Huyền Anh
Làn sóng người Ukraine di tản do xung đột với Nga tiếp tục tràn sang các quốc gia có chung đường biên giới, vượt qua con số hơn 3 triệu người kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, với khoảng 1,5 triệu người – gần một nửa số người tị nạn chạy trốn khỏi đất nước là trẻ em trong khi 9/10 người trốn thoát là phụ nữ hoặc trẻ vị thành niên.
Ông Paul Dillon, phát ngôn viên của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cho biết “Hiện đã cán mốc 3 triệu lượt người rời Ukraine sang các nước láng giềng. Và trong số những người này, có khoảng 157.000 công dân nước thứ ba”.
Hơn nữa, tổ chức này cũng lưu ý rằng những đoàn lữ hành lớn gồm phụ nữ và trẻ em khiến cho chuyến hành trình vượt biên vốn đã khó khăn, nay lại trở thành mục tiêu của những kẻ buôn người.
Những người tị nạn đặc biệt dễ bị chặn bởi những kẻ buôn người gần các cửa khẩu biên giới, nơi đông đúc những quan chức và công nhân vận tải qua lại, gây mất phương hướng cho những người mới đến.
“Nạn buôn người ở Châu Âu vẫn là một vấn đề rất nghiêm trọng”, ông James Elder, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết hôm 15/3.
Không có điểm cuối trong tầm nhìn
Trong khoảng thời gian 20 ngày, khoảng 150.000 người chạy trốn khỏi cuộc chiến của Nga ở Ukraine mỗi ngày, tức là 6.250 người tị nạn rời đi mỗi giờ, theo báo cáo của IOM.
Các quan chức Mỹ và Tổng thống Joe Biden đã gặp nhau vào tuần trước để thảo luận về khả năng xúc tiến quá trình đoàn tụ những người tị nạn Ukraine với người thân của họ tại Mỹ.
Trong cuộc họp giao ban tại Nhà Trắng vào ngày 15/3, thư ký báo chí Jen Psaki cho biết chính quyền của ông Biden đang cân nhắc các lựa chọn của mình.
“Có những cuộc trò chuyện về việc giúp đỡ những người Ukraine đến Mỹ. Rõ ràng, họ hiện có thể nộp đơn thông qua quy trình xin tị nạn, nhưng chúng tôi đang tiếp tục thảo luận về những lựa chọn”, bà Psaki nói.
Một ngày trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price khẳng định, “Chúng tôi có mức trần [người tị nạn] được đặt ra hàng năm. Trong mức trần đó, có các danh mục, bao gồm cả những người tị nạn từ phần đó của thế giới”.
“Nếu có nhu cầu tái định cư cho những người tị nạn Ukraine cách xa các nước láng giềng, thì chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng điều đó”.
Phần lớn những người xin tị nạn từ Ukraine sẽ đến các quốc gia có chung biên giới, trong đó Ba Lan chiếm đa số với hơn 2 triệu người.
Romania có số lượng người tị nạn cao thứ hai với 535.461, tiếp theo là Cộng hòa Moldova (365.197), Hungary (312.120), Slovakia (250.036), Nga (231.764) và Belarus (3.765).
Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khu vực châu Âu cũng đang tiếp nhận hàng nghìn người xin tị nạn, bao gồm Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, Ireland và Vương quốc Anh.
Tại Cộng hòa Séc, các quan chức cho biết quốc gia này đã ở mức giới hạn nguồn lực của mình để giải quyết thêm người tị nạn vào ngày 14/3.
Người phát ngôn của Tổng giám đốc lực lượng cứu hỏa Séc, Pavla Jakoubkova, cho biết, “Năng lực của nhà nước đã cạn kiệt”.
“Chúng tôi đang dần tiến đến trạng thái chỉ có thể cung cấp nơi trú ẩn khẩn cấp cho người tị nạn, tức là đảm bảo sự sống sót trong điều kiện khẩn cấp”.
“Mọi người sẽ phải tập trung ở các phòng tập thể dục, hội trường, v.v. và chỗ ở của họ sẽ không được thoải mái”.
Đức đã chào đón gần 150.000 người tị nạn. Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nancy Faeser ngày 13/3 thông báo, hơn 2.300 tình nguyện viên của Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật đã định cư tại quốc gia này để hỗ trợ những người di tản chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cũng mở rộng lời mời tới những người tị nạn Ukraine.
Nơi trú ẩn tạm thời
“Pháp, giống như tất cả các nước châu Âu khác, sẽ làm phần việc của mình để hỗ trợ người dân Ukraine, nhưng cũng để chào đón những người tị nạn từ đất nước này”, người đứng đầu nhà nước cho biết.
Các quan chức nước này dự đoán sẽ chứa hơn 100.000 người Ukraine xin tị nạn trong những tuần tới.
Điều phối viên của tổ chức khủng hoảng liên bộ Pháp, Joseph Zimet, giải thích, “Chúng tôi đang cố gắng sẵn sàng cho một khối lượng còn quan trọng hơn nhiều trong những ngày hoặc vài tuần tới”.
Trong khi đó, các nhà chức trách Ireland đang hỗ trợ hơn 6.000 người Ukraine đã đến đây kể từ ngày 24/2.
Gần một phần ba trong số đó đang được lưu trú trong các khách sạn như những nơi trú ẩn tạm thời tính đến ngày 15/3.
Kể từ khi người Ukraine bắt đầu đến quốc đảo nhỏ bé này, Hội Chữ thập đỏ Ireland đã bị quá tải với 14.000 tình nguyện viên cung cấp nơi trú ẩn tại nhà của họ, trong bối cảnh thiếu các lựa chọn nhà ở tạm thời cho người tị nạn.
Ngoài ra, Vương quốc Anh đã tiếp nhận 3.000 người di tản khỏi Ukraine tính đến ngày 14/3, điều này đã thu hút sự chỉ trích từ một số người do trái ngược hẳn với luận điệu ủng hộ Ukraine của chính phủ.
Một số nhà phân tích cho rằng việc tiếp nhận người tị nạn chiến tranh chậm chạp là do chính sách nhập cư cứng nhắc của quốc gia này.
Không có lối thoát rõ ràng
Ngay cả trước khi đối mặt với sự phức tạp của việc vượt biên và mối đe dọa tiềm tàng của những kẻ buôn người, người dân Ukraine vẫn đang liều mạng bất chấp.
Từ ngày 24/2 đến ngày 15/3, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc ghi nhận 1.900 thương vong dân sự, với 726 người thiệt mạng, trong đó có 52 trẻ em, nguyên nhân chủ yếu là do Nga pháo kích vào các khu vực đông dân cư.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo khẳng định: “Dân thường được quyền bảo vệ trước những nguy cơ phát sinh từ các hoạt động quân sự”.
Nhiều báo cáo đã xuất hiện kể từ đầu tháng 3 về việc quân đội Nga bắn vào các tuyến đường sơ tán dân sự, hoặc hành lang xanh, ngoài việc ném bom các tuyến đường sắt được sử dụng để vận chuyển dân thường ra khỏi khu vực xung đột, và các cuộc tấn công có chủ ý nhằm vào các mục tiêu dân sự.
Trong một bài phát biểu trên video hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích vụ đánh bom của Nga nhằm vào một trường nghệ thuật mà ông nói rằng khoảng 400 thường dân đang tìm kiếm nơi ẩn náu.
“Mọi người đã trốn ở đó. Trốn khỏi pháo kích, khỏi ném bom”. Ông nói, “Chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, người già. Họ nằm dưới các mảnh vụn. Hiện tại chúng tôi không biết có bao nhiêu người còn sống”.
“Nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi chắc chắn sẽ bắn hạ viên phi công đã ném quả bom đó”, ông tiếp tục. “Như chúng tôi đã làm với gần một trăm kẻ sát nhân hàng loạt khác”.
Cũng có nhiều tuyên bố về việc quân đội Nga đã bắt cóc và cưỡng bức vận chuyển những người không tham chiến qua biên giới từ thành phố Mariupol bị bao vây.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times