Quy ước bất thành văn về người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Trung Quốc

Đông Phương

Quy ước bất thành văn về người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Andrea Verdelli/Getty Images)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 11/3 rằng, năm nay là năm cuối cùng của ông trên cương vị Thủ tướng. Mặc dù vẫn còn một năm nữa, nhưng câu hỏi ai là người kế nhiệm ông Lý lại có biến số rất lớn. Và trong chính trường Trung Quốc có những quy ước bất thành văn về người kế nhiệm vị trí này.

Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan, thông thường có hai nguồn dự đoán về nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một là “thông tin” và hai là “phán đoán”. Tuy nhiên, các nguồn “thông tin” chỉ đáng tin hơn trong vòng hai tháng trước khi tin tức được công bố, tức là hai tháng trước khi Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 được tổ chức vào cuối năm nay. Do đó, ở giai đoạn này, người kế nhiệm ông Lý Khắc Cường vẫn được phán đoán dựa trên quy định pháp luật và quy ước nội bộ của ĐCSTQ.

Quy ước bất thành văn về độ tuổi ‘bảy lên tám xuống’

Theo khuôn mẫu hành vi trong quá khứ của Tập Cận Bình, mặc dù ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc dùng người không nên bị ràng buộc và có thể lên xuống. Nhưng trên thực tế, việc bố trí nhân sự cấp cao vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thông lệ truyền thống, ví như Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 năm 2017. Vào thời điểm đó, ngoại trừ ông Vương Kỳ Sơn, Phó chủ tịch nước Trung Quốc, nhận được sự sắp xếp đặc biệt, tất cả các nhân sự cấp cao còn lại đều được thăng chức dựa trên độ tuổi, những người đến tuổi đều bị hạ chức. 

Nếu ông Tập Cận Bình vẫn tuân theo quy ước trong đảng, thì quy tắc bất thành văn về “bảy lên tám xuống” (67 tuổi thăng chức, 68 tuổi hạ chức) trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ sẽ tiếp tục có hiệu lực. Theo đó, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại là ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) và Hàn Chính (Han Zheng) sẽ phải giải nhiệm. Và theo sự sắp xếp này, người kế nhiệm ông Lý Khắc Cường có thể là ông Uông Dương (Wang Yang), người từng giữ chức Phó thủ tướng, hoặc các Ủy viên Bộ Chính trị Lý Cường (Li Qiang), Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), v.v.

Nhưng có quy tắc thì cũng lại có ngoại lệ, và chính trường Trung Quốc đã từng có tiền lệ. Ngoài quy tắc tuổi “bảy lên tám xuống”, còn có “bảy mươi phong đỉnh”. Tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 15 năm 1997, ông Chu Dung Cơ khi đó đã 69 tuổi nhưng lại tiếp tục được đảm nhận chức Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và trở thành Thủ tướng Trung Quốc vào năm sau.

Quy ước trước khi làm Thủ tướng phải từng giữ chức Phó thủ tướng

Ngoài vấn đề tuổi tác, ĐCSTQ còn có một thông lệ khác là những người lên làm Thủ tướng trước hết phải trải qua chức vụ Phó thủ tướng, các đời Thủ tướng trước đó gồm các ông Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo, và Lý Khắc Cường đều như vậy. Theo quy ước này, các Phó thủ tướng hiện tại của Quốc vụ viện Trung Quốc bao gồm bà Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan), ông Hồ Xuân Hoa, ông Lưu Hạc và ông Hàn Chính đều có cơ hội. Nhưng về tuổi tác, ông Hồ Xuân Hoa có khả năng là người kế vị ông Lý Khắc Cường nhất.

Tuy nhiên, vào năm 2021, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã sửa đổi Luật Tổ chức. Trong đó quy định rằng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có quyền bổ nhiệm và bãi miễn các Phó thủ tướng của Quốc vụ viện trong khoảng thời gian không họp đại hội. Do đó, nếu ĐCSTQ có ý định bố trí những người trẻ tuổi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, các Ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi có thể sẽ được chỉ định vào chức Phó thủ tướng trước Đại hội 20. Theo đó, ông Lý Cường và ông Trần Mẫn Nhĩ sẽ có cơ hội nằm trong danh sách người kế nhiệm.

Ông Lý Khắc Cường sẽ phải từ chức Thủ tướng Quốc vụ viện vào năm sau theo luật định. Ai sẽ là người kế nhiệm ông Lý, điều này còn phải xem quan điểm của ông Tập Cận Bình về các quy ước và thông lệ trong ĐCSTQ, và có thể còn có tiêu chí ai sẽ người phù hợp nhất với mục tiêu “thịnh vượng chung” của ông Tập.

Đông Phương

Theo Vision Times

Related posts