏi cứng cáp thêm ra. Chàng thanh niên lúc đầu sướng rơn vì tưởng mình được gửi về quân đoàn ở thủ đô Petersburg – nơi phồn hoa đô hội, thì tha hồ mà bay nhảy. Chẳng ngờ người cha đã gửi gắm chàng cho một đồng đội cũ làm tướng ở Orenburg – thành phố pháo đài ở biên giới với Kazakhstan ngày nay, một nơi hứa hẹn sẽ đánh đấm ra trò. Lúc chia tay, cha chàng nhắn nhủ: “phải giữ gìn quần áo từ khi hãy còn mới, phải giữ gìn danh dự từ khi hãy còn trẻ trung”. Mẹ chàng thì ứa nước mắt như thể khó có ngày gặp lại “cục cưng”. Còn cậu công tử lúc đó thì khóc như mưa như gió, chẳng phải sợ chiến đấu mà vì tiếc đời trai phí hoài nơi khỉ ho cò gáy. Đi theo chàng chỉ có người lão bộc trung thành.
Đoạn đầu của tiểu thuyết văn sử “Người con gái viên đại úy” có thể được tóm tắt như vậy. Nói rằng đây là tiểu thuyết văn sử vì thi hào Puskin khi viết cuốn chính sử: “Lịch sử cuộc nổi dậy của Pugachyov” (1), thì đồng thời cũng viết tác phẩm văn sử này, bối cảnh của tác phẩm là khoảng năm 1773-1775. Cả hai tác phẩm đều lấy nhân vật lịch sử Pugachyov (một thủ lĩnh nông dân người Cossack ở miền nam nước Nga gần Kazakhstan) và cuộc nổi loạn của ông ta làm chủ đề chính. Nhưng tiểu thuyết “Người con gái viên đại úy” khai thác hình tượng Pugachyov thông qua quan hệ với nhân vật chính mà có khả năng là hư cấu – Peter Andreyevich Grinyov, chính là chàng thanh niên trong đoạn tóm tắt vừa rồi. Dẫu sao, đây cũng là kiệt tác văn học mang đậm tư tưởng của Puskin về chiến tranh, về tình người chân thành vượt lên hận thù sắc tộc và định kiến đẳng cấp…
Tóm tắt mạch chính tiểu thuyết
Peter Grinyov được lão bộc Saveelich hộ tống đến nơi đóng quân. Trên đường đi, xe ngựa của họ gặp bão tuyết nên lạc đường. Một người lạ mặt đã chỉ đường cho họ đến nơi tạm trú an toàn. Grinyov tỏ vẻ đồng cảm với khó khăn của người dẫn đường. Khi chia tay, chàng bảo lão bộc lấy chiếc áo tu-lúp da thỏ còn mới của mình cho người dẫn đường mặc vì thương anh ta rét lạnh, và cũng để trả ơn.
Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Grinyov với Pugachyov – người sau này là thủ lĩnh Cossack của cuộc nổi dậy chống lại triều đình Nga của nữ hoàng Catherine II. Pugachyov lúc này vừa trốn tù, đang lang thang khắp vùng thảo nguyên để tập hợp lực lượng phiến loạn. Cuộc gặp gỡ tình cờ này là khởi điểm kịch tính của câu chuyện.
Grinyov đến thành Orenburg, được vị tướng Karlovich ở đây là đồng đội cũ của cha chàng gửi đến đồn Belogorsk, một nơi còn xa hơn Orenburg về phía biên giới với Kazakhstan. Nơi đây chỉ có một lực lượng nhỏ yếu, đứng đầu là đại úy Mironov. Thời gian buồn chán của Grinyov không lâu, vì anh dần quý mến hai vợ chồng ông đại úy nghèo nhưng tốt tính và nhất là cô con gái Masha của họ – một cô gái 18 tuổi xinh xắn, thông minh tốt bụng nhưng nhút nhát e thẹn. Thời gian trôi đi, đôi nam nữ dần bén duyên nhau, dù ngăn cách họ là gia cảnh chênh lệch giữa hai nhà, và sự phản đối của người cha uy quyền của Grinyov. Masha và Grinev. Bản vẽ của P. P. Sokolov. (Phạm vi công cộng)
Giữa lúc ấy thì lực lượng nổi dậy của Pugachyov tấn công và chiếm được đồn Belogorsk, vợ chồng ông đại úy bị giết, toàn quân đồn trú tan rã. Masha ẩn trốn trong nhà vợ chồng cố đạo địa phương. Grinyov bị bắt và sắp bị giết thì Pugachyov phát hiện được anh. Pugachyov vẫn nhớ cái ơn cũ, nhưng chính thái độ đường hoàng và chân thật của Grinyov mới khiến hắn nể vì.
Pugachyov thả anh đi, không quên tặng anh ngựa và phương tiện đi đường. Grinyov ngay lập tức đi cầu cứu viện ở Orenburg mà không xong. Ở đây, anh nhận thấy sự yếu kém trong phản ứng của quân đội triều đình, nhưng phẩm chất của một người quý tộc khiến anh không làm loạn. Bất chấp nguy hiểm, một mình anh lại quay về Belogorsk, đối mặt với Pugachyov và cả sự tra vấn của những tên kẻ cướp khét tiếng. Vẫn với thái độ cứng cỏi nhưng đúng mực, chân thành, anh đã có lúc khiến Pugachyov xúc động. Hắn thả cho Peter Grinyov và Masha đi. Masha về quê nhà Grinyov ở với bố mẹ anh, còn Grinyov thì tham gia chiến đấu cho đến hết chiến tranh.
Tai họa ập đến, có người tố cáo Grinyov thông đồng với Pugachyov. Vốn có thể tự bào chữa, nhưng Grinyov không muốn kéo Masha vào cuộc hỏi cung, phải đối chất với những nhân chứng đê tiện, sợ rằng một phụ nữ nhút nhát và tự trọng như Masha sẽ không chịu đựng nổi. Vậy nên anh đối mặt với án tử hình.
Từ quê nhà của Grinyov, nghe tin dữ, Masha quyết định hành động. Cô một mình lên thủ đô Petersburg, tìm cách gặp được nữ hoàng Catherine II khi bà đi dạo trong công viên vào buổi sáng, trình bày với bà sự tình. Nữ hoàng trân trọng sự tuẫn tiết của vợ chồng đại úy Mironov và bị thuyết phục bởi sự trong sáng của Masha, bà tha tội cho Grinyov, tặng Masha một món hồi môn để tỏ lòng biết ơn đại úy Mironov. Peter và Masha sống hạnh phúc bên nhau. Những giờ phút cuối cùng trên đoạn đầu đài của Pugachyov, Peter Grinyov có chứng kiến và hai người trao đổi ánh mắt từ biệt nhau lần cuối.
Sự đối đãi chân thành vượt lên hận thù sắc tộc
Puskin rất thích tính cách của Pugachyov, đó là lý do ông xây dựng những tình tiết văn học để khắc họa nhân vật này một cách sinh động.
Đối với quân đội triều đình Nga, Pugachyov là một hung thần, nhưng đối với riêng Grinyov, Pugachyov lại thể hiện mặt hảo hán, mã thượng. Hắn trân trọng lòng trắc ẩn của Grinyov đối với hắn – một người xa lạ, khi hai bên gặp nhau giữa đồng hoang tuyết lạnh và Pugachyov đang phải trốn lánh sự truy lùng của chính quyền.
Tuy vậy, lần thứ hai gặp lại, họ ở hai bên đối địch, quân đội kẻ cướp của Pugachyov hành quyết tàn nhẫn quân đội triều đình. Một quân nhân quý tộc Nga làm sao có thể được một nông dân Cossack tha chết chỉ vì một cái áo tu-lúp da thỏ?
Một kẻ hung bạo, chưa chắc là kẻ đã mất hết tính người. Hắn vẫn dành sự trân trọng cho khí tiết của địch thủ, và lòng chân thật, thái độ đường hoàng đúng mực được coi như một sự tôn trọng địch thủ dành cho mình, dẫu có nghịch với bản ý.
Như trích đoạn dưới đây:
“Thế ngươi không tin rằng ta là đức vua Piốt Phiôđôrôvích ư? Thôi được, tuỳ ngươi, nhưng chả nhẽ người dũng sĩ lại không thể thành công bao giờ sao? Ngày xưa, Grisa Ôtơrêpiép chẳng đã lên ngôi là gì? Ngươi muốn nghĩ thế nào về ta thì nghĩ, nhưng hãy đi theo ta. Ngươi cần gì so đọ vua này hay vua khác? Vua nào mà chả là vua. Ngươi phụng sự ta cho trung thành ngay thẳng, rồi ra sẽ phong ngươi làm nguyên soái, làm quận công, ngươi nghĩ sao?
Tôi cứng cỏi đáp:
– Không. Tôi là một người dòng dõi quý tộc; tôi đã tuyên thệ với đức Nữ hoàng: tôi không thể theo ông được. Nếu ông thật bụng muốn giúp tôi, ông hãy thả cho tôi về Ôrenburg.
Pugatsốp ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:
– Thế nếu ta thả cho ngươi đi, thì ít nhất ngươi cũng phải hứa với ta là sẽ không cầm vũ khí chống lại ta chứ.
Tôi đáp:
– Làm sao tôi có thể hứa với ông như vậy được? Chính ông cũng biết rằng cái đó có phải tự ý tôi quyết định được đâu. Nếu họ ra lệnh tôi đi đánh ông, tôi sẽ đi, không có cách nào khác. Bây giờ chính ông cũng là một cấp chỉ huy; chính ông cũng đòi hỏi quân lính của ông phục tòng mệnh lệnh. Khi quân đội đang cần đến tôi, mà tôi lại thoái thác, thì còn ra cái gì nữa. Tính mạng của tôi hiện ở trong tay ông; ông thả cho tôi đi, tôi xin cảm ơn ông, ông giết tôi, trời sẽ phán xét ông, còn tôi thì tôi đã nói thật với ông rồi đấy.” (2)
Lần thứ ba gặp lại còn nguy hiểm hơn lần thứ hai, vì Grinyov đã được tha chết, mà lại tham gia lực lượng quân đội chống lại Pugachyov ở Orenburg. Nhưng anh khéo léo cho Pugachyov biết anh đến chỉ là vì việc riêng và nhờ hắn che chở. Bản tính hảo hán của Pugachyov trỗi dậy, vả lại trong hắn vẫn có sự tôn trọng đối với Grinyov, kể cả khi hắn phát giác ra được Masha là con của viên đại úy đã bị hắn treo cổ.
Grinyov không khúm núm, nhưng thẳng thắn chân tình khuyên Pugachyov hãy ra đầu hàng nữ hoàng Nga để được hưởng khoan hồng. Một quân nhân quý tộc ngồi cùng xe với một nông dân Cossack là một sự lạ. Một thủ lĩnh quân phiến loạn giúp một địch thủ đi giải thoát con gái của một kẻ cựu thù bất chấp sự chống đối của các thuộc hạ nguy hiểm… là sự lạ thứ hai. Họ bộc lộ tâm tình sâu kín với nhau như huynh đệ tri kỷ, là sự lạ thứ ba. Tất cả những điều tưởng như không thể xảy ra này hoàn toàn là vì họ cảm nhận thấy sự chân thành ở phía đối phương. Độc giả nên tìm đọc trích đoạn này mà vì dung lượng bài viết, chúng tôi không thể dẫn lại ở đây.
Chiếc áo tu-lúp da thỏ, được đền đáp lại bằng một con ngựa chiến và trang bị đi đường, còn hơn thế là hai lần tha chết cho Grinyov, và cả Masha – con gái của vợ chồng viên đại úy đã bị Pugachyov hạ thủ. Mối nhân duyên đưa đẩy hai thân phận khác biệt đến những sự việc thật kỳ lạ, nhưng chính thái độ sống mới khiến con người xóa bỏ sự khác biệt đó.
Chân tình vượt qua định kiến đẳng cấp
Ấn tượng ban đầu của Peter Andreyevich Grinyov về Masha Mironov đó là một cô gái e thẹn, thậm chí còn có vẻ đáng thương hại. Nước mắt tủi phận của cô tuôn rơi khi bị nhắc đến cảnh nghèo nàn của gia đình. Mẹ cô cho biết rằng cô là người rất nhút nhát. Nhưng dần dần thì anh thấy Masha thực ra thông minh, kín đáo và giàu tình cảm. Anh bắt đầu làm thơ tặng cô, thậm chí còn đấu kiếm với gã tình địch xấu chơi Shvabrin để bảo vệ danh dự của cô nữa. Trong lần đấu kiếm thứ hai với Shvabrin, Grinyov bị thương phải nằm liệt giường một thời gian, Masha chăm sóc anh và hai bên thổ lộ tình cảm dành cho nhau, họ mơ đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Song cuộc tình ấy không nhận được sự ủng hộ của người cha Grinyov. Lời lẽ gay gắt trách mắng trong lá thư ông gửi con trai mình phải được xem như lời tuyên án tử cho cuộc tình say sưa mới chớm. Masha vốn thuần hậu, nàng tin rằng hôn nhân phải được cha mẹ chấp nhận mới có hạnh phúc, nếu đã không nên duyên thì có lẽ ý Chúa muốn vậy. Grinyov cố gắng thuyết phục nàng song vô ích, Masha lánh mặt trong đau khổ. Grinyov bị mối tình tuyệt vọng giày vò tưởng đến phát điên. Đúng lúc đó thì có tin quân đội của Pugachyov sắp tấn công đồn Belogorsk.
Hai vợ chồng ông đại úy quyết định gửi Masha đang sợ chết khiếp về Orenburg, đôi trẻ từ biệt nhau trong nước mắt giống như lần cuối cùng gặp gỡ. Song Masha chưa kịp lên đường thì chiến sự nổ ra, hai vợ chồng viên đại úy bị giết chết. Masha được giấu ở nhà vợ chồng cố đạo nhưng khủng hoảng tinh thần vì cái chết của song thân.Phần diễn tiến tiếp theo chúng ta đã biết.
Dẫu nhút nhát e thẹn, nhưng sự trong sáng thuần hậu của Masha đã chinh phục được cha mẹ Grinyov, ngay cả ông bố khó tính.
Nghe tin Peter Grinyov phản bội tổ quốc, người cha trọng danh dự của anh suy sụp, cảnh nhà như có đại tang. Không ai đoán được vì sao Grinyov không cung khai thêm nữa, chỉ có Masha thông minh biết rằng anh đang bảo vệ nàng. Cũng không ai ngờ cô gái nhút nhát chưa từng rời khỏi căn nhà nhỏ ở vùng biên giới heo hút, lại dám một thân một mình lên tận thủ đô Petersburg với hy vọng vô cùng mong manh rằng sẽ bằng cách nào đó gặp được nữ hoàng Catherine đệ nhị.
Câu chuyện cuối cùng đã kết thúc tốt đẹp. Tình cảm chân thành, trong sáng, dám xả thân vì nhau của hai con người trẻ măng đã thuyết phục được cả những người uy quyền và bậc tôn trưởng khó tính nhất. Nhờ Masha, danh dự của Peter “được giữ gìn từ khi còn trẻ trung” như chân lý sống của cha chàng, thậm chí gia đình Grinyov thêm phần vẻ vang vì sự có mặt của cô dâu mới là con gái viên đại úy tuẫn nạn vì tổ quốc.
Sự thay đổi tốt đẹp bền vững nhất chỉ có thể bằng cải thiện tâm tính và phong tục
Puskin đã viết cuốn sử biên khảo: “Lịch sử về cuộc nổi dậy của Pugachyov”, nhưng lối viết sử không cho phép ông thể hiện tâm sự về nỗi buồn chiến tranh, vậy nên mới xuất hiện thêm tiểu thuyết “Người con gái viên đại úy”. Vào lúc cuộc chiến kết thúc, Puskin để nhân vật chính nói lên tâm sự của mình: “Tôi sẽ không kể lại cuộc hành quân của chúng tôi và đoạn kết thúc của cuộc chiến tranh. Chỉ xin nói rằng những thảm hoạ mà nó gây ra đã lên đến cùng cực. Chúng tôi đi ngang những làng mạc bị quân phiến loạn đốt phá tan hoang, đành lòng phải giành giật của những người dân đáng thương những gì mà họ còn cứu lại được. Khắp nơi công việc hành chính đều bị chấm dứt; các lãnh chúa phải trốn vào rừng; nơi nào cũng có những toán cướp hoạt động; một số sĩ quan chỉ huy quân đội đánh đến đâu cũng tự ý trừng phạt hay ân xá; tình cảnh của cả một vùng rộng lớn, nơi cuộc biến loạn hoành hành dữ dội, thật là kinh khủng… Mong sao đừng bao giờ phải thấy lại một cuộc biến loạn của dân Nga, điên rồ và tàn nhẫn đến cực độ.”
Ông cũng đã viết rằng: “Bạn đọc trẻ tuổi của tôi ơi, nếu những dòng ghi chép này có lọt vào tai bạn, thì bạn hãy nhớ rằng những sự thay đổi tốt đẹp và vững chãi nhất là những sự thay đổi nào thực hiện bằng cách cải thiện tâm tính phong tục, không gây ra những cuộc rung chuyển thô bạo.”
Tư tưởng ấy giống với tinh thần giáo hóa của văn hóa truyền thống phương Đông. Xã hội chỉ có thể trở nên tốt đẹp hơn khi mỗi con người tốt đẹp hơn. Muốn thế phải giáo hóa, tức là chính quyền nêu gương đạo đức, giáo dục cảm hóa nhân dân để mỗi người cải biến tâm tính, trọng đạo đức, hậu phong tục, mới đạt kết quả bền vững nhất… chứ không phải lối cai trị bằng bạo lực trong cuộc chiến này, hoặc giống như những chủ thuyết về “bạo lực cách mạng”, “nền chuyên chính”, hay sự “đấu tranh giai cấp” nào đó làm rung chuyển tan nát cả nước Nga mấy thế kỷ sau.
Và cũng không phải bằng những cuộc chinh phạt hao tổn xương máu nhân dân. Trong binh pháp, chiến thắng mà không cần phải động binh nhưng vẫn khiến đối phương cảm phục quy hàng mới là chiến thắng vinh quang nhất. Tình yêu thương chân thành có thể xuyên qua hết thảy biên giới tăm tối của lòng người.
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Phong
(1): Sa hoàng Nga yêu cầu phải đặt tên là “Lịch sử cuộc phiến loạn của Pugachyov”
(2): Trích “Người con gái viên đại úy” của A.Puskin, bản dịch của dịch giả Cao Xuân Hạo