Báo cáo: Chính trị gia Pháp có ‘mối liên hệ rộng rãi’ với các cơ quan có ảnh hưởng của Trung Cộng

Michael Washburn

Nghị sĩ Pháp Buon-Huong Tan đến Cung điện Elysee ở Paris hôm 16/02/2018, nơi ông được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời đến chúc mừng Tết Nguyên Đán. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP qua Getty Images)

Thành viên của Quốc hội Pháp Buon Tan đã duy trì “mối liên hệ rộng rãi” với các cơ quan có ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu Sinopsis có trụ sở tại Séc đã nêu chi tiết.

Báo cáo cho thấy ông Tan, một thành viên của Đảng Cộng Hòa Tiến Bước – La République en Marche (LREM) cầm quyền, có mối liên hệ với sáu tổ chức thuộc sự quản lý của hệ thống “Mặt trận thống nhất” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các nỗ lực gây ảnh hưởng ở ngoại quốc của chế độ này.

Báo cáo cũng cho thấy ông Tan đã liên tục hành động vì lợi ích của Bắc Kinh, nói rằng chính trị gia này có “mối quan hệ thân thiết nhất với ĐCSTQ so với bất kỳ nghị sĩ Pháp [Thành viên Quốc hội] nào.”

Ông Tan là một nhân vật nổi bật trong chính trường Pháp, người có nhiều vai trò bao gồm việc hành động như chủ tịch đương nhiệm của ủy ban hữu nghị Pháp – Trung trong Hội đồng Quốc gia, hạ viện của Quốc hội Pháp, cũng như thư ký Ủy ban Đối ngoại. Vị trí của ông trong ủy ban này cho phép ông giám sát các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Đông Bắc Á.

Ngoài ra, ông Tan đã khởi động và đồng chỉ huy một “sứ mệnh thông tin” có nhiệm vụ phân tích chính sách Trung Quốc của Pháp và các quốc gia Âu Châu nói chung.

Trong phân tích của báo cáo này, ông Tan cũng đã trợ giúp các nỗ lực chuyển giao công nghệ do nhà nước hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc, các chương trình vốn bị giám sát ngày càng nhiều ở phương Tây vì vai trò của chúng trong việc thúc đẩy luồng sở hữu trí tuệ và bí quyết của ngoại quốc đến Trung Quốc.

Hành động vì lợi ích của ĐCSTQ

Hồi tháng Hai, một báo cáo của quốc hội do chính ông Tan ủy quyền và đồng tác giả đã bị hủy hoại bởi những khác biệt rõ rệt trong giai đoạn nghiên cứu của báo cáo đó. Ông Tan và đồng báo cáo viên Bérengère Poletti đồng tình với nhau ít đến mức họ cân nhắc việc đưa ra các bộ khuyến nghị riêng của mình hơn là đồng khuyến nghị. Bà Poletti duy trì quan điểm rằng ông Tan xem xét mối quan hệ của Pháp với Trung Quốc nhiều về mặt kinh tế hơn về mặt chính trị, báo cáo đó nêu rõ.

Tài liệu mà hai đồng báo cáo viên này đưa ra kêu gọi “tái cân bằng” mối quan hệ của Pháp với Trung Quốc và không hành động phối hợp với Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan và cạnh tranh với Trung Quốc, bởi vì, Mỹ tham gia vào một cuộc chiến của riêng họ mà không cần dính dáng đến Pháp. Báo cáo do ông Tan và bà Poletti thực hiện đã không đề cập đến các vấn đề an ninh hay nhân quyền trong bất kỳ khuyến nghị nào trong số 48 khuyến nghị của họ.

Báo cáo của Sinopsis mô tả ông Tan là một chính trị gia duy trì sự cân bằng, vừa thúc đẩy các lợi ích của ĐCSTQ mà không lặp lại quá chính xác tuyên truyền của cộng sản.

Báo cáo nêu rõ, “ông Buon Tan không công khai tiếp thu các luận điểm của ĐCSTQ, nhưng hành vi của ông ấy phần lớn phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh về các vấn đề mà ĐCSTQ coi là rất nhạy cảm.”

Báo cáo lưu ý rằng hồi tháng Một, ông Tan là nghị sĩ Pháp duy nhất đã bỏ phiếu chống lại một kiến ​​nghị tuyên bố hành vi của Bắc Kinh đối với tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc là tội diệt chủng.

Tháng 11/2021, khi một dự luật kêu gọi Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế được đưa ra biểu quyết trên sàn Hạ viện, ông Tan đã bỏ phiếu trắng. Sau đó, khi tiếp đón đại sứ Trung Quốc tại Hạ viện, ông Tan đã mô tả dự luật Đài Loan, vốn có chữ ký của gần 200 dân biểu, là tác phẩm của một vài thành viên.

Hơn nữa, khi việc phản ứng của Bắc Kinh đối với COVID-19 và vai trò có thể có của ĐCSTQ trong đợt bùng phát đại dịch đang được thảo luận vào tháng 04/2020, ông Tan và một dân biểu khác của LREM, ông Pierre Person, đã ca ngợi Trung Quốc về “sự hợp tác quốc tế tích cực và kiểm soát đại dịch”, báo cáo lưu ý.

Chuyển giao công nghệ

Báo cáo nhấn mạnh vai trò cố vấn trưởng của ông Tan cho Développement France-Chine (DFC), tổ chức được mô tả là một tổ chức chuyên thúc đẩy các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chuyển giao công nghệ và tuyển dụng nhân tài từ ngoại quốc.

DFC có “mối quan hệ chặt chẽ” với “Hội nghị về sự Tiên phong và Phát triển của Hoa kiều ở Trung Quốc,” theo bản báo cáo, trong đó đã mô tả hội nghị này như một công cụ mà nhờ đó các chính quyền địa phương của Trung Quốc xác định và tìm cách thu hút các công nghệ và đầu tư từ ngoại quốc. Báo cáo trích dẫn trang web chính thức của hội nghị, số liệu trên trang web chỉ ra rằng gần 20,000 người gốc Hoa ở ngoại quốc đã tham gia hội nghị năm 2018, tại đó những người tham gia đã ký 2,300 hợp đồng cho các dự án công nghệ hoặc giới thiệu nhân tài mới.

Gần đây vào năm 2020, DFC đã mở một văn phòng tại thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc và tham gia một thỏa thuận theo đó sẽ giúp một chính quyền địa phương của Trung Quốc thu hút nhân tài từ Âu Châu.

Báo cáo nêu rõ: “Mặc dù các chính phủ thường tìm cách thu hút nhân tài từ ngoại quốc, nhưng các nỗ lực tuyển dụng nhân tài của chính phủ Trung Quốc lại có liên quan chặt chẽ đến hành vi sai trái và chuyển giao công nghệ không rõ ràng.”

Mặt trận thống nhất 

Ông Tan là một thành viên của các nhóm quan trọng của Mặt trận Thống nhất từ năm 2008, và mối quan hệ của ông ấy với các nhóm này đã tiếp tục mở rộng sau cuộc bầu cử năm 2017 của ông ấy, theo báo cáo. Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) là một cơ quan quyền lực bên trong ĐCSTQ giám sát các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ra ngoại quốc của chế độ này, cả công khai và bí mật.

Báo cáo nêu rõ: “Trên khắp thế giới, hệ thống mặt trận thống nhất của Đảng, một sự hợp nhóm của Đảng và các cơ quan nhà nước khác của Trung Quốc, xây dựng các mạng lưới giữa các cộng đồng người gốc Hoa và tìm cách dựa vào các cộng sự của mình để thúc đẩy lợi ích của Đảng ở ngoại quốc.” Những cộng sự này hành động thay mặt ĐCSTQ trong khi bề ngoài là đang đại diện cho lợi ích của người dân ở các quốc gia dân chủ tự do đã bầu họ vào nhiệm sở.

Để làm ví dụ cho khuynh hướng này, họ trích dẫn các hoạt động của bà Christine Lee, người mà các cơ quan phản gián của Anh Quốc hồi tháng Một cảnh báo đã đóng một vai trò trong nhiệm vụ can thiệp chính trị của UFWD.

Báo cáo cũng lưu ý rằng gần cuối năm 2018, các quan chức Úc đã hủy bỏ thị thực của ông trùm bất động sản Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) sau khi có những cáo buộc nói rằng ông này đã hoạt động trong lĩnh vực chính trị Úc thay mặt cho lợi ích của ĐCSTQ.

Báo cáo ghi rằng ông Tan, bà Lee, và ông Huang có cùng bản chất theo nghĩa là tất cả đều là thành viên của các tổ chức Mặt trận Thống nhất, bao gồm cả Hiệp hội Hữu nghị Hải ngoại Trung Quốc (COFA). Ông Tan đã là thành viên của COFA ít nhất từ ​​năm 2008 và hiện là thành viên hội đồng điều hành.

Năm 2019, ông Tan đã đến thăm Bắc Kinh để tham dự một cuộc họp của COFA và một cuộc họp khác của các đại diện của nhiều cộng đồng người Hoa ở ngoại quốc, báo cáo lưu ý. Trong cuộc gặp sau đó, ông Tan đã có “một vị trí danh dự” ở hàng đầu tiên trong số các đại diện được tập hợp để gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, và cảnh quay hai người bắt tay nhau được phát sóng trên một chương trình giờ vàng của đài truyền hình quốc gia Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, báo cáo cho biết. 

Tháng 09/2018, sau khi đắc cử vào Hạ viện Pháp, một nhóm Mặt trận Thống nhất khác là Liên đoàn Hoa kiều Hồi hương (ACFROC) đã bổ nhiệm ông Tan làm một trong hai mươi thành viên ủy ban hải ngoại sống tại Pháp. Theo báo cáo, thì AFROC có nhiều nhân sự gồm những nhân vật từng là cán bộ ĐCSTQ hoạt động trong các tổ chức Mặt trận Thống nhất và “hoạt động như một cơ quan của Đảng.”

Báo cáo nêu rõ: “Các mối quan hệ mặt trận thống nhất này là những dấu hiệu cho thấy sự tham gia vào các hoạt động của ĐCSTQ, nhưng các cơ chế kiểm soát của Đảng đối với những cá nhân như vậy có thể là bí mật và nằm ngoài hệ thống mặt trận thống nhất.”

So với tất cả các mối quan hệ của ông ta với các cơ quan có liên hệ với ĐCSTQ, thì báo cáo về ông Tan đã mô tả một nhân vật đã thực hiện các hoạt động chính trị của mình mà không bị nghi ngờ hoặc giám sát nhiều. Chẳng hạn, IRSEM, một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, đã xuất bản một báo cáo của riêng mình hồi tháng 09/2021 về các hoạt động của Mặt trận Thống nhất ĐCSTQ ở Pháp, nhưng không đề cập đến ông Tan trong tất cả 600 trang báo cáo của mình.

The Epoch Times đã liên hệ với văn phòng của ông Tan để yêu cầu bình luận.

Được chú ý

Trong khi các mối quan hệ của ông Tan với mạng lưới gây ảnh hưởng ở ngoại quốc của chế độ Trung Quốc không bị thu hút quá nhiều sự giám sát, thì các hoạt động của ông ấy không hoàn toàn không bị chú ý. Một số người nghi ngờ về sự nghiêm túc của ông ấy với tư cách là một dân biểu thuộc đảng LREM và đã chú ý đến sở thích tự quảng bá của ông ấy.

“Nhìn chung là ông ấy không làm được gì nhiều theo cách làm việc chăm chỉ, nhưng luôn xuất hiện vì ‘bức ảnh’. Không có nhiều bằng chứng về hoạt động của khu vực bầu cử, ông ấy cũng có vẻ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ bên trong ‘cộng đồng’ đó hoặc khu vực bầu cử đó,” ông Paul Smith, một giáo sư tại Đại học Nottingham và là tác giả của một blog về chính trị Pháp, nói.

Liệu ông Tan sẽ tiếp tục có thể thúc đẩy các chính sách thân thiện với Bắc Kinh trong Quốc hội Pháp hay không có thể phụ thuộc, ở một mức độ nào đó, vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới, khi đó Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron sẽ đối đầu với những đối thủ trong đó có ông Éric Zemmour, một người theo chủ nghĩa dân tộc trung thành với chiến dịch nhấn mạnh an ninh quốc gia và hạn chế ảnh hưởng của ngoại quốc.

Ông Smith nói, “Với ông Macron thì đây không phải là vấn đề trọng tâm, mặc dù nó là như vậy với ông Zemmour, người luôn nhấn mạnh thông điệp chính trị quan trọng của mình với tư cách là ứng cử viên sẽ chống lại ‘le grand remplacement’ [‘cuộc đại tái thiết’]. Về bản chất, ông ấy đang chơi quân bài bản địa, thậm chí còn hơn nhiều so với bà [Monique] Le Pen, người có thể đã từng khẳng định vai trò đó.”

Thông điệp của ông Zemmour gây được tiếng vang lớn với nhiều cử tri Pháp lo ngại về ảnh hưởng của ngoại quốc. Nhưng đây là một con dao hai lưỡi, bởi vì một số chính trị gia dân tộc chủ nghĩa, bao gồm cả ông Zemmour và bà Le Pen, trong quá khứ đã có các mối liên hệ với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Smith lưu ý bà Le Pen đã quay sang một ngân hàng Nga xin tài trợ cho chiến dịch của mình vào năm 2017.

Ông Smith nói, “Phản xạ trong các cử tri Pháp kể từ khi cuộc chiến tranh [Ukraine] bắt đầu là tập hợp dưới cờ của người đương nhiệm, đưa xếp hạng thăm dò ý kiến ​​của ông ấy cho vòng đầu tiên lên trên 30% và xếp hạng chấp thuận của ông ấy nói chung lên các mức mà ông ấy hầu như không thấy trong nhiệm kỳ của mình.“

Vì vậy, thời điểm này có thể chưa thuận lợi cho một người theo chủ nghĩa dân tộc như ông Zemmour, người có thể thực hiện các hành động phối hợp để kiềm chế ảnh hưởng của các nhân vật có liên kết với Mặt trận Thống nhất như ông Buon Tan trong chính trường Pháp.

Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).

Nhật Thăng biên dịch

Related posts