Đại Minh
Có thể nói, những tướng lĩnh Nga không trực tiếp ngoài chiến tuyến nhưng lần lượt bị giết vì những đòn đánh chính xác, khiến những lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh và những tướng lĩnh quân đội Trung Quốc kinh hoàng và khiếp sợ.
Nguyên nhân các tướng Nga liên tiếp tử trận
Theo hãng thông tấn Interfax của Ukraine, Trung tướng Andrei Mordvichev, chỉ huy Tập đoàn quân số 8 của Quân khu phía Nam của Nga, bị giết trong cuộc tấn công sân bay Chornobayevka ở miền nam Kherson của quân đội Ukraine vào ngày 16 tháng 3. Cho đến nay, phía Nga không thừa nhận cũng không phủ nhận báo cáo về cái chết của ông, điều này rất có thể cho thấy tin tức này là chính xác.
Trước đó, Ukraine cho biết 4 thiếu tướng Nga đã thiệt mạng, nhưng chỉ một người được Nga xác nhận chính thức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung tướng Mordvichev là vị tướng có cấp bậc cao nhất trong quân đội Nga bị chết trận. Năm vị tướng thiệt mạng trong cuộc chiến Nga-Ukraine trong vòng chưa đầy một tháng, tổn thất không thể nói là không lớn, và đây là đòn giáng mạnh vào ông Putin. Đặc biệt là Trung tướng Mordvichev, theo báo chí nước ngoài, ông là một trong số những vị tướng được đánh giá cao nhất, mạnh nhất và được Putin coi trọng nhất. Tập đoàn quân số 8 dưới sự điều khiển của ông cũng là đội quân lớn nhất ở miền nam nước Nga.
Tại sao lại có tỷ lệ tử vong cao như vậy? Hãng tin BBC của Anh trước đó dẫn phân tích của một số chuyên gia cho rằng, đây khó có thể là một vụ tai nạn, rất có thể Ukraine đã có hành động chống lại các quan chức cấp cao của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, một người trong nhóm cốt lõi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, Ukraine có một đội tình báo quân sự nhằm vào tầng lớp sĩ quan Nga. “Họ đang tìm kiếm các tướng lĩnh, phi công, chỉ huy pháo binh có năng lực cao.” Đương nhiên là sau khi tìm thấy, họ sẽ thực hiện các cuộc tấn công chính xác.
Ngoài ra, một bài báo phân tích của cổng thông tin Trung Quốc NetEase ngày 19/3, đã suy đoán rằng, cái chết của Mordvichev có thể liên quan đến việc quân đội Ukraine sử dụng nhận dạng khuôn mặt AI để khóa mục tiêu, và thực hiện cuộc tấn công chính xác tầm xa. Bài báo chỉ ra rằng, kể từ khi chiến tranh bùng nổ, quân đội Ukraine đã tiến hành các hoạt động nhận dạng khuôn mặt AI với sự trợ giúp của các công ty công nghệ cao của Mỹ. Nó có thể sử dụng thông tin nhận dạng, và tất cả thông tin xã hội của mọi quân nhân Nga bị bắt trong hệ thống. Ngoài ra, hình ảnh quân đội Nga do máy bay không người lái, hay hệ thống giám sát bên đường ghi lại, sẽ được hệ thống nhận dạng khuôn mặt AI nhận diện, khám phá danh tính của họ, thậm chí xác định vị trí của chỉ huy.
Bài báo cũng liệt kê việc Israel sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt AI đầu tiên vào năm 2020 để tấn công chính xác Hamas, tức là định vị chính xác và loại bỏ hơn 150 chỉ huy và đặc vụ của Hamas.
Hành động chặt đầu: Sự vượt trội của Mỹ về công nghệ trí tuệ nhân tạo AI
Do sử dụng hệ thống AI, các siêu máy tính rất mạnh được sử dụng để thực hiện các phép tính tốc độ cao và dữ liệu lớn. Mỹ có 117 siêu máy tính, Nga chỉ có 3. Các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo IA thì Mỹ có 6.903 công ty, Nga chỉ có 168 công ty. Do đó, có thể suy ra rằng, việc Ukraine xác định vị trí chính xác của các tướng lĩnh cấp cao của Nga hẳn là không thể thiếu sự hỗ trợ Mỹ và châu Âu. Những tổn thất và thương vong của Nga trên chiến trường, theo một nghĩa nào đó, là thua trong cuộc chiến công nghệ .
Trên thực tế, với hệ thống nhận dạng khuôn mặt AI, việc sử dụng tên lửa Ninja (cũng gọi là tên lửa lưỡi dao, tức Hellfire R9X) để thực hiện các đòn tấn công chính xác. Người thực hiện “hành động chặt đầu” sớm nhất vẫn là quân đội Mỹ. Năm 2016, sau khi Trump nhậm chức, ông chưa bao giờ nhẹ tay trước các tổ chức khủng bố, và đã nhiều lần thực hiện các vụ chặt đầu, bao gồm cả các lãnh đạo Taliban cấp cao. Vì Trump không thể chịu đựng được khi nhìn thấy thương vong vượt quá điểm chỉ định, nên quân đội Mỹ đã phóng tên lửa Ninja.
Phạm vi tiêu diệt của tên lửa Ninja chưa đến một mét vuông, nhưng mục tiêu thì chết rất thê thảm. Những mục tiêu chết bởi tên lửa Nijia gồm: Baghdadi, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố bạo lực khét tiếng thế giới Nhà nước Hồi giáo (ISIS), nhân vật số 2 của Iran, Soleimani, người cộng tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và một số thủ lĩnh Taliban, bao gồm cả Giám đốc tài chính Mohibullah…
Tướng Nga chết trận, tướng Trung Quốc kinh sợ
Có thể nói, những tướng lĩnh Nga không trực tiếp ngoài chiến tuyến nhưng lần lượt bị giết vì những đòn đánh chính xác, khiến những lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh và những tướng lĩnh quân đội Trung Quốc kinh hoàng và khiếp sợ. Đặc biệt là các tướng lĩnh của ĐCSTQ, tâm trạng của họ lúc này khác hẳn so với hồi tháng 9 năm 2018, là lúc mà Cục Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ và Cục trưởng Lý Thượng Phúc bị Mỹ trừng phạt .
Vào thời điểm đó, Bắc Kinh vẫn đang loay hoay không biết phải đối phó thế nào với việc Tổng thống Mỹ khi đó là Trump tăng dần thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, thì chính phủ Mỹ đã bất ngờ tuyên bố trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc, vì ông ta đã thực hiện một “giao dịch quan trọng” với Nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, để mua 10 máy bay chiến đấu SU-35 và tên lửa đất đối không S-400 của Nga, vi phạm luật trừng phạt của Mỹ ban hành năm 2017.
Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp trừng phạt đối với Lý Thượng Phúc bao gồm cấm ông ta sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ và thực hiện các giao dịch ngoại hối, đồng thời đóng băng bất kỳ tài sản hoặc lợi ích nào trong phạm vi quyền hạn của Mỹ. Ông ta cũng sẽ bị cấm giữ visa Mỹ. Nói cách khác, nếu Lý Thượng Phúc, giống như nhiều quan chức cấp cao khác của ĐCSTQ, mua bất động sản ở Mỹ, có tiền tiết kiệm trong ngân hàng, và con cái của họ học tập và sinh sống ở Mỹ, thì các biện pháp trừng phạt sẽ không chỉ có nghĩa là họ không được nhìn thấy người nhà, mà tài sản của họ cũng bị mất, không được đảm bảo.
Đối với các biện pháp trừng phạt như vậy, Bắc Kinh khá tức giận, bày tỏ “sự phẫn nộ mạnh mẽ”, một trong những lý do quan trọng là họ lo lắng về bất ổn nội bộ, đặc biệt là bất ổn của quân đội. Như chúng ta đã biết, quân đội của ĐCSTQ tham nhũng khá trầm trọng. Mặc dù Từ Tài Hậu (nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thượng tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc), và Quách Bá Hùng (nguyên thượng tướng, Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương ĐCSTQ) đã bị loại bỏ trong những năm gần đây, nhưng làm thế nào để loại bỏ tham nhũng trong thể chế một cách dễ dàng như vậy? Chẳng qua là chỉ khiến nó trở nên kín đáo hơn mà thôi.
Khi các quan chức cấp cao, bao gồm cả các quan chức quân đội cấp cao, những người ẩn dưới hệ thống ĐCSTQ, hành động theo ý muốn của các lãnh đạo cấp cao, và quen với việc “mọi người đều có trách nhiệm”, nhận thấy rằng với tư cách cá nhân, họ cũng phải chịu những trách nhiệm tương ứng. Khi cái giá phải trả là mất tài sản, và không thể đến Mỹ hoặc thậm chí các nước phương Tây khác, họ, những người nhận thức rõ về tà ác của ĐCSTQ, có thể trải qua một số thay đổi tâm lý, hoặc hành động thụ động với sự dè dặt, hoặc tìm một lối thoát khác ở nước ngoài để bảo vệ tài sản của họ và các thành viên trong gia đình.
Lần trừng phạt đó của Mỹ khiến các quan chức cấp cao của quân đội ĐCSTQ chỉ lo lắng cho sự an toàn của tài sản của họ, thì cái chết của một số tướng lĩnh Nga trên chiến trường khiến họ nhận ra rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, chẳng hạn như một cuộc tấn công vào Đài Loan, thì tính mạng họ sẽ gặp nguy hiểm mọi lúc, mọi nơi, cho dù họ ở hậu phương. Bởi vì so về công nghệ cao thì Trung Quốc vẫn còn kém xa Mỹ rất nhiều năm. Vào thời điểm đó, khi Mỹ hỗ trợ Đài Loan thực hiện các đòn tấn công chính xác, bao nhiêu tướng lĩnh của ĐCSTQ sẽ bị giết? Nghĩ đến điều này, nghĩ đến vô số các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra, liệu các tướng lĩnh ĐCSTQ có thực sự muốn chống lại Đài Loan bằng mọi giá? Và sự rút lui có thể có của họ sẽ ngăn chặn kế hoạch tấn công Đài Loan của Trung Nam Hải ở mức độ nào?
Đại Minh
Theo Chu Hiểu Huy – Epochtimes