Mychailo Podolak – Tatiana Kolesnychenko,
Mạc Việt Hồng dịch
Bài phỏng vấn dưới đây do trang mạng Ba Lan wp.pl thực hiện. Người trả lời phỏng vấn là ông Mychailo Podolak, cố vấn của tổng thống Ukraine Zelenskyy. Mychailo Podolak là người đã trực tiếp tham gia tất các cuộc đàm phán gần đây. Dưới đây là chia sẻ của ông.
– Tatiana Kolesnychenko: Vài ngày trước, ông đã thông báo rằng một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga có thể sớm được ký kết. Vậy có thực sự có cơ hội ngừng bắn không?
Mykhailo Podolak: Việc Nga rút quân ngay lập tức là một trong những điều kiện quan trọng của thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán là một quá trình, với quy mô lớn, không chỉ liên quan đến Nga và Ukraine. Ba Lan cũng là một trong số các quốc gia tham gia vào nó. Chúng tôi không chỉ muốn ký kết thoả thuận, mà muốn tạo ra một cơ chế cụ thể để đảm bảo an ninh cho chúng tôi trong tương lai.
Hiện tại, cả phái đoàn Nga và Ukraine đều giữ vững lập trường của mình. Việc thống nhất các điểm tranh cãi có thể mất từ vài ngày đến một tuần rưỡi. Trong thời gian đó, chúng tôi có thể tiến gần hơn đến việc ký kết một hiệp định hòa bình.
Thỏa thuận này sẽ phải đặt lợi ích của Ukraine, quốc gia bị thiệt hại lớn do cuộc xâm lược của Nga, lên trên hết.
– Liệu việc ký kết thoả thuận này có chấm dứt được cuộc chiến kéo dài 8 năm qua ở Ukraine không?
Việc ký kết hiệp ước hòa bình chỉ có thể kết thúc được cuộc chiến tranh nóng hiện nay và cho phép chúng tôi để tang tất cả những người đã thiệt mạng và xây dựng lại đất nước. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng, với người Ukraine chiến tranh sẽ kết thúc ở đây, sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua. Rõ ràng là Nga sẽ không thể đổ lỗi cho ai khác về thảm họa to lớn này.
– Ông hình dung thế nào về việc Nga rút quân khỏi Ukraine?
Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu rút lui ngay lập tức các lực lượng vũ trang của mình. Sau khi thoả thuận được ký kết, Công ước Vienna sẽ có hiệu lực đối với cả hai bên. Công ước ấy nói rõ ràng rằng, hiệp ước hòa bình có thể bị hủy bỏ, nếu quốc gia gây chiến không rút quân khỏi lãnh thổ của đối phương.
Vì vậy, sẽ không có cơ sở pháp lý cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm trì hoãn binh sĩ Nga trên đất Ukraine.
– Điều gì sẽ buộc Nga phải tuân thủ luật pháp quốc tế, chẳng phải binh lính của họ bắn vào nhà dân, bệnh viện và trường học, vi phạm hầu hết các công ước quốc tế hiện có đó thôi?
Để bảo vệ mình khỏi những tình huống như vậy, chúng tôi muốn xây dựng và đưa vào hiệp định hòa bình một kế hoạch rút quân cụ thể của Nga. Kế hoạch đó phải được minh xác dưới góc độ pháp lý. Các quốc gia khác sẽ đảm bảo việc tuân thủ thỏa thuận và an ninh của Ukraine trong tương lai. Đây sẽ là một tài liệu trình bày chi tiết các quy trình hành động trong trường hợp Nga gây hấn.
Đây là một công thức cải tiến được phát minh bởi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Nó có thể biến thành một đề xuất nhằm tạo ra một hệ thống quyền lực hoàn toàn mới ở châu Âu.
– Ukraine đã sẵn sàng từ bỏ mong muốn gia nhập NATO, nhưng lại muốn tạo ra một liên minh của riêng mình?
Đây là vấn đề khác. Điều quan trọng đối với chúng tôi không phải là cái danh, mà là những đồng minh thực sự sẵn sàng chiến đấu bên cạnh chúng tôi. Cuộc xâm lăng Ukraine đã cho thấy toàn bộ cấu trúc về an ninh của châu Âu cần phải được xem xét lại.
Chúng ta đều biết, Putin chỉ có thể bị ngăn chặn bằng vũ lực. Nhưng NATO ngày nay không có khả năng này. Theo chúng tôi, nó là một tổ chức mà hoạt động chủ yếu là họp thượng đỉnh, tại đó các tướng lĩnh khoác lên mình khuôn mặt với vẻ đe doạ.
Sự thật là như thế. Liên minh quân sự lớn nhất trong lịch sử nhân loại không mấy gây ấn tượng với Điện Kremlin. Tất cả những luận điệu về việc NATO đến gần biên giới Nga chỉ là một chiêu trò, tuyên truyền cho người Nga ở trong nước, để biện minh cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và các nước khác.
Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến này bằng cách xây dựng một liên minh mới đủ mạnh để ngăn chặn Nga, nếu nước này muốn tấn công ai đó.
– Liên minh này sẽ như thế nào?
Lần này sẽ không phải là một văn bản như giác thư Budapest, mà là một thỏa thuận cụ thể tuân thủ tất cả các quy tắc của luật pháp quốc tế. Nó sẽ mô tả từng bước, cơ chế sẽ hoạt động như thế nào, trong trường hợp có một cuộc tấn công khác nhằm vào Ukraine. Chúng tôi muốn được đảm bảo rằng, sẽ không bị bỏ lại một mình trên chiến trường một lần nữa. Các quốc gia đóng vai trò bảo lãnh, bao gồm cả Nga, sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ cụ thể.
Trong tương lai, tài liệu này có thể được mở rộng và dựa vào đó, một liên minh hoàn toàn mới sẽ được tạo ra, đảm bảo an ninh trên toàn châu Âu.
– Những quốc gia nào đã đồng ý tham gia tuyên bố an ninh này?
Tôi không thể tiết lộ điều này, vì các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Khi đàm phán kết thúc, tổng thống Zelenskyy sẽ trình bày toàn bộ nội dung.
– Đây có phải là điều mà Zelenskyy đã thảo luận với các thủ tướng của Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Séc trong chuyến thăm của họ tới Kyiv vừa qua?
Đó là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong cuộc gặp. Lãnh đạo các nước này hoàn toàn hiểu rõ mối nguy hiểm mà Nga gây ra hiện nay.
Chúng tôi rất mong muốn Ba Lan gia nhập liên minh mới. Ba Lan là người bạn tuyệt vời nhất của Ukraine hiện nay. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của các bạn và thấy rằng, Ba Lan nên kề vai sát cánh cùng Ukraine trong tất cả các cuộc đàm phán liên quan đến an ninh ở châu Âu.
– Khi bắt đầu cuộc xâm lược, Điện Kremlin yêu cầu Kyiv phải đầu hàng hoàn toàn. Bây giờ, liệu Nga có từ bỏ mọi thứ và thêm vào đó, chấp nhận thành lập một liên minh mới không?
Nga đã xâm lược Ukraine trên quy mô lớn để đưa ra tối hậu thư. Các đại diện của họ đã đến cuộc đàm phán đầu tiên với thái độ như vậy. Hiện nay sự tự tin của họ đã biến mất không còn chút dấu vết nào nữa. Họ hoàn toàn nhận thức được những rắc rối mà họ đang gặp phải. Cả thế giới đã chứng kiến đội quân hùng mạnh thứ hai phải cầu cứu sự giúp đỡ của Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan; vì gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ Ukraine, vốn dĩ chưa bao giờ là một quốc gia quân sự.
Huyền thoại được phương Tây vun đắp về sức mạnh của Nga và sự tôn sùng dành cho nước này đã sụp đổ.
Rõ ràng là trong tình huống này, chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa hiệp nào có thể làm phương hại tới lợi ích của chúng tôi.
Xã hội Ukraine sẽ không chấp nhận một giải pháp như vậy. Mọi người đang chết trên chiến trường không phải để chúng tôi chấp nhận yêu sách của Liên bang Nga.
– Nhưng Nga có thế mạnh về tên lửa đạn đạo và không quân?
Còn Ukraine quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hiện tại, trên nhiều hướng, chính quân đội Ukraine đã mở các cuộc phản công.
– Quá trình đàm phán diễn ra như thế nào?
Trước đây, chúng tôi đã làm việc theo hình thức gặp mặt trực tiếp, nhưng việc đi lại trong thời buổi thời chiến rất mất thời gian. Đó là lý do tại sao hiện nay chúng tôi làm việc từ xa, giao tiếp thông qua các kênh riêng được bảo mật.
Ngoài những người đàm phán chính, có rất nhiều nhóm phụ tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ cụ thể. Có các vấn đề nhân đạo, hành lang sơ tán, kinh tế và luật pháp. Và điều cuối cùng đặc biệt quan trọng, chúng tôi muốn thoả thuận sẽ ký kết không mâu thuẫn với các hiệp định quốc tế và hiến pháp của cả hai nước.
– Ngoại giao Nga nổi tiếng là thô lỗ. Người Nga đã hành xử như thế nào trong các cuộc đàm phán?
Tôi có thể nói rằng, gần đây đoàn Nga đã xuống nước một cách rõ rệt. Giờ đây, họ đánh giá thế giới xung quanh một cách khách quan hơn và cư xử rất đúng mực. Không thấy sự kệch cỡm hay thô lỗ vốn có ở các nhà chức trách Nga. Tất nhiên, thế giới quan của họ bị bóp méo bởi sự tuyên truyền của chính họ.
– Ông cho rằng họ tin vào tuyên truyền?
Vâng, và đó là vấn đề lớn nhất. 70-80 phần trăm Người Nga, bao gồm cả những người tham gia vào quá trình đàm phán, tin một cách chân thành vào những huyền thoại được tuyên truyền.
– Huyền thoại gì vậy?
Tất cả những gì mà truyền hình Nga đã reo rắc vào đầu mọi người trong tám năm qua. Về Phát xít ở Kyiv, về vụ sát hại hàng loạt dân thường ở Donbass, về các loại ma tuý mà binh lính Ukraine sử dụng, toàn là những điều vô lý đến khó tin!
Họ tin rằng, vào Ukraine chỉ 3 ngày sau, tất cả mọi người sẽ phải quỳ xuống. Họ tưởng Ukraine sẽ chào đón họ bằng hoa và sau đó sẽ tiến quân đến Kyiv giết toàn bộ lãnh đạo của đất nước.
Thay vào đó, họ đã được thấy, sự căm thù nghĩa là gì, và đó là sự căm thù ở dạng thuần túy nhất. Giờ họ đã hiểu rằng, họ đã không hiểu gì về Ukraine hết. Chúng tôi cho họ thấy, trí lực của chúng tôi là như thế nào. Chúng tôi không phải là Nga. Chúng tôi có thể thảo luận những vấn đề mà lẽ ra chúng tôi đã thảo luận từ lâu, nhưng chúng tôi sẽ không đồng ý với bất kỳ tối hậu thư nào.
– Trong số các vấn đề được thảo luận, có điểm nào liên quan đến việc công nhận Crimea là thuộc Nga và sự độc lập của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk hay không?
Tôi không thể đi vào chi tiết này vì nó có thể làm gián đoạn quá trình thương lượng. Tôi chỉ có thể nói là, lúc đầu Nga đưa ra rất nhiều yêu cầu và hầu hết trong số đó giờ không còn nằm trên bàn (đàm phán) nữa. Đã có một sự hiểu biết sâu sắc hơn về tất cả các điểm rắc rối.
Liên quan đến các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, lập trường của Ukraine vẫn không thay đổi: biên giới của quốc gia là bất di bất dịch.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng tôi nên tỉnh táo trong việc đánh giá tình hình. Crimea, Donetsk và Luhansk vẫn là một phần của Ukraine, nhưng trên thực tế, chúng tôi không còn quyền kiểm soát nữa, chính quyền Nga đang quản lý ở đó.
Một trong những câu hỏi quan trọng là cách quản lý những vùng lãnh thổ này như thế nào. Vấn đề là Liên bang Nga đã oánh chúng tôi, thay vì bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện.
– Khả năng Donetsk và Luhansk trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine có được xem xét không? Nga đã đề xuất một kịch bản như vậy trước đó lâu rồi?
Các cuộc đàm phán đang diễn ra. Chúng tôi đang tìm kiếm một công thức phù hợp. Khi tìm được, tổng thống Ukraine và Nga sẽ thảo luận trong một cuộc gặp trực tiếp.
– Zelenskyy và Putin có thể gặp nhau ở đâu và khi nào?
Ngay sau khi công việc về thoả thuận hoàn thành, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc gặp, chắc sẽ diễn ra trong những tuần tới. Vị trí, không quan trọng đối với chúng tôi, có thể bất kỳ ở đâu, miễn không ở Nga.
– Ông hình dung như thế nào về một cuộc gặp gỡ như vậy? Liệu Zelenskyy có thể bắt tay Putin không?
Chúng tôi chưa tập trung vào những chi tiết như vậy. Sau khi xây dựng xong nền tảng của hiệp ước hòa bình, chúng tôi sẽ xem xét tới một mô hình ứng xử phù hợp tại cuộc gặp giữa các tổng thống. Vấn đề bắt tay là mối quan tâm ít nhất của chúng tôi.
– Có những ý kiến cho rằng, cuộc gặp cá nhân giữa Zelenskyy và Putin có thể là một sai lầm. Vì Tổng thống Nga hiện nay là một kẻ bị ruồng bỏ trên trường quốc tế, nhưng sau cuộc đàm phán trực tiếp với Zelenskyy, ông ấy sẽ lại trở nên đáng tin cậy. Các lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ và lịch sử sẽ là một vòng tròn luẩn quẩn?
Tôi hiểu đối với một người đang sống ở nơi an toàn, đạn pháo không bắn vào các khu dân cư, nơi phụ nữ và trẻ em không bị sát hại, thì nói dễ lắm. Nhưng chúng tôi làm gì có lựa chọn nào khác?
Không nói chuyện với Putin và để hắn ta tiêu diệt Kyiv ư? Quên là ở Mariupol, có 200.000 người đang bị phong tỏa và chết dần trong hầm vì không có thức ăn hoặc nước uống ư? Còn cách nào khác để chúng tôi kết thúc chiến tranh mà không nói chuyện với Nga?
– Ông nghĩ rằng, việc ký hiệp ước hòa bình trong tương lai có ngăn chặn được Putin gây hấn nữa không?
Tất nhiên là không. Nga đã và sẽ luôn là kẻ xâm lược. Bành trướng là hệ tư tưởng duy nhất của nước này và Nga rõ ràng sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Chúng tôi chắc chắn rằng, Putin sẽ tiếp tục chính sách cường quốc của mình.
Chúng tôi có thể ngăn chặn Nga, nhưng không ai muốn hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến này. Hơn nữa, ở phương Tây, người ta tuyên bố: “Không có trắng đen rõ rệt. Có thể một số biện pháp trừng phạt cần được dỡ bỏ?”
Trong khi đó, Nga liên tục ném bom các thành phố của chúng tôi. Czernichiv, Kharkiv, Sumy và nhiều thành phố khác thậm chí không còn tồn tại nữa. Còn bao nhiêu người Ukraine nữa sẽ chết? Nếu ai đó không thích (việc thỏa thuận), hãy đứng cạnh chúng tôi mà chiến đấu đi – chúng tôi xin mời quân đội của Ba Lan, Pháp và Hoa Kỳ. Hoặc hãy đóng cửa bầu trời Ukraine đi. Khi đó, chúng tôi sẽ không hội đàm với Putin nữa, mà sẽ chiến đấu.
– Ông có sợ rằng, đàm phán với Putin có thể làm thay đổi hình ảnh của Zelenskyy, người đang được coi là một chính khách?
Zelenskyy đã thống nhất quốc gia xung quanh ông ấy. Ông ấy đã làm được điều mà chưa một tổng thống nào có thể làm được trong lịch sử của Ukraine. Mọi người tin rằng, tổng thống đang hành động tốt nhất vì lợi ích của họ.
– Ông ấy đã thay đổi kể từ khi chiến tranh nổ ra?
Ông ấy luôn là một người đàn ông rất mạnh mẽ và là một nhà quản lý tốt. Bây giờ những tính cách này càng hiện lên rõ nét. Ông ấy là một người rất chuyên nghiệp, người sẵn sàng chịu trách nhiệm trước đất nước. Ông không chạy trốn, ông ở Kiev mọi lúc, trong vị trí của mình. Ông ấy tham gia rất nhiều vào các hoạt động chiến sự. Người Ukraine rất thích điều này.
Tôi tò mò muốn biết, tình hình sẽ ra sao, nếu có nhiều nhà lãnh đạo như Volodymyr Zelenskyy trong giới tinh hoa ở châu Âu. Có lẽ nước Nga sẽ có một vị thế hoàn toàn khác với ngày nay.
– Ông nhìn nhận thế nào về quan hệ giữa Ukraine và Nga sau khi ký kết hiệp định hòa bình?
Tôi không thấy bất kỳ mối quan hệ nào cả. Không có chuyện quay lại quá khứ và kiểu nói “các quốc gia anh em” như trước kia. Những nhịp cầu đã bị nổ tung rồi. Chúng tôi sẽ tạo ra một biên giới vững chắc và đối xử lạnh lùng với Nga như với một quốc gia đã xâm lược quê hương của chúng tôi, đã sát hại chúng tôi.
– Còn với Belarus thì sao, mối quan hệ cũng sẽ hạ nhiệt?
Đó là một câu chuyện phức tạp hơn. Belarus là một quốc gia hoàn toàn khác với Nga. Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ hành động xâm lược hay bành trướng nào từ phía Belarus.
Tuy nhiên, chính từ lãnh thổ của Belarus, Iskanders đã được bắn ra, vào một số chung cư tại thành phố Kyiv. Belarus đã mắc sai lầm lớn khi tham gia vào liên minh với Nga, phụ thuộc vào Nga cả về mặt tài chính lẫn năng lượng. Theo các thỏa thuận đồng minh này, họ đã cung cấp lãnh thổ cho Nga, để từ đó bắn phá chúng tôi.
Như thế rất là tệ, nhưng chúng tôi cho rằng, Belarus là con tin của Putin và không tham gia tích cực vào cuộc chiến. Tuy nhiên, điều đó không thay đổi thực tế là chúng tôi sẽ đệ trình các yêu sách pháp lý cho Belarus sau khi kết thúc chiến tranh. Chi tiết sẽ như thế nào, hồi sau sẽ rõ.