Trung Quốc mua gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga trong tháng Hai

Frank Fang

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trong cuộc hội đàm của họ ở Bắc Kinh, hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP/Getty Images)

Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập cảng từ Nga vào tháng Hai so với một năm trước đó, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước ngày càng sâu sắc ngay cả sau khi Moscow xâm lược Ukraine hôm 24/02.

Hôm 21/03, Bloomberg đưa tin trích dẫn dữ liệu từ các quan chức hải quan Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã mua gần 401,000 tấn LNG của Nga vào tháng trước. Khối lượng đó chiếm 8% tổng lượng LNG nhập cảng của Trung Quốc trong tháng Hai.

Theo Bloomberg, nhìn chung trong tháng trước (01/2021), Trung Quốc nhập cảng khí tự nhiên lỏng ít hơn 12% so với tháng 02/2021.

Trong khi đó theo số liệu hải quan của Trung Quốc, nước này đã nhập cảng tổng cộng 12.67 triệu tấn dầu thô từ Nga trong hai tháng đầu năm nay.

Việc Trung Quốc tiếp tục mua năng lượng từ Nga đang mang lại nguồn thu quan trọng cho Moscow, vì lĩnh vực năng lượng của nước này ngày càng bị cô lập sau khi bị các lệnh trừng phạt và các biện pháp đáp trả khác đối với hành động xâm lược ở Ukraine.

Hôm 08/03, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cấm nhập cảng than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga. Ngay ngày hôm sau, Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập cảng dầu của Nga vào cuối năm nay.

Hôm 15/03, Liên minh Âu Châu đã công bố một gói trừng phạt khác nhằm vào Moscow, trong đó có lệnh cấm đối với các khoản đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Ngoài ra, khối đã đưa ra một hạn chế xuất cảng toàn diện đối với thiết bị, công nghệ và dịch vụ cho ngành năng lượng.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã chỉ trích các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt. Trong cuộc họp thường nhật hôm 02/03, ông Uông Văn bân, một trong những phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh và Moscow “sẽ tiếp tục tiến hành hợp tác thương mại bình thường.”

Hôm 09/03, một ngày sau khi Biden tuyên bố cấm các sản phẩm năng lượng của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hai nước láng giềng “luôn duy trì hợp tác năng lượng lành mạnh” và sẽ tiếp tục “tiến hành hợp tác thương mại bình thường, bao gồm cả trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ.”

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đang kêu gọi các biện pháp trừng phạt thứ cấp chống lại Nga, trong đó có Thượng nghị sĩ Pat Toomey (Cộng Hòa-Pennsylvania), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.

Ông Toomey viết trong một bài báo đăng hôm 21/03 trên Wall Street Journal: “Để cắt đứt doanh số bán dầu và khí đốt của ông Putin trên toàn cầu, chính phủ và Quốc hội nên áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với toàn bộ lĩnh vực tài chính của Nga.”

Ông nói thêm, “Những hình phạt này sẽ nghiêm cấm các ngân hàng ngoại quốc ở bất kỳ đâu trên thế giới, dưới sự đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, thực hiện các khoản thanh toán cho các ngân hàng Nga, bao gồm cả các khoản thanh toán cho dầu và khí đốt.”

Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã lên Twitter để bày tỏ sự ủng hộ đối với đề nghị của ông Toomey.

Ông Risch viết: “Các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ phong tỏa Nga khỏi phần còn lại của thế giới, cấm các ngân hàng ngoại quốc, như những ngân hàng ở Trung Quốc, kinh doanh với ông Putin và vô tình tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Đây là bước tiếp theo mà Chính phủ Tổng thống Biden phải thực hiện.”

Nỗ lực biến mình thành một bên trung lập của Bắc Kinh đã vấp phải nhiều chỉ trích. Hôm 15/03, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Bắc Kinh lên án Nga về hành động mà ông gọi là “cuộc xâm lược tàn bạo” của Moscow vào Ukraine.

Ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết hôm 22/03 rằng Trung Quốc nên đóng một “vai trò đáng chú ý hơn” trong việc kết thúc chiến tranh, trong một cuộc họp báo trực tuyến do tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London tổ chức.

Ông Yermak nói, “Cho đến nay chúng tôi đã thấy lập trường trung lập của Trung Quốc. Và, như tôi đã nói trước đây, chúng tôi tin rằng Trung Quốc… nên đóng một vai trò đáng chú ý hơn trong việc đưa cuộc chiến này tới hồi kết và trong việc xây dựng một hệ thống an ninh toàn cầu mới.”

Vài tuần trước chiến tranh, Bắc Kinh và Moscow đã nâng tầm mối quan hệ song phương của họ thành quan hệ đối tác “không giới hạn”, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo cũng cho biết sẽ “không có lĩnh vực hợp tác nào ‘bị cấm’” giữa các quốc gia của họ.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Chánh Tín biên dịch

Related posts