Nguyệt Hà
Công nhân xưởng đóng tàu Blohm – Voss tập trung đón chào Đức Quốc xã
Cách đây 30 năm (1991), người ta đã tìm thấy bức ảnh “khoanh tay” nổi tiếng, bức ảnh được chụp vào ngày 13/6/1936 tại xưởng đóng tàu Blohm-Voss ở Hamburg Đức. Cùng ngày, xưởng đóng tàu đang tổ chức lễ hạ thủy tàu huấn luyện hải quân Horst Wessel, Hitler đích thân đến xưởng đóng tàu, và các công nhân đã tập trung giơ tay chào đón, cảnh tượng rất trang nghiêm.
Thoạt nhìn không nghĩ sẽ có gì đó bất ổn, nhưng nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy trong đám đông có một công nhân đang khoanh tay trước ngực với vẻ mặt khinh thường. Bạn biết rằng đây là một “hành vi thiếu tôn trọng” không thể tưởng tượng được thời Đức Quốc xã, khi mà Hitler đang nắm quyền tại thời điểm đó, có thể sẽ bị xử tử.
“Dũng sĩ đơn độc” này tên là August Landmesser, một công nhân tại xưởng đóng tàu Blohm Voss. Nhưng bạn có biết điều gì đã xảy ra với anh ấy không?
August Landmesser, sinh năm 1910 tại Hamburg, Đức. Là con trai duy nhất trong gia đình, August gia nhập Đảng Quốc xã vào năm 1931 để kiếm một công việc ổn định. Đối với anh, anh không hề có những lý tưởng mà Đức Quốc xã đặt ra cho nước Đức, anh cũng chỉ là một người nhỏ bé, gia nhập Đảng cũng chỉ để tồn tại trong thời kỳ đó.
Ban đầu, August không có ác cảm với Đức Quốc xã, cho đến năm 1933 khi anh gặp người phụ nữ quan trọng nhất của cuộc đời mình: Irma Eckler, cuộc đời anh đã hoàn toàn thay đổi, bởi vì Irma là một phụ nữ Do Thái. August và Irma rất yêu thương nhau, không thể rời xa nhau, họ thề nguyện sẽ cùng nhau đi tới tương lai tươi sáng.
Lúc đầu, người Do Thái ở Đức chỉ bị phân biệt đối xử, cuộc sống của họ vẫn được đảm bảo, nhưng tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn, các cửa hàng của người Do Thái bị đập phá, các cuộc tấn công trở nên thường xuyên hơn và luật pháp ngày càng bất lợi cho họ.
Khi August đưa Irma đến Hamburg để làm thủ tục đăng ký kết hôn, anh được thông báo rằng, 12 ngày trước đã bắt đầu có lệnh cấm người Aryan Đức kết hôn với người Do Thái. Không chỉ vậy, August còn bị khai trừ khỏi Đảng Quốc xã vì đã đính hôn với một phụ nữ Do Thái. Nhưng các quy tắc mới đã không thể tách rời August và Irma, hai người đã có con gái đầu lòng là Ingrid vào năm 1935.
Mọi người nhanh chóng lan truyền thông tin rằng vị hôn thê của August là một phụ nữ Do Thái, và mọi người bắt đầu lăng mạ và quấy rối anh và Irma, khiến cuộc sống của họ không có ngày yên ổn. Nếu như trước đây August chỉ phàn nàn về Đức Quốc xã, thì giờ đây anh thực sự ghê tởm và phản đối.
Vì vậy, vào ngày 13 tháng 6 năm 1936 khi xưởng tàu Blohm Voss tiến hành nghi thức hạ thủy tàu, August khi đó đã thể hiện sự phẫn nộ của mình đối với Hitler. Lúc đó một phóng viên đi cùng Hitler đã tình cờ chụp được, nhưng vì trong ảnh có quá nhiều người nên phóng viên đã không nhìn thấy August trong đám đông, bức ảnh đã được lưu trữ và niêm phong 55 năm.
Năm 1991, một học giả về Thế chiến thứ II đã vô cùng sửng sốt khi vô tình phát hiện August trong bức ảnh. Sau đó bức ảnh đã được gửi cho tạp chí Times, bức ảnh “dũng sĩ cô độc” đã khiến mọi người vô cùng chấn động.
Nhưng người đàn ông trong bức ảnh, đã được cô Irene Eckerö, 54 tuổi, nhận ra là cha ruột của mình – August. Irene Eckerö là con gái thứ hai của August và Irma, cô được sinh trong trại tập trung.
Quay ngược lại năm 1937, vì để cho Irma và con gái một cuộc sống yên bình, August đã đưa gia đình bỏ trốn sang Đan Mạch, nhưng bị bắt tại biên giới Đức. Bởi August đã yêu một người là Do Thái và có con, nên anh bị coi đã làm ô uế dòng máu Aryan của mình, vì thế anh đã bị bỏ tù. Một năm sau, August được thả, để cắt đứt mối liên hệ giữa August và Irma, Irma bị giam ở Oranienburg, nơi cô đã sinh đứa con gái thứ hai, Irene Eckerö.
Để cứu vợ và con gái, vào năm 1938, August đã lên kế hoạch đến trại tập trung để cứu vợ, nhưng không may cuộc giải cứu không thành, bản thân August lại bị bắt giam, từ đó, một gia đình vốn hạnh phúc đầm ấm bị chia lìa, August và Irma không bao giờ gặp nhau nữa. August ở trong một trại tập trung ở Sachsen, Irma sau đó được gửi đến trại tập trung dành cho phụ nữ ở Ravensbruck. Con gái lớn, Ingrid sống với bà ngoại, và con gái út Irene Eckerö được một gia đình nhận nuôi.
Vào tháng 2 năm 1942, Irma và 14.000 người Do Thái khác bị đưa vào trại tập trung, và bị giết hại bởi khí độc. August được ra tù, anh được bố trí vào một công ty vận tải. Tháng 2 năm 1944 chiến tranh Thế giới thứ II đi vào hồi kết, August và những người phản đối Đức Quốc xã, và những người đào ngũ khác, đã đã bị đưa vào các trại cải huấn của Đức Quốc Xã, và bị đưa đến chiến trường Croatia làm bia đỡ đạn, cuối cùng anh đã hy sinh ở tuổi 34.
(Trại cải huấn – hay còn gọi là Lực lượng trừng phạt những quân nhân vi phạm trong quân đội)
Hai chị em Ingrid và Irene Eckerö mồ côi cha mẹ, sau chiến tranh, bà của hai chị em cũng qua đời, hai chị em ở với bố mẹ nuôi. Ấn tượng về người cha của hai chị em chỉ còn tồn tại trong những bức ảnh duy nhất còn sót lại, không ngờ rằng đến năm 1991 bức ảnh vô tình được công bố, Irene Eckerö ngay lập tức nhận ra người dũng sĩ trong đám đông ấy chính là cha mình.
Năm 1996, Irene Eckerö đã xuất bản cuốn sách ghi lại chuyện tình sâu sắc của cha mẹ mình, và những biến cố của gia đình cô, đã khiến cho người đọc rơi lệ.
Nguyệt Hà